Thursday, 13 March 2014

CÁC VÙNG LÃNH HẢI HỖN LOẠN Ở ĐÔNG BẮC Á (worldaffairsjournal.org)




worldaffairsjournal.org – Tháng 1,2/2014

Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by News on March 13th, 2014

Nhật Bản và Trung Quốc đã giám sát nhất cử nhất động của nhau ở biển Hoa Đông trong hơn một năm qua. Kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012, “các đội tàu thực thi luật hàng hải” của Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra ở các vùng biển tranh chấp gần quần đảo này. Trung Quốc tuyên bố rằng các hoạt động tuần tra thường xuyên này là theo thường lệ và bình thường. Các tàu lớn của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã phải hoạt động quá mức để giám sát và theo dấu mọi hoạt động xâm nhập của Trung Quốc để chứng tỏ Tokyo không thừa nhận các tuyên bố về quyền tài phán của Bắc Kinh.

Trước khi cuộc khủng hoảng cho đến nay vẫn ở mức độ thấp này bắt đầu, dường như không chắc rằng Trung Quốc có ý định tranh giành với Tokyo về chủ quyền đối với những hòn đảo không có người sinh sống nói trên – “các đảo nhỏ” quả thực là một thuật ngữ phù hợp hơn để mô tả những hòn đảo này – và quyền kiểm soát hành chính đối với các vùng lãnh hải xung quanh. Và thậm chí càng có ít ý kiến cho rằng Nhật Bản sẽ cố gắng hết sức để đưa ra một phản ứng thích hợp. Đó là một bằng chứng cho các giả định hay thay đổi về những tham vọng đang gia tăng của Trung Quốc rằng phép thử ý chí kéo dài này đã không được báo chí phương Tây đưa tin rộng rãi. Trò chơi mèo đuổi chuột này dường như đã trở thành điều bình thường mới mẻ ở châu Á hải đảo.

Cuộc đối đầu âm ỉ này được cho là do các tuyên bố chủ quyền xung đột nhau cũng như sự cạnh tranh về các nguồn dầu khí (hydrocarbon) và quyền đánh bắt cá. Nhưng giá trị chiến lược về địa lý, một sự mất cân bằng quyền lực mới trên biển và các môn đồ cạnh tranh về trật tự khu vực đã làm gia tăng các mối nguy. Các vấn đề này không những kéo dài cuộc đọ sức mà còn mở rộng phạm vi và ý nghĩa của cuộc xung đột, điều hiện giờ sẽ kéo theo không gì hơn ngoài vị thế trong tương lai của Nhật Bản và Trung Quốc ở khu vực châu Á hải đảo. Cho đến nay, Nhật Bản dường như đang ở thế bất lợi trong cuộc ganh đua này, vì thế, việc hiểu được những nguyên nhân cơ bản của cuộc cạnh tranh và đánh giá những lựa chọn chiến lược mà Nhật Bản có thể sử dụng là rất quan trọng đối với Tokyo cũng như với Mỹ bởi mối quan hệ mật thiết giữa hai nước.

về địa lý, Nhật Bản và Trung Quốc bị trói chặt với nhau vào một tình thế khó xử – một cường quốc trên đất liền và một quốc đảo nằm gần nhau, lãnh thổ nước này lại cản trở lối tiếp cận ra biển của nước kia. Nhìn lướt qua bản đồ ta có thể thấy một chuỗi dài các hòn đảo – chạy dọc xuống phía Nam từ Nhật Bản đến Phillippines – nằm ngay ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc. Quần đảo Nhật Bản nằm gần biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, với hòn đảo ở cực Nam chỉ cách bờ biển phía Đông của Đài Loan 8

hải lý. Đối với Trung Quốc, thực tế địa lý khắc nghiệt ở đây là các tuyến đường thẳng nhất tới vùng biển khơi của Thái Bình Dương lại đi xuyên qua những điểm nút thắt vốn được tạo thành bởi các hòn đảo của Nhật Bản. Đối với nhiều chiến lược gia Trung Quốc, Nhật Bản là một chướng ngại vật cản trở Trung Quốc tiếp cận “đại lộ” trên biển, giới hạn những tham vọng hàng hải hợp pháp của quốc gia này.

