Friday 7 March 2014

ĐÃ CÓ "BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP", CŨNG CẦN NHANH CHÓNG CÓ ĐƯỢC "TẬP ĐOÀN NHÀ BÁO TỰ DO" (Nguyễn Mộng Hoài)




Nguyễn Mộng Hoài 
07-03-2014

Mấy hôm nay, đọc trên mạng có nhiều tin hay, thời sự nóng hổi, nói lên rất nhiều điều về sự "bùng nổ" một điều gì đó trong tương lai gần. Cũng đúng thôi, ngày xưa, học lý luận "Mac-Lê" người ta nhấn rất mạnh "đâu có áp bức đấy có đấu tranh !". Có lẽ cái "lý luận" ấy đã đến lúc cần được áp dụng trong thực tiễn đất nước hiện nay.

 Một trong những thông tin làm cho "một cựu nhà báo già" như tôi mà cảm thấy phấn khởi, thấy mình như được trẻ lại. Trẻ lại vì "Ban vận động thành lập Văn đoàn Việt Nam" do nhà văn Nguyên Ngọc làm Trưởng ban. Cụ Nguyên Ngọc, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng "Đât nước đứng lên", nay đã ở cái tuổi "đầu tám đít chơi vơi" vẫn tâm huyết với nghề, tâm huyết với đất nước, và hơn ai hết, Cụ vẫn đau đáu cho một nền văn học "đại chúng" phục vụ dân sinh, chứ không phải là một nền "văn học con vẹt".

 Ban vận động thành lập "Văn đoàn độc lập Việt nam" làm cho tôi nhớ lại hồi còn là học sinh trung học đệ nhất cấp trong Hà Nội tạm chiếm, tức tương đương cấp trung học cơ sở bây giờ, tôi là một học sinh mê văn, đã mê văn là mê đọc, và ngay từ khi còn tý tuổi đầu tôi đã bị cuốn hút vào cái "Tự lực văn đoàn" với những tác phẩm hấp dẫn lòng người, và cho đến nay, khi tôi đã 80 tuổi, đọc lại, tôi vẫn thấy những tác phẩm ấy quả thật rất văn chương, rất sống động và rất đại chúng Việt Nam.

 Sao cái thời "Tự lực văn đoàn ấy" cứ sông mãi như vậy. Vì, theo nhận thức của tôi, "văn tức là người" mà đã lột tả được "người" tức là đã bớt đi phần "con", bảo đảm cho "con người" được sống theo đúng cái nghĩa "con người". Bây giờ, cả trong nhiều văn bản, tuyên bố chính thức, lẫn trong nhiều tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học "hiện thực xã hội chủ nghĩa", người đọc bắt buộc phải đọc đều là những cái gì đó tô vẽ gượng gạo, một chiều và hình mẫu phục vụ công tác tuyên giáo.

 Cái gọi là nhân quyền, con người, hầu như rất mờ nhạt hoặc là có được thì chỉ là những mẫu điển hình không có nhiều tính văn chương, mà chỉ là những chuyện bịa ra để giáo dục trở thành "con người xã hội chủ nghĩa !" Những con người xã hội ấy, tuy không phải là tất cả, song cũng là "bộ phận không nhỏ", học để thi lấy bằng "Tiến sĩ" (bao gồm nhiều tiến sĩ giấy, để được làm quan và có điều kiện để "vơ vét cho đầy túi tham". Bây giờ, theo thống kê từ Đại hội lần thứ 8 Hội nhà văn Việt Nam, đất nước ta có trên dưới 2000 nhà văn hội viên, cùng chung cái hội của ông Hữu Thỉnh, và đại hội diễn ra như "mổ bò", cuối cùng cái nhân dân cần là những tác phẩm có tầm có cỡ thì lại cứ bị vắng bóng dài dài. Gần đây, có "Đại gia" của nhà văn Thiên Sơn, mới "lọt lòng" đã chết yểu, vì viết không đúng chỉ đạo của "tuyên giáo".

Với 61 nhà văn, nhà thơ ký tên dưới bản vận động thành lập "Văn đoàn độc lập Việt Nam", tôi vui mừng thấy có nhiều nhà văn tên tuổi, có nhiều "nhà văn - chiến sĩ" đã từng vào sống ra chết ở các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, miền Trung khúc ruột. Những nhà văn này tôi chắc chắn không ít người đã từng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong Hội Văn nghệ giải phóng, công tác ở các cơ quan tuyên truyền, cơ quan văn học nghệ thuật của Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Họ đều có những tác phầm phản ảnh sinh động, chân thực cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước 20 năm ở miền Nam, góp phần xương máu, trí tuệ không nhỏ cho sự nghiệp thông nhất nước nhà ngày nay.

 Tuy nhiên, quá trình đi lên, với sự lãnh đạo suy thoái đến cùng cực, bảo thủ trì trệ đến ghê sợ, nhiều nhà văn tâm huyết, hắng hái trước đây đã bước đầu nhận ra "cái đường hầm chưa có lối thoát" ấy, đã không chịu làm "hội viên" của một hội nhà văn xơ cứng đến lạnh lùng của ông Hữu Thỉnh, muốn đứng độc lập, suy nghĩ sáng tạo và công bố tác phẩm một cách độc lập, vì mục đích tối thượng là văn chương phục vụ nhân sinh, tức là phục vụ nhân dân một cách đích thực, chứ không phải là cái "lỗ mồm".

