Sunday, 2 March 2014

GIỚI THIỆU SÁCH "CUỘC HỘI TỤ LỚN LAO" (Đoàn Thanh Liêm giới thiệu)




06:07:am 02/03/14

*Nguyên tác tiếng Anh: The Great Convergence Asia, the West and the Logic of One World
*Tác giả : Kishore Mahbubani, người Singapore gốc Ấn Độ.
*Nhà xuất bản Public Affairs New York ấn hành năm 2013,
*Sách dày315 trang, giấy trắng, khổ chữ 12, bìa cứng.

I – Giới thiệu vắn tắt về tác giả và nhà xuất bản.

1/ Tác giả Kishore Mahbubani hiện là Khoa trưởng của Lee Kuan Yew School of Public Policy tại National University of Singapore (NUS). Ông theo học tại Singapore và Canada và đã từng giữ chức vụ Đại sứ của Singapore tại Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm. Có thời ông đã giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc.

Ông cũng đã cho xuất bản 3 cuốn sách có nhan đề “ Can Asians Think ? Understanding the Divide between East and West” xuất bản năm 2001, – “ Beyond the Age of Innocence : Rebuilding Trust between America and the World” xuất bản năm 2005, – “The New Asian Hemisphere : The Irresistible Shift of Global Power to the East” xuất bản năm 2008. Và cuốn sách “The Great Convergence” được giới thiệu trong bài viết này – là tác phẩm thứ tư của ông ấn hành vào đầu năm 2013.

Ông còn tham gia viết nhiều bài báo cho các tạp chí và nhật báo có uy tín như Foreign Affairs, Foreign Policy, Financial Times. Tờ Foreign Policy liệt kê ông là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu về những vấn đề có tầm vóc tòan cầu (top 100 global thinkers) trong các năm 2005, 2010 và 2011.

Tên gọi của ông Kishore Mahbubani sinh năm 1948 tại Singapore – rõ ràng là khác biệt với tên của đa số người Singapore có nguồn gốc từ Trung quốc. Trong cuốn sách, tác giả cho biết lai lịch của gia đình là xuất phát từ tiểu lục địa Ấn độ – do cha mẹ thuộc lớp người di dân tỵ nạn đến Singapore để tránh xa cuộc xung đột tàn sát đẫm máu giữa người theo Ấn Độ giáo và người theo Hồi giáo thời kỳ sau chiến tranh thứ hai – kết cục là chia tiểu lục địa này thành hai nuớc đối địch là Ấn Độ và Pakistan.

2/ Nhà xuất bản Public Affairs khởi sự thành lập từ năm 1997 ở New York, với logo gồm 3 chữ BBS nhằm vinh danh ba nhân vật có sự đóng góp lớn cho ngành sách báo ở Mỹ. Đó là các ông Benjamin C. Bradlee người lãnh đạo lâu năm của tờ Washington Post, ông Robert L. Bernstein giám đốc điều hành của nhà xuất bản Random House và cũng là sáng lập viên của tổ chức Human Rights Watch, ông I.F. Stone chủ nhân của tuần san I.F. Stone’s Weekly, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Trial of Socrates. Nhà xuất bản Public Affairs đã cho ra đời nhiều cuốn sách có giá trị được giới độc giả khắp thế giới hoan nghênh tìm đọc.

II – Trình bày mấy nét chính yếu trong cuốn sách.

Là một nhà ngọai giao kỳ cựu và cũng là một học giả có tiếng tăm trên thế giới, tác giả Kishore Mahbubani đã trưng dẫn ra những sự kiện lạc quan về tình hình thế giới, đại khái như sau : Nạn nghèo khó cùng cực đã giảm bớt – Không còn chiến tranh lớn giữa các quốc gia – Giai cấp trung lưu càng ngày càng đông đảo hơn – Sự cải thiện về mức sống chỉ riêng trong thời gian 30 năm gần đây vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI – đã trở thành tốt đẹp hơn là trong suốt 300 năm trước đó…
Nhưng cục diện chung của thế giới cũng đòi hỏi đặc biệt là khối Âu Mỹ gồm Hoa kỳ và Tây Âu phải có những nhượng bộ đáng kể để mà thích nghi được với mối tương quan lực lượng mới do sự lớn mạnh của những quốc gia ngòai khối Tây phương (Non-Western World) – điển hình là Trung Hoa, Ấn Độ, Brazil và Nigeria.

Cụ thể là phải cải tổ cơ cấu của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế căn bản như Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF = International Monetary Funds), Ngân Hàng Thế Giới (WB =World Bank).