Khi lực lượng hải quân đang được hiện đại hóa của Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động, việc các đội tàu hải giám Trung Quốc đi qua các vùng lãnh hải nhỏ hẹp và tuần tra dọc bờ biển phía Đông của Nhật Bản đã trở thành một điều rất đỗi bình thường. Bắt đầu chỉ cách đây 5 năm khi các vụ xâm nhập vào khu vực biển Thái Bình Dương diễn ra lác đác, những cuộc “thám hiểm” như vậy giờ đây được tiến hành thường xuyên quanh năm. Vào tháng 7/2013, một đội tàu chiến mặt nước của Trung Quốc đã băng qua Eo biển Soya (lần đầu tiên các đơn vị Hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, hay PLAN, thực hiện một cuộc chuyến hành trình như vậy), đi vòng quanh Nhật Bản, và vòng trở lại cảng xuất phát qua tuyến eo biển quốc tế giữa hai hòn đảo Okinawa và Miyako. Các máy bay cảnh báo sớm, máy bay ném bom và máy bay không người lái của Trung Quốc cũng đã bắt đầu tuần tra khắp không phận biển Hoa Đông. Các vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Hoa Đông hồi tháng 11/2013, yêu cầu tất cả máy bay nước ngoài khi đi vào khu vực này phải báo cáo lộ trình bay cho các nhà chức trách ngành hàng không Trung Quốc. Động thái gây bất ổn này một phần nhằm mục đích nâng cao năng lực tuần tra của Bắc Kinh tại các vùng lãnh hải tranh chấp trong khi giữ không cho các bên khác tiếp cận. ADIZ của Trung Quốc cũng nằm chồng lên ADIZ của Nhật Bản và mở rộng tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Xét việc Trung Quốc quyết tâm biến hoạt động tăng cường này thành nguyên trạng mới, những vụ đụng độ thường xuyên giữa các lực lượng Trung Quốc và Nhật Bản trong những không gian tương đối hẹp ở các vùng biển Đông Á có thể sẽ là quy phạm cho những năm tới.

Đầu những năm 1990, không có tàu khu trục, tàu chiến hay tàu ngầm nào của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn “hiện đại” theo các chuẩn mực của phương Tây. Tuy nhiên, đến giữa những năm 1990, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chuyển mình khi một loạt tàu lớn hiện đại liên tiếp gia nhập vào quân chủng này. Thập kỷ tiếp theo đã chứng kiến việc PLA đưa vào sử dụng hàng loạt tàu chiến mới. Giữa năm 2000 và 2010, hạm đội tàu ngầm tấn công hiện đại của Trung Quốc đã tăng hơn 6 lần, trong khi số lượng tàu khu trục và khu trục hạm hạng nhỏ mới được đưa vào hoạt động đã lần lượt tăng gấp ba và gấp đôi. Tất cả những tàu hiện đại này được đóng để phục vụ trong vòng 20 đến 30 năm, hứa hẹn một sự hiện diện kéo dài trong nhiều thập kỷ ở các vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ khó có thể bắt kịp Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh đã đạt mức tăng trưởng 2 con số qua hơn hai thập kỷ, một quỹ đạo sẽ còn tiếp diễn bất chấp những dấu hiệu về một nền kinh tế đang chậm lại. Trái lại, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đã suy giảm 11 năm liền cho đến khi Thủ tướng Shinzo Abe đảo ngược đà tuột dốc này hồi năm 2013. Mặc dù sự đảo chiều này về mặt biểu tượng là quan trọng, nhưng sự gia tăng chi tiêu quốc phòng mà ông Abe đã thực hiện – ít hơn 1% – không phải là một nỗ lực cạnh tranh nghiêm túc. Trừ phi có sự đảo ngược kịch tính về chính sách tài khóa, một viễn cảnh khó có thể xảy ra, Nhật Bản không thể hy vọng xây dựng sức mạnh trên biển lớn mạnh hơn Trung Quốc.

Sự phát triển của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG), quân chủng gần đây đã thống nhất việc giám sát và thực thi luật pháp và được giao phó nhiệm vụ bảo vệ các tuyến bố hàng hải của Bắc Kinh, là mũi nhọn của cây đinh ba Trung Quốc. Mặc dù Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) không phải là một đối thủ dễ chơi, hệ thống bán quân sự của Trung Quốc đang được tăng cường đều đặn về số lượng các tàu vũ trang cỡ nhỏ mới. Có tin nói, một chương trình đóng tàu mang tính gây hấn được bắt đầu cách đây vài năm sẽ cho hạ thủy hơn 30 tàu vào năm 2015. Vào tháng 8 và tháng 9/2013, Trung Quốc đã hạ thủy tàu Hải Cảnh 3401 và Hải Cảnh 2401, cả hai tàu này đều có trọng lượng đáng kinh ngạc, lên tới 4000 tấn. Việc bổ sung tàu hạng nặng, mới này đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể duy trì một sự hiện diện rõ rệt ở các vùng lãnh hải nơi Bắc Kinh đòi quyền tài phán.

