By Osin, on Tháng Ba 1, 2014 at 7:12 sáng
“Cuộc chiến chỉ xảy ra 20 phút nhưng cuộc đời kéo dài
hàng chục năm. Để có hành động anh hùng trong một trận chiến không khó. Để
thành công trong cuộc đời khó thay” – Lê Hữu Thảo đốt thuốc liên tục trong suốt
buổi nói chuyện với chúng tôi, tối 17-2-2014, rồi thốt lên câu đó.
Xem lại
: Cận
Cảnh Gạc Ma - Bài I: 14-3-88
Quê Nhà
“Ngay trong ngày” 14-3-1988, Bộ Ngoại giao ra tuyên
bố “lên án hành động khiêu khích quân sự
của nhà cầm quyền Trung Quốc”. Nhưng, phải vài hôm sau Đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân
mới cho hay: “Sáng 14-3, các tàu chiến
Trung Quốc đã ngang nhiên nổ súng vào 3 tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động
bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc đảo Sinh Tồn. Tàu của ta đã phải nổ súng
để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen vu cáo tàu của Việt Nam khiêu
khích vũ trang tàu Trung Quốc”[1].
Ngày
25-3-1988, đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân cho biết chi tiết: “Họ (Trung
Quốc-HĐ) đã dùng súng bắn chết thiếu úy Trần Văn Phương, dùng súng và
dao găm đâm bị thương nặng chiến sỹ Nguyễn Văn Lanh, bắn chết một số chiến sỹ
khác. Từ trên các tàu chiến, họ tập trung hỏa lực bắn xả vào các chiến sỹ ta ở
trên các đảo và trên những tàu bị cháy đang nhảy xuống nước, bắn vào các chiến
sỹ đang bơi trên thuyền cao su, dùng cả câu liêm, bắn mạnh vào các chiến sỹ ta
đang bơi trên biển. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn 74 anh em mất tích”.
Sáng 25-3-1988, ông Nguyễn Văn Mạo dậy sớm đi đôn đốc các gia đình trong
xã lên xe đi “kinh tế mới”. Khoảng 8 giờ, khi trở về, ông thấy nhà mình đông nghẹt người. “Tôi rụng
rời”, ông Mạo nhớ lại. Nguyễn Văn Phương, con trai ông, có tên trong danh sách
74 người mất tích. Ông Mạo vốn là một chuẩn úy pháo phòng không phục viên, lúc
ấy đang là Chủ tịch xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, Thái Bình. “Tôi buồn đến mức xin thôi làm chủ tịch ngay
sau đó”- ông nói.
Tâm Điểm của Báo Chí
Thảo và Chúc ở lại Sinh Tồn Lớn
10 ngày, “ngày nào cũng nhìn thấy tàu Trung Quốc chạy qua chĩa súng vào đảo”.
Ngày thứ 11, có tàu ra, đưa Thảo và Chúc vào bờ. Hàng tháng sau đó, những
“người hùng Gạc Ma” sống sót trở thành tâm điểm của báo chí và các sinh hoạt
chính trị. Đoàn Thanh niên Cộng sản phát động phong trào “Hướng về quần đảo
Trường Sa thân yêu”.
Lê Hữu Thảo kể: “Liên tục, báo chí, lãnh đạo, các đại biểu
tới thăm. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh
cũng bay vào Cam Ranh. Tôi và Chúc ‘thay mặt bộ đội Trường Sa’ nhận rất nhiều
quà ‘của đồng bào cả nước’. Tôi được mời đóng một đoạn phim tài liệu; được mời
vô Sài Gòn; được mời lên truyền hình, nói: Sẵn sàng quay lại Trường Sa”.
Khi đó, trong số những người thực sự tham chiến còn sống sót chỉ có Thảo và
Chúc là không bị thương. Lanh nằm viện nhiều tháng liền.
Lê Hữu Thảo nhớ lại: “Chúng tôi được thông báo, cả hai sẽ được cử
đi dự festival Thanh niên Sinh viên Thế giới diễn ra vào giữa năm sau tại Bình
Nhưỡng. Hai thằng được tập huấn cách phát biểu và trả lời báo chí. Sau đó lại
được thông báo, tên tôi được ghi vào bảng vàng danh dự của Hải quân. Cuối cùng,
một sỹ quan quân lực gọi chúng tôi lên nói: Có đợt học tập ở Đức, Thảo và Chúc
nên đi, chờ dự Festival thì chậm mất. Chúng tôi đi, té ra là ‘xuất khẩu lao
động’ chứ không phải đi học”.
