Tuesday, 18 March 2014

GIA ĐÌNH CHỊ BÙI THỊ MINH HẰNG GỬI ĐƠN KHIẾU NẠI TỚI ỦY BAN CHỐNG CƯỠNG CHẾ MẤT TÍCH THUỘC CAO ỦY NHÂN QUYỀN LHQ (FB My Hanh Nguyen)




3/18/2014               4 Comments http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Được biết gia đình chị Bùi Thị Minh Hằng đã gửi đơn tới văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khiếu nại chính phủ Việt Nam đã có hành động vi phạm "Hiệp Ước Quốc Tế Về Việc Chống Cưỡng Chế Mất Tích".

Đơn khiếu nại trình bày bối cảnh và chi tiết về hai lần chị Bùi Thị Minh Hằng bị mất tích oan sai (vào tháng 11 năm 2011 và mới đây nhất là vào tháng 2 năm 2014).

Đơn khiếu nại tường trình rõ về việc đã nhiều lần chị Hằng bị tấn công gây thương tích. Tư gia của chị thường xuyên trở thành mục tiêu phá hoại. Chị từng nhận được nhiều tin nhắn đe dọa tính mạng cũng như phải đối đầu với nhiều hành vi phá rối và khủng bố. Tất cả những hành vi trên đều do các công an an ninh mặc thường phục giả dạng làm côn đồ thực hiện.

Đơn khiếu nại dẫn chứng hành vi bắt chị Bùi Thị Minh Hằng đưa đi mất tích cho tới nay là một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Việt Nam ngày càng gia tăng sự tấn công khốc liệt đối với các nhà hoạt động ôn hòa và đàn áp tự do tôn giáo cũng như các hoạt động quảng bá tới quần chúng về "Hiệp Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền" của Liên Hiệp Quốc và đề cao việc thực thi các quyền phổ cập được định nghĩa và ghi nhận trong "Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền".

Trong đơn, gia đình chị Hằng dẫn rõ những chi tiết về việc các con chị bị ngược đãi, đe dọa, thậm chí bắt giữ và bắt nộp phạt trong hành trình đi tìm tung tích mẹ mình qua hai lần mất tích.

Đơn khiếu nại cũng nêu lên các hành động vi hiến của chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương đối với các con chị Bùi Thị Minh Hằng cũng như đối với luật sư của chị trong việc ngăn cản họ tiếp xúc với chị và tìm hỏi thông tin về tình trạng của chị mặc dù họ đã hoàn toàn theo đúng trình tự pháp luật theo qui định tại Việt Nam, và ngay cả khi các con của chị Hằng đã làm đơn xin gặp mẹ vì lý do nhân đạo.

Đơn khiếu nại nhấn mạnh mối quan ngại của gia đình và luật sư của chị Bùi Thị Minh Hằng khi chính quyền có hành vi đe dọa và ép cung các nhân chứng trực tiếp nhằm dựng lời khai giả tạo theo kịch bản của chính quyền để cáo buộc chị Hằng là người chủ mưu và tổ chức "vụ gây rối trật tự công cộng" (theo như thông báo tạm giam gia đình nhận được).

Đơn khiếu nại nêu lên rằng bằng sự chà đạp trên pháp luật quốc gia của chính quyền các cấp tại Việt Nam đã có đủ bằng chứng để tin rằng việc bắt giam và giấu tung tích của chị Bùi Thị Minh Hằng là hành vi có tổ chức và được sự chuẩn thuận của chính quyền cấp trung ương tại Việt Nam nhằm dập tắt phong trào nhân quyền.

Những hành vi phi pháp liên tục của chính quyền Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn hiến pháp của chính họ và đồng thời cũng là sự hoàn toàn bất chấp "Hiệp Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền" của tổ chức Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên.

Mới vừa đây, Việt Nam được bầu vào Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng thay vì quảng bá và bảo vệ các quyền làm người cơ bản nhất cho công dân của mình, chính quyền ngày càng gia tăng đàn áp và giam giữ những người hoạt động ôn hòa đang phổ biến tới công chúng về các quyền phổ cập của họ đã được định nghĩa và ghi nhận trong "Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền".

