Thiền Lâm, gửi
RFA từ Việt Nam
2013-04-01
Sau gần một thế kỷ, ‘Phiên tòa’
của Người đánh thức Franz Kafka lại đang phát đi bản tuyên ngôn tiếng vọng từ
tâm can ở Việt Nam về một kẻ bị quan chức Hải Phòng coi là ‘mất nhân tính’ như
Đoàn Văn Vươn.
Phiên tòa
Hơn một năm sau khi bộ phim
‘Người nông dân nổi dậy’ (Jacquou le Croquant) với xuất xứ từ tiểu thuyết gia
hiện thực phê phán người Pháp Eugène Le Roy được tái hiện ở huyện Tiên Lãng,
Hải Phòng, một phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn cùng những người trong gia đình
anh về tội danh ‘Giết người, chống người thi hành công vụ’ được chính quyền Hải
Phòng đưa ra ‘công chiếu’ ở Việt Nam.
Đúng 15 năm sau một phong trào
biểu tình và phản kháng diện rộng gây chấn động cả nước của người dân Thái Bình
chống nạn tham nhũng và bất chấp pháp luật về quản lý đất đai của quan chức địa
phương, Tiên Lãng cũng hoàn toàn xứng đáng trở thành một sự kiện tầm cỡ quốc
gia, đậm đà ý nghĩa về phản ứng xã hội và còn có hơi hướng của ‘điểm nóng chính
trị’ như cách chỉ điểm của một số giới chức điều hành.
Điểm nhấn quá ý nhị của vụ việc
Tiên Lãng trong não bộ chính quyền chính là việc lần đầu tiên, hành vi vẫn được
xem là “chống người thi hành công vụ” liên quan đến phản ứng đất đai đã được
biểu hiện bằng vũ khí có độ sát thương cao, do người bị thu hồi đất dùng để
chống lại ‘kẻ lạ’ đi cưỡng chế.
Một phản ứng cùng mình như thế
chỉ có thể so sánh với hình ảnh những nông dân quẫn chí mang bom tự sát ở Trung
Quốc – hành động bày tỏ tâm thế tuẫn tiết khi bị chính quyền tước đoạt công
bằng và công lý một cách không thể cứu vãn nổi.
Nhưng lại hiện ra một cứu vãn ở
phía xa chân trời.
2.000 bài viết trên phần lớn
báo chí và mạng truyền thông xã hội trong nước trong hơn một năm qua đã khiến
cho gương mặt Đoàn Văn Vươn trở nên quá thánh thiện so với một số quan chức
Tiên Lãng – những kẻ cũng sắp bị đưa ra xét xử bởi tội danh ‘Hủy hoại tài sản,
thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ sau khi phiên tòa của ‘Người anh
hùng hoa cải’ kết thúc.
Cũng quá khác biệt với những
‘con sâu’ – như một cách ví von của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về ‘một bộ
phận không nhỏ’ cán bộ, đảng viên đã ‘nhúng chàm’, tính anh hùng ca của ‘Người
nông dân nổi dậy’ đã lôi cuốn mối quan tâm đặc biệt của không chỉ dư luận và
báo chí trong nước, mà còn bằng vào hàng loạt động thái truyền thông có tính
nhấn mạnh và không chỉ một lần cho tới tương lai của khá nhiều tờ báo quốc tế.
Sự chú tâm đặc biệt của nhiều
tổ chức quốc tế về quyền con người cũng theo đó đang xoáy sâu vào tấm bản đồ
nhân quyền Việt Nam.
Vào những ngày sắp diễn ra
phiên tòa của Đoàn Văn Vươn, một nhóm sinh viên Đại học Luật TP.HCM – nơi có
một trung tâm nghiên cứu về quyền con người, đã bất ngờ công bố một văn bản có
tên ‘Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn’. Dù chỉ mang tính tự phát, bản tuyên
ngôn này vẫn nhận được rất nhiều chữ ký của những người đáng tuổi cha mẹ của
những sinh viên nồng nhiệt trên.
Sau gần một thế kỷ, ‘Phiên tòa
thế kỷ’ của nhà văn Czech Franz Kafka cũng đang phát đi bản tuyên ngôn tiếng
vọng từ tâm can ở Việt Nam.
Như người đời đánh giá, Kafka
không phải là một kẻ thất vọng, mà đó là một nhân chứng. Kafka không phải là
người cách mạng, mà đó là người đánh thức.
