Thursday, 18 April 2013

SỰ TRĂN TRỞ CỦA MỘT KẺ LƯỜI BIẾNG (You Tube)





Clip mang tên “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” đang gây sốc và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên cộng đồng mạng.

Một bạn trẻ được giới thiệu là học sinh lớp 12 đã bóc trần nhiều vấn đề nhức nhối gan ruột của nền giáo dục hiện tại qua bài diễn thuyết đặc biệt dài hơn 1 tiếng khá dí dỏm, hình tượng và thu hút.



-------------------------


Mình thấy khả năng hùng biện của cậu bé là rất đặc biệt. Chắc chắn đây là một tài năng hùng biện, hi hi

-------------------------------


1) Phần 1: "Học kiến thức cơ bản đến lớp 9 là đủ"!

Trước hết không có gì gọi là mới mẻ khi than vãn kiến thức thừa ở THPT hiện nay. Những kiến thức đó rất bổ ích nhưng nó cần ở với mỗi mức độ nào của mỗi người thì lại là một vấn đề khác. Con người ta sinh ra là khác nhau, tại sao tất cả lại phát triển theo cùng một hướng giống nhau? Phải chăng chúng ta đang quy quá nhiều kiến thức vào hai chữ "cơ bản".

Nếu mỗi người hỏi tôi kiến thức học đến lớp mấy thì là "cơ bản", với tôi mỗi lớp đều có kiến thức cơ bản riêng nhưng song hành với chúng lại có quá nhiều kiến thức không cơ bản chút nào.

Nếu có người hỏi tôi lớp mấy là đủ, tôi trả lời lớp 9 là đủ. Vì sao lại là lớp 9 vì tôi tin rằng tuổi 14, 15 xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Có người muốn làm lập trình viên, đầu bếp nhà hàng, giám đốc ngân hàng, thiết kế thời trang, thậm chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đâu phải nghề nào cũng cần biết đến phương trình chuyển động? Một kỹ sư vật lý liệu có cần phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn hay không? Một nhà văn có cần biết phương trình của một loạt các phản ứng hóa học?

Với vốn hiểu biết hèn mọn của mình, tôi không tin có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT. Giáo viên hay giáo sư cũng đi theo một vài kiến thức chuyên môn của mình, kiến thức liên ngành rộng đến đâu cũng tùy vào tầm của mỗi người. Vậy mà học sinh lại phải đáp ứng bài tập, bài học của hơn một chục môn học thì phải làm thế nào?

Biết nhiều thì cũng tốt thôi nhưng để làm gì? Làm bài tập, làm kiểm tra, làm bài thi, thi đỗ rồi thì làm gì với chúng nữa? Nếu không làm được gì có ích cho bản thân thì cuối cùng anh học để làm gì? Đánh giá nhau không quan trọng là anh biết được bao nhiêu, mà là anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết? Học về thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp được bóng đèn thì học làm gì? Học về phương pháp lai phân tích, quy luật di truyền mà trồng một cái cây không lớn nổi thì học làm gì?
Kiến thức chỉ có ích khi áp dụng vào thực tiễn, dù là lao động trí óc hay lao động chân tay. Học thì phải đi đôi với hành, có hành thì mới có hứng, không đủ điều kiện mà học thì chỉ có hạn.

Học phải có mục đích, mỗi bài học phải tỏ rõ được vai trò của nó đối với 100% học sinh. Cho đến bây giờ tôi nhớ, không có một giáo viên nào đề cập được đến mục đích thực dụng của môn học đó. Họ chỉ nói, hãy học đi, không đủ trưởng thành nên phải học tiếp, tiếp, tiếp mới chọn được con đường cho mình. Nếu cho rằng đây là một giai đoạn lựa chọn cho tương lai thì tại sao điểm số là một gánh nặng đòi hỏi phải cân bằng tất cả các môn?

Kiến thức SGK toàn lý thuyết thiếu thực tiễn, nhiều chỗ mang tính chất hàn lâm mà đâu phải ai cũng đầy đủ năng lực và niềm yêu thích. Quỹ thời gian thì không đủ, nhiều bạn trẻ thức thâu đêm học bài, như thế chỉ tổn thọ chứ chẳng được cái lợi lộc gì. Giáo viên nào thông cảm thì lại dạy cho có hình thức, học sinh như thế lại thiếu tôn trọng môn học, ảnh hưởng đến tinh thần đối phó trong công việc. Làm như thế mà mong có một tương lai sáng lạn. Thật là thê thảm!

Trong một cộng đồng đều có người giỏi ở lĩnh vực này, người khá ở lĩnh vực kia, không cần đến một thế hệ con người biết đầy đủ mọi điều. Chúng ta cộng hưởng với nhau để cùng phát triển một cách tốt nhất. Không cần đến một thế hệ mà con người phải được đào tạo tất cả mọi thứ, rồi đến khi nhiều người không biết mình sẽ làm các công việc gì, mong muốn đạt được điều gì, mục đích sống trên đời là gì?