Căn cứ vào các bằng chứng kể trên, đơn khiếu nại cáo buộc chính quyền Việt Nam đã vi phạm những điều khoản sau đây trong "Hiệp Ước Quốc Tế Về Việc Chống Cưỡng Chế Mất Tích":

Ba điểm đầu tiên trong Lời Mở Đầu là nền tảng vững chắc để buộc chính quyền Việt nam phải chịu trách nhiệm cho tội ác "Cưỡng Chế Mất Tích".

1) "Căn cứ vào trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phải đề cao sự tôn trọng chung và tuân thủ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản"

>> Theo điểm này, Việt Nam là một thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc, do đó phải tuân thủ trách nhiệm nêu trên.

2) "Biểu tỏ sự tôn trọng đối với "Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền"

>> Việt Nam đã ký kết các hiệp ước quốc tế về nhân quyền, do đó bổn phận và trách nhiệm của Việt Nam là phải tuân thủ, quảng bá, và bảo vệ "Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền".

3) "Căn cứ trên 'Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa', 'Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị' cũng như các biện pháp chế tài quốc tế liên quan đến nhân quyền, điều luật nhân đạo và hình sự quốc tế khác"

>> Xin nhắc lại, Việt Nam đã ký kết các hiệp ước quốc tế về nhân quyền. Do đó Việt Nam phải công nhận và chịu chế tài bởi các điều khoản liệt kê trong điều 3) kể trên.

Thêm vào đó, Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Do đó, chính phủ Việt Nam phải chịu sự ràng buộc bởi nhiệm vụ và trách nhiệm của một thành viên hội đồng được qui định bởi tổ chức Liên Hiệp Quốc như sau: 

"Hội đồng có trách nhiệm phải đẩy mạnh việc quảng bá và bảo vệ nhân quyền trên thế giới."

Và:

"Sau khi đắc cử vào hội đồng, các thành viên cam kết sẽ hợp tác với hội đồng và duy trì tiêu chuẩn cao nhất trong việc quảng bá và bảo vệ các quyền con người."

Dựa trên cơ sở trên, chính phủ Việt Nam đã vi phạm các điều khoản sau đây trong "Hiệp Ước Quốc Tế Về Việc Chống Cưỡng Chế Mất Tích":

ĐIều 1: "Không một cá nhân nào phải chịu cảnh mất tích do bị cưỡng chế, và tuyệt đối không có bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù là chiến tranh, nguy cơ chiến tranh, bất ổn chính trị quốc gia, hay bất cứ tình trạng khẩn cấp nào được viện dẫn làm lý do cho việc cưỡng chế mất tích. "

Điều 2: "Hiệp Ước này định nghĩa 'cưỡng bách mất tích' là việc bắt bớ, giam giữ, bắt cóc hay bất cứ hình thức nào khi tự do cá nhân bị tước đoạt bởi các cơ quan chính quyền hoặc những cá nhân hay tập thể thi hành theo sự chỉ đạo, hỗ trợ, đồng tình của chính quyền, tiếp theo bằng sự chối bỏ, không công nhận hành vi tước đoạt tự do, hoặc che giấu tung tích và tình trạng của người bị mất tích, do đó khiến cho họ mất đi quyền được bảo vệ pháp lý."

Điều 3: "Mỗi quốc gia cần phải thi hành các biện pháp thiết thực để điều tra các vi phạm được qui định trong điều 2 của hiệp ước này là do những cá nhân hay tập thể hành động không theo sự chỉ đạo, hỗ trợ, đồng tình của chính quyền, và truy tố các cá nhân hay tập thể vi phạm ra trước pháp luật."

Điều 4: "Mỗi quốc gia cần phải thi hành các biện pháp thiết thực để bảo đảm việc cưỡng chế mất tích được quy thành tội hình sự."

Điều 5: "Tình trạng phổ biến có hệ thống của hành vi cưỡng chế mất tích được xem như tội ác chống nhân loại theo định nghĩa của các luật quốc tế hiện hành và sẽ dẫn đến những hậu quả chế tài được quy định theo những điều luật quốc tế tương quan."

Điều 6: 

"1. Chính phủ mỗi quốc gia phải thi hành các biện pháp cần thiết để truy tố hình sự ít nhất là đối với những cá nhân tổ chức như sau đây:

(a) Bất cứ cá nhân nào đã thi hành, ra lệnh, trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ đạo, có ý đồ thực hiện, là đồng lõa hay trực tiếp tham gia việc cưỡng chế mất tích.

