Sunday, 23 March 2014

CHỦ TỊCH TQ TẬP CẬN BÌNH BẮT ĐẦU VÒNG CÔNG DU CHÂU ÂU (RFI, BBC)




RFI
Chủ nhật 23 Tháng Ba 2014

Hôm qua, 22/03/2014, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Hà Lan, mở đầu vòng công du chính thức nhiều nước Châu Âu trong vòng 11 ngày. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc thăm chính thức Hà Lan. Tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình có phu nhân, bà Bành Lệ Viên, nhiều quan chức cao cấp và khoảng 200 doanh nhân Trung Quốc.

Trong ngày hôm nay, phái đoàn Trung Quốc tham dự Diễn đàn kinh tế Trung Quốc – Hà Lan.
Tiếp theo chương trình thăm chính thức Hà Lan, Chủ tịch Trung Quốc tham dự Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân (NSS) được tổ chức tại La Haye trong các ngày 24 và 25/03. Bên lề Hội nghị này, ông Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sau Hà Lan, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ công du Pháp, Đức, các định chế Liên Hiệp Châu Âu.
Theo giới quan sát, Châu Âu là một đối tác quan trọng đối với Bắc Kinh.

Ông Jean Philippe Béja, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại, có trụ sở tại Hoa Kỳ, giải thích :
« Trung Quốc hy vọng là Châu Âu cũng sẽ trở thành một cực quyền lực, bởi vì việc có thêm cực quyền lực Châu Âu sẽ cho phép cân bằng sức mạnh với Hoa Kỳ.
Nên có ba thay vì hai cực. Việc có ba cực quyền lực lại càng cần thiết hơn khi mà cực thứ ba này tương đối yếu do chia rẽ nội bộ và như vậy, trở thành một phương tiện quan trọng mà Trung Quốc có thể sử dụng trên sân khấu chính trị quốc tế.
Đối với Bắc Kinh, điều rất quan trọng là phải khai thác sự cạnh tranh giữa các nước, như Châu Âu cạnh tranh với Mỹ và đương nhiên bên trong Châu Âu là sự ganh đua giữa Anh, Đức và Pháp.
Để có được những điều kiện tốt nhất nhắm đạt được điều mà họ muốn, có được sự đồng thuận về lập trường chính trị với Trung Quốc, các lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ khai thác những bất đồng giữa các nước Châu Âu.
Chuyến công du Châu Âu của Tập Cận Bình là nhằm khẳng định rằng không phải chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc, còn có Châu Âu nữa và cần phải thảo luận mọi việc giữa ba đối tác này. Trong một số hồ sơ, Trung Quốc có thể lôi kéo Châu Âu về phía mình để làm đối trọng với Hoa Kỳ ».

--------------------------
BBC
Cập nhật: 12:41 GMT - thứ bảy, 22 tháng 3, 2014

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Lan trong chuyến viếng thăm châu Âu đầu tiên của ông trong cương vị lãnh đạo.

Ông Tập được Quốc vương Willlem-Alexander cùng Hoàng hậu Maxima chào đón tại phi trường Schiphol của Amsterdam, bắt đầu chuyến viếng thăm cấp nhà nước.

Chuyến công du sẽ qua cả các nước Pháp, Đức và Bỉ, cùng trụ sở chính của Liên hiệp Âu châu tại Brussels.

Một phái đoàn gồm đại diện 200 doanh nghiệp tháp tùng ông Tập trong chuyến đi được trông đợi trọng tâm về thương mại, mà có thể gồm cả một đơn đặt hàng 150 chiếc phi cơ Airbus.

Ông Tập cũng nhiều khả năng sẽ đối diện với áp lực từ phía các cường quốc phương Tây, đòi phải có thái độ cứng rắn hơn với Nga trong vấn đề Ukraine.

Trung Quốc thường ủng hộ Nga trong các vấn đề ngoại giao, nhưng tuần trước đã không hoàn toàn hậu thuẫn đồng minh trong chuyện Ukraine.

Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng trong phiên biểu quyết tại Liên hiệp quốc với nội dung lên án việc Nga đón nhận vùng Crimea của Ukraine.

Phóng viên BBC John Sudworth tại Thượng Hải nói mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc thường bị sứt mẻ bởi những cuộc va chạm.

Tranh cãi thương mại ăn miếng trả miếng, với việc Trung Quốc nhắm vào rượu vang Pháp sau khi EU áp thuế lên các sản phẩm tấm pin mặt trời của Trung Quốc, chỉ vừa được giải quyết hôm thứ Sáu.

Các thảo luận bên lề

Ông tới trước khi khối G7 có kỳ họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân (NSS) tại The Hague vào tuần tới.

Ông Tập được trông đợi sẽ thảo luận về tình hình Ukraine với Tổng thống Obama bên lề kỳ họp thượng đỉnh.

Các phóng viên nói chủ tịch Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lặp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh, hãy "bình tĩnh và kiềm chế" trong cuộc khủng hoảng.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến đi theo dự kiến sẽ kết thúc tại Bỉ vào ngày 1/4.

Một vấn đề đáng chú ý là báo chí Đức đưa tin phái đoàn Trung Quốc yêu cầu có chuyến thăm chính thức, với sự đi cùng của Thủ tướng Merkel, tới một đài tưởng niệm nạn nhân diệt chủng thời Phát xít.
Được biết Berlin đã khước từ, với e ngại chuyến đi sẽ bị Trung Quốc dùng để tuyên truyền cho quan điểm của Bắc Kinh rằng Nhật Bản chưa làm đủ mức để chuộc lỗi cho các hành động quân phiệt trong quá khứ.

Báo Der Spiegel tường thuật rằng phái đoàn Trung Quốc được thông báo là Chủ tịch Tập được tự mình thoải mái đi thăm các khu đài kỷ niệm.



No comments:

Post a Comment

View My Stats