Tác giả đưa ra một hình ảnh thật sinh động là : Thế giới ngày nay giống như một con tàu lớn mà có đến 193 khoang cabin tức là 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhưng mỗi chủ khoang cabin chỉ chăm lo riêng cho cabin riêng biệt của mình – mà không có ai chịu lo chung cho tòan thể con tàu. Tức là cần phải có một thứ thẩm quyền tòan cầu (A Global Governance) – để mà giải quyết những vấn đề sinh tử liên hệ đến vận mạng của trên 7 tỷ con người hiện sống chung trên hành tinh trái đất đang gặp phải nhiều nguy cơ mỗi ngày một trầm trọng hơn mãi.

Về mặt bố cục, sách được phân bố trong 7 chương với phần Dẫn nhập ở đầu và phần Kết luận ở cuối.

Mỗi chương có tiểu đề riêng như sau:
1 – Nền Văn minh Tòan cầu Mới.
2 – Lý thuyết Một Thế giới.
3 – Tính Vô lý Tòan cầu
4 – Bảy Mâu thuẫn Tòan cầu
5 – Địa Chính trị có làm lệch hướng sự Hội tụ chăng?
6 – Bức Rào ngăn cản sự Hội tụ.
7 – Quy tụ về Thẩm quyền Tòan cầu.

Kết luận : Bởi vì Tất cả Cái gì Hướng thượng thì đều Hội tụ lại với nhau. Câu văn này làm ta nhớ lại lời phát biểu của nhà khảo cổ học người Pháp lừng danh từ hồi đầu thế kỷ XX là Teilhard de Chardin – với nguyên văn tiếng Pháp như sau : “Tout ce qui monte, converge”. Vào mùa hè năm 1967, Viện Đại học Đalat có tổ chức một cuộc Hội thảo khá quy mô với chủ đề là : “Tìm cách xác định những Mục tiêu Quốc gia” (Our National Goals) – thì Ban Tổ chức có cho trưng bày tại Đại sảnh đường một bảng khẩu hiệu thật lớn ghi nguyên văn lời phát biểu này của nhà khoa học de Chardin.

III – Đánh giá của giới thức giả quốc tế về tác phẩm.

Cuốn sách này được nhiều học giả và giới chức quốc tế đánh giá cao, điển hình như mấy nhân vật sau đây:
*Ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký LHQ ghi nhận: ” Kishore Mahbubani đưa ra lời nhắc nhủ thú vị rằng nhân lọai sẽ mạnh mẽ nhất khi chúng ta cùng làm việc với nhau vì lợi ích chung của tất cả mọi người”.
*Giáo sư Joseph S. Nye, tác giả sách “The Future of Power”, thì viết : “Trên hết, tác giả tìm cách hòa giải 12% dân số thế giới sinh sống tại phương Tây với tuyệt đại đa số ở ngòai phương Tây. Kết cục đây là cuốn sách tốt và quan trọng.”

*Ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization = WTO) thì nhận định : “”Đây là cuốn sách cần phải đọc đốí với những ai quan tâm đến vấn đề chính trị quyền lực và tương lai của sự cai trị tòan cầu (global governance).

*Ông Fareed Zakaria, tác giả sách “The Post-American World”, thì viết : “Cuốn sách có tính khích động, quyến rũ và thông minh. Tác giả đem lại một viễn tượng sâu sắc về tình hình tòan cầu, bắt nguồn từ Á châu, nhưng cũng tìm hiểu cả Âu châu và Mỹ châu nữa…”

IV – Xin ghi thật tóm tắt một số điểm đáng chú ý nhất trong cuốn sách quan trọng này.

Nói chung, thì cuốn sách nêu ra những vấn đề có tầm vóc thật lớn lao quan trọng cho tòan thể nhân lọai vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Những vấn đề được nêu ra ở đây, thiết nghĩ cần được sử dụng như là những gợi ý cho các cuộc trao đổi thảo luận rộng rãi cả trong môi trường hàn lâm đại học, cũng như trên các diễn đàn truyền thông đại chúng. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin lần lượt trình bày qua những tiểu mục sau đây:

1 – Người nói có sách, mách có chứng.
Là một nhà ngọai giao kỳ cựu và hiện là một giáo sư và tác giả có tiếng tăm, nên trong cuốn sách này tác giả đã trưng dẫn rất nhiều tài liệu tham khảo khả tín và cập nhật cho đến tháng 9 năm 2012 mới đây – chủ ý nhằm làm sáng tỏ cho lập luận vững chắc của mình. Những số liệu thống kê, những biểu đồ, những lập luận của các học giả và những nhận định của giới chức lãnh đạo quốc tế v.v… đã được tác giả thận trọng chọn lựa sử dụng để chứng minh cho quan điểm mạnh bạo mà độc đáo của mình. Trong phần Ghi Chú được dàn trải trong suốt hơn 20 trang ở cuối sách (từ trang 275 đến trang 297) – tác giả cho ta thấy xuất xứ của những tài liệu tham khảo – để người đọc nếu muốn thì có thể đào sâu thêm vấn đề được nêu ra.