Việc xây dựng lực lượng đang tỏ ra có hiệu quả. Tính đến lễ kỷ niệm lần đầu tiên của cuộc khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư, các tàu hải giám Trung Quốc đã thực hiện 59 cuộc tuần tra ở các vùng lãnh hải tranh chấp. Mỗi lần các tàu Trung Quốc xâm nhập, JCG đã ngay lập tức điều động các tàu của mình để cảnh cáo các tàu Trung Quốc, đồng thời thử thách khả năng chịu đựng cũng như quyết tâm của quân chủng hải quân này. Năng lực đang gia tăng của Trung Quốc trong việc gây nên áp lực dai dẳng như vậy đã buộc JCG phải từ bỏ các kế hoạch loại thải những tàu chiến cũ kỹ vốn đã sẵn sàng ngừng hoạt động. Liệu các kế hoạch mới đây của JCG nhằm bổ sung thêm tàu và binh sỹ có làm chậm lại độ nghiêng của cán cân sức mạnh về phía Trung Quốc hay không vẫn còn phải chờ xem.

Tính bền vững của năng lực hàng hải mới của Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: Tokyo phải học cách chung sống với sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Để củng cố quan điểm này, ngay cả khi các tàu hải giám của Trung Quốc cư xử hung hăng ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh thường xuyên công khai tuyên bố rằng đây chỉ đơn thuần là việc làm thường lệ. Chẳng hạn, hồi tháng 9/2013, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã khẳng định: “Các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc đến các vùng lãnh hải có liên quan ở phía Tây Thái Bình Dương để thực hiện hoạt động huấn luyện thường xuyên là phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Không bên nào được phản ứng thái quá đối với các hoạt động bình thường và hợp pháp của quân đội Trung Quốc”. Quả đấm sắt bọc nhung này rõ ràng là đang nhằm về phía Nhật Bản.

Bất cứ khi nào CCG điều động các tàu tuần tra của mình tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc điều động đều được công bố trên các trang mạng của chính phủ và được đưa tin nghiêm túc trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Một bản tin chính thức được phát hành vào tháng 9/2013 đã tán dương việc thành lập CCG để “duy trì các cuộc tuần tra tại các vùng lãnh hải ở quần đảo Điếu Ngư của đất nước chúng ta, trong khi bảo vệ các quyền và thực thi luật pháp theo các quy định và điều luật có liên quan của đất nước chúng ta”. Vào tháng 12/2012, sau khi một máy bay do thám của Trung Quốc bay qua quần đảo này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã tuyên bố rằng cái mà Nhật Bản xem là một sự vi phạm không phận là điều “hoàn toàn bình thường”. Các tờ báo của Chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng bảo vệ ADIZ, lập luận rằng khu vực ADIZ này là phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của Trung Quốc.

Những tuyên bố công khai như vậy báo hiệu cho quyết tâm của Trung Quốc. Nhưng, bằng cách dựng Senkaku/Điếu Ngư lên thành một vấn đề về thực thi pháp luật trong nước, Bắc Kinh lại làm gia tăng các mối nguy. Một vấn đề nội bộ đơn giản là không thể thương lượng. Để phủ nhận, Nhật Bản về phần mình từ chối thừa nhận rằng một cuộc tranh chấp thậm chí đang tồn tại. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không thể rút lại những lập trường không thể hòa giải như vậy. Bất kể tình huống nào ngoại trừ thắng lợi hoàn toàn cũng đều sẽ được xem như là một sự nhượng bộ không thể chấp nhận được cho cả hai phía. Nếu không có một bước đột phá ngoại giao, các hoạt động tuần tra và chống tuần tra xung quanh quần đảo này có thể sẽ tiếp tục, đẩy cả hai bên vào thế đối đầu triền miên nhưng ở cấp độ thấp. Trung Quốc có thể đủ khả năng để chơi trò chờ đợi như vậy và Trung Quốc biết rằng mình thực sự đang thắng thế trong cuộc đấu này bởi các đường xu hướng về sức mạnh hữu hình hiện đang rất có lợi cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn thông điệp của Bắc Kinh vốn cho rằng Tokyo nên quen với khuynh hướng tiến ra biển của Trung Quốc đó là sự bất bình đang gia tăng của Trung Quốc đối với trật tự hàng hải châu Á và vai trò của Nhật Bản trong đó. Với việc chỉ trích chủ nghĩa quốc tế tự do phương Tây, những nhân vật có tiếng nói mạnh mẽ trong quân đội và chính giới Trung Quốc bày tỏ sự ngờ vực về cương vị quản lý của Mỹ ở các vùng lãnh hải này và mong muốn Bắc Kinh xem xét lại trật tự có lợi cho Bắc Kinh. Nếu một thế giới quan như vậy kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạch định chính sách, khi đó các cuộc đối đầu hàng hải gần đây nhất liên quan đến Trung Quốc có thể là một dấu hiệu cho những gì sắp xảy ra. Quan điểm của những người muốn thúc đẩy sự vượt trội của Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ ngay sau các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Một số nhà trí thức công chúng có đường lối cứng rắn nói trên đã chĩa đích nhắm của họ vào Nhật Bản như là một mục tiêu trong nỗ lực bá quyền khu vực biển châu Á. Ye Hailin, một học giả thuộc Học viện Khoa học Xã hội uy tín của Trung Quốc, lập luận rằng giải pháp cho cuộc tranh chấp này sẽ không những giải quyết vấn đề chủ quyền, mà còn định rõ “địa vị chiến lược” trong dài hạn của Trung Quốc, Nhật Bản, và Mỹ. Ông cho rằng:

