Bài và
hình: Thanh Phong/Viễn Đông
(VienDongDaily.Com - 16/03/2014)
Các cựu học sinh Petrus Ký chụp ảnh lưu niệm với quý
vị giáo sư trong ngày họp mặt đầu năm 2014
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2014/3/16-Mar-2014/PETRUS%20KY%200309.jpg
GARDEN GROVE - Các cựu học sinh trung học Petrus Ký
tại Nam Cali vừa tổ chức buổi họp mặt mừng Xuân Giáp Ngọ vào buổi trưa Chủ Nhật
tuần qua (9/3/3014) tại Seafood Palace Restaurant trên đường Brookhurst, Garden
Grove, với sự tham dự của nhiều giáo sư, thân hữu và cựu học sinh Petrus Ký
cùng gia đình.
Sau nghi thức thường lệ, trong tinh thần tôn sư
trọng đạo, ban tổ chức giới thiệu quý Thầy, Cô hiện diện, đồng thời mời giáo sư
tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Hiệu Trưởng Trường Petrus Ký và giáo sư Vũ
Đình Lưu lên phát biểu.
Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ông vừa làm
thượng thọ 81 tuổi và hai lần mổ thay thế van tim lại vừa bị stroke nên lời nói
không được suôn sẻ như trước, và trí nhớ cũng không còn tốt nên, “Nếu tôi nói
trật thì anh chị em cảm thông nhau.”
Sau câu mở lời trên, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nhắc
đến nỗi buồn của ông khi những bạn đồng nghiệp lần lượt bỏ ông ra đi như giáo
sư Nguyễn Văn Tước, Phạm văn Thuật và mới nhất là giáo sư Bùi Trọng Chương.
Giáo sư Liêm nhắc lại hai câu đối treo trước trường Petrus Ký ngày nào:
“Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt
Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm”
để một mặt đề cao luân lý Á Đông, mặt khác trau dồi
khoa học kỹ thuật của phương Tây, gần giống như “nhân bản, dân tộc, khai phóng”
của nguyên tắc giáo dục VNCH.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nhân cơ hội này tuyên
dương và cám ơn Ban Chấp Hành và các anh chị em Petrus Ký luôn thăm viếng, yểm
trợ Thầy, Cô và giúp đỡ các bạn đồng môn gặp khó khăn. Giáo sư ước mong Hội
Petrus Ký mời gọi nhiều hậu duệ để mãi trường tồn và dần dần đổi Hội Ái Hữu
thành ra Hội Giáo Dục Petrus Ký.
Về phần giáo sư Vũ Đình Lưu, Thầy Lưu nói, “Tôi bắt
đầu dạy tại trường Petrus Ký từ năm 1965 đến 1978. Tôi đã đi nhiều nơi và thấy
bầu không khí của Petrus Ký lúc nào cũng tốt, lúc nào cũng đầy yêu thương và
đầy giúp đỡ, thành ra tôi rất là cảm động. Tôi luôn luôn nghĩ tới trường Petrus
Ký, và bây giờ, ngày hôm nay được gặp lại hầu như hết tất cả các bạn đồng
nghiệp cũ, và chắc cũng có một số học sinh cũ của tôi, thế thì đặc biệt xin cho
tôi cám ơn ban tổ chức đã giúp đỡ và cho chúng tôi có cơ hội được gặp lại tất
cả quý vị. Xin cám ơn quý vị.”
Sau lời phát biểu của hai vị giáo sư, ban tổ chức
mời quý giáo sư và các cựu học sinh Petrus Ký lên chụp chung tấm hình kỷ niệm.
Chương trình bước qua phấn thứ hai là tiệc mừng tân
xuân hội ngộ. Mọi người cùng nâng ly chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, đồng
thời thưởng thức văn nghệ với nhiều tiết mục hấp dẫn do các cựu học sinh Petrus
Ký và một số thân hữu trình diễn, mở đầu với bản Hiệu Đoàn Ca “Petrus Ký hành
khúc.”
Petrus Ký là ngôi trường trung học lớn tại thủ đô
Saigon, mang tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, là một nhà văn hóa lỗi lạc,
một học giả uyên thâm. Trường Petrus Ký đã đào tạo rất nhiều nhân tài hữu dụng
cho đất nước. Sau biến cố 1975, một số cựu học sinh Petrus Ký ra hải ngoại đã
thành lập Hội Ái Hữu Petrus Ký tại Nam và Bắc California để cùng nhau gặp gỡ,
gắn bó tình Thầy, trò và sánh vai cùng các trường bạn trong Liên Trường Trung
Học Việt Nam. Thầy Nguyễn Thanh Liêm, cựu Hiệu Trưởng của Petrus Ký và cũng là
cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục & Thanh Niên VNCH, trong một lần họp mặt Petrus
Ký cách nay 7 năm, đã nói: “Thầy thấy rằng ở đâu các em cũng chứng tỏ rằng các
em vẫn giữ được trọn vẹn căn cước Petrus Ký; căn cước của ngôi trường nằm trên
Đại Lộ (Việt Nam) Cộng Hòa, bên vườn hoa Âu Lạc, bên sân vận động Lam Sơn, bên
trường Quốc Gia và Đại Học Sư Phạm Saigon; căn cước của một học sinh xuất sắc
về học lực và kiến thức, một học sinh kỷ luật và đạo đức vào bậc nhất của miền
Đồng Nai Cửu Long. Tôi hết sức cám ơn các em về việc gìn giữ căn cước quý giá
đó.”
Dù xa trường, xa Thầy và bạn đã trên 40 năm, nhưng
các cựu học sinh Petrus Ký vẫn có quyền hãnh diện với những lời ca ngợi như
trên của vị Thầy đáng kính của mình, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm.
No comments:
Post a Comment