Những Tấm Huân Chương
Tháng 12-1988, hàng
chục cán bộ chiến sĩ được phong tặng, truy tặng huân chương, phong hoặc truy
phong danh hiệu anh hùng. Năm “suất” anh hùng được phân bổ: Thiếu úy
Trần Văn Phương (sinh 1965-Quảng Bình), Lữ 146 (hy sinh); Trung tá Trần Đức
Thông (sinh 1944-Thái Bình), Phó lữ đoàn trưởng 146 (hy sinh); Đại úy Vũ Phi
Trừ (sinh 1957-Thanh Hóa), Thuyền trưởng HQ-604 (hy sinh); Thiếu tá Vũ Huy Lễ
(sinh1946-Thái Bình), Thuyền trưởng HQ-505; Nguyễn Văn Lanh (sinh 1966-Quảng
Bình), chiến sỹ công binh E83.
Thảo và Chúc không nghe nhắc gì
tới tên mình. Khi đó, cả hai đang lao động ở Đông Đức, không còn màng tới bằng
khen, giấy khen. Trong nước, sự kiện Gạc Ma nhạt
dần và biến mất trên báo cũng như trong đời sống chính trị kể từ sau “Hội nghị
Thành Đô” (9-1990).
Ở Thái Bình, ông Nguyễn Văn Mạo
cũng không biết con trai mình, liệt sỹ Nguyễn Văn Phương được truy tặng Huân
chương chiến công hạng 3. Ông nói: “Họ
đút huân chương đâu đó trên Huyện đội. Một thời gian sau, cậu xã đội trưởng lên
huyện họp, nhìn thấy, cầm về”. Bố của liệt sỹ Phạm Gia Thiều, ông Phạm Gia
My – người từng ở trong Quân đội từ 1953-1975 – thì không ứng xử như vậy.
Thượng úy Phạm Gia Thiều không
thuộc biên chế của tàu HQ-604 nhưng khi 604 được lệnh ra đảo, một thuyền phó
vắng mặt, Thiều đã đi thay. Ông My nói: “Khi
được mời lên xã làm lễ truy điệu, tôi không đi vì chưa được làm rõ: Anh Trừ,
thuyền trưởng, được phong anh hùng; con tôi, thuyền phó cùng chiến đấu trong
giờ đó có công, có tội gì mà không nghe nói đến? Một thời gian sau, họ cử một
cán bộ mang về nhà tôi tấm huân chương chiến công hạng nhất. Bà nhà tôi nói:
không nhận. Đơn vị bảo gia đình yêu sách. Tôi nói: Huân chương là tặng thưởng
của ‘nhà vua’ đâu có trao như thế được. Sau, đơn vị cho người mang về, mời tôi
ra xã trao”.
Những người đã có mặt trên đảo
Gạc Ma sáng 14-3 như Thảo thì không câu nệ ai được huân chương, ai không. Trong
khoảng gần 20 phút nổ súng đó, không ai có thể quan sát bao quát, để biết, ai
đã chiến đấu như thế nào để về báo công. Về sau, báo chí nói khi bị bắn, thiếu
úy TrầnVăn Phương hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu
của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Đấy có
thể là ý chí của Phương. Trước đó, khi giao nhiệm vụ, Phương dặn, “Bằng mọi
giá, phải giữ cờ”, nhưng khi bị bắn, Thảo biết,
Phương không có đủ thời gian để hô khẩu hiệu.
Với Thảo, những đồng đội sẵn
sàng ra đảo hôm 11-3-1988 đều là những anh hùng. Họ đã nhận nhiệm vụ với tinh
thần cảm tử. Một vài bạn của Thảo xin đi đã không được chấp nhận. Một vài người
sợ hãi đã đào ngũ trước đó. Vấn đề không chỉ là những tấm huân chương mà là cuộc
sống của những ông bố, bà mẹ, của những người vợ, của những đứa trẻ.
Các Góa Phụ Gạc Ma
Y sỹ Phạm Huy Sơn (Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) tưởng có thể
được ăn Tết cùng vợ con sau hai năm ở đảo Trường Sa. Nhưng, 15 ngày trước khi
hết phép, anh được lệnh quay lại đơn vị, nhận nhiệm vụ mới ở “nhà giàn” Gạc Ma.
