Bùi Minh Quốc
10/04/2013
Năm 1992, tại diễn đàn của hội nghị Ủy ban
trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, giáo sư Phan Đình Diệu trong phát biểu
bằng văn bản của mình, chính thức đề nghị Quốc hội bỏ điều 4 trong Hiến pháp
1992.
Đầu năm 1993, nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến
Giang với bút danh Lương Dân có bài đăng trên báo Khoa học và Tổ Quốc (cơ quan
ngôn luận của Liên hiệp các hội khoa học&kỹ thuật Việt Nam) nêu ý kiến đề
nghị bỏ điều 4. Đây là lần đầu tiên và duy nhất cho tới nay, ý kiến đề
nghị bỏ điều 4 được đăng nghiêm chỉnh trên một tờ báo chính thống do Đảng và
Nhà nước kiểm soát.
Tháng 10 năm 1993, tôi, Bùi Minh Quốc, với
tư cách công dân, gửi thư ngỏ đến Quốc Hội, Trung ương Đảng, Mặt trận và các
báo đài đề nghị bỏ điều 4.Tháng10 năm 2007, trong bài viết “Chống nội xâm, cứu
nước !” (gửi báo Nhân dân nhưng báo không đăng), tôi nhắc lại đề nghị bỏ điểu
4.
Nhân dịp Quốc Hội tổ chức cho dân góp ý
kiến sửa đổi HP, kính nhờ các trang mạng bốn phương công bố giùm ý kiến trước
đây của tôi, trân trọng cám ơn.
-----------------------------
THƯ NGỎ
Kính gửi:
-Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam
-Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN
-Mặt trận Tổ QuốcViệt Nam và các đoàn thể
trong Mặt trận
Đồng kính gửi:
- Các báo đài
- Ông Hoàng Minh Chính và các ông bà bị nạn
trong vụ án “xét lại hiện đại” cùng thân nhân
- Bạn hữu trong và ngoài giới cầm bút.
Tôi đã đọc đơn kiện của ông Hoàng Minh
Chính gửi các cơ quan hữu trách và các bạn hữu, yêu cầu đưa ra ánh sáng vụ án
bí mật mà ông Lê Đức Thọ ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban tổ chức Trung ương
Đảng cộng sản Việt Nam đạo diễn và quyết án, để kéo dài mấy chục năm trời đầy
đọa trong bóng tối ông Hoàng Minh Chính cùng hàng loạt trí thức, văn nghệ sĩ,
cán bộ trung cao cấp của Đảng, có cả tướng lĩnh và Ủy viên Trung ương.
Chừng nào chưa có một tòa án vô tư, độc
lập, không đảng phái với chứng lý rõ ràng, công khai bác bỏ được sự việc ông
Hoàng Minh Chính nêu ra, thì chừng đó tôi còn tin việc đó là có thật, một sự
thật phi lý, phi pháp, vô nhân đạo mà bất cứ ai còn chút lương tri cũng không
thể làm ngơ.
Ông Hoàng Minh Chính bị bắt ngày 27-7-1967.
Chính ngày ấy tôi đang trên đường hành quân
vượt Trường Sơn, đem trái tim và ngọn bút đầy hăng say tin tưởng vào trực tiếp
tham gia kháng chiến ở miền Nam, chống Mỹ cứu nước. Sau đó không lâu, vợ tôi ,
nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng để con gái nhỏ 16 tháng tuổi lại hậu phương lên
đường vào Nam chiến đấu và đã hy sinh. Tôi không thể ngờ khi gia đình chúng tôi
cũng như mọi gia đình Việt Nam yêu nước lao lên phía trước sẵn sàng hiến dâng
tính mạng mình để giành độc lập cho Tổ quốc và Tự do cho mỗi con người, thì sau
lưng chúng tôi, chính người lớn tiếng hô hào chúng tôi chiến đấu lại đưa bàn
tay sắt tước đoạt tự do và hành hạ những người đồng chí – những chiến sĩ cách
mạng, những trí thức văn nghệ sĩ yêu dân, yêu nước, yêu chân lý chỉ vì họ kiên
định quan điểm xét lại hiện đại mà họ tin là đúng, trong khi người đàn áp họ đã
quay ngoắt 180 độ về quan điểm.
Chỉ có những thế lực phi nghĩa mới dùng bạo
lực trong cuộc đấu tranh về quan điểm.
