Friday, 21 March 2014

ĐÊ BAO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - SAI LẦM "VĨ ĐẠI" TRONG LỊCH SỬ CẬN ĐẠI (Đảng Xanh)





Hôm nay, 22-3-2014, kỷ niệm Ngày nước thế giới, lại tổ chức một cuộc mít tinh, lại đọc diễn văn, hô hào, nhảy múa … , thế là xong. Còn những gì đang mất, vô cùng lớn liên quan tới NƯỚC ở một xứ sở được ưu đãi bậc nhất về nước, thậm chí đang “tự sát” vì nó thì không được lưu tâm đến, ngoài những lời lẽ sáo rỗng.

Vấn đề Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó mấu chốt là “đê bao”, một sai lầm “vĩ đại” cũng chính là liên quan đến nước.

Báo chí trong nhiều năm nay bàn luận, đưa ra những tranh luận, nghi vấn rất nhiều về những khó khăn, mặt trái của vấn đề đê bao/bờ bao, khẩu hiệu “sống chung với lũ”, “khu dân cư vượt lũ”, lúa vụ ba, thế nhưng rồi vẫn đâu vào đấy. Tất cả dường như bất lực, lại chỉ những hô hào, loay hoay kiểu giật gấu vá vai, … để thế hệ con cháu mai sau gánh chịu hậu quả của những sai lầm khủng khiếp.

Bởi vì giới lãnh đạo không ai dám dũng cảm và có khả năng nhìn nhận một sai lầm lớn, trong suốt gần 20 năm qua khi đối xử trái với tự nhiên do những nhận thức duy ý chí, lối làm việc thiếu khoa học …, trong đó có việc nhanh chóng tìm giải pháp cứu chế độ vừa suýt sụp đổ bằng cuộc gọi là “Đổi mới”, cần có được sản lượng lương thực cao, cùng bộ mặt nông thôn “đẹp”, trong khi có quá ít cái “cọc” để bấu víu, là vô cùng quan trọng.

Có lẽ, tất cả được bắt đầu bằng Quyết định số 99-TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 9/2/1996 (*), trong đó vấn đề lúa vụ ba (bằng “khai hoang”, “tăng vụ”), công trình thủy lợi đê bao, khu dân cư vượt lũ được nhấn mạnh, khai mở cho những sai lầm vô phương cứu chữa, đúng kiểu “đâm lao theo lao”.

Một khi đã đặt ra một chiến lược làm lái chệch hướng phát triển cả một vùng đất mênh mông, dân cư đông đúc với tập quán hàng trăm năm như vậy, thì với một chế độ chính trị của nhà nước cộng sản cùng những khuyết tật khổng lồ, đương nhiên tất cả những cố gắng bằng chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo miệng nhăng nhít nhằm khắc phục sai lầm đó, mà không có hệ thống luật pháp nghiêm minh, công luận tự do minh bạch, sẽ chẳng có ích gì.

Thế rồi sai lầm cuốn theo sai lầm, từ nhà nước buộc người dân phải xoay sở theo để tồn tại. Chạy theo lúa thì hủy diệt thủy sản, thế là chạy đua nuôi trồng thủy sạn, càng hủy hoại môi trường, tiêu diệt hết giống loài thủy sinh phong phú bậc nhất đất nước. 

Nhưng xu hướng là người ta đổ tại hết cho dân, là chạy theo lúa vụ ba, giống không tốt, dùng phân bón, thuốc trừ sâu giả, quá nhiều, hay do từng địa phương không khống chế được định mức diện tích lúc, quy hoạch sản xuất vụ ba thích hợp, hệ thống thủy lợi không theo chỉ đạo của “trên”, v.v.. Cuối cùng là tại “thiên tai”, “sâu rầy”, và tại cả hàng xóm xây đập.

Cả một vùng châu thổ phì nhiêu, nổi tiếng hàng trăm năm qua về nét đa dạng, độc đáo, trù phú cả về thiên nhiên, kinh tế, đời sống văn hóa đã bị phá vỡ chỉ trong chưa đầy 20 năm. Những cái “lỗi” từ “biến đổi khí hậu”, từ đập nước trên thượng nguồn của các quốc gia lân bang chỉ là thứ yếu, là thứ khỏa lấp đi trước dư luận những sai lầm chết người mang tầm thiên niên kỷ.

Những ngày qua, báo chí đã đưa tin nước mặn đang xâm nhập tới giữa vùng châu thổ này rồi, không chỉ là vài chục cây số nữa. Đó không phải là hậu quả nước biển dâng, hay phần lớn do đập thủy điện thượng nguồn, mà chủ yếu do sự bất hợp lý của toàn bộ hệ thống thủy lợi khu vực này. Còn toàn bộ nếp sống văn hóa của người dân, sự tồn vong của muôn loài sinh vật đang bị phá vỡ, hủy diệt hết sức nhanh chóng thì không thể kể hết. Trong khi đảng cứ tiếp tục tự sướng bằng danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế  giới, bọn cường hào ác bá mới làm giàu từ chương trình “Nông thôn mới” vô cùng máy móc, …  thì người nông dân cứ càng nghèo khó vì “được mùa rớt giá”, vì càng làm càng lỗ, càng nợ nần chồng chất, … càng thấy cô đơn trên vùng sông nước nổi tiếng độc đáo về văn hóa của mình. 