Ai đã là nhân chứng và người
đánh thức cho dư luận và công luận Việt Nam vào thời kỳ đổ vỡ niềm tin này?
Nếu người Pháp có Jacquou,
người Czech có Kafka, hẳn giờ đây những người Việt Nam còn mang dân tộc tính
không thể từ chối Đoàn Văn Vươn – một người mà với tất cả những gì anh đã làm
được cho vùng đất và cộng đồng thân thuộc xung quanh cho tới khi bị truy tố vì
tội ‘giết người’, sẽ không quá đáng nếu có thể gọi anh bằng cái tên của một con
người viết hoa.
Tinh thần xúc cảm và lòng dũng
cảm của báo chí, bất chấp những rào cản vô hình và cả hữu hình, cũng từ đó mà
sinh ra.
Tự do
Vào những ngày đầu tiên nổ ra
vụ việc Đoàn Văn Vươn, có lẽ ít ai ngờ tới một kịch bản khuấy động dữ dội từ
Tiên Lãng sẽ như một sóng dung nham tràn lên miền đồng bằng dư luận khắp cả
nước như thời gian bốn tháng đầu năm 2012.
Tiên Lãng đã trở thành một cái
mốc đầy ý nghĩa cho hai sự thay đổi lớn lao: một biến đổi thuộc về hành động
“tức nước vỡ bờ” của một gia đình nông dân nhằm phản kháng trào lưu trưng thu
đất đai phi pháp và vô lối, và phác họa thứ hai là lần đầu tiên kể từ sự kiện
Thái Bình năm 1997, báo chí có được tiếng nói riêng của mình, ít nhất về chủ đề
cưỡng chế đất đai.
Đó là điều bất ngờ lớn nhất và
tổng quát nhất, nếu so sánh với những vụ việc khiếu kiện tập thể về đất đai
trước đó. Ngay cả với những cuộc khiếu kiện tập thể có quy mô đến 500 người,
bao gồm dân từ hơn mười tỉnh thành và trở thành cao trào trước khu vực Văn
phòng 2 Quốc hội tại TP.HCM vào năm 2007, báo chí cũng chỉ “được” đưa tin rất
khiêm tốn, dù cho dư luận về vấn đề này là rộng lượng và khoáng đạt hơn rất
nhiều.
Nếu chịu khó nhớ lại, người ta
sẽ dễ dàng nhận ra trong không ít vụ việc cưỡng chế tương tự như tại Tiên Lãng
– đã xảy ra ở Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp,
Tiền Giang…, và ngay tại thủ đô Hà Nội, bầu không khí chung của báo chí là trầm
lắng, trầm mặc đến vô cùng khó hiểu. Thảng hoặc, một vài tin tức nho nhỏ nào đó
được ‘lách’, nhưng chỉ đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu được thông tin của người
đọc, chứ chẳng đủ sức khuấy động và tạo nên tác động chuyển dời về tính chất,
chưa nói đến mục tiêu cần cải tạo bản chất của vụ việc. Phong trào cưỡng chế
thu hồi đất cũng nhân đó cứ tiếp tục phát triển cái thành tích và thành quả
“luật rừng” của nó, từ bồi hoàn thấp đến không bồi hoàn, từ không bồi hoàn đến
cưỡng chế bất chấp pháp luật…
‘Giọt nước tràn ly’ thường là
sự kết thúc của một quá trình lâu dài bị bất chấp và chịu đè nén. Nhưng quá độ
của tự do báo chí cũng lại bắt đầu ngay từ cái kết thúc ấy – với mốc đầu năm
2012 như một thời điểm đổi thay có tính quyết định.
Cũng là để bù đắp cho những năm
tháng nào đó đã phải âm thầm lắng vào cảnh im lặng không đáng phải nhận, khi
báo chí đã bị oan uổng từ nhiều lời trách cứ của dư luận.