Máu của gia đình tôi cùng hàng chục triệu
gia đình Việt Nam đã đổ ra dứt khoát không phải để tạo dựng một bộ máy độc tài
đảng trị – thực chất chỉ là sự thống trị của từng cá
nhân hoặc nhóm nhỏ ở mỗi cấp ủy núp dưới danh nghĩa Đảng dùng mọi thủ đoạn
trắng trợn và tinh vi loại bỏ dần đội ngũ trung kiên có đức có tài để thoán
đoạt quyền bính và đục khoét, vơ vét. Hiện nay các phần tử này đang hối hả vét
gấp, bị nhân dân khinh bỉ, làm cho người tử tế còn lại trong Đảng mang tiếng
lây, xấu hổ lây.
Tình trạng vừa nêu trên đã khiến Đảng – vốn
là một tổ chức chính trị tập hợp được khá đông đảo những tinh hoa từ mọi giai
tầng của dân tộc, được dân tin, dân yêu, dân theo, dân bảo vệ trong suốt quá
trình nếm mật nằm gai giành độc lập – khi cầm quyền thoái hóa dần thành một thế
lực đứng trên đầu dân, trên nhà nước, trên luật pháp, nuốt lời hứa với dân. Tất
cả các quyền tự do của công dân được ghi trong hiến pháp từ năm 1946 đến nay
vẫn chỉ có trên giấy, quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng kéo dài mà vụ
“xét lại hiện đại” là một bằng chứng điển hình.
Đến cả di chúc của Chủ tịch Hồ Chí minh người
sáng lập Đảng, sáng lập nhà nước dân chủ cộng hòa cũng không được tôn trọng,
nói gì đến các thứ quyền của người dân thường.
Tình trạng này không thể kéo dài thêm nữa.
Tôi khẩn thiết đề nghị một số điều thuộc
loại “Những việc cần làm ngay”:
1-Đáp ứng ngay 7 yêu cầu và kiến nghị của
ông Hoàng Minh Chính.
2-In và phát hành rộng rãi đến từng người
dân bản Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế mà nhà nước ta đã ký kết tuân thủ.
3-Đưa chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội
trở về đúng vị trí một sự lựa chọn ý thức hệ riêng của Đảng chứ không áp đặt
thành sự lựa chọn của cả dân tộc, lấy mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội
văn minh, con người tự do và hạnh phúc, hòa nhập với thế giới”, làm mục
tiêu chung, đoàn kết hòa giải hòa hợp mọi người Việt Nam yêu nước.
4-Bỏ điều 4 trong Hiến Pháp đồng thời ra
một bộ luật trước mọi bộ luật là luật về hoạt động của Đảng cộng sản Việt
Nam,đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với Đảng, đảm bảo ngăn chặn tệ nạn
lộng quyền nhân danh Đảng, loại trừ tình trạng Đảng đứng trên nhân dân, đứng
trên nhà nước.
5- Thực hiện một cuộc sửa sai công khai
triệt để có hệ thống, có bước đi thích hợp. Đối với tất cả những người bị bắt
mà không xét xử, phải thi hành đúng các thủ tục tố tụng, nếu họ vô tội, phải
công khai minh oan, xin lỗi, bồi thường mọi tổn thương về thân thể và danh dự.
6-Sửa luật bầu cử ứng cử hiện hành để đảm
bảo quyền tự do ứng cử của mọi công dân không phải qua “hiệp thương” do Đảng
sắp đặt thành một cuộc bầu cử trước bầu cử như lâu nay mà người dân thường vẫn
gọi là “Đảng chọn dân bầu” (thực chất cũng không phải là Đảng chọn mà chỉ do
một số cá nhân hoặc nhóm quyền lực trong mỗi cấp ủy độc đoán quyết định việc
lựa chọn này).
7-Không coi vấn đề đa nguyên đa đảng là một
đề tài cấm kỵ, thực hiện một cuộc trao đổi ý kiến công khai, dân chủ, bình đẳng
trong toàn dân Việt Nam (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) về vấn đề này để
cùng tìm kiếm những bước đi thích hợp cho quá trình dân chủ hóa trong hòa bình,
ổn định và phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ lâu rằng:
nước được độc lập mà dân không được tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.
Lấy lời ấy soi vào hiện tình đất nước, tôi
thấy mình đang sống trong một nền độc lập không có ý nghĩa gì. Lương tâm tôi,
xương máu của bao người đổ cho nền độc lập, nỗi oan ức của bao người chân chính
bị đàn áp trong thầm lặng đòi hỏi tôi viết những dòng này để góp một hạt cát
xây dựng một nền độc lập có ý nghĩa: ĐỘC LẬP cho DÂN TỘC gắn chặt với TỰ DO cho
MỖI CON NGƯỜI.
Kính thư
Đà Lạt, ngày 3-10-1993
BÙI MINH QUỐC
--------------------
Trích bài “CHỐNG NỘI XÂM, CỨU NƯỚC !” :
Nói đến giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng
Cộng sản Việt Nam thì không thể không nói đến điều 4 Hiến pháp mà tôi đã đề
nghị cần phải bỏ (trong một thư ngỏ viết tháng 10.1993 gửi Quốc hội).
