Nguyễn
Vĩnh Nguyên (TBKTSG)
Thứ Bảy, 1/3/2014, 20:23 (GMT+7)
(TBKTSG
Online) - Một tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines vừa bị báo chí
Nhật bêu riếu chuyện tiêu thụ mỹ phẩm từ một nhóm trộm tại Nhật Bản, đem về
nước bán kiếm lời. Những kẻ cắp đã bị cảnh sát phát hiện, lấy lời khai hôm
26-2-2014, thì một ngày sau những thông tin chi tiết đã xuất hiện trên tờ Sankei
Shimbun. Tờ báo này cũng nhắc lại một số vụ trộm cắp tại Nhật mà thủ phạm
chính là người Việt Nam.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu người Việt
dính líu vào những vụ trộm cắp trực tiếp, hoặc gián tiếp tiêu thụ sản phẩm trộm
cắp bị cảnh sát các nước phanh phui. Cứ mỗi lần có một sự kiện như thế, trên
các cộng đồng mạng và mặt báo trong nước lại bị khuấy động. Những tấm biển cảnh
báo trộm bằng tiếng Việt được dựng nơi công cộng ở nước ngoài lại được đăng
lên, đánh thức cảm giác day dứt, nhục nhã cho những ai còn nghĩ tới các vấn đề
thể diện quốc gia.
Một tấm biển cảnh báo trộm cắp được viết bằng tiếng Việt tại Nhật từng
gây xôn xao dư luận trước đây. Ảnh: Internet.
Quả thật, rất đáng xấu hổ khi ngày nay bước ra bên
ngoài, không chỉ thói tật ăn cắp, mà rất nhiều thứ “bệnh” khác của nhiều người
Việt Nam đã được phơi bày, phổ biến tới mức đủ tạo cho bạn bè quốc tế nghĩ đó
là tính cách chung của người Việt, hay nói nôm na, “người Việt các anh là thế”.
Từ những chuyện đơn giản như người Việt không biết xếp hàng, phung phí trong ăn
uống đến nhôm nhoam ồn ào những nơi cần sự trang trọng, tôn kính; từ nạn trộm
cắp vặt, buôn lậu hay rộng hơn là gian manh lật lọng trong kinh doanh... đã tạo
ra những hình ảnh rất xấu về người Việt hiện đại trong lòng bạn bè quốc tế.
Cũng dễ hiểu, tình trạng “vô pháp” đó ngày trước,
khi mức độ giao du còn ít, thói xấu trong nhà tự biết với nhau, thuận thì điều
chỉnh, không thuận cũng che giấu, dung dưỡng, không muốn mang tiếng “vạch áo
cho người xem lưng”, nay chuyện giao lưu thường xuyên, dễ dàng thì những lởm
khởm bất cập đem phô bày dưới ánh mặt trời, gây nghi ngại cho thiên hạ.
Một tấm biển khác tại nhà hàng buffet Thái Lan được viết bằng tiếng Việt,
nhắc nhở thực khách Việt Nam chừng mực trong ăn uống. Ảnh: Internet.
Nhìn vào những hiện tượng riêng lẻ để phổ quát hóa
rồi oán trách cho một đời sống văn hóa tụt hậu chung chung thì cũng không hẳn
đúng. Nhưng cũng phải thừa nhận một điều luôn đúng, đó chính là giá trị của cá
nhân thường được bồi lắng theo thời gian từ chính trong môi trường văn hóa mà
anh ta sinh sống, tương tác xã hội. Ở đây, có thể thấy rằng, những biểu hiện
của sự vô pháp tùy tiện của những hiện tượng kia có một mối dây liên hệ rất mật
thiết với một bối cảnh vận hành xã hội với hai gốc rễ chính: pháp lý và đạo lý.
Môi trường khủng hoảng về đạo lý là điều kiện kích
hoạt các thủ đoạn tham lam bùng phát ở mọi cấp độ. Trên bình diện quốc gia, sự
tham lam khiến cho mọi lợi ích chung biến thành món lợi của một hoặc vài nhóm
người. Ở nhà trường, lòng tham được kích hoạt bởi những cuộc thi đua thành tích
hãnh tiến, không khởi phát từ tinh thần thực học. Và bước ra đường, lòng tham
thể hiện đôi khi chỉ trong một cách nhích ga xe máy vượt đèn đỏ để cho được
việc trước mắt, dù biết đó là hành vi có thể dẫn tới ách tắc cả một con đường
hay gây ra nguy hiểm cho người khác v.v...
Trong một bối cảnh sống như thế, những giá trị tự
trọng, sự tự nguyện và trung thực nơi cá nhân sẽ dễ dàng bị triệt tiêu, thay
vào đó là tâm lý đối phó với hoàn cảnh, tìm kiếm lỗ hổng, cố tình lươn lẹo để
đạt cho được mục đích trước mắt và đoản hạn. Bản thân từng cá nhân không xác
tín vào những nguyên tắc của một xã hội văn minh. Và đến lượt chính họ cũng cảm
thấy không cần thiết phải kính trọng những điều kiện cơ bản mang lại sự tự do
nơi chính bản thân mình. Họ vừa là thủ phạm, vừa có thể là nạn nhân của chính
sự vô pháp của mình.
Trong thế giới hội nhập, thể diện và hình ảnh quốc
gia có thể xây dựng từ nơi chính hành vi hay giá trị của mỗi cá nhân, nhất là
trong thời buổi sự phóng đại của truyền thông thông tin đủ sức biến những hiện
tượng, sự việc đơn lẻ thành căn tính phổ quát như hiện nay. Bài học về thể diện
quốc gia không chỉ được tư duy từ bên ngoài lãnh thổ của đất nước mình, mà cần
được tâm niệm và thực hành nhất quán ngay chính trong đời sống thường ngày của
mỗi người góp vào đời sống, từ tinh thần bình đẳng, biết tôn trọng bản thân và
tha nhân, từ ý thức thượng tôn pháp luật.
Hơn bao giờ hết, ý thức về thể diện quốc gia cần
được trang bị cho những công dân bước vào thế giới toàn cầu hóa. Không phải
ngẫu nhiên mà học giả Fukuzawa Yukichi dưới thời Minh Trị, khi bàn về tinh thần
hiện đại hóa Nhật Bản đã đặt tất cả những giá trị sống trên nền tảng của tư duy
quốc dân.
No comments:
Post a Comment