Nếu như cũng đã có những ý kiến băn khoăn phải chăng cha ông ta đã sai lầm từ cả ngàn năm trước khi cho đắp hệ thống Đê bao Sông Hồng cho một phần vùng châu thổ Bắc bộ, thì sai lầm của đê bao (một chút với bờ bao) cho đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long, vì rất nhiều lý do, lại lớn gấp ngàn lần, không còn phải nghi ngờ nữa. 

Thành quả của vài trăm năm cha ông ta đổ mồ hôi, xương máu mở đất đang nhanh chóng bị xóa sạch. Hậu quả không chỉ cho khu vực châu thổ này, mà sẽ cho cả nước, về nhiều lĩnh vực, trong đó có cả an ninh quốc phòng, khó có thể hình dung hết.

Theo dõi nhiều ý kiến qua các bài báo, cũng thấy được cả thái độ dè dặt, không dám mạnh mẽ lên tiếng, phần chủ yếu là do phải chịu áp lực chung của một tình trạng xã hội cộng sản đàn áp tiếng nói phản biện, một phần khác do ảnh hưởng quá lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có lẽ đóng vai trò chính trong sai lầm “thiên niên kỷ” này. Thật đáng tiếc cho cả ba thế hệ thủ tướng, với hai đàn em của ông – Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, họ đều là những người con của vùng châu thổ tựa cô gái đẹp, giỏi dang tràn đầy sức sống đang trở nên tàn tạ như bà già 90 bệnh tật này. 

Bài viết hôm nay chỉ là dựa trên rất nhiều bài báo, được tham chiếu dưới đây, trong đó mới nhất là bộ phim rất công phu và sống động của VTV, để đi tới một khẳng định chủ quan, do không có điều kiện đi sâu phân tích từng chi tiết. Rất mong các nhà chuyên môn cần tích cực vào cuộc và mạnh dạn lên tiếng, kể cả những người có thể đã tham gia tích cực vào việc giúp nhà nước trong quá khứ để dẫn đến sai lầm “vĩ đại” này.
-
Tham khảo:

Sống chung với lũ - VTV (Tập 1)

Sống chung với lũ - VTV (Tập 2)

- Quyết định số 99-TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 9/2/1996:  VỀ ĐỊNH HƯỚNG DÀI HẠN VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM 1996-2000 ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN THUỶ LỢI, GIAO THÔNG VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG.


- Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long: Đề phòng tác hại lâu dài của đê bao (Tuổi trẻ, 15/10/2005).



- MỘT GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐỀ XUẤT TỪ BAN ĐIỀU PHỐI CHỐNG NGẬP TPHCM: “Nhốt” TPHCM trong đê bao để chống triều cường (Sức khỏe&Dinh dưỡng, 20/11/2007).

Ông Sáu Dân với Đồng bằng sông Cửu Long (Kinh tế nông thôn, 27/5/2009).


- Từ chuyện chống ngập ở TP. HCM nhìn về Đồng bằng sông Cửu Long: Đắp đê chống ngập, ngăn triều, nên chăng? (Doanh nhân SG, 11/12/2010).

- Nguyễn Minh Nhị: Nhớ ơn ông Sáu (Tuổi trẻ, 9/6/2011).


- Huỳnh Kim: Chuyện lũ lụt, lúa và đê bao ở ĐBSCL (Thời báo KTSG, 3/10/2011).

Đê bao và lúa ma nơi đỉnh lũ (Tiền phong, 6/10/2011).


Đê bao và thủy sản vùng lũ (Thủy sản VN, 25/10/2011).

Sống phồn thịnh với lũ (Đại đoàn kết, 27/10/2011).




- Nguyễn Minh Nhị: Sản xuất lúa vụ ba – những điều cần cân nhắc (Tia sáng, 27/12/2011).

Từ lúa vụ 3 nhìn ra Quyết định 99 (Nông nghiệp VN, 4/1/2012). “Từ năm 1996 – 2000, các kinh mương, cống bọng, cụm, tuyến dân cư, thoát lũ được đầu tư chóng mặt, ngàn năm lịch sử thủy lợi Việt Nam chưa một lần có được.”
“Công tác thủy lợi ở ĐBSCL được bắt đầu từ triều vua Gia Long, qua Pháp rồi Mỹ nhưng chỉ là đào kênh chưa bao giờ biết đến đê. Khi có quyết định 99, từ “bờ bao”, “đê bao”, “đê bao lửng” mới xuất hiện theo phương châm “ 2 vụ lúa ăn chắc”.”

Thủ tướng của nhân dân (VOV, 19/11/2012).



- Ngọc Bích: Hướng tới hợp tác phát triển châu thổ Mekong bền vững (SG Tiếp thị, 13/10/2013).

ĐBSCL: Giá lúa giảm 400 đồng/kg (Sài Gòn giải phóng, 8/3/2014).



No comments:

Post a Comment

View My Stats