2 – Những phê phán thẳng thắn, không hề khoan nhượng đối với những sự vô lý và bất cập trong chính sách hiện nay của những cường quốc – đặc biệt là của Hoa Kỳ.
Lúc này là một nhà giáo, nên tác giả không còn phải uốn lưỡi lựa lời như khi còn là nhà ngọai giao – do đó Mahbubani đã không ngần ngại lên tiếng phê phán nặng nề đối với chính sách trái khóay ngược đời của những cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Tây Âu. Tác giả chỉ trích mạnh mẽ chuyện Hoa Kỳ (và một vài nước lớn khác như Trung Hoa, Nga, Ấn Độ) không chịu ký vào Hiệp Ước Luật Biển (Law of the Sea Treaty) đã được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1982 – không tham gia ký Nghị Định Thư Kyoto về việc giảm khí thải do Hiệu ứng Nhà Kiếng (Kyoto Protocol on GHG = Green House Gas) – không tham gia vào Tòa Án Hình sự Quốc tế (ICC = International Criminal Court) – không ký vào Hiệp ước cấm sử dụng mìn (Mine Ban Treaty = Ottawa Treaty) v.v… – mặc dầu các định chế này đã được đa số các quốc gia thành viên của LHQ thông qua.
Tác giả còn vạch ra sự cấu kết của Hoa Kỳ và Tây Âu trong việc lũng đọan các định chế quốc tế cao cấp nhất như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế , Ngân Hàng Thế Giới. Ông còn phê phán cả tính cách lỗi thời trong việc điều hành của Hội Đồng Bảo An LHQ – và đề nghị cần phải mạnh dạn cải tổ tòan bộ những cơ cấu đã được phát sinh trong bối cảnh của Đệ nhị Thế chiến, mà ngày nay không còn thích hợp nữa.

3 – Những dấu hiệu lạc quan.

a) Trong nhiều trang, tác giả đưa ra những số liệu phản ánh sự đi lên của xã hội – và đó là cơ sở cho thái độ lạc quan của nhiều người, đặc biệt là của người dân châu Á mà điển hình là người Ấn Độ và Trung Hoa. Cụ thể như nơi trang 24, tác giả trưng dẫn 2 biểu đồ ghi ra sự tăng trưởng của giai cấp trung lưu (middle class) ở vùng À Châu Thái Bình Dương như sau : Vào năm 2009, thì giai cấp này chiếm tỷ lệ 28%; nhưng đến năm 2020, thì tỷ lệ này sẽ là 53% đối với tổng số giới trung lưu trên tòan cầu – tức là chiếm vị trí đa số. Ngược lại, cũng trong thời gian đó, thì tỷ lệ của Mỹ và Âu châu lại tụt giảm từ 54% xuống còn có 32% – tức là ở vào vị trí thiểu số.
Nhưng điều quan trọng là khối trung lưu có thể lên tới con số cả ngàn triệu người này lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đó là làm áp lực trong việc xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới.

b) Tác giả còn trưng dẫn nhiều trường hợp biểu lộ sự đóng góp của các think tank, các viện nghiên cứu, các đại học, các NGO (tổ chức phi chính phủ) v.v… vào việc giải quyết những tranh chấp căng thẳng trên thế giới. Điển hình như tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF = World Economic Forum) nhóm họp vào tháng Giêng mỗi năm tại thành phố Davos Thụy Sĩ, thì các NGO sát cánh với những viên chức chính phủ làm giảm bớt đáng kể bàu không khí căng thẳng thường xảy ra trong giới ngọai giao vì những mâu thuẫn tranh chấp giữa nước này với nước khác. Đó là một thứ Sức Mạnh Mềm (Soft Power) mỗi ngày càng phát triển thêm lớn lao vững mạnh của đông đảo khối quần chúng trên khắp thế giới ngày nay.

Nói cách khác, các tổ chức thuộc Xã hội Dân sự càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực bang giao quốc tế – mà được gọi là những “Tác nhân không phải là Nhà nước” (Non – State Actors).

* * *
Để tóm tắt lại, đây là một cuốn sách rất có giá trị do người am hiểu sâu sắc và có tầm nhìn bao quát về tình hình thế giới cung cấp cho công chúng những thông tin, tư liệu, kể cả các giai thọai hấp dẫn mà ít người được biết đến. Tác giả đưa ra những suy luận, những gợi ý nhằm góp phần cải thiện môi trường chính trị tòan cầu – với một thiện chí xây dựng tích cực và một thái độ lạc quan thông thóang.

Người viết rất hân hạnh được giới thiệu với độc giả người Việt cuốn sách có tầm vóc rộng lớn này./

Costa Mesa California, tháng Hai 2014
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt


No comments:

Post a Comment

View My Stats