Vì sao tôi lại đề nghị bỏ điều 4?
Xin thưa vì những lý do sau đây:
- Khi chưa có điều 4, dân rất tin Đảng,
lòng tin ấy một phần là tin vào mục tiêu độc lập, tự do, dân chủ mà Đảng nêu
cao, phần chính là tin qua tấm gương dũng cảm, tận tuỵ, hy sinh, liêm khiết của
đông đảo những con người đảng viên cụ thể mà người dân chứng kiến hàng ngày
giữa thiếu thốn, đói no, tù đày, sống chết. Nhưng rồi Đảng trở thành Đảng cầm
quyền, từ khi có điều 4, lòng tin của dân đối với Đảng kém sút hẳn, Đảng trở
nên hư hỏng, đường lối thì sai lầm, đưa đất nước đến bên bờ vực (Đại hội 4), cán
bộ thì thoái hoá, sa đoạ với tốc độ, qui mô ngày càng khủng khiếp và chiều
hướng ngày càng khó ngăn chặn.
- Phải chăng vì Đảng mất chỗ đứng trong
lòng dân, nên mới phải bám vào điều 4 để ngồi trên đầu dân và bước đi chệnh
choạng trên đôi chân cà khoeo – một bên súng, còng (quân đội, công an), một bên
loa (hệ thống thông tin đại chúng độc quyền)?
Như vậy, rõ ràng điều 4 chỉ cần thiết cho
một bộ phận đã tha hoá, cố thủ sau bình phong Đảng lãnh đạo để giữ đặc quyền
đặc lợi, chứ hoàn toàn không cần thiết cho Đảng mà lại làm hại Đảng.
Điều 4 ghi rằng Đảng là đội tiền
phong của giai cấp công nhân, theo chủ nghĩa Mác Lê-nin, Đảng lãnh đạo nhà nước
và xã hội…, toàn bộ nội dung này bất ổn cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật:
- Đảng không phải là đội tiền phong của
giai cấp công nhân, ngay cả những công nhân hầm mỏ Quảng Ninh vừa cởi chiếc áo
nâu lấm bùn để khoác vào chiếc áo xanh thợ, chứ chưa nói là giai cấp công nhân
đại công nghiệp như Mác xác định. Những sai lầm chết người như cải cách ruộng
đất, chỉnh đốn tổ chức, đường lối phiêu lưu duy ý chí của Đại hội 4 đưa đất
nước đến bờ vực thẳm chẳng phải là biểu hiện tày đình của một thứ chủ
nghĩa nông dân mo cơm quả cà tệ hại nhất đó sao? Còn nhớ,
năm 1978 Đảng có nghị quyết chống tập đoàn cầm quyền bành trướng Bắc Kinh,
trong đó đã đặt vấn đề phê phán tư tưởng nông dân. Sau cuộc chiến tranh bảo vệ
biên giới phía Bắc, Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân triển khai cuộc học
tập lý luận chống chủ nghĩa Mao, phân tích phê phán tư tưởng nông dân – cơ sở
xã hội của chủ nghĩa Mao – dịp ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu có một ý phân tích
ngắn gọn mà cực kỳ sắc sảo : anh nông dân nào cũng thích làm vua, cốt lõi
tư tưởng nông dân là thích làm vua.
Nhưng thật lạ, cuộc học tập phê phán đang
tiến hành sôi nổi hào hứng thì bị ngừng lại đột ngột theo lệnh trên.
Mọi người bảo nhau : các ông trên các ông
ấy sợ, bắt ngừng lại là phải thôi, bởi vì mới phân tích sơ sơ đã thấy lòi ra
đặc sệt cái chất nông dân của Đảng mình.
