Ngô Nhân
Dụng
Tuesday, March 11, 2014 7:16:59 PM
Năm 2004, dân Ukraine đã làm cách mạng một lần, cuộc Cách Mạng Mầu Da Cam; một năm sau cuộc Cách Mạng Mầu Hồng ở Georgia. Nhưng cuộc Cách Mạng Mầu Cam không thành công. Mười năm sau người Ukraine đã nhận ra: Lật đổ một chính quyền không đủ. Phải nhổ rễ những tệ nạn nằm trong cơ cấu tổ chức xã hội, thay đổi tương quan giữa những người nắm quyền lực và người dân bình thường. Ðây là một bài học cho tất cả mọi dân tộc đang sống trong các chế độ độc tài và đang khao khát xây dựng tự do dân chủ.
Khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, một quốc
gia mới ra đời tách khỏi Liên Bang Xô Viết, nhưng cơ cấu quyền lực chưa thay
đổi. Người ta viết bản Hiến Pháp mới, đổi tên các chức vụ cầm quyền, có những
khuôn mặt mới xuất hiện; nhưng chính những người nắm quyền vẫn giữ các thói
quen của thời sống dưới chế độ cộng sản. Lý do chính là vì cả nước Ukraine chưa
bao giờ có sinh hoạt chính trị thật sự; không một đảng phái nào được hoạt động,
không một nhân vật nào nổi bật lên trong vai trò đối lập. Người người nắm quyền
vẫn giữ thói quen coi quyền bính là một cơ hội kiếm lời. Họ không nghĩ nắm
chính quyền là ký một bản hợp đồng với dân, cung cấp các dịch vụ quản trị xã
hội mà ở nước nào cũng cần người phụ trách. Giới lãnh đạo chính trị coi họ là
thành viên một câu lạc bộ với những quy tắc hành xử riêng, trong một cơ cấu
riêng giữa họ với nhau. Họ tranh giành địa vị mà không thiết lập những cơ cấu
thay mặt cho người dân kiểm soát người cầm quyền. Người này lên, người kia
xuống, là kết quả những cuộc tranh giành trong câu lạc bộ của giới “ưu việt
chính trị” (elite) xem ai có nhiều tiền bạc hơn khi dùng để vận động lấy phiếu
của người dân. Muốn có nhiều tiền bạc hơn, họ giành nhau quyền sử dụng guồng
máy kinh tế đang chuyển từ xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường.
Trong lãnh vực kinh tế, các xí nghiệp quốc doanh
được tư nhân hóa theo những phương pháp nhắm chuyển quyền sở hữu từ đảng nhà
nước cộng sản sang các người đang nắm chức vụ quản lý. Ðó là một chương trình
chuyển tài sản quốc gia vào trong tay một số cán bộ lớn. Giới“ưu việt kinh tế”
này giữ thói quen của thời ký đảng cộng sản nắm độc quyền khai thác tài nguyên
quốc gia, cho nên họ thờ ơ, không muốn thiết lập cơ cấu thị trường cạnh tranh.
Thiếu luật pháp cho thị trường hoạt động, hệ thống tài chánh, ngân hàng không
thay đổi theo quy chế thị trường tự do cho nên không khuyến khích được các nhà
kinh doanh mới, không mở thêm nhiều hoạt động kinh tế mới. Ukraine là một trong
những xứ cải tổ kinh tế chậm chạp nhất trong số các nước cựu cộng sản ở Ðông
Âu. Cho nên Ukraine cũng là một nước kinh tế thụt lùi, giống như một số nước
Trung Á tách ra từ Liên bang Xô viết. Kinh tế những nước này không tiến lên
được như ở các nước đã thay đổi nhanh chóng, là Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Slovak,
hoặc các nước Estonia, Latvia và Lithuania ở miền biển Baltic, trước cũng thuộc
Liên Xô.
