Monday, 3 March 2014

GÓP MỘT VIÊN ĐẠN (Nguyễn Đạt Thịnh - Viễn Đông Daily)




Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 25/02/2014

Tôi góp một viên đạn và vận động xin mỗi người chúng ta cùng góp một viên đạn yểm trợ chiến trường nhân quyền đang diễn ra rất quyết liệt trong quốc nội.

Qua bức ảnh phóng sự của hãng thông tấn Pháp AFP dưới đây, chụp một cuộc biểu tình đòi SỰ THẬT CHO LUẬT SƯ LÊ QUỐC QUÂN, tôi thấy rõ nét mặt cương quyết trong thái độ thản nhiên, sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện có thể xẩy ra của 4 người: 3 anh thanh niên, không anh nào trên 30 tuổi, và một phụ nữ ngoài 50.


Bốn khuôn mặt lạnh lùng mà bình thản đối diện với công an, đối diện với lao tù, chấp nhận nguy cơ sẽ bị bắt ngay sau cuộc biểu tình, sẽ vào tù, và không trở lại với thân nhân, với gia đình nữa. Tôi nói chỉ có 4 người, vì những người khác đứng lẫn trong đám đông, không nhìn rõ nét mặt.

Tôi chân thành xác nhận họ anh hùng hơn tôi rất nhiều; ngày trước, trong chiến tranh, tôi cũng đối đầu với Việt Cộng, nhưng tôi không can đảm bằng họ, vì tôi còn có một khẩu súng, một đơn vị để hơn thua với địch. Những vị anh hùng trong ảnh, tay không, không dựa vào một sức mạnh nào khác ngoài lòng tin của họ vào quyền làm người, quyền làm công dân; tay không họ chiến đấu đòi nhân quyền và dân quyền.

Nhìn nét mặt của 2 tên công an Việt Cộng tôi thấy rõ 2 mặc cảm, mặc cảm tự ti và mặc cảm phạm tội; chúng biết những người chúng sắp đàn áp đang làm một việc sáng ngời chính nghĩa, một việc rất đúng; chúng còn biết những người biểu tình hoàn toàn ý thức được sức mạnh võ trang của đám công an sắp đàn áp họ, bắt bớ, bỏ tù họ, nhưng họ chấp nhận, không sợ, không tránh né.

Tôi vừa mô tả cuộc chiến tranh đòi hỏi nhân quyền trong quốc nội, cuộc chiến mà cư dân Houston muốn yểm trợ. Tôi còn chứng kiến và kính phục những nỗ lực không ngừng nghỉ của bác sĩ Hồ Ngọc Trâm, bác sĩ Phạm Hữu Tâm, và rất nhiều nhà trí thức Việt Nam khác tại Houston, những người đang hàng ngày sát cánh trực tiếp tham chiến với những chiến sĩ quốc nội; họ không là đồng minh của những chiến sĩ nhân quyền, mà là đồng đội, họ đứng chung trong một chiến hào với những Nguyễn Đan Quế, Lê Công Định, Lê Minh Triết, Lê Nguyên Sang, Lê Thị Công Nhân, Ngô Quỳnh, Nguyễn Bá Đăng, Lê Thị Ngọc Đa, Lê Văn Sóc, và hàng trăm chiến sĩ nhân quyền đang bị địch sinh cầm.

Việt Cộng vô cùng bối rối; trong lúc chúng giam giữ ngót một trăm chiến sĩ nhân quyền, thì ngoài đường phố vài trăm cuộc biểu tình đòi nhân quyền, đòi quyền yêu nước, quyền bảo vệ lãnh thổ, liên tục diễn ra, với sự tham chiến của hàng ngàn vị anh hùng áo vải, bình thản đối diện với bọn công an, bọn người bước qua lương tâm Việt Nam, đem bạo lực ra phục vụ một trong vài chế độ Cộng Sản sắt máu, tàn bạo cuối cùng còn sót lại trong thế kỷ 21..., và từ nhiều quốc gia tự do, hàng vạn người Việt hải ngoại sốt sắng đứng ra làm đồng đội, làm bạn chiến tuyến với các chiến sĩ nhân quyền quốc nội.
Một hoạt cảnh khác, giúp tôi ý thức được trách nhiệm của hải ngoại phải lột cho bằng được cái mặt nạ mo cau của Việt Cộng xảo quyệt, luồn lách lưới dư luận, đánh lừa thế giới bên ngoài, điển hình là cuộc họp UPR (Universal Periodic Review - Kiểm Điểm Thường Kỳ Phổ Quát) tại Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm thứ Sáu, mùng 7 tháng Hai vừa rồi.