 Tôi tôn trọng công sức lao động sáng tạo, mồ hôi, công sức của nhiều nhà văn, đã có đóng góp cho nền văn học nước nhà. Nhưng tôi không thích được gọi là "nhà văn cách mạng", "nhà báo cách mạng". Đất nước Việt Nam thống nhất có truyền thống văn chương từ lâu đời và có nhiều tác giả tác phẩm tầm cỡ lịch sử như Nguyễn Trài, Nguyễn Du, chúng ta cần tác phẩm chứ không cần cái danh hão "văn chương cách mạng" hoặc "báo chí cách mạng". Hai nghìn nhà văn sống trong mọi lĩnh vực khác nhau mà nửa thế kỷ qua chưa có được một tác phẩm nào đúng với thực tế Việt nam, mang tầm cỡ lịch sử. Đó là điều đáng tiếc. Vì thời gian không chờ đợi một ai.

Viết đến đây tôi bông nhớ đến thời kỳ "Tự lực văn đoàn". Cho đến nay cũng chưa có ai thống kê chính xác xem hồi đó có bao nhiều "hội viên" của Tự lực văn đoàn" họ sống và làm việc trong điều kiện thế nào mà đã cho ra đời nhiều tác phẩm lưu danh đến bây giờ, nhiều thế hệ người đọc vẫn say sưa đọc tác phẩm của họ. Cũng thời kỳ ấy, tại sao Vũ Trong Phụng lại viết khỏe, viết nhiều và những tác phẩm của ông vẫn là một dòng văn chương lưu truyền hậu thế. (Chỉ tiếc rằng, gần đây người ta đã làm một cái việc hết sức kỳ cục là nhắt chi tiết của tác phẩm này khâu vào chi tiết của tác phẩm kia dựng thành phim, không góp phần ca ngợi hoặc phê phán Vũ Trọng Phung mà chỉ là một cách làm...dở. Theo tôi, mỗi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều có thể làm được những bộ phim nhiều tập về cái xã hội lúc bấy giờ, nhằm giáo dục sâu hơn cho thế hệ con cháu ngày nay.

Sau hòa bình năm 1954, chúng ta có miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhưng lại tiến hành một số cuộc "cách mạng long trời lở đất" làm tổn thương bao nhiêu nhân tài vật lực của đất nước và sai lầm nghiêm trọng của nó còn để lại dấu ấn đau lòng trong lịch sử dân tộc và trong lịch sử văn chương Việt Nam. Tuy nhiên, trong cái sự bức bách ấy đã xuất hiện nhóm "Nhân văn giai phẩm" với nhiều tác phẩm để đời. Nhóm này bị gán tội "phản quốc" và bị "tù không án suốt nửa thế kỷ" làm thui chột bao nhiêu là tài năng. Cuối cùng họ cũng đã được trả lại danh dự, nhưng tất cả con người và tác phẩm của họ đều đã "chết". Tuy nhiên, vang danh của Nhân Văn Giai Phẩm không phải mỗi lúc mà có thể phai mờ. Nhiều tác phẩm của họ vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc các thế hệ. Tôi chưa thấy ai thống kê chính xác nhóm Nhân Văn Giai phẩm dạo ấy có bao nhiều người tham gia và bị kết tội tham gia. Tôi có một ông bạn đồng niên, đồng môn làm cán bộ Nhà nước, chỉ có ra Bưu điện hỏi mua tác phẩm "Báo Nhân Văn" và "mấy tập "Gia Phẩm" mà bị theo dõi thành kiến, cả đời không "mọc mũi sủi tăm lên được. Bây giờ thì ông đã mất.

Gần đây, tôi nghe tin gia đình và anh chị em văn nghệ tâm huyết tỉnh Hải Dương, nhất là huyện Cẩm Giàng, quê hương Thạch Lam và anh em ông đang huy động nhiều nguồn để khôi phục lại di tích những nhà văn trong Tự lực Văn đoàn. Đây là việc làm hay, cần được ủng hộ. Muốn nói gì thì nói, "Tự lực Văn đoàn" vẫn là dấu ấn lịch sử văn chương nước nhà.

Với những suy nghĩ "không đầu không đuôi" nhân được tin ra mắt Ban vận động thành lập "Văn đoàn độc lập Việt Nam" bao gồm rất nhiều nhà văn và người làm công tác văn học nổi tiếng, chắc chăn không phải là "thế lực thù địch", sẽ góp phần thúc đẩy và nuôi dưỡng nền văn học chính thống của dân tộc độc lập nước nhà. Mong Văn đoàn sớm ra mắt chính thức và mong các hội viên của văn đoàn luôn mạnh khỏe, dồi dào sức sáng tạo làm cho nền văn học nước nhà đi theo con đường đích thực văn chương, dân tộc đại chung, phục vụ dân sinh của nó. Và tôi tin rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có được nhiều tác phẩm văn chương xứng tầm với trí tuệ và lịch sử dân tộc, dẹp bỏ được cái thứ văn chương "ca ngợi một chiều" làm "sơ cứng động mạch" như hiện nay. Đã có Văn đoàn độc lập Việt Nam thì tại sao lại không có Tập đoàn nhà báo tự do ?"

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả



No comments:

Post a Comment

View My Stats