Nguyễn
Hoàng Đức
Thứ Hai, ngày 24 tháng 3 năm 2014
Dân tộc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa 100
triệu dân, hoàn toàn là lúc chúng ta phải nghĩ đến có những tác phẩm xứng tầm
với dân tộc cũng như thời đại tiến bộ của lịch sử hiện đại. Đây không phải một
khẩu hiệu có chất “làm hàng” hay ảo tưởng hão, mà xuất phát từ những tiêu chí
thực tế nhất.
Có phương ngôn: Một vùng đất khả ái được mọi người
mong tìm đến phải có 3 thứ:
1- Phong cảnh đẹp
2- Con người nhân từ
3- Phải có danh nhân
Điều kiện “phải có phong cảnh đẹp” là thứ vốn tự có,
dễ hiểu, chúng ta chẳng cần bàn nhiều trừ việc hãy gìn giữ môi trường, đừng phá
hoại, xé lẻ để kiếm chác cho các nhóm lợi ích. Nhưng con người, chẳng lẽ những
người muốn đi du lịch lại thích tìm chốn hang hùm nọc rắn, trộm cắp như rươi để
vào?! Và cuối cùng con người nhân từ mà là gì nếu họ chỉ là một đám đông sàn
sàn không nhú lên nổi một đại biểu là Danh nhân?! Ở Việt Nam, khi người ta quay
phim chụp ảnh những thành phố cổ kính phong rêu, thường là mượn mấy cháu gái
học trò đạp xe lượn phố hay đi bộ, tức là chúng ta hiếm danh nhân để khoe, đành
phải mượn đến “hàng tươi” tức là các cháu mới lớn. Cái mới lớn ấy thời nào
chẳng có, và liệu chúng ta có muốn cứ mãi mãi khoe “cổ vật” là các mái đầu
xanh?! Mới đây, một học sinh Nhật Bản có viết trên Facebook: Việt Nam tự hào về
bốn ngàn năm lịch sử, nhưng đấy chỉ là một chương sách chứ không phải là giá
trị sống hàng ngày.
Đúng vậy, văn hóa lâu dài của anh phải được thể hiện
qua đời sống hàng ngày, chứ đâu phải chỉ có con số cụt lủn trên giấy?
Tại sao lại cần tác phẩm lớn? Bởi theo tiêu chí
trên, vùng đất đẹp mà là gì nếu không thể có con người ngoại cỡ của danh nhân?
Nếu vậy vùng đất đó khác gì cái siêu thị khổng lồ hiện đại chỉ để bán vài mớ
rau tươi?!
Người Việt có một phương ngôn hiện đại được hình
thành trong chiến tranh cuối thế kỷ 20: “Tư tưởng không thông vác bi đông không
nổi”. Không có tác phẩm lớn, tức là xã hội không có đời sống sinh hoạt của tư
tưởng lớn, như vậy làm sao có thể vận hành một quốc gia cỡ trăm triệu dân?!
Tác phẩm lớn là gì? Thiết nghĩ cũng cần phải rà soát
lại kẻo mấy anh lèo tèo mấy vần thơ lại tưởng bở vài cảm xúc kiễng chân của
mình đang kéo theo chiếc bóng của danh nhân thế giới. Về thơ là các trường ca,
Kinh Gita của Ấn Độ, Iliad và Odyssey của Homer, Faust của Goethe… Văn xuôi có
Don Quixote của Cervantes được mệnh danh là tiểu thuyết hay nhất của mọi thời
đại, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Miếng da lừa của Bazac, Chiến tranh
và hòa bình của Leo Tolstoi, Anh em nhà Caramadop của Dostoievski, Vụ kiện của
Kafka, Ullysses của James Joyce…
Thi nhân Szymborska với 200 bài thơ lẻ được giải Nobel
mới đây chưa thể được tính là tác phẩm lớn. Bởi lẽ, mỗi năm thế giới có một
giải Nobel về văn học không lẽ mỗi năm có một Homer? Có không ít nhà thơ sau
khi tập hợp được trăm bài thơ lẻ đã mang ảo tưởng mình sắp nhận giải Nobel như
Szymborska. Nghĩa là ở đời họ luôn luôn muốn tìm thấy cái gì bé mọn nhất để ảo
tưởng. Nặn con tò he có đẹp mấy cũng không thành nghệ sĩ, nhưng tạc tượng trên
vách đá dù có nham nhở mấy cũng khắc tên mình vào vĩ đại. Trang trí một chiếc
bánh ga-tô đẹp mấy cũng chỉ là tài năng trong bếp. Còn như Ngu Công dời núi ba
đời, cho dù có “ngu” vẫn là cái ngu vĩ đại dời non lấp biển.
Tác phẩm Lớn được sách Bách khoa định nghĩa thế này:
“Tiêu chuẩn đầu tiên bất thành văn của mọi tác phẩm lớn trước hết nó phải hoành
tráng”. Vạn Lý Trường Thành chỉ là gạch đất kéo dài “ai” không làm được, nhưng
nó vẫn được tính như một công trình đáng nể trên đời chỉ vì nó được kéo dài một
cách hoành tráng vĩ đại.
