Thứ năm 13 Tháng Ba 2014
Cảm nhận về thái
độ cứng rắn hơn của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đối với Trung Quốc trong hồ
sơ Biển Đông ngày càng được thực tế chứng minh. Vào hôm qua, 12/03/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ không
ngần ngại cáo buộc Trung Quốc là làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng
với các động thái bị coi là « khiêu khích ». Lời tố cáo được đưa ra sau
khi Manila chính thức phản đối Bắc Kinh về vụ tàu tuần duyên Trung Quốc cản
đường tàu tiếp tế Philippines tại vùng bãi Second Thomas Shoal trong khu vực
quần đảo Trường Sa ngày 09/03 vừa qua.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát
ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, đã bày tỏ thái độ quan ngại trước một
hành động nhằm phá vỡ nguyên trạng trong vùng Biển Đông.
Theo bà Psaki : « Đó là một
động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng. Trong khi chờ đợi giải pháp cho
các đòi hỏi chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông, không ai được quyền xen vào các
nỗ lực của các bên tranh chấp nhằm duy trì nguyên trạng ».
Ngày 11/03 vừa qua, Philippines
đã triệu đại biện sứ quán Trung Quốc tại Manila lên để phản đối vụ chặn tàu.
Manila tố cáo một hành động « đe dọa rõ ràng và cấp bách nhắm vào các quyền
và lợi ích của Philippines ». Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Trung Quốc đã bác bỏ lập luận của Philippines, tố cáo ngược lại là hai chiếc
tàu Philippines đã « vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc » và «
vi phạm » bản Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông ký kết năm 2002.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào hôm
qua, đã lên tiếng bênh vực Philippines và bác bỏ lập luận của Trung Quốc khi
cho rằng mọi quốc gia đều có quyền « thường xuyên tiếp tế và luân chuyển
nhân sự » đến các địa điểm họ nắm giữ ở Biển Đông từ trước khi có bản tuyên
bố năm 2002.
Tuyên bố của Mỹ về sự cố Second
Thomas Shoal là dấu hiệu mới nhất cho thấy là Washington ngày càng công khai thể
hiện rõ ràng lập trường ủng hộ đồng minh Philippines.
Trong thời gian một vài tháng
gần đây, các giới chức lãnh đạo quân sự và ngoại giao Mỹ đã liên tiếp lên tiếng
ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc,
đồng thời xác định trở lại giá trị của Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương
Mỹ-Phi.
Việc tăng cường hậu thuẫn cho
Philippines diễn ra song song với một thái độ kiên quyết trở lại trong hồ sơ
Biển Đông, cứng rắn hơn với Trung Quốc, tương tự như vào thời bà Hillary Clinton
làm Ngoại trưởng Mỹ.
Dĩ nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục
khẳng định là họ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp Biển Đông, thế
nhưng, những lời chỉ trích Trung Quốc đã cứng rắn hẳn lên, tương tự như những
gì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói vào hôm qua.
Chiến dịch có thể gọi là phản
công Trung Quốc của Mỹ nhấn mạnh trên hai hướng. Trước hết là trên bình diện
pháp lý, với những đòn tấn công liên tiếp đánh vào tính chất không phù hợp với
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 của đường lưỡi bò vốn được Bắc Kinh
dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của họ.
Ngoài ra, sau khi có tin là
Trung Quốc sẵn sàng lập thêm một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông,
tương tự như khu vực mà họ đã tuyên bố trên Biển Hoa Đông vào cuối năm ngoái,
Hoa Kỳ đã tiến lên tuyến đầu trong việc cảnh cáo Trung Quốc là không nên lập
vùng phòng không ở Biển Đông.
No comments:
Post a Comment