Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
Cập nhật: 14:23 GMT -
thứ tư, 12 tháng 3, 2014
Hai năm trước khi xảy ra khủng hoảng Ukraine đã có
bình luận từ cây bút người Nga về nhiệm kỳ 'sẽ nhiều sóng gió' của
ông Putin khi ông tái đắc cử tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga.
Trong bài ‘Putin and Ukraine:
the calm before the storm’ 03/2012, ngay sau khi ông Putin được bầu lại làm
tổng thống, bà Olga Shumylo-Tapiola thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đã dự
đoán rằng quan hệ Nga-Ukraine sẽ có nhiều sóng gió.
Nhưng dù biết rằng mối quan hệ
Moscow - Kiev từ khi Ukraine độc lập năm 1991 luôn phức tạp và thay đổi thất
thường, ít ai có thể đoán trước được rằng quan hệ này rơi vào tình trạng đối
đầu, xung đột như hiện nay.
Mới cách đây chưa đầy ba tháng,
ông Putin đã gọi Ukraine là ‘một nước anh em’ và sẵn sàng cứu Ukraine khỏi vỡ
nợ.
Giờ ông không chỉ chấm dứt
những hứa hẹn hỗ trợ hậu hĩnh rất ‘huynh đệ’ ấy mà còn cho xâm chiếm Crimea –
một vùng tự trị thuộc chủ quyền của Ukraine.
Những hành động mạnh bạo ấy của
Kremlin làm giới quan sát cho rằng ông Putin có thể còn có những toan tính khác
ngoài Crimea.
Không dừng lại ở Crimea?
Một bài viết của The Economist
hôm 08/03 nhận định rằng có thể ông Putin không muốn sáp nhập Crimea vào Nga
nhưng dùng nó như là một yếu tố gây bất ổn và công cụ để chia rẽ thêm Ukraine.
Theo tuần báo kinh tế của Anh,
mục đích tối thượng của ông có thể là biến Ukraine thành một liên bang trong đó
Nga có thể kiểm soát các tỉnh miền Đông của Ukraine và qua đó ngăn ngừa quốc
gia này tiến gần với phương Tây.
Trong ‘A Memo on Russia and
Ukraine’, James Sherr, một chuyên gia về Nga tại Chatham House – Viện nghiên
cứu về các vấn đề quốc tế tại London – cũng nhận xét rằng mục đích của Nga là
chi phối toàn bộ Ukraine, chứ không phải Crimea – một lãnh thổ chỉ đóng vai trò
công cụ.
Trả lời Euronews ngày 07/03,
cựu Cố vấn an ninh Mỹ Zbigniew Brzezinski cho rằng khi đưa quân vào Crimea có
thể ông Putin tính sẽ can thiệp sâu vào Ukraine.
Theo ông, nếu người dân Ukraine
và phương Tây không phản ứng, có thể Nga sẽ chiếm từng địa bàn một của Ukraine
và chia cắt quốc gia này rồi sau đó dựng lên một chính phủ thân Nga tại Kiev.
Nhưng – như nhận định của
Brzezinski – ông Putin tìm mọi cách và bằng mọi giá để đưa Ukraine vào quỹ đạo
của mình vì ông còn muốn hồi sinh Liên Xô và ông chỉ đạt được tham vọng đó nếu
có được Ukraine.
Một bài viết cho CNN hôm 04/03
của Ulrich Speck nói vấn đề Crimea còn liên quan đến trật tự thế giới.
Theo đó, Kremlin dự tính sẽ
thiết lập một khối các quốc gia chịu sự kiểm soát của Moscow giống như Liên Xô
trước đây nhằm tăng vị thế địa chính trị của Nga.
Và Ukraine là hòn đá tảng của
kế hoạch này.
Tương tự trong bài ‘After
Crimea: will Kazakhstan be next in Putin’s reintegration project?’ Martha Brill
Olcott, một giáo sư về chính trị học, tự hỏi phải chăng sau Crimea, ông Putin
có xâm chiếm các nước cộng hòa cựu Xô Viết khác?
Theo chuyên gia này, chuyện
Moscow viện cớ bảo vệ người Nga và những người nói tiếng Nga ở Crimea để cho
quân vào vùng tự trị này rất đáng quan ngại vì ông có thể lấy cớ tương tự để
can thiệp vào Kazakhstan – một quốc gia có khá đông người Nga và tiếng Nga cũng
đang từ từ bị loại khỏi đời sống xã hội tại đây.
Hơn nữa, bà cũng cho rằng mục
đích thực sự của ông Putin – người coi sự sụp đổ của Đế chế Nga và chuyện Liên
Xô tan rã là hai thảm họa của thế kỷ 20 – là thực hiện được kế hoạch thống nhất
các lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây.
Putin coi đây là sứ mệnh của
mình và tin rằng nếu thành công ông sẽ có một chỗ đứng bền vững trong lịch sử
Nga.
Câu hỏi khác được đặt ra là tại
sao và từ đâu Tổng thống Nga lại có một tham vọng như thế?
Trong bài bình luận trên tờ The
Washington Post hôm 02/03, Maria Snegovaya cho hay một trong những cuốn sách mà
ông Putin yêu thích là ‘Third Empire: the Russia that ought to be’ của Michael
Yuriev xuất bản năm 2006.
Cuốn tiểu thuyết huyền ảo này
mô tả cách trật tự thế giới được tái thiết lập vào năm 2054 và trình tự đó được
diễn ra gần giống với những gì xẩy ra tại Ukraine.
Trong sách có mô tả cảnh miền
Đông Ukraine nổi loạn chống lại Cách mạng Cam do người miền Tây khởi xướng và
theo yêu cầu của họ Vladimir II đã cho miền Đông sáp nhập vào một Liên Minh
Nga vốn hình thành từ Liên bang Nga nhưng gồm có cả Belarus, Kazakhstan,
Turkmenistan, Nam Ossetia và Abkhazia.
Cũng theo Snegovaya, lập trường
và hành động của Putin chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của một số triết gia Nga có
khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa như Nikolai Berdyaev (1874-1948), Vladimir
Solovyov (1853-1900), Ivan Ilyin (1883-1954).
Sẽ đạt được tham vọng?
Các động thái gần đây của Nga ở
Crimea và cả những tham vọng, toan tính ẩn chứa sau những hành động đó đang đặt
ra nhiều câu hỏi và thách đố cho giới lãnh đạo mới ở Kiev và các nước phương
Tây.
Dù đến giờ vẫn chưa rõ việc
Tổng thống Nga cho quân vào Crimea và đang toan tình sáp nhập vùng này vào Nga
chỉ là bước đầu để Nga tiếp tục xâm chiếm các tỉnh khác thuộc miền Đông-Nam
Ukraine, nhưng chắc chắn là Nga sẽ không rời Crimea sớm trong thời gian tới.
Cụ thể, Moscow không chỉ không
chùn bước mà ngày càng tỏ ra hung hăng hơn tại Crimea và việc các nước phương
Tây chờ đợi, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đã khuyến khích ông Putin mạnh
bạo như thế.
Theo Ulrich Speck sự bất đồng
của phương Tây về cách trừng phạt Nga có thể khiến ông Putin sáp nhập Crimea và
lôi kéo các tỉnh khác rời Ukraine. Nhưng nếu Nga làm vậy thì có thể dẫn đến một
cuộc chiến lớn với Ukraine vì không một chính phủ nào có thể đứng yên nhìn một
quốc gia khác xâm chiếm lãnh thổ của mình.
Ulrich Speck cũng cho rằng nếu
thành công tại Ukraine, giới lãnh đạo ở Moscow sẽ nghĩ rằng giờ Nga có thể hành
động như một đế chế. Một đế chế thì không có biên giới và cũng chẳng cần tôn
trọng biên giới của nước khác.
Trong khi đó James Sherr nhận
định rằng nếu Nga đạt được những mục đích của mình khi can thiệp vào Ukraine,
trật tự tại châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh sẽ thay đổi và sự sống còn của
NATO cũng bị đe dọa, buộc tổ chức này cũng như phương Tây phải xem xét lại sự
sẵn sàng và khả năng hành động của mình tại những nơi khác.
