Nguyễn Trần Sâm
Chẳng biết truyền thuyết về
các vua Hùng có cơ sở đến đâu, nhưng có lẽ đa số chúng ta không nghi ngờ rằng
họ đã từng là những vị thủ lĩnh của dân Việt ta trên vùng đất được gọi là nước
Văn Lang, với trung tâm ở Bạch Hạc, Phú Thọ (cho dù có thể là vào thời đó họ chưa
được gọi là các vua Hùng, như một nhà nghiên cứu đã từng nói).
Tuy nhiên, truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ với cái bọc trăm trứng là
một câu chuyện hoàn toàn khác.
Trên thế giới, chắc hẳn nhiều
dân tộc có những truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc mình. Người Mông Cổ
chẳng hạn, có truyền thuyết nói rằng dân tộc họ là con cháu của những người
được sinh ra từ những cuộc phối ngẫu của một con sói đực xám và một con hươu
cái trắng! Những truyền thuyết như vậy thường là hoang đường và hết sức ngây
thơ. Chúng phản ảnh trình độ nhận thức của người thời cổ, chưa có tri thức khoa
học, thậm chí hầu như chưa biết suy luận.
Thuở nhỏ đến trường, mỗi người
Việt Nam ta cũng đều được học bài học về truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ.
Học để biết, và đúng ra CHỈ ĐỂ BIẾT rằng trong kho tàng văn hóa cổ phong phú
của dân tộc ta đã từng có những truyền thuyết như vậy. Chúng ngây thơ nhưng
cũng thơ mộng và lãng mạn. Và kho tàng văn hóa đó là niềm tự hào của dân tộc
ta.
Là một người bình thường, ai
cũng hiểu như vậy. Chúng ta đã từng hiểu như vậy khi còn là những cô cậu học
trò tiểu học.
Nhưng những năm gần đây, người
ta đang muốn dùng bộ máy nhà nước để áp đặt một cách hiểu khác về huyền thoại
này. Họ bảo chúng ta, và con cháu chúng ta, rằng truyền thuyết đó là chuyện
thật, rằng chúng ta, bắt đầu từ các vị vua Hùng, chính là con cháu của Lạc Long
Quân và Âu Cơ. Và không chỉ người Kinh, tức người Việt, mà tất cả gần 60 dân
tộc hiện đang sống trên dải đất Việt Nam, đều là con cháu của hai nhân vật
truyền thuyết đó. Một vị lãnh đạo rất cao cấp còn đăng đàn “dạy” cả nước rằng
cả 87 triệu người Việt Nam ở trong nước hiện nay và mấy triệu Việt kiều ở nước
ngoài đều sinh ra từ một cái bọc, rằng chúng ta phải từ hào vì “ít có nơi nào
trên thế giới có CÁI ĐÓ lắm á”!!! Họ nói cứ như với những kẻ ngu si mông muội
hay con nít mới lọt lòng! Và không chỉ nói, họ còn bày ra những trò “giỗ quốc
tổ”, một nghi lễ quốc gia chính thức, cứ y như thật!
Chẳng lẽ họ không biết rằng
một đứa con nít cũng có thể thắc mắc: vậy ra tổ tiên chúng ta đã từng loạn luân sao? Còn nếu không loạn luân, thì những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ
phải kết hôn với những người không phải là con của hai vị đó, nghĩa là dân Việt
ta không phải chỉ có một quốc tổ. Chúng ta con là hậu duệ của những vị khác nữa
mà vai trò chẳng kém gì Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ngay các vua Hùng cũng đã phải
mang cả dòng máu khác.
Đó là chưa kể đến sự vô lý,
khi một con người (Lạc Long Quân) lại thuộc “giống rồng”, còn người kia (Âu Cơ)
thuộc “giống tiên”! Chúng ta chỉ không có quyền thắc mắc, khi coi đó là huyền
thoại, còn khi định biến chuyện đó thành quốc sử, để làm những nghi lễ thờ cúng
mang tính chất quốc gia thì lại là chuyện khác.
Quý vị cũng nên nhớ rằng người
Việt chúng ta không phải chỉ có truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ để “giải
thích” nguồn gốc. Chúng ta còn có một truyền thuyết nữa, nói rằng có một bầy
chim, loài hồng hạc, bay từ phương Bắc, khi đến đất ta thì dừng lại, hóa thành
người và sinh sôi thành người Việt ta hiện nay. Chẳng lẽ chúng ta vừa là hậu
duệ của rồng-tiên, vừa là con cháu của những người do hồng hạc hóa thành?
Không những thế, các dân tộc
không phải người Kinh cũng từng có những huyền thoại riêng về nguồn gốc của họ.
Và ngày nay, nhà cầm quyền đang cố xóa đi ký ức của họ về những huyền thoại đó,
tức là xóa đi bản sắc văn hóa của các dân tộc này, và áp đặt huyền thoại
Rồng-Tiên cho mọi dân tộc, để thực hiện những ý đồ chính trị.
Nhà cầm quyền ở nước nào thì
cũng có những ý đồ chính trị. Chuyện đó thật bình thường. Nhưng cái kiểu cách
biến chuyện hoang đường thành quốc sử, giống như lừa con nít chưa biết suy luận
là gì thì thật quá nực cười. Tệ hại hơn nữa, người ta dùng những chuyện hoang
đường đó làm cớ để chi những khoản tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước.
NGUYỄN TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment