Saturday, 8 March 2014

MỘT CHÚT TÌNH CHO QUÊ HƯƠNG (GoCoMay)




Posted on 08/03/2014 by gocomay

Nhận được mẩu tin thông báo ngắn trên tờ Tostedter Anzeiger (báo địa phương của Đức) về cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 35 chiến tranh biên giới Việt – Trung do một số chính trị gia của SPD chủ trì, vài anh chị em Người Việt quan tâm tới sự kiện đã tới tham dự. Thú thật trước khi đi, có anh em còn không khỏi băn khoăn:
Lạ thật cho mấy thằng Người Đức này. Chuyện đau lòng của Người Việt Nam mà người ta còn chẳng thèm quan tâm. Đằng này còn mở hội thảo để xem nỗi đau đớn của chiến tranh bị xâm lược đến nhường nào. Đúng là “tư bản giẫy chết”…

Đó là thổ lộ từ đáy lòng của anh bạn thân của tôi trên “Phây” cá nhân của mình như thế.

Sáng thứ Bẩy tuần trước, mới bảnh mắt ra chưa cà phê cà pháo gì, có chú hàng xóm gọi điện sang hỏi: bên nhà anh còn đầu Video VHS không?
Trả lời:
Bây giờ mèng nhất cũng là DVD, ai còn dùng cái đồ cổ ấy làm gì?
Chưa đầy mươi phút sau thấy hắn tò tò vác sang chiếc đầu VHS cũ mèm. Hắn nói, ông anh thử “duyệt” giúp xem tư liệu này có thể mang tới chiếu ở cuộc hội thảo vào tối thứ Sáu tuần tới được không?

Thì ra đây là bản sao phim “Lạng Sơn-Takano” do cố đạo diễn Trần Thịnh (bố đẻ của hắn - Trần Anh Tú) làm cách đây đúng 35 năm. Vừa xem phim hắn vừa thì thầm: “Em phải bỏ ra mấy mấy chỉ vàng để nhờ người quen ở Viện tư liệu phim (Phố Ngọc Khánh – Hà NộI) sao cho đấy… may mà dạo đó phim còn… chứ bây giờ nghe nói, phim 35 mm loại này mốc hỏng hết rồi….”

Xem phim xong, tôi gọi điện ngay cho một ông trong BTC và đăng ký để phim được chiếu trong khuôn khổ cuộc hội thảo. Tôi nói với Tú, đây là cuộc hội thảo của tụi tây, nên mình không hoàn toàn chủ động được. Ta cứ tùy cơ ứng biến nhé!

Trước giờ hội thảo diễn ra (tối 07.03), lúc chúng tôi tới thì BTC còn đang kê bàn ghế. Căn phòng nhỏ xinh xắn chỉ đủ chỗ cho khoảng hai chục người. Trong lúc Đức và Trung Quốc đang làm ăn buôn bán gia tăng với kim ngạch 2 chiều hàng trăm tỷ Euro như hiện nay, lại có chính trị gia của SPD (trong liên minh cầm quyền), bày ra hội thảo hội thiếc về cuộc chiến tranh xâm lược và bành trướng của anh “bạn vàng” nhà mình thế này kể cũng khó coi. Chắc đoán trước được tình huống đó nên căn phòng nhỏ xinh được chọn hôm nay là rất phù hợp với ngữ cảnh này!

Cử toạ vừa yên vị xong, đích thân bà Tamara-Booswagner, người chủ trì buổi hội thảo mang tài liệu phát tận tay từng đại biểu một. Thế mới thấy các chính trị gia xứ người ta tận tụy với công việc và “quần chúng” hơn các quan chức ”xứ thiên đường” mình qua từng cử chỉ. Chính những thứ tưởng như vặt vãnh đó đã xóa đi những cách biệt giữa chủ và khách ngay từ lúc ban đầu. Vì thế, tuy chưa đầy hai chục người, không khí đã nóng ngay khi hai người (Bà Booswagner và ông Phạm Công Hoàng) nêu chủ đề chính của cuộc hội thảo. Từ cuộc chiến biên giới Việt Trung (17.02-18.03.1979), cuộc hội thảo còn mổ xẻ cả những vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung-Nhật trên cùng biển Hoa Đông (đảo đá Senkaku). Đặc biệt những động thái ngày càng táo tợn của Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á trên biển Đông (quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa) bằng việc vẽ đường lưỡi bò đòi chủ quyền tới 80% lãnh hải.

