Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 09:50 GMT -
thứ ba, 18 tháng 3, 2014
Viết trên trang The
New Republic, Paul Berman cho rằng với các diễn biến quanh Crimea,
một cuộc Chiến tranh Lạnh lần hai có nguy cơ trở lại và theo ông đây
có thể là câu chuyện kéo dài.
Nếu thế giới lại chia
thành hai cực đối nghịch nhau giữa Phương Tây và Nga, các nước gần Nga
đang đi theo Moscow hiện có Belarus, Kazakhstan, Turkmenistan cùng một số
xứ sở chỉ có Moscow công nhận như Nam Ossetia và Abkhazia.
Nhưng báo chí châu Âu còn
nói hiện có Moldova cũng có thể nghiêng về Moscow, và khu vực của
người Serb tại Bosnia cũng có thể muốn tìm một sự hỗ trợ mạnh từ
Nga.
Ông Milorad Dodic, lãnh tụ
của người Serb tại Bosnia vừa thăm Moscow và được chào đón nồng
nhiệt, khiến một số chính trị gia châu Âu như Paddy Ashdown ở Anh bày
tỏ lo ngại về khả năng Moscow gây bất ổn tại Nam Tư cũ qua cách dùng
khối người Serb theo Chính Thống giáo và thân Nga.
Tin mới nhất cho hay vùng Trans-Dniester chính
thức thuộc Moldova cũng vừa đề nghị Nga cho họ gia nhập.
Tại Trung và Cận Đông, Nga
giữa được đồng minh vững chắc ở Syria và càng về sau này càng gắn
bó với Iran.
Với việc Hoa Kỳ, Anh Quốc
và Nato rút dần khỏi Afghanistan, ảnh hưởng truyền thống của Moscow ở
nước này cũng có thể tăng lên, thông qua một nhóm Tajik, theo ông
Lutfullah Latif, biên tập viên Trung Á của BBC.
Bên kia bán cầu, tại
Venezuela, dù tình hình ngày càng bất ổn, chính quyền thiên tả vẫn
tiếp tục chính sách của cố tổng thống Hugo Chavez và tìm ở Nga một
đối trọng với Hoa Kỳ.
"Sự thống trị của Nga
là công thức cho các cuộc cách mạng liên tiếp"
Paul Berman
Báo chí quốc tế cũng
trích lời quan
chức Nga nói Moscow đang ‘tìm kiếm trở lại các căn cứ hải quân
của cựu đồng minh thời Chiến tranh Lạnh’ như Cuba và Việt Nam.
Khỏe như Putin
Hiện khó nói cuộc đối đầu
Đông Tây sẽ ra sao nhưng một thực tế là mô hình Nga thời Putin có điểm
hấp dẫn với giới chức nhiều quốc gia đang phát triển là vì nó đơn
giản: một dân tộc chủ đạo, một nhà nước trên hết và một lãnh đạo
tối cao.
Liên bang Nga có trên 20 nước
cộng hòa và nhiều dân tộc nhưng chỉ có một dân tộc đứng đầu là dân
tộc Nga.
Xã hội đơn tuyến cũng hấp
dẫn về mặt văn hóa với các nhóm đa số đông đảo ở nhiều nước, như
nhóm Hán ở Trung Quốc và Việt ở Việt Nam, khỏi cần ‘đa văn hóa’ và
quan hệ dung hòa các khối công dân xuẫt xứ khác nhau như ở Âu Mỹ.
Ở Nga, tam quyền phân lập’
chỉ là phân vai hình thức vì Viện Duma luôn chuẩn thuận các yêu cầu
của Hành pháp và bên Tư pháp xử án y như Điện Kremlin mong muốn trong
các vụ quan trọng.
Và nhà nước Nga mạnh về
tiền nhờ dự trữ ngoại tệ lớn, nguồn dầu khí to, và là cường quốc
quân sự dưới trướng một lãnh tụ tối cao, cầm quyền vĩnh viễn nhờ
cách ‘lách Hiến pháp’ của ông Putin.
