Tuesday, 4 March 2014

HOA KỲ KÊU GỌI TRẢ TỰ DO CHO BLOGGER TRƯƠNG DUY NHẤT (VOA Tiếng Việt)




04.03.2014

Chính phủ Hoa Kỳ mới lên tiếng ‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’ sau một khi tòa án hôm 4/3 kết án blogger Trương Duy Nhất 2 năm tù theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội kêu gọi chính phủ Việt Nam ‘trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép người Việt bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa’.

Hà Nội chưa lên tiếng hồi đáp trước lời kêu gọi của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng trước đây từng nói rằng Mỹ ‘can thiệp vào công việc nội bộ’.

Sau phiên xử ở TP Đà Nẵng, ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa của ông Trương Duy Nhất, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông Nhất bị kết án ‘tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ sau năm tiếng bị đưa ra xử.

Theo luật sư này, ông Nhất đã ‘trình bày bản bào chữa, nhưng không được phép nói nhiều’.
“Ông Trương Duy Nhất và luật sư yêu cầu phải làm rõ từng vấn đề trong vụ án này. Và chúng tôi đã cố gắng làm cái việc đó. Và chúng tôi đang làm rõ trong 12 bài liên quan trong vụ án thì mới đang làm được 7 bài thì bà thẩm phán tìm mọi cách cắt ngang, bảo là đã rõ hết rồi. Chắc là có sự chỉ đạo nào đó, người ta muốn cắt ngắn phiên tòa."

Theo bản cáo trạng được đưa lên mạng Internet, 12 bài viết của ông Nhất ‘có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước; bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước và đưa ra những cái nhìn bi quan, một chiều về tình hình kinh tế, xã hội, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng tới lòng tin của quần chúng, nhân dân’.

Cáo trạng cũng nêu lên bài viết có tựa đề như: 'Chất lượng chính phủ: quá tệ' hay 'Tổng bí thư và Thủ tướng nên ra đi'.

Luật sư Hải nhấn mạnh với VOA Việt Ngữ rằng người lập nên trang blog ‘Một góc nhìn khác’ ‘không xâm phạm quyền lợi của bất kỳ ai’.
“Chúng tôi đã trình bày và chứng minh rằng anh Nhất không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hay tổ chức nào, kể cả của các vị lãnh đạo cũng như không xâm phạm lợi ích của nhà nước. Chúng tôi đề nghị phải triệu tập các vị mà trong cáo trạng cho rằng các bài viết [của ông Nhất] xâm phạm đến quyền lợi của các vị lãnh đạo đó, nhưng tòa đã không triệu tập và họ cũng không có ý kiến gì trong hồ sơ, nên điều đấy chứng minh rằng các vị này cũng không cảm thấy bị xâm phạm các lợi ích hợp pháp và không có quy định nào cho phép bên công tố thay mặt họ nói rằng là họ bị xâm phạm quyền lợi”.


Trước khi diễn ra phiên xử, tổ chức thúc đẩy nhân quyền trên thế giới Human Rights Watch đã kêu gọi Việt Nam thả ông Trương Duy Nhất.
Ông Nhất là người nói lên sự thật và quan điểm của mình. Ông Nhất nói có thể điều đó khiến ai đó không hài lòng nhưng ông có nghĩa vụ phải lên tiếng. Ông nói rằng ông không sợ bị tù đày.
Luật sư Hải.

Ông Nhất bị bắt hồi tháng Năm năm 2013, một tháng trước khi một blogger khác là Phạm Viết Đào bị bắt, cũng dựa trên điều 258 Bộ Luật hình sự. Hiện chưa rõ khi nào ông Đào sẽ bị đưa ra xét xử.

Khi được hỏi ông Nhất có thể hiện sự thất vọng đối với bản án hai năm tù không, luật sư Hải cho biết:
“Ông Nhất thì ông ấy khảng khái. Ông nói rằng là ông không có ngại gì cả. Ông là người nói lên sự thật và quan điểm của mình. Có thể điều đó khiến ai đó không hài lòng nhưng ông có nghĩa vụ phải lên tiếng. Ông nói rằng ông không sợ bị tù đày. Ông ấy nói rằng có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận, xấu hổ nhưng mà có những trường hợp như ông thì lại tự hào vì ông đã bản lĩnh, và nói rõ những việc mà ông cần phải nói. Ông ấy không chấp nhận phiên tòa mà diễn ra một cách nhanh chóng này cũng như đã không tạo điều kiện cho ông nói ra hết các vấn đề để làm rõ các vấn đề”.

Theo luật sư đại diện cho blogger từng có thời gian làm việc cho báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng và báo Đại Đoàn Kết, ông Nhất ‘tuyên bố sẽ kháng án cho tới khi ông được tự do và được tuyên bố vô tội’.

------------------------------------

04.03.2014

HÀ NỘI — Một tòa án ở Việt Nam đã tuyên án tù blogger Trương Duy Nhất vì phạm tội gọi là “lợi dụng các quyền tự do để xâm phạm lợi ích nhà nước.” Các nhân vật tranh đấu nhân quyền nói rằng bản án này nằm trong khuôn khổ của chiến dịch đang tiếp diễn nhằm chà đạp quyền tự do ngôn luận. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown của đài VOA có bài tường thuật do Minh Phượng trình bày.