Phạm Huy Sơn hy sinh khi vợ anh – chị Trần Thị Ninh – đang có thai ở
tháng thứ hai (con gái anh Sơn, Phạm Thị Trang, sinh ngày 27-10-1988), đứa con
trai sinh năm 1984 bị bại não bẩm sinh.
Chồng mất năm 27 tuổi, chị Ninh
ở vậy nuôi con trong đau thương và cả những tủi hổ không nói được. Ba năm sau,
mấy mẹ con phải ra khỏi nhà chồng. Các cậu, các dì góp chút gạch, chút ngói,
cất cho một căn nhà nhỏ. Ông ngoại cho một con bò. Cậu con trai, đến nay đã 31
tuổi, nhưng đến bữa vẫn phải nằm ngửa ra, đợi mẹ xay thức ăn bón vào miệng. Trí
não không phát triển nhưng chân tay khỏe mạnh. Nhiều hôm cậu lang thang hết
làng trên, xóm dưới. Làm đồng về không thấy con, chị vừa chạy tìm, vừa khóc.
Năm 2006, Quân chủng Hải quân
cho 15 triệu, chị Ninh nói: “Các anh ấy
xét hoàn cảnh, linh động gửi tiền trước thay vì xây xong nhà mới ‘giải ngân’.
Đó cũng là cơ hội, tôi vay thêm các cậu, ‘cắm’ sổ liệt sỹ trong hai năm vay
thêm 15 triệu của ngân hàng. Xây được căn nhà này rồi trả dần, giờ vẫn còn nợ
các cậu 15 triệu”. Căn nhà ngói 3 gian, có gắn bảng “nhà tình nghĩa” của
chị Ninh, tuy không to đẹp như các nhà trong xóm, nhưng trông khang trang hơn
hẳn so với căn nhà cất hồi năm 1991.
Chị Cao Thị Bình – vợ liệt sỹ, bác sĩ quân y Hồ Công Đệ (Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) – vốn là một người
lính ở vùng Biên phía Bắc. Năm 1981, họ cưới nhau khi chị ra quân. Từ năm 2012,
“các đoàn” về thăm thấy chị có một căn nhà khá khang trang, ít ai biết, cho đến
năm 2011, chị vẫn phải làm “osin” ở Vũng Tàu. Tám năm giúp việc cho một gia
đình, nhà chủ thông cảm hoàn cảnh, để chị mang 3 đứa con vào cùng ăn học.
Chồng chết năm 31 tuổi, khi mới
mang thai 6 tháng đứa con thứ 3, chị Bình kể: “Bốn năm sau khi anh mất, một người bạn mới mang đồ đạc của anh về. Khi
đó, 4 mẹ con đang sống trong một căn nhà tranh, vách đất. Đêm đêm, tôi lặn
ngụp, mò cua, bắt ốc, bệnh sưng khớp đeo đẳng tới bây giờ. Hai đứa con gái đã
lấy chồng, rất thương mẹ. Cháu trai, Hồ Công Được, cũng đã có bằng trung cấp cơ
điện. Chỉ mong cháu xin được một chỗ làm trong công trường xây dựng nhà máy lọc
dầu Nghi Sơn, rồi tôi có chết cũng mãn nguyện”.
Trung úy hải đồ Lê Đình Thơ (Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh
Hóa) hy sinh khi con gái, Lê Thị Thủy, mới vừa tròn một tuổi. Chín tháng sau, mẹ anh, bà Lê Thị Lương,
kể: “Ngày 20-12-1988, đơn vị cho xe về
đón tôi ra, đến lượt vợ thằng Thơ mất”. Mất con, rồi mất dâu, bà thay mẹ nuôi
đứa cháu nội mới gần 2 tuổi. Bà Lương nói trong nước mắt: “Tôi khổ cả đường
tình, cả đường con. Tôi sinh đứa thứ 4 thì chồng bỏ đi lấy vợ khác. Nhiều năm
trời không biết giấc ngủ là gì bác ạ”. Cô dâu út thấy bà kể lể, nắm áo: “Thôi,
bà ơi!” .Bà Lương quay sang con dâu, quyệt mắt: “Mi có biết khổ là chi mô”.