Nếu Nhật Bản cuối cùng buộc Trung Quốc phải từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư nhờ sự ủng hộ của Mỹ, khi đó trật tự châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo vốn được củng cố bởi liên minh Mỹ-Nhật chắc chắn sẽ được tái khẳng định. Đồng thời, việc Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ của mình theo đó biến đổi từ một quốc gia lục địa thành một quốc gia hàng hải sẽ không được thực hiện. Mặt khác, nếu Trung Quốc thành công trong việc thực hiện các tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư, khi đó nó sẽ có nghĩa rằng thời đại Mỹ thống trị trật tự hàng hải châu Á – Thái Bình Dương vì những lợi ích và thậm chí là ưu tiên của mình sẽ kết thúc ngay lập tức. Trung Quốc khi đó sẽ trở thành một bên tham gia quan trọng trong việc phát triển và duy trì trật tự hàng hải Thái Bình Dương.

Mặc dù Ye cường điệu lý lẽ của mình, nhưng ông ta rõ ràng nhận thấy cuộc tranh giành quần đảo này là một trận đấu tập để chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh lớn hơn giữa các nước lớn. Nếu lập luận này trở thành chính sách chính thức ở Bắc Kinh, khi đó vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể vượt ra khỏi phạm vi của cuộc tranh chấp lãnh thổ, và sự khuất phục của Nhật Bản trước việc sử dụng biển Hoa Đông mang tính chiến lược của Trung Quốc có thể chỉ là khúc dạo đầu của một biến cố lớn hơn.

Một thập kỷ trước, sự thờ ơ, nếu không nói là hợm mình, chính là thái độ của Nhật Bản đối với sức mạnh hàng hải của Trung Quốc. Khi đó, quan điểm phổ biến cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục tận hưởng một sự vượt trội định tính mà Trung Quốc gần như không thể vượt qua trong tương lai gần. Ngày nay thì không phải như vậy. Các sách trắng quốc phòng thường niên mới đây nhất của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã dành ngày càng nhiều trang để đề cập đến Hải quân Trung Quốc. Kể từ năm 2011, nhóm nghiên cứu nội bộ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố các báo cáo hàng năm về chính sách an ninh của Trung Quốc, đặc biệt lưu ý đến các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Các đô đốc Hải quân về hưu cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận này, cảnh báo về sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc trên các tờ báo cũng như các tạp chí quân sự phổ biến. Một sự ý thức về tình hình cấp bách giờ đây đang cổ vũ cho cộng đồng chiến lược của Nhật Bản, vốn tham gia khá muộn vào cuộc cạnh tranh hàng hải trong dài hạn với Trung Quốc.

Thứ nhất, Tokyo đang “xoay trục” vốn hướng Bắc về phía Nga – một di sản lỗi thời của cuộc Chiến tranh Lạnh – sang bên sườn phía Nam của mình. Nhật Bản do vậy đã dịch chuyển sự chú ý và các nguồn tài nguyên của mình sang hướng Tây Nam hay quần đảo Ryukyu, một chuỗi các hòn đảo rộng 600 dặm trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan. Tokyo dự định triển khai thêm các đơn vị không và hải quân cũng như bộ binh đồn trú mặt đất ở trên quần đảo Ryukyu. Tokyo tin rằng bằng cách tăng cường phòng thủ dọc quần đảo Ryukyu, Tokyo có thể có được một ưu thế địa lý lâu dài theo đó chuỗi đảo này sẽ cho Tokyo cơ hội cắt đứt lối tiếp cận của Trung Quốc vào các vùng biển khơi – giống như quần đảo Nhật Bản đã từng giam chân Hải quân Xôviết ở Biển Nhật Bản (Biển Đông theo cách gọi của Hàn Quốc) – và cung cấp một hình thái đòn bẩy chiến lược.