- Đảng tuyên bố theo chủ nghĩa Mác Lê-nin,
nhưng trong Đảng may lắm cũng chưa chắc có được 1% đảng viên nắm vững chủ nghĩa
ấy, còn trong cán bộ từ Bí thư Tỉnh uỷ trở lên thì liệu có được 0,001%? Tiện
thể xin hỏi: anh Nông Đức Mạnh có dám tự khẳng định trước các nhà lý luận rằng
anh nắm vững chủ nghĩa Mác Lê-nin? Tuyên bố theo một chủ nghĩa (với giả định là
chủ nghĩa ấy đúng hoàn toàn) mà chỉ có được chừng đó người nắm vững chủ nghĩa
thì chẳng ai tin, người đời bảo thế là “treo đầu dê bán thịt chó”. Một thực tế sừng
sững như dãy Trường Sơn cho thấy chủ nghĩa Mác Lê-nin đã phá sản ngay tại nơi
mà nó ra đời, một bộ phận trong giới lãnh đạo mấy Đảng cầm quyền ở Trung Quốc,
Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào sở dĩ còn cố níu giữ không phải vì giá trị
khoa học mà vì muốn sử dụng chủ nghĩa như một công cụ cai trị tiện lợi nhất :
có chủ nghĩa Mác Lê-nin thì mới có độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản (thực
chất là độc quyền của thiểu số đặc quyền đặc lợi trong Đảng), có vai trò chủ
đạo của kinh tế quốc doanh, có sở hữu toàn dân về đất đai – những miếng mồi béo
bở nhất cho tham nhũng, có chuyên chính vô sản mà nòng cốt là công an, quân đội
và hệ thống truyền thông đại chúng độc quyền (trong các văn kiện chính thức
không dùng cụm từ “chuyên chính vô sản” nữa, nhưng bản chất hệ thống chính trị
vẫn y như cũ) để dễ bề “dùng chuyên chính vô sản để tích luỹ tư bản”
(phát hiện năm 1988 của Hà Sĩ Phu). Hơn nữa, đưa chủ nghĩa Mác Lê-nin vào điều 4 là một hành
vi quốc giáo hoá chủ nghĩa ấy, là chăng lưới thép trên bầu trời tư duy của toàn
dân tộc, ngăn chặn mọi cánh chim trí tuệ Việt Nam vút lên, rồi đặt thành một
môn học bắt buộc đối với học sinh, sinh viên, công chức, người dạy không tin
vào điều mình dạy, người học cũng chẳng tin vào điều mình học; đó rành rành là hành
vi ngu dân (trước hết là ngu Đảng) đại qui mô giống hệt các giáo quyền trung
cổ.Đó là một tội lớn về tư tưởng và văn hoá đối với đại đa số đảng viên, với
dân tộc và nhân loại.
- “Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội…”, mệnh đề thứ ba của điều 4 ghi như thế. Vậy thế nào là
lãnh đạo? Hai chữ lãnh đạo đã được xác định từ lâu rất rõ ràng, giản dị như
sau: lãnh đạo là vận động, giáo dục, thuyết phục bằng tư tưởng đúng, đường lối
đúng, bằng sự gương mẫu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ. Vậy thì
cần gì một hệ thống biên chế từ xã đến huyện, tỉnh, trung ương đông đúc cồng
kềnh đến thế với lớp lớp trụ sở xe cộ nghênh ngang sang trọng tốn kém đến thế
mà nội dung công việc phần lớn trùng lặp chồng chéo với cơ quan nhà nước, tất
cả đều chi xài bằng tiền thuế của dân, quyền hành thì nắm toàn diện triệt để
tuyệt đối mà trách nhiệm thì hết sức chung chung, hết sức mù mờ.
Cũng cần nhắc lại, năm 1993 khi đề nghị bỏ
điều 4, tôi đã đồng thời nêu rõ: chừng nào chưa bỏ điều 4 thì phải có ngay một
bộ luật về sự lãnh đạo của Đảng để xác định rạch ròi quyền hạn và trách nhiệm,
ngăn và chống tình trạng lạm quyền lộng quyền nhân danh sự lãnh đạo của Đảng;
lãnh đạo đúng thì được ghi nhận, lãnh đạo sai gây hại cho dân cho nước thì phải
ra toà.
Điều 4 được thông qua bằng một Quốc hội
không đại diện cho dân bởi các đại biểu đều do Đảng (thực chất là một vài cá
nhân nắm giữ công việc nhân sự của Đảng) sắp đặt, hoạt động một cách hình thức.
Việc đó nói thẳng ra thì đích thị là một xảo thuật pháp lý nhằm đưa Đảng (thực
chất chỉ là một vài người ở cấp tối cao của Đảng) lên ngôi vua. Nhiều nhà trí
thức trong và ngoài Đảng cùng nhiều lão thành cách mạng gọi chế độ chính trị
hiện hành là chế độ phong kiến trá hình hay chế độ toàn trị (đang biến chủng
thành hậu toàn trị) là đã gọi rất đúng tên sự vật.
Tóm lại, điều 4 là một bằng chứng hiển
nhiên về sự đối chọi giữa danh và thực, một xảo thuật cầm quyền hết sức mất dân
chủ, nói thẳng ra là sự dối trá, một sự dối trá bao trùm lên toàn bộ đời sống
xã hội. Bỏ điều 4 là Đảng trút bỏ được một gánh nặng, thoát khỏi thế kẹt để trở
về chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, từ đó tiến hành đổi mới bản thân Đảng
bằng nguồn sức mạnh từ nhân dân.
BMQ
Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy's Blog
No comments:
Post a Comment