Về mọi thứ lớn lao trên đời, triết gia Platon nói
đại ý: Chúng ta trước hết phải có Tư tưởng lớn, kèm theo việc không bao giờ
được bỏ qua chi tiết dù nhỏ nhất.
Tư tưởng lớn, trước hết là ý đồ. Người ta muốn vượt
đại dương bằng tầu, trước hết phải nghĩ đến đóng một con thuyền với cái khung
vững chắc để chịu sóng to gió lớn, với cái mui để che mưa gió, với nhiều chum
chứa nước ngọt và lương thực, còn động cơ vận hành là gì, là gió thì đóng buồm,
là máy thì lo xăng dầu. Sau tư tưởng về ý đồ đi biển, sẽ là bắt tay lắp ráp các
chi tiết chức năng và kỹ thuật. Nếu vượt biển bằng đường không thì phải lo làm
khinh khí cầu, hay máy bay, còn trong huyền thoại người ta tìm cách gắn lông
chim như chàng Icar…
Mọi kiến tạo ở đời đều không tránh được 2 việc
chính:
- Tư tưởng – cũng là ý đồ muốn làm gì? Chặt cây thì
cần rìu, cắt vải thì cần kéo, nổi lên mặt nước thì làm thuyền hay bẹ chuối, bay
lên thì cần cánh, lặn sâu thì phải đeo đá vào người…
- Lắp ráp: Sau ý đồ của tư tưởng, người ta phải tiến
hành lắp ráp.
Một tác phẩm văn học cũng vậy? Nó chỉ lớn khi mang ý
đồ lớn. Không có tác phẩm lớn mang ý đồ nhỏ, ngược lại cũng không có tác phẩm
nhỏ mang ý đồ lớn. Muốn làm một con tầu vượt vạn dặm đại dương người ta phải
thiết kế một cơ cấu chịu sóng gió bão tố của biển cả, ngược lại nếu là thuyền
thúng đánh bắt ven bờ người ta chỉ cần đan nan và cạp như cạp thúng. Tác phẩm
Iliad vĩ đại vì nó phản ánh cuộc chiến mang tầm vóc của thần thánh đang thực
thi trên vai con người. Anh em nhà Caramadop vĩ đại vì nó lấy cả nền chính
thống giáo của Nga làm nguyên liệu cho vấn nạn thần học cũng như tội lỗi, “Vụ
kiện” vĩ đại vì nó bàn đến nền công lý của nhân loại đang băng hoại vì dựa trên
tòa án đồng nát của chung cư…
Vậy chúng ta thử xem cả vạn nhà thơ Việt Nam làm thơ
với ý đồ gì? Họ chẳng có ý đồ gì cả, chẳng qua tức cảnh sinh tình, thấy một
chiếc lá rơi, một con cá quẫy, một má đào lướt qua, một bộ ngực nẩy khiêu
khích, một “khoái lạc” vượt qua ranh giới tuổi thơ tưởng được nhấc bổng vào
thiên đường, thế là reo vài thán từ, rồi thành thơ. Đó cũng là thứ thơ được
chăng hay chớ. Ở đời người ta có thể may mắn bắt được vài đồng lẻ, một hòn gạch
đánh rơi, nhưng làm sao có thể bắt được một lâu đài?!
Trong một bài thơ, một câu, hai câu, lại bốn câu,
rồi vài chục câu thì liệu có bóng dáng nào của lắp ráp kiến trúc không, hay tự
cho việc xếp vần vài câu đã là kỳ khu lắm rồi?!
Việt Nam có quá nhiều người sáng tạo văn học bằng
cảm xúc được chăng hay chớ. Và hơn 90% số đó ảo tưởng mình đang trở thành nhà
thơ, nhà văn truyện ngắn vĩ đại. Vậy bài này tôi đưa ra tiêu chí cứng dựa trên
những cơ sở chắc chắn nhất đã được nhân loại kiểm chứng qua lý luận và thực
tiễn, để chúng ta cùng kiểm duyệt kỹ ảo tưởng, và như vậy cũng là để bắt đầu
xây dựng những tác phẩm đích thực vĩ đại. Tôi xin nhắc lại 2 tiêu chuẩn chính:
1- Tác phẩm có ý định gì (tư tưởng)?
2- Tác phẩm có được lắp ráp hay kiến tạo theo cấu
trúc không?
Một vật thể bay lên trời được kiểm soát người ta gọi
là phi cơ. Một máy bay gấp giấy bay lên dù sao vẫn có ý đồ của người gấp giấy,
người ta gọi là máy bay giấy. Còn một cái lá khô bay lên thì chí là cái lá khô
mà thôi. Một ít chữ có ý đồ và kiến trúc thì được gọi là tác phẩm. Còn vài dòng
nghê nga chỉ khoe cảm xúc tùy hứng thì là những chiếc lá hay là tác phẩm có
kiến trúc đây? Những mẩu cảm tác nhỏ liệu có làm nên một nhà thơ lớn?!
NHĐ
24/04/2014
Tác giả gửi cho NTT blog
Được đăng bởi Nguyễn
Tường Thụy vào lúc 3/24/2014 05:58:00 CH
No comments:
Post a Comment