Được bà nội và các cô chú chăm
sóc, Thủy lớn khôn, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Mỏ Địa Chất, cô
được đơn vị cũ của cha – Đoàn do đạc biên vẻ bản đồ và nghiên cứu biển, Hải
quân -nhận về làm. Bà Lương cho biết, đơn vị cha cháu vẫn giữ liên lạc suốt bao
nhiêu năm và luôn quan tâm đến cháu. Bà khoe, mỗi khi ra thăm cháu, cứ hết
người này đến người kia mời. Bà nói: “Gần đây, tôi nằm mơ thấy thằng Thơ về, nó
mặc quân phục, đeo quân hàm rất đẹp, nói với tôi: Mẹ chăm cháu thế là được rồi,
mẹ không phải ra nữa, vậy là tôi ở nhà”. Bà Lương bảo: “5 triệu các anh (Nhịp
Cầu Hoàng Sa) đưa hôm Tết, tôi dùng để mua một cỗ hòm”.
Các ông bố, bà mẹ, những người
vợ liệt sỹ hết tuổi lao động được cấp tiền tử tuất, trước đây là 370 nghìn/
tháng; sau đó tăng lên 670 nghìn; năm 2013 là 1 triệu 100 nghìn; năm 2014 là 1
triệu 220 nghìn/ tháng. Từ năm 2008, nhiều đơn vị phối hợp với địa phương, cấp
cho một số gia đình liệt sỹ Gạc Ma từ 15, 20 triệu đến 30, 50 triệu/ gia đình
để xây “nhà tình nghĩa”, nhiều gia đình cố vay mượn thêm để xây được căn nhà.
Ngày 19-2-2014, khi
chúng tôi đến xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An, thăm gia đình liệt sỹ Đậu Xuân
Tư, hai cha con người em của Tư, Đậu Xuân Chương, vẫn đang “đi Lào làm phụ hồ”.
Chị Phan Thị Lương, vợ anh Chương, nói: “Anh ấy rất muốn mua cái máy cày hoặc
máy tuốt lúa (khoảng 35 triệu) để khỏi phải đi làm thuê xa nhưng ngân hàng
không cho vay vốn vì vẫn còn nợ 6 triệu chưa trả hết”.
Năm 2010, bà Nguyễn Thị Nhơn
(83 tuổi), mẹ của Đậu Xuân Tư, được một đơn vị tặng 50 triệu. Thay vì tu sửa
căn nhà cũ của gia đình Chương, người em đang chăm sóc bà Nhơn, theo chị Lương:
“Họ yêu cầu phải xây riêng cho bà, chúng tôi phải vay mượn thêm 45 triệu”.
Cuộc Chiến, Cuộc Đời
Phần lớn các cựu binh Gạc Ma
khi trở về đều sống rất chật vật. Trừ một số người nhận danh hiệu anh hùng,
nhận huân chương, thăng tiến trong quân đội, số còn lại “hết nghĩa vụ ra quân”
không có chế độ gì. Phạm Xuân Trường, Trương Văn Hiền… tuy đã ổn định gia đình
nhưng kinh tế chỉ đắp đổi qua ngày. Ngôi nhà Phạm Xuân Trường xây đã mấy năm
vẫn chưa kiếm đủ tiền mua cửa. Còn Lê Hữu Thảo thì vẫn lông bông, chưa vợ, chưa
nhà.
Trong một lần về quê đầu năm
1991, Thảo yêu một “cô gái đẹp có tiếng ở Hà Tĩnh”. Suốt mấy năm sau đó, cô
nhất mực chờ anh. Năm 1995, sốt ruột vì tuổi con gái lớn dần, bố cô điện thoại
sang Đức cho Thảo nói: “Nếu con yêu và quyết tâm lấy nó thì đêm nay suy nghĩ
kỹ, ngày mai điện về. Khi đó, nó muốn đợi bao lâu cũng được”. Đêm ấy,Thảo bị
bắt trong một chiến dịch truy quét thuốc lá lậu của cảnh sát Đức.
Mối tình sau đó, cho Thảo một
đứa con trai, cũng chỉ kéo dài được mấy năm. Đã từng hào hiệp với bạn bè. Để rồi,
nay trở về quê, Thảo nói: “Thật xấu hổ khi gần như chỉ còn hai bàn tay trắng”.
[1] TuổiTrẻ thứ Năm,
17-3-1988.
Chị Cao Thị Bình và cháu ngoại.
Có những ngôi nhà thực sự tình nghĩa, như nhà của
ông Phạm Gia My. Bạn bè liệt sỹ Phạm Gia Thiều, thời anh học ở đại học Hàng hải
đã góp 500 triệu xây nhà tặng ông.
---------------------------------------
No comments:
Post a Comment