Giới lãnh đạo chia nhau kiểm soát quyền hành trong
lãnh vực chính trị cũng như kinh tế, và họ liên kết với nhau lập thành các đảng
phái; người dân không thực sự kiểm soát người nắm quyền, mặc dù họ vẫn được tự
do bỏ phiếu. Ðó là thực trạng của chế độ chính trị tại Ukraine, suốt từ khi
tách khỏi Liên Xô. Ðiều may mắn là vì chế độ đã dân chủ hóa trên danh nghĩa,
nên người dân bắt đầu được hưởng các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận; nhờ
thế mới phát sinh các cuộc Cách Mạng Mầu Cam năm 2004 và năm nay. Mỗi lần,
người dân thức tỉnh, đứng dậy đòi dân chủ, tự do thật sự, chính quyền bị lật
đổ. Nhưng năm nay, người dân Ukraine đã rút kinh nghiệm mười năm trước, họ tiếp
tục các cuộc biểu tình ở Quảng trường Maidan, và theo dõi hành động của chính
quyền mới ra đời.
Cuộc cách mạng năm nay bắt nguồn từ ý nguyện của
người dân muốn đưa nước Ukraine tiến dần đến với Liên Hiệp Châu Âu (EU), thay
vì chịu lệ thuộc Nga về kinh tế và chính trị, như ông cựu tổng thống Viktor Yanukovych
chủ trương. Có những lý do nào khiến dân Ukraine lựa chọn như vậy?
Thứ nhất, vì Liên Hiệp Châu Âu đã có một cơ cấu
chính trị, kinh tế, xã hội, có thể làm kiểu mẫu cho Ukraine bắt chước. Người
dân Ukraine thấy rõ sau hơn 20 năm thoát khỏi chế độ cộng sản, chính xã hội Nga
vẫn còn những di sản của chế độ độc tài cũ, trong khi các nước như Ba Lan,
Hungary, Tiệp, Slovac, và các nước vùng biển Baltic đã thay đổi cơ cấu chính
trị, kinh tế nhanh chóng, và tất cả đều tiến bộ. Họ có thể so sánh nước Ukraine
với hai nước cộng sản cũ là Bulgaria và Romani. Tại hai nước này, các đảng cộng
sản tự đảo chính, cải tổ hiến pháp theo lề lối dân chủ nhưng các đảng viên cộng
sản vẫn nắm giữ quyền hành. Tất nhiên, giới “ưu việt” ở cả hai nước Bulgaria và
Romani cũng không muốn cải tổ kinh tế, và chính trị, vì muốn nắm quyền lâu dài.
Nhưng sau gần hai chục năm, chính các nước này đã phải thay đổi, vì họ muốn gia
nhập Liên Hiệp Châu Âu; và muốn được Minh ước Phòng thủ NATO bảo vệ. Muốn được
Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận, cả hai nước phải cải tổ kinh tế, thiết lập các
luật lệ bảo đảm tự do cạnh tranh, xóa bỏ các độc quyền, thiết lập luật pháp bảo
đảm quyền tự do làm ăn, guồng máy tư pháp minh bạch công khai để loại trừ nạn
tham nhũng, lạm quyền; và sau cùng, người nắm quyền hành phải tôn trọng quyền
làm người của dân chúng. Nhờ áp lực của Liên Hiệp Châu Âu mà cả hai nước
Bulgaria và Romani đã cải tổ nhanh hơn theo các tiêu chuẩn tiến bộ. Giới ưu
việt chính trị và kinh tế ở hai nước này, dù đa số là các đảng viên cộng sản
cũ, đã lựa chọn ngả sang Châu Âu. Vì chính họ cũng muốn thoát khỏi ách kiềm chế
của Nga, do bài học lịch sử dạy cho họ. Dân Ukraine đã nhìn thấy kinh nghiệm
của hai nước láng giềng cựu cộng sản.
Ngả sang Châu Âu, trước hết người ta thấy mọi quan
hệ ngoại giao được đặt trên căn bản bình đẳng hơn. Âu Châu gồm nhiều quốc gia
độc lập ngang hàng nhau, không nước nào có thể đóng vai ông trùm, lấn áp nước
khác. Nhưng quan trọng hơn nữa, là mối bang giao có tính chất công khai, minh
bạch. Các thỏa ước kinh tế, thương mại, đều được trình bày trước cho dân chúng
mỗi nước thẩm định lợi hại, chứ không phải là do những cuộc mặc cả giữa các
người cầm đầu chính phủ và các đại gia. Ðó là lối sống, là tập tục, là văn hóa
bình thường trong chế độ tự do dân chủ.
Dân Ukraine đã chứng kiến cảnh ông Yanukovych quay
đầu 180 độ, bãi bỏ cuộc thương thuyết quan hệ thương mại với Châu Âu để chiều
lòng ông tổng thống Nga. Họ được biết ông Putin hứa sẽ giúp Ukraine 15 tỷ đô la
Mỹ, nhưng không biết giữa Putin và Yanukovych còn có những thỏa ước ngầm nào.
Nhưng người dân Ukraine còn nhớ năm ngoái, ông Putin sang thăm căn cứ Hải Quân
Nga ở vùng Crimea, ông Yanukovych tới đó chào đón, và cam chịu chờ bốn giờ đồng
hồ mới được gặp ông Putin, trong khi ông tổng thống Nga vui chơi với các sĩ
quan Nga. Thái độ hèn hạ của ông Yanukovych cho thấy mối quan hệ giữa hai nước
chắc chắn sẽ bất bình đẳng.
Lựa chọn quay sang Liên Hiệp Châu Âu
của dân Ukraine không hoàn toàn là một lựa chọn kinh tế hay ngoại giao. Ðó
chính là lựa chọn một lối sống minh bạch, công khai, bình đẳng, mà chỉ trong
chế độ dân chủ tự do người ta mới có thể thực hiện được. Sống trong một văn hóa
tự do dân chủ con người cảm thấy mình có phẩm giá hơn, các quốc gia cũng có
phẩm giá hơn.
Dân Ukraine đã lựa chọn. Mà ngay cả những người dân
gốc Nga ở nhiều tỉnh miền Ðông Ukraine cũng muốn lựa chọn như vậy. Ông Putin đã
đưa các tay khuấy động sang xúi giục người gốc Nga đòi ly khai, mà chắc ông sẽ
thành công tại Crimea. Nhưng trong nhiều “tỉnh” (oblast) với số dân gốc Nga gần
50% như tại Donetsk, Luhansk, Kharkiv, ông Putin không lôi cuốn được người
Ukraine gốc Nga. Ngay cả các đại gia và các nhà chính trị gốc Nga cũng muốn làm
dân Ukraine thay vì thành dân Nga. Nếu nhập vào nước Nga, họ sẽ bị lép vế trước
các đại gia Nga tay chân của Putin. Cả các trùm băng đảng buôn lậu gốc Nga cũng
biết họ không phải là đối thù của các “soái” bên Nga. Thị
Trưởng Kharliv đã công nhận chính phủ mới ở Kiev. Người giầu nhất ở Donetsk là
Rinat Akhmetov cũng tuyên bố ủng hộ chính quyền cách mạng mới ở Kiev; vì chỉ có
họ mới có thể tiếp tục thay đổi cơ cấu kinh tế theo lối minh bạch công khai.
Tại Donetsk, các cán bộ sách động của ông Putin đã lôi cuốn một số dân gốc Nga
biểu tình đòi ly khai, nhưng có những người gốc Nga khác đã tập họp tuyên bố họ
muốn vẫn là công dân nước Ukraine. Ða số những người Nga này là giới trẻ, một
cô 28 tuổi nói với nhà báo Economist: “Tôi
là người Ukraine và tôi hãnh diện sống trong một quốc gia nơi đó mọi người dân
biết thế nào là phẩm giá con người được tôn trọng!”
Dân
Ukraine đã lựa chọn sống với phẩm giá con người. Họ quay sang phía Châu Âu vì
biết chỉ trong những chế độ tự do dân chủ con người mới sống có phẩm giá. Hơn
nữa, chỉ một chính quyền thực sự dân chủ, được dân tự do bầu lên, mới biết bảo
vệ phẩm giá quốc gia khi đứng trước một nước láng giềng lớn với quân lực hùng
hậu hơn mình. Ðây là điều
người Việt Nam cần suy ngẫm.
No comments:
Post a Comment