Tuy thế, nhìn ra ngoài khu
vực sát Nga, thế giới ngày nay có độ liên thuộc cao, việc hà hơi
tiếp sức để phục hồi một mô hình đơn tuyến kiểu Liên Xô xem ra khó
khả thi.
Chưa kể quyền lực của ông
Putin và cả hệ thống hậu Xô Viết gắn chặt với tiền xuất khẩu năng
lượng.
Cần phân biệt giá trị của
dầu và khí đốt trong cuộc chơi của ông Putin.
Nguồn dầu thô đã đem lại
cho ông các khoản lợi nhuận cao, nhất là sau khi khối OPEC chủ động
giảm sản lượng để giữa giá.
Nhưng khí đốt bán thẳng từ
Nga sang châu Âu mới là vũ khí chính trị hữu hiệu để Moscow đối
thoại cứng rắn với châu Âu và tạo ảnh hưởng ở vùng ‘cận biên’ của
Nga.
Và về lâu dài, kinh tế Nga
sẽ lao đao nếu giá dầu và khí đốt biến động.
Dân số nước này đang giảm,
lão hóa và thái độ Đại Nga không giúp cho việc tạo ra một xã hội
cởi mở, có nguồn lao động nhập cư thay thế.
Nếu Chiến tranh Lạnh trở
lại, các nước đều phải xem xét lại vị trí của mình, tuỳ vào tính
toán và quyền lợi của họ trong tương quan ngoại giao và kinh tế với
Nga, Ukraine và Phương Tây.
Điều này không cản trở các
quốc gia khác nhau, gồm cả Việt Nam, tìm đến Moscow vì các nguồn lợi
quân sự và để có sự hỗ trợ, hoặc cân bằng lại trong quan hệ của họ
với Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Nhưng đối ngoại hữu hảo
với Kremlin là một chuyện, còn áp dụng mô hình Nga lại là một
chuyện khác.
Vì như Paul Berman viết,
“các biến thể của Liên Xô đang tồn tại hiện nay chưa bao giờ thành
công trong việc lập ra các không gian ổn định”.
Thậm chí, chính “khái niệm
về sự thống trị của Nga là công thức cho các cuộc cách mạng liên
tiếp,” theo Paul Berman.
Tác giả này chỉ ra các
cuộc cách mạng chống lại Moscow từ năm 1953, 1956, 1968, 1989, 2000,
2003, 2004 đến nay, năm 2014, lần lượt ở Đông Đức, Ba Lan, Hungary, Tiệp
Khắc, và sau đến Serbia, Gruzia, Ukraine và lần nữa là Ukraine.
Có những người châu Âu ví
ông Putin với Hitler nhưng theo tôi, ông Putin không bành trướng lãnh thổ
vì chủ nghĩa gì cụ thể dù có ý kiến như của Igor Panarin
cho rằng Kremlin muốn xây đắp một ý thức hệ nhà nước cho riêng Nga.
Ngay cả chuyện ông ra tay
với Ukraine cũng là để ngăn ngừa các thách thức với quyền lực của
ông ở trong nước.
Vì ngay ở trong nước Nga đã
và đang có những xu hướng đòi thay đổi ‘mô hình Putin’ mà theo họ chỉ
là sự ‘thối rữa’ (decay) kéo dài của một nhà nước thời kỳ hậu Liên
Xô.
Cũng về lâu dài, Hoa Kỳ và
Phương Tây có thừa tiềm năng để ‘đối đầu’ với Nga nếu thực sự đổ vỡ
về Ukraine tới mức không thể hàn gắn được, theo những ý kiến cứng
rắn ở Washington.
Theo họ, Hoa Kỳ và EU có
nền kinh tế gộp lại hiện vào khoảng 30 nghìn tỷ USD, vượt xa nền
kinh tế 2,5 nghìn tỷ USD của Liên bang Nga.
No comments:
Post a Comment