Vọng tâm can
Một sự đổi thay khó tả đã diễn
ra trong nhịp sống của công luận và dư luận cùng với Tiên Lãng và Đoàn Văn
Vươn. Sự kiện hàm chứa nhiều ý nghĩa chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam ấy đã kéo
theo phản ứng tức thời và sâu sắc của báo chí và người dân, người dân với báo
chí. “Điểm nổ” đã khởi nguồn không chỉ từ những tờ báo in và báo điện tử chuyên
về chính trị – xã hội, mà còn lan rộng sang cả nhiều tờ báo chuyên ngành về
kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục, nông thôn…
1.400 bài viết trong thời gian
đầu nổ ra sự kiện Đoàn Văn Vươn và ít nhất 2.000 bài báo cho tới nay, cùng hàng
trăm ngàn ý kiến thể hiện sự đồng cảm đối với điều được gọi là tình người.
Lần đầu tiên, ý đồ thu hồi và
cưỡng chế đất đai của một chính quyền địa phương đã bị đưa ra ánh sáng, được mổ
xẻ chi tiết dưới rất nhiều khía cạnh. Cuộc “trung phẫu” này lại dẫn đến kết quả
xứng đáng: một số cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, ngay cả Chính phủ
cũng phải yêu cầu chính quyền Hải Phòng làm rõ những uẩn khúc theo đòi hỏi của
công luận và dư luận.
Nước đã tràn và lửa cũng đã
cháy. Lần đầu tiên hoạt động lạm dụng và lợi dụng đã được phản biện xã hội một
cách minh bạch. Điều đáng nói là không chỉ do công luận, mà tinh thần phản biện
đó còn đến từ nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam – những người
không thể chấp nhận cái nguồn gốc ‘từ nhân dân mà ra’ bị biến thái thành một
thái cực hoàn toàn đối lập với hình ảnh ‘vì nhân dân quên mình’.
Những vị tướng lão thành của
quân đội như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung
Quốc, và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên tư lệnh Quân khu 4, không chỉ
là minh họa mà còn là những nhân chứng điển hình cho một thời đại đang bị biến
dạng.
Một trong những biến dạng đặc
thù rất đáng lưu tâm, có mối liên đới trực tiếp đến phương diện chính trị, là
cảnh một số chính quyền địa phương đã huy động và sử dụng quân đội phục vụ cho
hành vi cưỡng chế đất đai. Nếu xét đến những ẩn ý và quyền lợi bên trong của
từng vụ việc, người ta sẽ thấy hành vi như thế là không khác với ‘dịch vụ hỗ
trợ thi công’ đã từng được biểu hiện ở Cần Thơ và Nam Định, với kinh phí cho
những ‘hợp đồng với lực lượng vũ trang’ được ‘khoán’ hoàn toàn cho chủ đầu tư
dự án.
Những tướng lĩnh lão thành đã
gọi thẳng tên của hành vi trên: lực lượng quân sự ở địa phương đã bị lợi dụng
nhiệm vụ ‘bảo vệ Tổ quốc’ để chuyển sang phục vụ cho những nhóm lợi ích nào đó
mà ở Việt Nam thường rất kiêng kỵ gọi đúng tên của nó.
Cũng bởi thế, ‘vô danh’ hay
‘khuyết danh’ hẳn là một tật xấu của người Việt.
Ở đất nước này, như một vài
quốc gia khác trong thời kỳ ‘quá độ’, khi sự thật đi vào bằng cửa chính, lời
giả dối phải đi ra bằng cửa sổ. Lẽ đương nhiên theo quy luật hiện tồn của xã
hội và chính trị, không phải mọi tờ báo đều lên tiếng, cũng như không phải bất
cứ công dân nào cũng đều có đủ lòng tự trọng và dũng khí để nhìn ra và thừa
nhận sự thật.
Nhưng cái đa số trong sự kiện
Tiên Lãng cũng đã trở nên quá đủ trong một cận cảnh mà tưởng như thiểu số luôn
thay thế cho đa số. Lần đầu tiên, tiếng nói đồng thanh của số đông báo chí đã
làm nên một cuộc cách mạng về trật tự giao thông: những người lề phải bảo vệ
cho những người lề trái.
Bởi hơn lúc nào hết, người dân
và giới trí thức thấm thía và đồng cảm với những kẻ bị coi là ‘mất nhân tính’
như Đoàn Văn Vươn.
Một bàn tay nhỏ nhắn nhằm góp
sức bảo vệ cho cái ‘mất nhân tính’ ấy chắc chắn là đức tính hy sinh quý báu
nhất trong thời buổi suy thoái trầm kha về đạo đức này.
Thiền
Lâm, gửi RFA từ Việt Nam
No comments:
Post a Comment