Phúc trình về tình hình nhân quyền tại Việt Nam do nhóm Troika ba nước Costa Rica, Kenya và Kazakhstan soạn thảo và do ông Christian Guillermet, Đại Sứ của Costa Rica trình bày. Ông cho biết, có 9 nước đưa câu hỏi trước, và 106 nước phát biểu hôm mùng 5 tháng Hai, nêu lên 227 khuyến nghị.
Đáp lời ông Guillermet, trưởng phái đoàn Việt Cộng, thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, chúng sẽ xem xét các khuyến nghị, và trả lời vào tháng 6 tới trong khóa họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Na Uy là quốc gia đầu tiên chỉ trích Việt Nam; đại biểu Na Uy nói, "Tự do ngôn luận là chủ yếu tại các xã hội cởi mở và trong sạch. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam thực hiện đầy đủ bản Hiến Pháp (điều 69) tuân thủ theo Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Na Uy khuyến nghị Việt Nam cho phép các cá nhân và xã hội dân sự quyền chính đáng thăng tiến nhân quyền và công khai biểu tỏ những bất đồng của họ."

Quyền Đại sứ Hoa Kỳ, ông Peter Mulrean cũng nói lên mối âu lo về tình trạng thiếu tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Ông nói:
“Việt Nam vẫn tiếp tục giam cầm và sách nhiễu những ai thi hành các quyền tự do cơ bản, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và sách nhiễu các Giáo hội không đăng ký.”

Hoa Kỳ còn lo âu về sự hạn chế thành lập các Công đoàn tự do, vấn đề thiếu nhi lao động và cưỡng bức lao động, những đạo luật mơ hồ về “an ninh quốc gia,” và việc Việt Nam không cho các xã hội dân sự tham gia vào tiến trình kiểm điểm UPR. Hoa Kỳ là phái đoàn duy nhất nêu tên các tù nhân chính trị như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức, khi ông kêu gọi “trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị.

Trả lời những khuyến nghị này, đại diện bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam thơn thớt múa mỏ, “Việt Nam không kiểm duyệt báo chí, ấn phẩm xuất bản, không kiểm duyệt thông tin Internet. Chúng tôi khẳng dịnh Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận mà chỉ nhắm điều chỉnh các hoạt động trên Internet, nhằm bảo vệ môi trường Internet phù hợp, lành mạnh, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và bảo vệ lợi ích công cộng”.

Tất cả đều là xảo ngữ quen thuộc và thủ đoạn: Việt Cộng nói chúng không kiểm duyệt báo và Internet, chúng chỉ bắt giam những người làm báo yêu nước, những người viết Internet cổ động bảo vệ lãnh thổ! Ngôn ngữ điêu ngoa và việc làm bạo ngược của Việt Cộng vẫn tiếp tục lừa bịp thế giới, trong lúc chúng trắng trợn đàn áp người dân quốc nội.

Trong nỗ lực lột mặt nạ Việt Cộng, mặt trận Nhân Quyền hải ngoại sẽ thực hiện nhiều công tác vận động áp lực chính trị quốc tế buộc Việt Cộng phải thật sự tôn trọng nhân quyền của công dân Việt Nam; và vận động áp lực dư luận quốc tế tố giác bản chất gian manh của Việt Cộng, hầu lột trần mọi vi phạm của chúng.

