Thursday 18 April 2013

TỘI CHO PHẠM XUÂN NGUYÊN (Trần Kỳ Trung)




Không rõ18/04/2013 08:47 | by kytrung

Tôi đọc tâm sự này của Nhà phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên mà thấy buồn cho nền văn học nước nhà.

Một anh bạn hỏi tôi: " Chiến tranh Việt Nam đã qua gần bốn mươi năm, một cuộc chiến tranh đầy đủ bản chất khốc liệt nhất ,kể trên tất cả phương diện. Những cuộc chiến tranh xảy ra gần đây, nếu so sánh với cuộc chiến tranh Việt Nam trước năm 1975, chưa là gì cả, thế mà nền văn học Việt Nam không có những tác phẩm lớn để bạn đọc trong nước và nước ngoài ngưỡng mộ, trừ cuốn " Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh. ".

Biết nói với bạn tôi thế nào? Phải nói thẳng ra rằng, viết về nỗi đau chiến tranh, nhất là sự mất mát to lớn của dân tộc, của từng gia đình Việt Nam, di hại khốc liệt của cuộc chiến tranh vừa rồi, nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết. Nhưng...rất tiếc nhiều báo, NXB trong nước không dám in, chỉ một lẽ đơn giản: Những tác phẩm đó nói đúng bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam trước năm 1975. Thời gian càng lùi xa càng nhận rõ điều này. Cũng còn may hiện là thời đại của intenét, nhiều nhà văn, nhà thơ đành phổ biến những truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ...viết tâm đắc về chiến tranh Việt Nam lên trang mạng. Thực ra đây là thế chẳng đừng, nhưng thà như thế còn hơn không, để muốn cho bạn đọc hiểu rằng, ở Việt Nam còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ... trăn trở, đáu đáu một ước muốn,một khát vọng cháy bỏng muốn nói hết, nói thẳng, nói đúng bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam trước 1975, để làm sao một dân tộc yêu chuộng hòa bình như dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới mãi mãi được sống trong đất nước thanh bình, thực sự yêu thương lẫn nhau, không thù hằn, oán hận, chém giết vì lý tưởng của những giai cấp ích kỷ.

Tôi nghĩ, chắc nhà phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên đến cuộc tọa đàm trên sẽ nói những ý đó.

Vậy tại sao lại cấm Ông đến!
-------------------------------------------

Tôi kể chuyện này
Phạm Xuân Nguyên

Sáng 17/4/2013, báo Quân Đội Nhân Dân (QĐND) tổ chức cuộc tọa đàm mang tên “Văn học VN về chiến tranh và người lính sau năm 1975 – Những cách nhìn khác” tại trụ sở tòa soạn 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cách khoảng mười ngày trước đó, tôi đã được nhà thơ T. là đại tá làm việc tại báo, nhân gặp tại một cuộc ăn trưa ở nhà hàng 17 Lý Nam Đế, có nói miệng về cuộc tọa đàm và bảo là sẽ mời anh đến tham gia, phát biểu ý kiến. Ngày 13/4/2013, T. gửi mail cho tôi như sau:

Anh ơi, chủ đề là “Văn học VN về chiến tranh và người lính sau năm 1975-Những cách nhìn khác”. Còn câu hỏi đối thoại thì hôm đó tranh luận mới sinh ra các vấn đề mới. Nhưng, sơ bộ mấy điều phải đạt được:

1. Đánh giá những nét cơ bản thành tựu Văn học chiến tranh sau năm 1975?

2. Đánh giá đội ngũ nhà văn nhà thơ viết về chiến tranh sau năm 1975?

3. Văn học chiến tranh sau năm 1975 tiếp tục dòng chảy thời chiến hay phát lộ một dòng chảy mới?

4. Cái nhìn của người sáng tác (tư duy sáng tác) đối với hiện thực chiến tranh và lao động nhà văn sau năm 1975 như thế nào?

5. Những cách tân nghệ thuật?

* Văn xuôi đi vào thân phận con người?

* Thơ đi vào tâm trạng cá nhân và những dằn vặt thời hậu chiến.

6. Hiện nay, khó khăn nhất của người sáng tác về đề tài chiến tranh là gì?

7. Những nhu cầu của người sáng tác, đề xuất với các cấp lãnh đạo văn nghệ.

vân vân và vân vân.