Ông Trương Duy Nhất, 50 tuổi, đã bị truy tố vì cho đăng những bài viết mà giới hữu trách gọi là 'xuyên tạc đảng Cộng Sản'. Hôm nay, ông bị tuyên án 2 năm tù sau phiên xử nửa ngày tại quê ông ở Đà Nẵng.

Ông Nhất lập trang blog Một góc nhìn khác năm 2011 sau khi quyết định thôi không làm ký giả cho một tờ báo của nhà nước. Ông làm phóng viên cho các tờ báo ở Việt Nam từ năm 1987.
Những bài viết trên blog của ông thường phê phán giới lãnh đạo Việt Nam và nêu ra những mối quan tâm về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho ông Nhất, nói rằng thân chủ ông bị kết án “lợi dụng các quyền tự do để xâm hại lợi ích nhà nước” dựa theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự.

Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết họ 'quan tâm sâu sắc' tới bản án này.
Trong một thông cáo, họ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nhất và tất cả các tù nhân lương tâm và để cho dân chúng được bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.


Ông Nhất bị bắt tại nhà hồi tháng 5 không bao lâu sau khi cho đăng một bài viết kêu gọi thủ tướng chính phủ và tổng bí thư đảng từ chức.

Một nhóm các nhà báo và blogger đã tụ tập bên ngoài tòa án ở Đà Nẵng để bày tỏ sự ủng hộ cho ông Nhất. Trong số này có blogger Mẹ Nấm.

"Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ở Mỹ nói rằng Điều 258 là một 'qui định mơ hồ', 'thường được dùng để bỏ tù người dân vì sự phê phán ôn hòa đối với các chính sách và cách làm việc của chính quyền'.”

Tháng trước, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc tiến hành cuộc kiểm điểm hồ sơ nhân quyền Việt Nam. Trong tiến trình này, nhiều nước hội viên đã kêu gọi Việt Nam ngưng dùng Điều 258 để truy bức những người bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa."

Phó Giám đốc bộ phận Á châu của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, cho rằng chính phủ Việt Nam không muốn đáp ứng lời kêu gọi đó.

"Chính phủ Việt Nam không muốn nhượng bộ chút nào về những luật lệ thuộc loại an ninh quốc gia bởi vì đây là tội danh bao quát để bỏ tù những người mà họ không thích."

Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã được bầu làm hội viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, cơ quan giám sát nhân quyền cao nhất của Liên hiệp quốc. Trung Quốc, Nga, Ả rập Xê-út, Cuba và Algeria cũng chiếm được ghế hội viên.

Ông Robertson cho biết bản án của ông Trương Duy Nhất cho thấy Việt Nam không thay đổi cách đối xử đối với những người bất đồng chính kiến.

"Điều mà chúng ta đang có là một chính phủ Việt Nam rêu rao là họ được bầu vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất và xem đó là một tín hiệu để họ tiếp tục nới rộng những hành vi chà đạp nhân quyền mà không bị trừng phạt."

Theo Human Rights Watch, Việt Nam đã bỏ tù 61 nhân vật bất đồng chính kiến và các nhà tranh đấu trong năm 2013, cao hơn nhiều so với con số khoảng 40 người của năm trước đó.

Chính phủ ở Hà Nội lâu nay vẫn nói rằng Việt Nam không hề có tù nhân chính trị và họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

Blogger Việt Nam cho rằng bản án của blogger Trương Duy Nhất có mục đích cảnh cáo những người dùng blog và Facebook để chỉ trích nhà cầm quyền.


--------------------------------------

VOA
04.03.2014

Bà Wendy Sherman đã trao đổi về tình hình nhân quyền với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến công du Hà Nội hôm 4/3.
Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình nhân quyền thế giới thường niên, trong đó nêu ra nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách các vấn đề Chính trị Wendy Sherman cho biết Việt Nam ‘là một phần không thể thiếu’ trong công cuộc tái cân bằng của Mỹ sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Giới chức Mỹ cũng ‘đánh giá cao cơ hội được trao đổi các vấn đề quan trọng với rất nhiều quan chức cao cấp Việt Nam’ như ông Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ Công An Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Ngoài vấn đề nhân quyền, tin cho hay, hai bên ‘mong làm việc cùng nhau’ về các vấn đề song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tranh chấp Biển Đông, vấn đề bảo vệ môi trường, và việc tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Ngoài các quan chức nhà nước, bà Sherman còn gặp gỡ các thành viên của xã hội dân sự. Bà nói rằng xã hội dân sự và các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước là ‘một trong những mảng thú vị nhất của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ’.

Trong lễ công bố phúc trình nhân quyền thế giới 2013 hôm 27/2, Quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, bà Uzra Zeya, nói rằng phía Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam ở cấp cao nhất ‘tuân thủ các cam kết và các nghĩa vụ về nhân quyền quốc tế của nước này”.

Bà Zeya cũng nói rằng hành động của Việt Nam sẽ có tác động tới việc Mỹ tiếp tục củng cố thêm nữa mối quan hệ song phương.

Sau đó, Hà Nội đã lên tiếng cho rằng một số nhận định trong bản báo cáo này ‘dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh thực tế khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam’.

Trong khi đó, một số blogger cho biết họ sẵn sàng đối chất với nhà nước về những vấn đề bị coi là ‘thiếu chính xác’ đó.

Nguồn: US Embassy, MOFA





No comments:

Post a Comment

View My Stats