Tôi cảm thấy nóng mặt khi có cử toạ (Ông Volker Elstermann – thương gia) cật vấn ông Phạm Công Hoàng: Tôi không thắc mắc tư cách của bà Booswagner – vừa dân biểu vừa đại diện cho SPD ở tiểu bang Niedersachsen. Nhưng tư cách của qúi ông, đại diện cho ai, cho nhà nước Việt Nam hay chỉ tư cách cá nhân?

Ông Hoàng trả lời:
Tôi với tư cách là công dân cũ của Việt Nam Cộng Hòa, muốn đòi lại Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép vào 19.01.1974. Quần đảo đó là thuộc chủ quyền thiêng liêng của nước Việt Nam, lúc đó do VNCH đang cai quản. Hiện nay, tôi là công dân Đức gốc Việt. Tôi là nhà hoạt động tôn giáo. Tôi mong muốn Việt Nam quê hương tôi không còn hiểm hoạ chiến tranh tang tóc như cuộc chiến Việt-Trung đẫm máu cách đây 35 năm. Tôi muốn các quyền con người phổ quát của quốc tế được thực thi ở Việt Nam để những phật tử nói riêng và tất cả người dân Việt nói chung được tự do hành đạo và được hưởng đầy đủ các giá trị cơ bản ấy…

Không biết có phải vì không thỏa mãn với câu trả lời đó mà ông ta đã rất lịch lãm xin phép rút lui. Cáo bận khi phim tư liệu Lạng Sơn – Takano chuẩn bị trình chiếu. Bù lại cử toạ (ông Peter Dörsam - ứng viên chức Thị trưởng của Gemeide Tostedt) cho rằng, những quan điểm khác trong trong đời sống chính trị ở một thể chế dân chủ là rất bình thường. Một xã hội mà không có đối lập thì chả khác nào một con bệnh không có sức đề kháng. Như cuộc tranh luận giữa (cực) tả và (cực) hữu. Luôn tồn tại ở Đức kể từ ngày lập quốc. Vai trò của nhà nước là phải biết điều tiết không cho các xung đột ấy phá vỡ các thiết chế tự do dân chủ của xã hội. Vận dụng vào cuộc tranh chấp Việt-Trung trong qúa khứ cũng như hiện tại, người Đức chúng tôi không quan tâm tới chuyện 2 chế độ cộng sản ấy đánh nhau ra sao. Nhưng chúng tôi quan tâm tới các xung đột đó đã ảnh hưởng ra sao tới sự ổn định của khu vực Đông Nam Á nói riêng và hòa bình thế giới nói chung. Bất ổn ở thị trường quan trọng ấy, một nước có thế mạnh về xuất khẩu như Đức cũng vô cùng quan ngại…

Các hiểm họa từ lối làm ăn chụp giật của Hoa lục trong việc tung ra thị trường những sản phẩm giá rẻ nhưng độc hại cho người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cũng được 3 cử toạ (hai chàng trai và một chàng rể xứ Việt) nêu ra đã gây được sự chú ý của khán phòng ở gần cuối buổi hội thảo.

Trước khi bế mạc, bộ phim tư liệu qúi của cố đạo diễn Trần Thịnh (Hãng phim TLKH TW – Hà Nội) cũng gây ấn tượng mạnh cho tất cả người xem. Vừa ăn bánh ngọt vừa xem phim cũng làm cho không khí buổi hội thảo trở nên ấm cúng thân mật hơn!

Chắc các tiền bối (bác Trần Thịnh cũng như các anh hùng liệt sỹ và nạn nhân của cuộc chiến biên giới Việt-Trung 35 năm trước) cũng được an ủi phần nào…

Xin post lên vài hình ảnh tiêu biểu của buổi hội thảo ở Tostedt – 07.03.2014:




No comments:

Post a Comment

View My Stats