Nguyễn Quang A *
Dự kiến từ
ngày 2-4 đến 5-4-2013 sẽ xử vụ Đoàn Văn Vươn. Ông và 3 người khác bị truy tố về
tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự.
Về tội danh
“giết người” này báo chí đã bàn luận sôi nổi ngay từ khi xảy ra vụ cưỡng chế
thu hồi đất ngày 5-1-2012 đến nay (chính xác hơn từ khi khởi tố vụ án ngày
10-1-2012).
Theo Tuổi
trẻ ngày 30-12-2012, ông Đinh Văn Quế nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối
cao cho rằng “khó xử ông Vươn tội giết người” bởi vì anh em ông Vươn chỉ
bàn bạc lên kế hoạch chống cưỡng chế thu hồi đất chứ không phải để giết ai đó,
như thế nhiều nhất “họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp”,
và trong trường hợp đó nhiều nhất họ chỉ bị truy tố về tội “gây thương tích”
chứ không phải tội “giết người”. Đấy là ý kiến của một chuyên gia hàng
đầu về án hình sự.
Không những
thế, mìn tự chế bằng bình gas của anh em ông Vươn được đặt quanh nhà không
thuộc diện tích bị cưỡng chế và lực lượng cưỡng chế đã phá rào để vào mà không
thông báo, không xin phép là hành vi vi phạm chỗ ở của công dân. Như thế hành
động của anh em ông Vươn có thể được coi là sự tự vệ chống lại những kẻ xâm
lấn, chứ không phải chống lại những người thi hành công vụ.
Thế nhưng cơ
quan Cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án giết người và chống người thi
hành công vụ.
Ngày
10-2-2012 Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của
ông Vươn là sai; huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế
là không đúng; “để xảy ra việc này là rất đáng tiếc”. Thế nhưng Thủ
tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng phải “khẩn trương đưa vụ án “giết
người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm
minh của pháp luật”. Cái phần “khẩn trương” này của kết luận của Thủ tướng
được ít người chú ý đến. Và đấy có lẽ là lý do vì sao tội danh “giết người” vẫn
được duy trì.
Việc chỉ
đạo, yêu cầu của nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, của lãnh đạo các cơ
quan hành pháp hoặc lập pháp đối với việc khởi tố, xét xử các vụ án là một
chuyện được coi là “bình thường” ở Việt Nam. Đấy là một tập quán hết sức “không
bình thường” trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta phấn đấu xây dựng.
Sự không độc
lập của hệ thống tư pháp gây ra nhiều hậu quả tai họa. Nó phá hủy lòng tin vào
hệ thống pháp luật. Nó mở đường cho sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Nó là
một “lỗi hệ thống” trầm trọng, cản trở sự phát triển của đất nước và vì thế cần
sửa gấp.
Trong thảo
luận góp góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp cần phải làm rõ tính độc lập của
ngành tư pháp để tránh những việc “rất đáng tiếc” như vụ thu hồi đất và cưỡng
chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 ở Tiên Lãng và rất rất nhiều vụ khác. Những người
kiên trì chống sự độc lập của ngành tư pháp, rốt cuộc là những người gây bất ổn
xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước và như thế phải bị lên án.
N.Q.A.
–
* Bài viết
cho một tờ báo của nhà nước mấy ngày trước, nhưng không được sử dụng và tác giả
được trả lời là “lệnh của trên không cho viết về vụ Đoàn văn Vươn cho đến
khi xử án xong”.
No comments:
Post a Comment