Sunday 16 March 2014

BAO GIỜ ANH THÔI SỐNG HÈN ? (Nguyễn Thị Từ Huy)




Nguyễn Thị Từ Huy
16-03-2014

Hôm nay tôi đọc được bài báo « Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thay trâu », ở link này :

và thấy những hình ảnh người nông dân, trong thời đại được tuyên bố là công nghiệp hóa, phải dùng sức mình kéo bừa. Và nhất là, phụ nữ phải thay trâu kéo cày, như thế này :


Đàn ông các anh, nhìn cảnh này có nghĩ gì không, có cảm thấy gì không ?

Các anh nói gì khi đặt hình ảnh này cạnh câu khẩu ngôn được treo khắp mọi vùng miền trên đất nước này : « Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc » ?

Hay là các anh sẽ chẳng nghĩ gì, chẳng cảm thấy gì, chẳng nói gì hết và chẳng làm gì hết?

Chẳng làm gì hết trước việc những người phụ nữ của mình bị bán đi làm nô lệ tình dục cho đàn ông nước ngoài, chẳng làm gì hết trước việc những người phụ nữ của mình phải làm cái công việc vốn là của con trâu (than ôi, dưới thời phong kiến phụ nữ không phải kéo cày), chẳng làm gì hết khi những người phụ nữ của mình bị đẩy ra đường, bị bỏ đói, bị đối xử bất công (trường hợp của Nhã Thuyên, của cô Nguyễn Thị Bình còn đang là thời sự đấy thôi). Đa số các anh chẳng làm gì hết, thế nhưng ngày mồng tám tháng ba vẫn còn có thể thốt ra được những lời chúc mừng mỹ miều cho phụ nữ.

Cũng tương tự như việc đa số các anh im lặng, buông xuôi, trước những dấu hiệu rõ rệt, không thể phủ nhận, về sự lệ thuộc của đất nước này vào Trung Quốc.

Cá nhân tôi, từ những gì nhìn thấy và biết được, tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn. Không phải các anh không biết, không phải các anh không thấy. Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại. 

Tôi muốn hỏi tất cả đàn ông các anh, những người đàn ông của chúng tôi, câu này :

 « Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu ? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn ? »

Hậu mồng tám tháng ba
Nguyễn Thị Từ Huy

---------------------------------------

Báo Tiền Phong:
00:00 ngày 30 tháng 01 năm 2012

TPO – Trong khi nhiều người vẫn còn đang ăn Tết, du xuân… thì nông dân ở nhiều nơi phải ra đồng làm việc. Không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân ở Hưng Yên phải dùng sức người kéo bừa.

Sáng mùng 6 Tết, ông Phạm Văn Kháng, 47 tuổi (xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng con trai ra bừa khoảnh ruộng nhỏ ngay giáp quốc lộ 5. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu chiếc bừa, con trai ông Kháng vòng qua bụng, hai tay nắm chặt dây, kéo bừa đi. Đằng sau, ông Kháng lựa chiếc bừa đi theo bước chân con trai.


“Nhà tôi không có trâu. Mà trong làng cũng chẳng còn ai nuôi trâu, bò để mượn. Khoảnh ruộng thì nhỏ, thuê máy bừa vừa tốn tiền, vừa hỏng bờ, nên hai bố con làm cho tiện” – Ông Kháng cho biết.
Cách ruộng của ông Kháng vài khoảnh, dù ruộng khá rộng, nhưng cô Hòe (Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng ba con gái cũng đang bừa ruộng bằng sức người. Cô Hòe cầm bừa, trong khi ba cô con gái ra sức kéo chiếc bừa trên ruộng cạn.

Hình :
Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, 4 người phụ nữ này vẫn kéo cày thay trâu.

Ông Kháng cho biết, với những cánh đồng lớn, cả làng thường thuê máy cày, máy bừa, nhưng với những khoảnh ruộng nhỏ, làm riêng rẽ từng hộ… do không có trâu, bò, tiết kiệm tiền thuê máy, nên thường tận dụng sức người để cuốc, bừa ruộng.



No comments:

Post a Comment

View My Stats