(b) Cấp lãnh đạo mà:

(i) Biết, hoặc cố tình bất chấp những thông tin chỉ rõ thuộc cấp của mình đã, hoặc có ý đồ thực hiện tội ác cưỡng chế mất tích.

(ii)Trực tiếp thi hành và chịu trách nhiệm chỉ đạo những hành vi liên quan tới tội ác cưỡng chế mất tích.

(iii) Không thi hành những biện pháp cần thiết và hợp lý trong quyền hạn của mình để ngăn ngừa và chấm dứt việc cho phép tiến hành tội ác cưỡng chế mất tích, hoặc báo cáo lên cấp trên để điều tra và truy tố vụ việc.

Điều 18: 

Khoản 1: Chính phủ mỗi quốc gia phải bảo đảm bất cứ cá nhân nào có lý do hợp pháp để tìm hiểu thông tin về:

(Mục d): tung tích của nạn nhân. Nếu như trong trường hợp bị chuyển trại thì phải thông báo địa điểm và chi tiết về thẩm quyền của người thực thi việc dẫn độ;

(Mục f): thông tin về tình trạng sức khỏe của nạn nhân.

Khoản 2: "Chính quyền cần phải thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ các cá nhân được đề cập tới trong khoản 1, cũng như các cá nhân liên can trong việc điều tra tránh khỏi các hành vi ngược đãi, đe dọa, trừng phạt do việc tìm hiểu thông tin về nạn nhân."

Điều 24:

Khoản 2: "Mỗi nạn nhân có quyền được biết sự thật về hoàn cảnh chung quanh việc cưỡng chế mất tích, tiến triển, và kết quả điều tra, và tình trạng, số phận của người mất tích. Chính phủ mỗi quốc gia đều phải có biện pháp thiết thực để bảo đảm điều này."

Khoản 4: "Chính phủ mỗi quốc gia đều phải bảo đảm là theo hệ thống pháp lý của từng nước tạo điều kiện cho nạn nhân của hành vi cưỡng chế mất tích có quyền yêu cầu được bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng, và đầy đủ."

Khoản 5: "Quyền được yêu cầu bồi thường đề cập đến trong khoản 4, bao gồm vật chất và tinh thần, và nếu hợp lệ bao gồm các điều liệt kê sau đây:

(Mục a) Bồi hoàn

(Mục b) Phục hồi chức năng

(Mục c) Phục hồi danh dự và nhân phẩm

(Mục d) Bảo đảm không phải chịu sự lập lại (của hành vi cưỡng chế mất tích)"

Khoản 7: "Chính quyền của mỗi quốc gia phải bảo đảm quyền được tự do thành lập và tham dự các tổ chức và đoàn thể quan ngại về ý đồ dàn dựng cơ hội cho hành vi cưỡng chế mất tích cũng như số phận của (những) người bị mất tích, cũng như có thiện ý hỗ trợ (các) nạn nhân của hành vi cưỡng chế mất tích." 

Gia đình chị Bùi Thi Minh Hằng cùng những người bạn quan tâm đến chị khẩn thiết kêu gọi các cơ quan ngoại giao các quốc gia tự do, các tổ chức nhân quyền trên thế giới, các nhà báo và cơ quan truyền thông tự do khắp nơi, các tổ chức luật sư bất vụ lợi xin hãy vào cuộc khẩn cấp. Mong nhận được sự giúp đỡ của quý cơ quan tổ chức để cùng lên tiếng về trường hợp của chị Bùi Thị Minh Hằng, trợ giúp tư vấn pháp luật, ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất, và trước mắt là đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải ứng xử theo đúng tiêu chuẩn và điều luật của Việt Nam và quốc tế và phải trả tự do vô điều kiện và tức khắc cho chị Bùi Thị Minh Hằng.

Thêm vào đó, xin kêu gọi các cá nhân đã luôn quan tâm và ủng hộ chị Bùi Thị Minh Hằng nếu như có các tài liệu, hình ảnh, thâu thanh, thâu hình của chị Bùi Thị Minh Hằng và các bằng chứng khác, xin hãy vui lòng lưu giữ để nếu cần gia đình sẽ xin làm tài liệu để trình bày trước công luận quốc tế.

Xin khẩn thiết kêu gọi!

Ngày 17 tháng 3, 2014
My Hanh Nguyen
Facebook



No comments:

Post a Comment

View My Stats