Đoàn của CĐNVTD/VIC gồm có các nhóm múa và một toán
môn sinh của Việt Võ Đạo (Vovinam), tổng cộng trên 70 người đã vinh dự được
giới đa truyền thông Úc chú ý trong đoàn diễn hành Moomba qua các đoạn video
ngắn và bài tường thuật của các đài truyền hình ABC, số 7 và tờ báo The Age.
CĐNVTD/VIC có 5 nhóm múa với các các vũ điệu dựa
trên các bản nhạc làm nền tượng trưng cho từng miền. Nhóm Múa Quạt (Miền Trung
- Lý nuôi ong), Múa Nón (Miền Nam - Lý quạ kêu), Tây Nguyên (Miền Thượng Du -
Hội Còng Chiêng Tây nguyên), Múa Trống Cơm (Miền Bắc - Trống Cơm), các "vũ
công" của 4 nhóm múa đó đều là phái nữ, cho nên để cân bằng nam nữ nhóm
múa thứ 5 là do quý ông trình diễn với vũ điệu dựa trên bài dân ca Lý Ngựa Ô.
Tất cả đều mặc những trang phục cổ truyền của từng miền với màu sắc thật vui
tươi đã lôi cuốn được người đi xem và nhất là giới truyền thông chính mạch.
Dẫn đầu là chiếc xe thùng 3 bánh chở hai em bé trong
bộ quốc phục khăn đóng áo dài rất xinh xắn, cùng với dàn âm thanh phát liên tục
các bản nhạc nền. Nhóm Múa Quạt, "mở màng" cho đoàn CĐNVTD/VIC, duyên
dáng, dịu dàng trong chiếc áo dài màu vàng sáng bóng nổi bật giữa đám đông đã
làm khán giả phải thốt lên những tiếng "woah"! Kế đến là nhóm Múa Nón
với những tà áo dài thướt tha, trang nhã, e ấp chiếc nón lá bài thơ, đó là hình
ảnh rất quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam dưới mắt người ngoại quốc. Trong
tiếng nhạc rộn ràng "Hội Còng Chiêng", các em thiếu nhi với bộ y phục
Tây Nguyên, tung tăng, nhảy nhót rất ngây thơ, rất tự nhiên như các con chim
non đang líu lo, tự do bay nhảy trên rừng núi của Miền Thượng Du. Với tóc đuôi
gà và vẻ đẹp độc đáo của chiếc áo dài Tứ Thân cổ truyền, nhóm Múa Trống Cơm
diễn tả thật dễ thương cái tính lãng mạn và sự e lệ của người con gái Việt Nam
trước những lời trăng hoa, tán tỉnh. Nhóm Múa Lý Ngựa Ô được các "vũ công"
nam, trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng, diễn màn cưởi ngựa đưa nàng về dinh
thật hăng, thật vui nhộn, và có lẽ chính các "vũ công" còn thích thú
hơn cả người đi xem.
Cuối đoàn là nhóm Vovinam, với những màn xuất chiêu,
những pha tung cước, nhào lộn, quật ngã đối phương, ... đã nhận được những
tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Hơn thế nữa, trong suốt đoàn diễn hành
trên 2000 người, duy nhất chỉ có CĐNVTD/VIC là có các pha trình diễn vỏ thuật,
cái đặc điểm "độc nhất vô nhị" (unique) này đã tạo nên một sự lôi
cuốn rất đặc biệt.
Nhưng
Lễ Hội Moomba là gì và từ đầu mà có Lễ Hội Moomba?
Tiếp theo sau cuộc biểu tình thành công vào năm 1856
của giới công nhân đòi hỏi giới hạn giờ làm việc chỉ còn 8 tiếng một ngày
(Eight Hour Day) thì từ đó để kỷ niệm sự thành công ấy, một cuộc diễn hành đã
được tổ chức hàng năm vào dịp này.
Vào năm 1879 chính phủ tiểu bang Victoria đã chính
thức công bố "Eight Hour Day" là một ngày lễ cho công chúng (public
holiday). Vào năm 1934, ngày này đã được đổi tên thành ngày Lễ Lao Động (Labour
Day). Vào năm 1955 thì lại có thêm cái tên ngày Lễ Hội Moomba (Moomba
Festival).
