Thursday, 25 April 2013

THIẾU TÁ HẢI QUÂN MỸ GỐC VIỆT & CUỘC HỘI NGỘ VỚI ÂN NHÂN (Hòa Ái - RFA)




Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-04-25

Kính thưa quý vị, trở về thời điểm mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi đang nằm bên xác mẹ trên Đại lộ Kinh Hoàng đã được một người lính Việt Nam Cộng Hòa nhặt lên đặt trong chiếc nón lá và trao cho một Thiếu úy Thủy quân Lục chiến người Việt đang giúp dân chúng di tản tại cầu Mỹ Chánh. Em bé 4 tháng tuổi nay là Trung tá Hải quân gốc Việt ở Hoa Kỳ. Cô đã gặp lại người cứu mạng mình sau 41 năm.

Hôm nay Trung tá Kim. Mitchell chia sẻ với quý vị về cuộc hội ngộ đặc biệt này:

Tìm về quá khứ

Hòa Ái: Xin chào Trung tá Kim. Mitchell. Trước hết, cảm ơn Trung tá dành thời gian với quý khán thính giả để chia sẻ câu chuyện của cuộc đời cô. Thưa cô Kim, trong hoàn cảnh nào cô gặp được vị ân nhân cứu mạng mãi tận 41 năm sau?
Kim. Mitchell: Tôi được kể cho biết là tôi được tìm thấy và đưa đến trại trẻ mồ côi nhưng các sơ không biết ai là người tìm thấy và đưa tôi đến.
Tôi được nhận làm con nuôi bởi một người lính Mỹ đang đóng tại Đà Nẵng lúc đó. Sau đó tôi được đưa sang Mỹ vào năm 1972. Tôi không biết gì về ông Báo Trần cho đến khi ông ấy liên hệ với tôi, cách nay 5 tháng.

Nữ Thiếu Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt - Kimberly Mitchell trong lần gặp Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton trước đây.

Hòa Ái: Thật bất ngờ khi nghe cô nói là chính vị ân nhân liên lạc với cô. Không biết là Thiếu úy Trần Khắc Báo làm sao biết về cô chính là em bé năm xưa mà ông đã cứu mạng?
Kim. Mitchell: Tôi đến Việt nam vào tháng 8 năm 2011 và đó là chuyến đi để kết nối với quá khứ của tôi, để biết về người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Chuyến thăm đến trại trẻ mồ côi là một kỷ niệm rất xúc động đối với tôi, bởi vì điều mà tôi đã không trông đợi trước đó là khi các sơ có thể cho tôi thấy cuốn sách của trại trẻ với tên tôi còn trong đó.
Đã có thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ ở Hà nội về chuyến về thăm Việt Nam của tôi và ông Báo đã đọc thông cáo đó được đăng trên tạp chí tại Mỹ. Tôi không biết ông Báo mãi cho đến khi ông ấy liên hệ với tôi và tôi rất cảm kích vì ông đã làm điều đó.

Hòa Ái: Cô Kim có thể chia sẻ về cảm xúc khi cô gặp được Thiếu Úy Trần Khắc Báo, người đã cứu cô và đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích?
Kim. Mitchell: Cảm xúc thật không thể miêu tả được để có thể giải mã một phần trong cuộc đời tôi, có thể tìm thấy một người đã đóng góp một phần vào cuộc đời tôi, trước khi vào trại trẻ mồ côi. Đó là một điều mạnh mẽ đối với một người vì ai cũng muốn biết toàn bộ các khía cạnh cuộc đời mình như họ đến từ đâu, sinh ra ở đâu, lúc nào, ai đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của một con người. Với tôi, được gặp ông Báo và gia đình ông, để được nói lời cảm ơn với người đáng ra không cần phải mất nhiều công sức, thời gian để cứu một đứa trẻ vào lúc đó. Để cứu một đứa trẻ mà ông không biết lúc đó là do lòng tốt và với lòng tốt đó ông đã cứu sống tôi. Với tôi, ông đã làm thay đổi cả thế giới theo một cách rất có ý nghĩa.

Luôn nhớ ơn

Hòa Ái: Được biết là trong cuộc hội ngộ với cô, Thiếu úy Báo đã mặc lại bộ quân phục và còn có chiếc nón lá để kể lại cho cô nghe ông đã nhìn thấy cô 41 năm về trước như thế nào. Và Thiếu úy Báo mong muốn cô làm gì để trả ơn ông?
Kim. Mitchell: Ông ấy bảo tôi gọi ông là “Tía”. Và đó là cách tôi gọi ông ấy. Con gái của ông là Cindy cố gắng dạy tôi tiếng Việt.

Hòa Ái: Cô Kim cảm thấy như thế nào sau khi gặp gỡ gia đình ân nhân và cô sẽ nói gì với những người Việt Nam đã lạc mất người thân hay được nhận nuôi trong thời chiến tranh?
Kim. Mitchell: Mọi cái xảy ra đều có lý do của nó. Tôi đã rất may mắn khi có một cuộc sống dễ chịu ở Mỹ. Tôi tin là bất cứ ai được nhận làm con nuôi từ Việt Nam rồi sau đó sang Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác, có được cuộc sống thành đạt là điều may mắn. Tôi tin là những người giúp cho việc nhận con nuôi đó, đặc biệt là với gia đình ông Báo Trần và nỗ lực của ông để đưa tôi vào trại trẻ mồ côi có ý nghĩa lớn. Tôi biết ơn ông về điều này.