Thời gian: 8h32 phút sáng 17-4 (thứ Tư)

Chiều 16/4, lúc 4h56, T. gọi điện cho tôi nhắc là ngày mai anh nhớ đến dự tọa đàm, anh cứ vào cổng 7 Phan Đình Phùng, lên phòng khách, sau đó sang phòng họp, anh em mong chờ đón tiếp anh. Tôi nhận cuộc gọi này khi đang ở nhà. Sau đó tôi đi taxi đến một cuộc gặp bạn bè. Trên xe, vào lúc 5h42 PM, tôi nhận được cuộc gọi mới của T. báo hoãn cuộc tọa đàm ngày mai, anh không phải đến nữa. T. cho biết lý do hoãn là vì anh T. chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng được mời dự nhưng đang đi Sài Gòn, một anh T. khác dự phòng thay anh T. kia thì ngày mai cũng bận một “talk show” không đến được. Tôi đang mải đi nên nghe vậy cũng ừ ào. Nhưng sau khi uống bia với bạn bè xong, tôi chợt nghĩ đến cuộc gọi nói hoãn tọa đàm của T. thì sinh nghi. Tôi gọi lại cho T. bảo: tọa đàm là do báo QĐND mời, chủ nhà là báo QĐND, cớ sao vì anh T. vắng mà hoãn, thế chẳng hóa ra là xúc phạm đến những người được mời khác như tôi sao. Nếu vậy thì đây là một điều không thể chấp nhận được, tôi sẽ nói trắng sự thật ra cho mọi người biết. Nhưng tôi không tin là thế, chắc có điều gì khác ở đây. Có phải đây chỉ là bày cớ để ngăn tôi đến cuộc tọa đàm không. T. trả lời ấp úng. Tôi kiểm chứng qua nhà văn S. là người cũng được mời tọa đàm thì biết chắc cuộc tọa đàm ngày mai vẫn có, như thế rõ ra là chỉ tôi đã được mời nhưng đến phút chót bị ngăn cản. Tôi gọi lại T. nói huỵch toẹt điều này thì được T. xác nhận và cho biết: anh đừng nghĩ đây là Tổng cục Chính trị can thiệp, mà đây là một nhân vật có thế lực trong báo đề nghị loại anh ra khỏi danh sách, không muốn anh có mặt tại cuộc tọa đàm. Tôi hỏi: nhân vật cao nhất của báo là Tổng biên tập, thiếu tướng N, có phải không? T. nói: không phải, anh N. đang đi công tác, em gọi điện mãi không được. Đến nước này thì tôi chỉ biết cám ơn T. vì đã đưa tôi vào danh sách mời tọa đàm ngay từ đầu, nhưng trong lòng rất bất bình với cách cư xử của báo QĐND. Tối 16/4 về nhà tôi còn nhắn tin cho T.

- Nếu mai anh vẫn đến như không có em báo thì sao nhỉ?

- Anh ơi, đừng làm khổ em thêm nữa.

- Ôi, quân đội nhân dân. Chú cứ yên tâm.

- Em tê tái từ chiều đến giờ rồi. Để mai mốt anh P.N. về, em báo cáo lại. Chắc anh N. cũng sẽ buồn và ngượng.

Chuyện chỉ là vậy. Sáng 17/4 tôi có giờ dạy cho sinh viên Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng đã chuyển buổi dạy sang chiều vì tính là đi dự cuộc tọa đàm tại báo QĐND. Buổi chiều lên lớp, các em hỏi sáng thầy đi dự tọa đàm thế nào, tôi nói rõ sự tình. Các em ngạc nhiên, không hiểu. Đấy là tôi chưa kể cho các em nghe chuyện mười năm trước. Tháng 10/2003, báo QĐND cũng tổ chức một cuộc tọa đàm nhan đề “Thơ hôm nay đi về đâu?” và tôi cũng được mời tham dự. Các ý kiến phát biểu khá cởi mở, thẳng thắn tại cuộc tọa đàm đó đã được đăng trên báo QĐND số ra ngày thứ Sáu, 31/10/2003. Báo ra và đã có những phản ứng, đặc biệt là cho rằng những người tọa đàm đã phủ nhận thơ kháng chiến. Nhà thơ T.A.T., người trực tiếp làm trang thứ Sáu của báo QĐND khi đó và là người tổ chức cuộc tọa đàm, cùng Tổng biên tập báo là thiếu tướng N.Q.T., đã phải vào Thành báo cáo Tổng cục Chính trị. Sau này anh T. kể cho tôi nghe là khi trình bày danh sách các khách mời tọa đàm, đến tên tôi, một sĩ quan cấp trên đã bảo anh T. là sao anh này từng bị tù ta (!) mà các anh cũng mời. Nghe thế anh T. choáng váng, chẳng biết phải nói sao nữa!

Toàn bộ chuyện này, tức là những câu chuyện điện đàm của T. và tôi về việc tôi không còn được có mặt trong cuộc tọa đàm của báo QĐND ngày 17/4, diễn ra trước và trong cuộc uống bia của tôi với các bạn văn ở quán bia Lan Chín tại phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, vào chiều tối 16/4. Trong cuộc uống này có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Và bên vại bia buổi giao mùa xuân hè, Cầm đã đọc cho bạn bè nghe bài thơ “Vô cùng” của mình:

Tất cả chúng ta thật lòng nói dối

Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi

Tất cả chúng ta căn nhà chật chội

Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.


Tất cả chúng ta đều bị theo dõi

Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi

Tất cả chúng ta như bầy chó đói

Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi.


Tất cả chúng ta đều không vô tội

Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi.



Hà Nội 17.4.2013

Phạm xuân Nguyên
-----------------------

nguon: Quê choa





No comments:

Post a Comment

View My Stats