Moomba là một từ ngữ của thổ dân Úc (Aboriginal
word) có nghĩa là "hãy đến cùng nhau và vui chơi" (let's get together
and have fun). Đây là một ngày lễ lớn và là một nét văn hoá đặc thù của tiểu
bang Victoria, kéo dài suốt mấy ngày cuối tuần cho đến ngày Thứ Hai (Lễ Lao
Động), lôi cuốn hàng trăm ngàn người. Năm nay (2014) để đánh dấu 60 năm Lễ Hội
Moomba, BTC Moomba đã tổ chức một cuộc diễn hành với sự tham gia của rất nhiều
hội đoàn, đoàn thể (Úc), và các cộng đồng sắc tộc. Số người tham gia lên đến
trên 2.000 người và số người đi xem được ước tính là trên dưới 100.000 người.
Theo truyền thống thì có 2 người được chọn làm Vua và Hoàng Hậu của Moomba
(Moomba's King and Queen), và năm nay Bert Newton (một tên tuổi của màn ảnh
nhỏ) và Lucy Durack (một diễn viên duyên dáng) đã được vinh dự chọn lên ngai.
Ngoài buổi diễn hành, Lễ Hội Moomba còn có một khu
công viên rộng lớn với rất nhiều trò chơi, có các màn xiếc, nhào lộn, có sân
khấu ca múa với hàng chục ban nhạc thay nhau trình diễn, có biểu diễn trượt
nước, thi trượt ván, thi làm người chim (birdman - làm với các vật liệu tự chế,
người bay xa nhất là thắng cuộc), ... và tối đến thì có bắn pháo bông.
Trong cuộc diễn hành, có lẽ CĐNVTD/VIC là đoàn duy
nhất có đến 5 nhóm múa với 5 vũ điệu khác nhau, đó là tất cả công sức và tấm
lòng của cô Tina Nguyễn, giáo viên của trường tiểu học St. Albans East. Để có
đủ số người cần thiết, cô đã chạy đôn chạy đáo, mời gọi, năn nỉ từng người vào
làm "vũ công" bất đắc dĩ. Có nhiều người hứa nhưng không bao giờ đến,
có nhiều người nhận lời, tập dợt được một vài lần, nhưng giờ chót lại bỏ ngang
làm cho cô Tina buồn bực, thất vọng, chán nản đôi lúc muốn bỏ cuộc nếu không có
sự khuyến khích của BTC Moomba, CĐ, các thân hữu và các "vũ công" có
tinh thần dấn thân và trách nhiệm.
Cô đã phải góp nhặt, "chế biến" để sáng
tác ra những vũ điệu thật đơn giản để cho các "vũ công" bất đắc dĩ dễ
nhớ, để tập. Riêng vũ điệu của các ông thì do em Quách Giang và cô Dáng Thơ đã
"chế" ra. Cô Tina còn phải bỏ ra bao đêm ở lại trường để tập múa cho
từng người, từng nhóm rồi nhập tất cả các nhóm lại thành một đoàn. Chưa hết, cô
còn phải hỏi mượn người này, mượn chỗ kia hay "thừa hưởng" từ trường
của cô những trang phục cổ truyền, những, nón, quạt,... Ngoài ra cô còn phải lo
việc liên lạc, sắp xếp, đôn đốc, điều động mọi người.
Ở đây cũng xin được nhắc đến sự thông cảm và hỗ trợ
của bà hiệu trưởng trường Tiểu Học St. Albans East, đã cho cô sử dụng các
phương tiện và phòng ốc của trường để tập múa; và phần bảo trợ của haị chị em
nhà hàng Nhị Nương, đã đặt mua những cái trống cơm từ Việt Nam gởi qua để nhóm
múa Miền Bắc có đủ trống múa bài "Trống Cơm".
Để có thể tham gia vào cuộc diễn hành Moomba, không
phải muốn là được mà phải ghi tên trước cả năm, và cô Phượng Vỹ (Phó Chủ Tịch
Kế Hoạch & Tài Chánh CĐNVTD/VIC) là người đã viết thư xin tham gia
("expression of interest") gởi cho BTC. Người đưa ra ý kiến tham gia
là cô Tina và cô Uyên Di, hai thành viên rất năng động trong cộng đồng. Riêng
cô Uyên Di, mặc dù không trực tiếp tham gia vào việc tổ chức vì bận bịu với
công việc và gia đình nhưng cô cũng đã đóng góp ý kiến một cách tích cực.
Tưởng cũng cần nói sơ qua là cô Tina Nguyễn chính là
người đã đào tạo nhóm ca múa của trường tiểu học St. Albans East, một trường
công có đông học sinh Úc gốc Việt, đã từng góp mặt trong các sinh hoạt của Cộng
Đồng - ca múa cho dịp Tết Trung Thu, Hội Chợ Tết, hợp ca bài Quốc Ca Úc-Việt
trong dịp Thủ Hiến Victoria John Brumby, và Ngài Toàn Quyền Victoria Giáo Sư
Tiến Sĩ David de Kretser mở một buổi lễ tiếp tân khoản đãi CĐNVTD (để đánh dấu
35 năm định cư của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu), và trong dịp vinh danh
các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà được tổ chức tại National Vietnam Veterans
Museum (Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam) tại Phillip Island,...
Đại đa số các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng khác đều
được các mạnh thường quân, các tổ chức, các cơ sở thương mại bảo trợ, nhưng
cộng đồng Người Việt thì chỉ nhận được sự hỗ trợ một cách rất tượng trưng và
khiêm nhường từ BTC Moomba và CĐ (vì khả năng tài chánh hạn hẹp), do đó cô Tina
đã phải xoay sở, gói ghém để có thể thuê được hai chuyến xe "bus" đưa
đón các "vũ công" và mỗi người được một cái bánh bao ăn lót dạ trước
khi đi diễn hành. Nói như vậy có nghĩa là trong suốt thời gian tập dợt trước
đây ngoài sự hy sinh thì giờ và công sức, mỗi người còn phải tự bỏ tiền túi ra
để chi cho những khoản lặt vặt. Riêng nhóm Vovinam thì "tự lực cánh sinh"
từ việc tập dợt, phương tiện chuyên chở cho đến việc ăn uống cho nên cô Tina
cũng nhẹ gánh phần nào.
Các "vũ công" gồm có cả 3, 4 thế hệ - các
em thiếu nhi, các thanh niên, thanh nữ, các bạn trung niên và các lão niên 60,
70 tuổi - có vị tóc đã bạc phơ, có vị thì tóc đã rủ nhau "đi vượt
biên" hết chỉ còn trơ cái đầu láng bóng, có vị lúc tập múa thì có các cháu
nhỏ chạy theo ôm chân gọi "ngoại, ngoại" hoặc lúc đi diễn hành thì có
con gọi "mom, mom". Đó là các "vũ công" bất đắc dĩ, tuy
không phải là chuyên nghiệp, không có khả năng nhảy múa điêu luyện nhưng họ có
một tấm lòng thật đáng trân quý. Có những gia đình, cha, mẹ, con cái đều tham
gia, thật dễ thương, thật cảm động.
Với những màu sắc tươi thắm, âm thanh vui nhộn,
trang phục cổ truyền, vũ điệu duyên dáng, thế võ đẹp mắt và nụ cười xinh tươi,
đoàn diễn hành của CĐNVTD/VIC đã cùng với các hội đoàn, đoàn thể và cộng đồng
bạn chung vui với người dân Victoria đúng như ý nghĩa của chữ Moomba là
"let's get together and have fun". Đây cũng là một trong những dịp để
CĐNVTD/VIC phô trương bản sắc văn hoá Việt Nam, đóng góp vào nền đa văn hoá, và
hoà nhập vào cuộc sống hài hoà của đất nước Úc, đó cũng là một niềm hãnh diện
của CĐNVTD/VIC nói riêng và của CĐNVTD Úc Châu nói chung.
Melbourne
10/03/2014
Một số hình ảnh Moomba Parade 2014
Moomba Parade 2014 (youtube)
Moomba
2014 Melbourne
Moomba
2014 Melbourne
Tường thuật của giới truyền thông Úc
No comments:
Post a Comment