Trái lại, nếu Moscow không đạt
được những mục đích của mình tại Ukraine, Nga và chính ông Putin cũng phải trả
những cái giá rất đắt.
Cụ thể, thất bại của Nga sẽ
giáng một đòn đau vào nền tảng ý thức hệ của hệ thống chính trị hiện tại ở Nga
– cho rằng Nga có những giá trị chính thống và Slavic khác và vượt trội – và
làm suy yếu vị thế của ông Putin.
Dù hiện tại có vẻ các nước EU
và phương Tây bị yếu thế – như không tìm được tiếng nói chung trong việc đối
phó với Moscow hay không có khả năng và cũng không muốn dùng quân sự để đáp trả
Nga – điều đó không có nghĩa là ông Putin dễ dàng đạt được những tham vọng của
mình.
Trong bài phân tích trên
Washington Post hôm 08/03, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice viết rằng trừng
phạt kinh tế sẽ tạo nhiều áp lực với Nga vì Nga nay không còn như Liên Xô
trước đây. Nga cần đầu tư nước ngoài, các đại gia Nga thích đi Paris, London và
họ luôn giữ nhiều tài khoản ở nước ngoài.
Zbigniew Brzezinski cho rằng
nếu Nga không hòa giải ở Crimea đa số người Ukraine hiện tại không có thái độ
bài Nga sẽ trở nên ghét và chống lại Nga.
Hơn nữa, thái độ mạnh bạo, nặng
chủ nghĩa dân tộc, bất chấp luật pháp quốc tế và can thiệp vào nội bộ một quốc
gia khác khi nước đó đang rơi vào khủng hoảng của Moscow sẽ làm công luận và
cộng đồng quốc tế khinh thường Nga.
Martha Brill Olcott cho rằng
tất cả mọi quốc gia và các nền văn hóa lớn đều muốn phục hưng, đều muốn lớn
mạnh. Nhưng không nên dùng hay đe dọa vũ lực hoặc bắt các quốc gia, dân tộc
khác phải hy sinh để đạt được ước mơ của chính minh.
Giải pháp nào?
Giới phân tích và các nhà chính
sách đều cho rằng nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine – đặc biết dùng vũ lực
đánh chiếm nước này – không chỉ Ukraine mà cả Nga và châu Âu sẽ rơi vào bất ổn.
Trong bài viết ‘Welcome to Cold
War II’ trên tạp chí Forein Policy hôm 04/03 Dmitri Trenin cho rằng cuộc khủng
hoảng Ukraine đã có thể dẫn đến Chiến tranh Lạnh thứ hai.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry
Kissinger cũng có lập luận tương tự.
Trong bài trên The Washington
Post (05/03), ông đã đưa ra bốn nguyên tắc giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng
ở Ukraine để thế giới tránh được một Chiến tranh Lạnh mới.
Hai trong những nguyên tắc đó
là Ukraine nên được quyền tự do quyết định các thỏa thuận hợp tác chính trị,
kinh tế của mình trong đó có thỏa thuận với châu Âu và quốc gia này cũng không
nên gia nhập NATO.
Nguyên tắc thứ ba là Ukraine
nên được tự do thành lập bất cứ một chính phủ nào hợp với nguyện vọng của người
dân. Về chính sách đối ngoại, Ukraine nên chọn một lập trường trung lập giống
như Phần Lan.
Và cuối cùng Nga nên công nhận
chủ quyền của Ukraine ở Crimea nhưng Ukraine cũng nên trao cho vùng này thêm
quyền tự trị.
Tuy thế, nhà ngoại giao kỳ cựu
này cũng biết rằng trong bối cảnh hiện tại bốn nguyên tắc đó khó được các bên
chấp nhận.
Tất cả đang chờ xem động
thái tới đây của ông Putin sẽ là gì.
Bài do Tiến sỹ Đoàn Xuân
Lộc tổng hợp cho BBC Tiếng Việt.
No comments:
Post a Comment