Hòa Ái: Và câu hỏi sau cùng, nếu trong cuộc hành quân của cô, mà cô gặp được tình cảnh giống như của Thiếu úy Báo 41 năm về trước, cô sẽ làm gì khi nhìn thấy 1 em bé trong cảnh hỗn loạn như vậy?
Kim. Mitchell: Bạn biết không, con người nhìn chung là tốt, tôi nghĩ mỗi người tận sâu thẳm đáy lòng mình đều mong muốn có thể cứu được một đứa trẻ, cho nên tôi cũng sẽ làm như vậy.

Hòa Ái: Cảm ơn cô Trần Thị Ngọc Bích đã kể lại câu chuyện thật xúc động và đậm chất nhân văn của tình người. Và cảm ơn Thiếu tá Kim. Mitchell chia sẻ với khán thính giả của đài RFA.

------------------------------------

Cập nhật: 21.09.2011 20:00

Trung tá Hải quân Kimberly M. Mitchell cùng Sơ Mary và Sơ Vincent.

Bị bỏ lại tại một trại trẻ mồ côi ở miền Trung Việt Nam khi cuộc chiến tranh bước vào những năm tháng cuối cùng. Vào năm 1972, em bé mang số 899 đã may mắn đuợc một gia đình của trung sĩ quân đội Hoa Kỳ nhận nuôi khi mới 10 tháng tuổi.

Rời khỏi Việt Nam, cô bé mồ côi được đưa về sống cùng gia đình người Mỹ tại một trang trại ở tiểu bang Wisconsin. Trung tá Kimberly M. Mitchell nhớ lại những ký ức thú vị trong những năm tháng tuổi thơ ở vùng nông thôn Mỹ: “Ba, Mẹ tôi cho rằng sẽ rất hữu ích và là một kinh nghiệm học hỏi tốt cho tôi nếu tôi học cách biết nuôi gia súc và động vật. Vì vậy họ đã khuyến khích tôi tham gia vào dự án của một tổ chức chuyên dạy cho trẻ em và thiếu niên chăm nuôi động vật và gia súc cũng như làm đồ thủ công v.v. và sau đó trình diễn tại các hội chợ. Tôi cũng nuôi bò và đã từng giành giải vô địch vào năm 1986 tại một hội chợ của hạt Douglas.”

Không những mang đến cho bà một mái ấm gia đình mới, mà chính người cha nuôi cũng là một nguồn khích lệ để cô bé mồ côi gốc Việt ngày nào theo đuổi sự nghiệp quân sự và gặt hái được nhiều thành công đáng kể. Giờ đây bà đã trở thành một vị Trung tá của Hải quân Hoa Kỳ và là Phó giám đốc Văn phòng Trợ giúp Quân nhân và Thân nhân tại Ngũ Giác Đài.

Cũng như nhiều người trong số những em bé mồ côi thuở đó, Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Kimberly Mitchell vẫn luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ được trở lại nơi mình đã sinh ra để kết nối lại với quá khứ mà bà chưa từng biết tới, nhưng phải đến gần 40 năm sau bà mới thực hiện được ước mơ đó: “Vì không có thời điểm nào thích hợp để tôi lên kế hoạch và thực hiện chuyến đi. Vì phục vụ trong Hải quân, tôi luôn luôn phải đi công tác, được điều động đi nhiều nơi và thường xuyên phải làm nhiệm vụ trên tàu.  Hơn nữa, tôi cũng không muốn đi một mình mà muốn có những người bạn thân thiết cùng trải nghiệm chuyến đi đó với mình."

Trước khi thực hiện chuyến đi tìm về nguồn cội vào cuối tháng 8 vừa qua, những gì mà Trung tá Kim Mitchell biết về Việt Nam chỉ là những hình ảnh về một đất nước có nhiều cảnh đẹp.
Trung tá Kim Mitchell nói: “Khi tôi tới đó, tôi mới thực sự nhận ra đất nước đó đẹp thế nào. Người dân ở đó rất thân thiện, cởi mở và nhiệt tình. Nơi nào chúng tôi tới, mọi người cũng tận tình giúp đỡ cho chúng tôi, chỉ cho chúng tôi nên đi đâu, ở đâu có món ăn ngon và nên đi lại bằng phương tiện gì.”

Bà đã tới một số thành phố cả ở miền bắc lẫn miền trung và miền nam, nhưng một trong những nơi mà bà thực sự mong đến nhất đó là trại trẻ mồ côi Thánh Tâm, nơi bà đã bị bỏ lại cách đây gần 40 năm. Tại đó, Trung tá Kim Mitchell đã vô cùng xúc động khi được gặp lại một số nữ tu đã từng chăm sóc cho những trẻ mồ côi như bà ngày đó, trong số họ có Sơ Mary: “Sơ Mary đã kể cho tôi nghe về việc họ chăm sóc các em bé ra sao, họ đặt tên cho các em bé, giống tôi khi đó cũng chẳng có tên, như thế nào. Tên của tôi được đặt là Nguyễn Thị Ngọc Bích, có nghĩa là một viên ngọc quí. Cái tên đó thật tuyệt vời.”

Trung tá Kim Mitchell nói rằng chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên mà bà ấp ủ thực hiện trong suốt những năm qua có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với mình: “Chuyến trở lại Việt Nam thực sư là chuyến đi của cả một đời người. Tôi đã có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thực sự của đất nước và con người ở đó. Nó giúp tôi trân trọng hơn nữa nguồn cội của mình.”

Trung tá Kimberly Mitchell nói rằng một ngày không xa bà sẽ quay trở lại Việt Nam và lần này chắc chắn bà sẽ không chờ đợi thêm 40 năm nữa để thực hiện chuyến trở về lần thứ hai.




No comments:

Post a Comment

View My Stats