Cuộc vận động sắp tới được tổ chức vào 2 ngày 26 và 27 tháng Ba 2014 tại Quốc Hội Hoa Kỳ với nhiều phái đoàn Yểm Trợ Nhân Quyền của nhiều tiểu bang, nhiều thành phố trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và nhiều phái đoàn đến từ các quốc gia khác.

Phái đoàn sẽ tham dự buổi điều trần tại Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos ngày 25 tháng Ba, ngày 27 sẽ họp báo, ăn trưa tiếp tân với thành viên Quốc Hội, hội thảo về liên hệ Việt Mỹ, hội thảo về Nhân Quyền; báo cáo và ngăn chặn lạm dụng, hội thảo về ASEAN và về Từ Nhân Quyền đến Civil Society Development (Triển Khai Xã Hội Dân Sự).

Tối 27 tháng Ba, phái đoàn sẽ ăn tối tại nhà hàng Fortune và thảo luận về tuyên cáo chung và kế hoạch hoạt động.

Riêng tại Houston Cộng Đồng Người Việt Houston đứng ra tổ chức phái đoàn đi Hoa Thịnh Đốn tranh đấu, qua tinh thần của một thông báo viết như sau:

"Quý vị có thể tham gia bằng cách mua vé máy bay và khách sạn tự túc hay đi chung với phái đoàn từ Houston bằng xe bus. Nếu đi bằng xe bus, chuyến đi kéo dài 6 ngày, khởi hành Thứ Hai ngày 24 tháng 3 vào 9 giờ sáng tại khuôn viên chợ Hồng Kông 4 và về lại Houston Thứ Bảy 29 tháng 3 khoảng 6 giờ tối. Chi phí mỗi người là $300 (đô la), bao gồm lộ phí và 3 ngày nghỉ ở khách sạn. Muốn biết thêm chi tiết, xin quý vị hãy đến họp tại Trụ Sỡ Cộng Đồng vào ngày 2 tháng 3 lúc 1 giờ chiều.
“Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các đồng hương tham gia, nhất là các cụ cao niên, chúng tôi kêu gọi sự bảo trợ tài chánh của qúy mạnh thường quân và các cơ sở thương mại. Mỗi đóng góp, dù nhiều hay ít, đều giúp cho sứ mạng vận động được thành công hơn.
“Để ghi danh đi xe bus, hoặc muốn biết thêm chi tiết, xin quý vị liên lạc văn phòng Luật sư Phan Quốc Cường qua số điện thoại (281) 407- 5622, văn phòng Boat People SOS tại Houston, hoặc vào trang mạng www.vdnqvn.com .
“Mọi đóng góp ý kiến hoặc bảo trợ tài chánh cho cuộc vận động nhân quyền, xin quý đồng hương gửi về địa chỉ: 11205 Bellaire Blvd, Suite B-31, Houston, TX 77072 và ghi rõ “VNCH” trong check hoặc money order. Phần Memo xin ghi “Yểm Trợ Nhân Quyền.”

Ban tổ chức ước muốn có được 1,000 người tham dự, và kỳ vọng vào sự góp sức của đồng bào cư dân các thị xã, các tỉnh vùng lân cận Hoa Thịnh Đốn; tại Houston, ban tổ chức kêu gọi những người không có điều kiện tham dự, hãy đóng góp tài ngân để làm nhẹ bớt phí khoản $300 cho mỗi người tham dự.

Là một trong những cư dân Houston không có điều kiện trực tiếp tham dự cuộc vận động Quốc Hội Hoa Kỳ kéo dài suốt 6 ngày, tôi xin vẫn được có mặt trong cuộc chiến đấu của người Việt quốc nội cho Nhân Quyền bằng cách góp một qủa đạn đại bác bắn vào thành trì ác quỷ Hà Nội.

Tôi đã gửi chi phiếu đến địa chỉ: 11205 Bellaire Blvd, Suite B-31, Houston, TX 77072, và trân trọng vận động xin quý vị cùng góp đạn nếu không có điều kiện thuận lợi góp sức vào cuộc chiến đấu phải thắng cho bằng được để dành Nhân Quyền -quyền được sống như những con người cho gần 100 triệu đồng bào quốc nội. (nđt)

----------------------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats