Saturday, 15 March 2014

LỖ HỔNG KIẾN THỨC LỊCH SỬ CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM (An Nhiên - RFA)




An Nhiên, thông tín viên RFA
2014-03-14

Thời gian gần đây có nhiều nhân sĩ trí thức kêu gọi Bộ giáo dục Việt Nam cần phải đưa các sự kiện lịch sử một cách chân thật về việc Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược Việt Nam trên đất liền và biển đảo ở cuối thế kỷ 20 vào sách giáo.

Không hấp dẫn SV

Báo chí trong nước vừa qua đã cho biết có hàng ngàn học sinh trung học đã bỏ đăng ký thi môn lịch sử trong kỳ thi đại học năm nay và hàng ngàn sinh viên có điểm thi bằng 0 với môn này. Học sinh trung học lẫn sinh viên đa số khi hỏi đến lịch sử Việt Nam đều cho biết là rất chán học môn sử, không thích tìm hiểu, với lại các Thầy Cô đều giảng qua loa, không có tính minh họa. Có bạn muốn tìm hiểu nhưng cũng không biết tìm hiểu ở đâu, vì tài liệu ở trường rất ít.

Ngày 14/3/1988 đánh dấu 26 năm cuộc chiến tranh xâm lược các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ phía Trung Quốc đã gây ra cái chết cho 64 chiến sĩ và bắt đi một số bộ đội hải quân khác.

Chúng tôi có nói chuyện với nhiều bạn sinh viên đang học tại các trường Đại Học Việt Nam, hầu như tất cả các bạn sinh viên đều không biết sự kiện lịch sử này cho dù các bạn là những người rất quan tâm đến mạng xã hội, bạn sinh viên tên Như năm cuối trường Đại Học Kinh Tế cho biết về sự kiện mà mình nhớ nhất đó là:
“Nói chung học lịch sử mà nhớ nhiều nhất có lẽ là học ở cái phần Bác Hồ, chắc có lẽ nhớ nguyên cái đọan Bác ra đi tìm đường cứu nước, và nhớ thêm một số là sau năm 1975 có một số chiến lược kinh tế, mấy cái thời điểm gì của nhà nước tùm lum đó, mấy cái kế hoạch phát triển năm năm.”

Nữ sinh viên tên Loan đang học năm cuối tại trường Sư Phạm ở TP. Hồ Chí Minh và đang làm gia sư cho chúng tôi biết khi hỏi về cuộc chiến trên biển đảo Gạc Ma 1988:
“Em cũng không quan tâm đến vấn đề đó lắm, em biết, theo em thì mình là người Viêt Nam phải biết lịch sử Việt Nam nhưng mà nhiều lúc nó cũng không yêu thích cho lắm. Lịch sử của mình bị che đậy, theo em thì mấy cái cuộc chiến đó chắc nó có uẩn khúc gì đó hoặc là nó được học ở lớp dưới rồi cho nên người ta không có đưa lên lớp trên nữa; với lại em chỉ nghe là mấy cuộc bạo động sau khi hòa bình thôi, sau năm 75 thôi, hoặc là mấy cuộc chiến Trung Quốc đánh mình, mấy cuộc chiến "Lá tre" gì đó, thì em cũng nghe thấy nhưng không thấy người ta đào sâu lắm.”

Khác với những sinh viên đang ngồi ghế nhà trường, Anh Từ Anh Tú một facebooker trẻ từng là sinh viên trường Cao đẳng Y ở Thái Nguyên bị nhà trường đuổi học vì tìm hiểu các thông tin trên mạng, cho chúng tôi biết về cuộc chiến ngày 14/3:
“Em biết được những thông tin này chủ yếu là qua mạng Internet, qua những cuộc nói chuyện với bạn bè và hay là những người lớn tuổi. Ở Việt Nam thì những cuộc chiến như là cuộc chiến không biên giới hay là hỏa chiến Hoàng Sa năm 74 và kể cả những cuộc chiến năm 88 đấy thì hình như là gốc sách đấy thì lịch sử Việt Nam họ không nhắc đến. Tức là muốn biết thông tin này chủ yếu là mình phải lên mạng tìm hiểu và thậm chí là kể cả mình hỏi, mình không lên mạng mình hỏi thì thường thường người ta cũng không nhớ đến cuộc chiến ấy đâu.”

Vì sao?

Đất nước và con người Việt Nam được hình thành có trên 4,000 năm lịch sử, nhưng vẫn không thể nào hấp dẫn được sinh viên - học sinh. Nhìn qua các trang sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục Việt Nam ấn hành thì chúng ta có thể thấy chỉ nhấn mạnh, sự lặp đi lặp lại từ giai đọan1911 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, giai đọan Đảng Cộng Sản Việt Nam hình thành và các anh hùng do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên mà học sinh, sinh viên phải học suốt từ cấp 2 lên đến Đại Học. Trong khi đó các công trạng của các tiền nhân như là: Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Lê Lai,Vua Gia Long…thì lại bị hạn chế đưa vào học đường.

Anh Từ Anh Tú cho chúng tôi biết lịch sử cần phải chân thật trong vấn đề giữ nước, như các Anh hùng đã ngã xuống, vì biển đảo Việt Nam ngày 14/3/1988:
“Em nghĩ rằng đây là cái chuyện thiếu sót rất lớn của chính quyền, họ đã không nhắc đến cuộc chiến đấy. Theo em thì trước hết lịch sử thì cần phải được tôn trọng, dù đúng hay sai thì cũng cần phải viết lại một cách khách quan. Ở Việt Nam thì các vấn đề liên quan đến Trung Quốc thì thường được chính quyền cho là nhạy cảm, ít khi họ đề cập đến những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Như các sách giáo khoa dành cho học sinh lớp học thì cái cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm phương Bắc thì họ cũng chỉ nói một cách rất mập mờ và chung chung. Đấy là một điều không cần thiết. Về nguyên nhân sâu xa thì em nghĩ là chính quyền Việt Nam muốn lấy lòng Trung Quốc, nhưng mà em nghĩ rằng là dù cho bất kỳ lí do gì đi chăng nữa thì dù ít dù nhiều gì cũng được tôn trọng”

Anh Tú chia sẻ tiếp :
“Theo như em vừa chia sẻ thì lịch sử cần phải được viết một cách khách quan, chính bản thân những người viết sách không viết khách quan thì những học sinh sinh viên nhàm chán thì cũng là điều dễ hiểu. Em nghĩ rằng trong giai đoạn đấy, lịch sử còn rất nhiều điều chưa rõ ràng, và cái điều đấy thì mình có thể tìm hiểu rất nhiều ở trên các mạng internet, sách báo ở Việt Nam thì tất nhiên là nó chỉ có một chiều. Tất nhiên là em có tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống ngày 14/3/1988”

Cũng phải xác nhận rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh, sinh viên chán môn học này, nữ sinh viên tên Như cho chúng tôi biết :
 “Chắc có lẽ là nó khó nhớ, những ngày tháng nó lộn xộn khó nhớ, nhiều khi nghe giảng bài cũng thích học lịch sử lắm, nhưng mà những ngày tháng học khó nhớ lắm, thuộc với lại học xong một phần dễ quên, có khi về giáo viên đó, có nhiều người dạy theo cách của người ta mình khó hiểu, nói có khi lạc đề làm cho mình không chú tâm theo. Để ý bây giờ thấy học sinh nói về lịch sử Trung Quốc hay là của những nước khác đó thì nó nhờ nhiều hơn lịch sử của Việt Nam, như là chúng nó coi phim Trung Quốc thì nó nhớ, còn Việt Nam mình thì coi phim lịch sử thấy nó ít quá, với lại coi phim của mình thấy nó không hấp dẫn bằng các phim đó, đa số người ta coi thấy ít hấp dẫn bằng các phim nước ngoài.”

Đất nước Việt Nam đã trải qua một khoảng thời gian chiến tranh quá dài như lời của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày...”

Trách nhiệm của người viết sử, sách giáo khoa, của nhà trường là phải cung cấp sự chân thật và khách quan. Sự thật là trên hết và càng tôn trọng sự thật bao nhiêu thì cái lợi càng lâu dài và bền vững bấy nhiêu.


No comments:

Post a Comment

View My Stats