Thứ hai, Nhật Bản đang giải quyết tình trạng xuống cấp của các tài sản hàng hải của mình. Vào năm 2010, Tokyo đã bắt đầu mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm đáng gờm của mình từ 16 tàu lên 22 tàu. Động thái này tạo đòn bẩy cho một sức mạnh lâu đời của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) trong khi lại khai thác được tình trạng yếu kém hiện thời về năng lực chống tàu ngầm (ASW) của Hải quân Trung Quốc, một lĩnh vực mà các chỉ huy quân sự của PLAN đã sao lãng trong nhiều năm. Để bù đắp cho yếu điểm này, Bắc Kinh sẽ phải dành nhiều sự chú ý hơn cho năng lực săn ngầm của Hải quân nước này so với trước đây. Việc tăng chi tiêu cho ASW đến lượt nó có thể làm giảm bớt các nguồn tài nguyên mà Hải quân Trung Quốc sử dụng để xây dựng lực lượng tàu ngầm và các loại vũ khí tấn công khác. Vì thế, việc Nhật Bản sở hữu ngày càng nhiều tàu ngầm buộc Trung Quốc phải có những lựa chọn cứng rắn.

Thứ ba, vị thế của Nhật Bản có thể được củng cố nếu Tokyo, Washington và các bên tham gia khác tiếp tục công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trật tự hàng hải hiện nay. Chiều hướng này đã bắt đầu vào 3/10/2013, khi ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ-Nhật tái xác nhận cam kết của mình đối với vấn đề an ninh hàng hải. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, ủy ban này đã xác định “các hành vi cưỡng ép và gây bất ổn ở lĩnh vực hàng hải” như là một trong “những thách thức đối với các quy tắc quốc tế”, ủy ban này cũng đã nhắc lại mục tiêu khuyến khích Trung Quốc “tôn trọng triệt để các quy tắc hành xử quốc tế”. Vào ngày tiếp theo, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thẳng thừng đưa ra một tuyên bố tay ba gây sửng sốt rằng các nước này “phản đối bất kỳ hành động cưỡng ép hay đơn phương nào có thể làm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông”. Trên thực tế, ba quốc gia hàng hải này đã định rõ những thỏa thuận hiện thời như là thực tế trong tương lai. Quan trọng hơn, liên minh có cùng mục đích này đã báo hiệu một quyết tâm ngăn chặn sự xói mòn hay thoái lui của trật tự hàng hải hiện nay.

Cuối cùng, Tokyo đang chống lại Trung Quốc trong khuôn khổ của liên minh Mỹ-Nhật. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ hồi tháng 6/2013, các lực lượng mặt đất, không quân và hải quân Nhật Bản đã tham gia một cuộc tập trận đổ bộ có quy mô lớn cùng với các lực lượng Mỹ lãnh thổ của Mỹ. Thủ tướng Abe cũng đã thúc giục bãi bỏ lệnh cấm vận thực hiện “quyền tự vệ tập thể”, vốn cấm Nhật Bản trợ giúp các lực lượng Mỹ trong trường hợp quân Mỹ bị tấn công. Trong số các kịch bản được sử dụng nhằm ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Abe, một kịch bản đòi hỏi hành động của hải quân là nổi trội hơn cả. Hãy tưởng tượng nếu một tàu chiến Nhật Bản ở vào một tình thế phải giúp đỡ một đơn vị hải quân của Mỹ vốn đang bị kẻ địch tấn công, nhưng lại không có hành động thích đáng nào do các hạn chế về hiến pháp. Liên minh này có thể không tồn tại sau một tình thế không hành động như vậy. Xu hướng mới của Nhật Bản theo đó hành động cùng với quân đội Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe của liên minh.

Những tín hiệu như vậy không qua được mắt Trung Quốc. Những bước đi ban đầu này ám chỉ rằng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang bắt đầu nhận ra, dù miễn cưỡng, rằng Nhật Bản dần dần sẽ yếu hơn Bắc Kinh nếu Tokyo không hành động. Những giả định lạc quan trước đây về việc người Trung Quốc hài lòng rằng Trung Quốc là một cường quốc đất liền ghê gớm hiện không còn có giá trị nữa. Tokyo cuối cùng đã hiểu ra rằng họ chỉ có hai lựa chọn thay thế – giúp đỡ Bắc Kinh, hoặc phản ứng nhanh nhẹn và tham gia vào một trò chơi rủi ro mà dự kiến sẽ kéo dài./.



No comments:

Post a Comment

View My Stats