Saturday, 15 March 2014

HỘI ĐÀM NGA - MỸ THẤT BẠI TRƯỚC NGÀY TRƯNG CẦU DÂN Ý Ở CRIMEA (RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ bảy 15 Tháng Ba 2014

Vào trước ngày vùng Crimée trưng cầu dân ý về việc sát nhập vào nước Nga, khủng hoảng Ukraina thêm trầm trọng sau khi cuộc họp « cơ may cuối cùng » giữa Nga và Mỹ thất bại. Tại Luân Đôn hôm qua, 14/03/2014, sau các cuộc hội đàm với đồng nhiệm Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov ghi nhận là Washington và Matxcơva vẫn không có cùng lập trường về tình hình Ukraina.

Hoa Kỳ cũng xác nhận là hai cường quốc đã không tìm ra đồng thuận về cuộc khủng hoảng này. Hôm qua, Nhà Trắng thông báo là phó tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Ba Lan và Litva trong tuần tới để thảo luận với Vacxava và các nước vùng Baltic về tình hình Ukraina.

Tại Matxcơva, khi hội đàm với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, tổng thống Nga Putin đã khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày mai tại Crimée là hoàn toàn đúng với công pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Sáng nay, các thành viên Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sáng nay đã họp khẩn cấp tại New York để biểu quyết về một nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée. Các nhà ngoại giao chờ đợi là Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này.

Sau thất bại của cuộc họp Nga-Mỹ, Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu thi hành những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với Nga. Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh trong hai ngày 20 và 21/03 tới. Khối này đã gia tăng trợ giúp cho Ukraina sau khi Nga đưa quân sang kiểm soát vùng Crimée.

Tại Kiev, Thủ tướng Arseni Iatseniuok hôm nay thông báo trên đài truyền hình rằng vế chính trị của hiệp định liên kết với Ukraina với Liên Hiệp Châu Âu sẽ được ký kết ngày 21/03 tới. Vào cuối tháng 11 năm ngoái, chính quyền của tổng thống Viktor Ianukovitch đã từ chối ký kết vế kinh tế của hiệp định này. Chính hành động đó đã làm dấy lên phong trào phản kháng dẫn đến việc lật đổ chế độ Ianulovitch.

-----------------------------------

Tú Anh  -  RFI
Thứ sáu 14 Tháng Ba 2014

48 giờ trước cuộc trưng cầu dân ý đưa Crimée của Ukraina sáp nhập vào Nga, các nước Tây phương nỗ lực lần cuối thuyết phục Nga đổi ý định. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Luân Đôn để gặp đồng sự Nga Serguei Lavrov trong khi quân Nga tập trận và dàn binh sát biên giới Ukraina.

Đây là cuộc gặp lần thứ tư trong vòng một tuần lễ giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Nga và cũng là cơ may cuối cùng, để tìm một giải pháp cho Ukraina. Ngoại trưởng John Kerry sẽ hội kiến với thủ tướng Anh và ngoại trưởng Anh trước khi gặp đồng sự Nga Serguei Lavrov vào chiều nay để thuyết phục Matx cơva tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết là Mỹ và châu Âu sẽ có những biện pháp « rất nghiêm trọng » kể từ ngày thứ Hai 17/03/2014, tức ngay sau ngày trưng cầu dân ý tại Crimée vào Chủ nhật.

Theo nhật báo Đức, Bild số ra ngày hôm nay, ít nhất 13 nhân vật lãnh đạo Nga trong đó có bộ trưởng quốc phòng, giám đốc an ninh quân đội chủ tịch tập đoàn khí đốt Gazprom và xăng dầu Rosneft sẽ bị cấm nhập cảnh vào Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhiều cuộc vận động đang diễn ra để khuyến cáo Nga. Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseni Iatseniouk lên án Nga vi phạm điều 2 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cấm đưa quân xâm chiếm một nước có chủ quyền. Ông tuyên bố vẫn còn « cơ may » để giải quyết khủng hoảng. Cơ hội đó là Nga « rút quân khỏi Crimée và đàm phán ».

Đáp trả lại, đại sứ Nga Vitali Tchourkin tuyên bố « nước Nga và dân Nga không muốn chiến tranh. Có lẽ dân Ukraina cũng thế ». Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samatha Power nói rằng « trưng cầu dân ý tại Crimée là vô nghĩa » và bà kêu gọi « Nga đàm phán trực tiếp với Ukraina ».

Theo AFP, Mỹ đã chuyển đến các thành viên Hội Đồng Bảo An dự thảo nghị quyết bảo vệ « toàn vẹn lãnh thổ Ukraina ». Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Gerard Araud cho biết Paris ủng hộ dự thảo nghị quyết của Washington và muốn biểu quyết trước khi trưng cầu dân ý. Theo đại sứ Pháp thì tất cả thành viên hay không thành viên của Hội Đồng Bảo An hãy cùng đưa ra lời kêu gọi sau cùng : " Nước Nga hãy cưỡng lại cơn say dân tộc chủ nghĩa ».

Theo AFP, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vắng mặt. Điều này sẽ làm Nga bị cô lập thêm tuy sử dụng quyền phủ quyết để thoát nạn. Cũng để phản công ngoại giao, Bruxelles tăng tốc thắt chặt quan hệ với Kiev. Thỏa thuận Ukraina làm thành viên liên kết với Liên hiệp châu Âu có thể sẽ được ký kết trong khuôn khổ cuộc họp Thượng đỉnh EU ngày 20 và 21/03/2014.

Tình hình căng thẳng tại Ukraina bẵt đầu tác động đến kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán Tokyo bị sụt 3,3% mà một phần được giải thích là do xung khắc tại Crimée. Nặng hơn hết là sàn giao dịch tại thủ đô nước Nga, vào trưa ngày hôm nay bị mất đến 5%.

Tại thành phố Donesk, một người Ukraina ủng hộ chính phủ đã bị đâm chết trong một cuộc biểu tình và xung đột với phe thân Nga. Quân đội Nga tiếp tục tập trận sát biên giới với Ukraina mà theo Itar-Tass, huy động khoảng 4000 lính dù, 36 máy bay , 500 xe quân sự đủ loại.



No comments:

Post a Comment

View My Stats