Đến khi vào đại học, tùy những trường khác nhau, những kiến thức khác nhau, thứ mà chúng ta đã bỏ đến 3 năm trời nhồi nhét lại dần trở nên vô nghĩa, lãng quên.
Vì sao quên? Không phải vì không bao giờ dùng đến, không phải vì vượt quá dung lượng bộ nhớ cho phép, quên vì đa phần học không phải mở mang hiểu biết mà lao vào chạy đua thành tích với các loại cuộc thi. Mười hai năm học là 12 năm chạy đua với các kỳ thi bao gồm: Kiểm tra miệng 15 phút, 45 phút, học kỳ 1, học kỳ 2, cuối năm, thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp, thi vào, thi ra, thi lên, thi xuống…

2) Phần 2: "Học để thi tạo ra thế hệ đối phó với mọi thứ"

Mục đích cao cả của việc học là trang bị cho người ta năng lượng sống thì bây giờ việc học biến dạng thành một mục tiêu khác là: Học để thi; Học để kiểm tra; Học vì đơn giản ai cũng như thế. Học để không bị tách rời số đông, làm theo số đông. Học để được an toàn. Học để có một cái bằng, để người ta nhìn mình với con mắt bao dung hơn. Hay nói cách khác học để đối phó với cuộc đời mà không có niềm đam mê. Học sinh cứ cắm đầu vào mà đối phó, đó là học thụ động, tư duy thụ động chỉ có làm nô lệ mà thôi. Trong khi chúng ta, theo cách mà người ta gọi là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chính nền giáo dục này đã tạo tiền đề cho tính cách đối phó hoành hành. Cách học ở trường cũng chỉ là đối phó. Đối phó là sự đặc trưng điển hình của sự bị động. Nó thể hiện vị thế bị động của cá thể trước tác nhân không mong muốn. Đối phó tồn tại hai mặt có ích và có hại. Khi nó giúp chúng ta sinh tồn, chống lại, chiến đấu với các mối đe dọa ở nhiều mặt, kết quả mang lại cải thiện được cuộc sống của ta, đó là có ích. Nhưng sẽ có hại khi nó trở thành bản chất, bạn đời chung thủy trong lối sống, nó biến ta thành bị động trước mọi vấn đề của xã hội. Nếu không nhận thức được rõ nó rất dễ bị chi phối.
Có lẽ ai cũng biết rằng cách mà chúng ta đang học ở trường cũng chỉ là đối phó. Ở đây tôi không nói đến việc mang phao vào trước mỗi giờ kiểm tra, bởi đó là điều hiển nhiên, tất yếu. Điều tôi muốn hỏi những ai là học sinh: Nếu sáng mai không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không? Nếu có thì rất tốt, bởi cuộc đời này cần đến những con người như bạn. Còn nếu không thì bạn cũng giống như tôi và tuyệt đại đa số đều học để đối phó với các kỳ thi.

Chúng ta đều tạo điều kiện cho tính đối phó được ký sinh trong nhân cách, trong lối sống của mình. Như một cơn mưa dầm thấm lâu và nếu nặng hơn thì cả đời cũng sẽ chỉ làm hời hợt cho qua, không bao giờ toàn tâm, toàn sức với công việc được giao. Thật đáng sợ nếu một ngày kia ta lại đối phó với chính lĩnh vực mà mình đam mê, từng yêu thích. Nhưng xét cho cùng thì biết làm sao được. Đó là hậu quả của kiểm tra liên miên, kiến thức nặng nề và đặc biệt là những đòi hỏi về điểm số của cả gia đình và nhà trường.

Nhìn mặt ai cũng sáng sủa thế thôi, nhưng thực sự giáo dục đã biến học sinh thành những con lừa lười biếng và dối trá, phải đánh, phải thúc, phải ép mới chịu đi. Sẽ như thế nào khi đây là viễn cảnh của những con người sẽ phục vụ đất nước trong tương lai? Vì khi đó chúng ta không đối phó với giáo viên, với nội quy mà chúng ta đối phó với tất cả mọi thứ.

Người ta vẫn hay nói “học thì ấm vào thân”, không thể phủ nhận câu này. “Ấm” là cảm giác có thực khi sau rất nhiều ngày bạn giải được một bài toán, cảm giác vui vui, ấm áp lan tỏa. Bạn cảm thấy thoải mái với môn học này hơn, những ý niệm về sự đáng ghét chắc không còn, bạn khoái chí với bản thân mình, với môn học. Nhưng rốt cục, cảm giác ấm áp đó xuất phát từ đâu? Nguồn gốc sâu xa của nó là cảm giác bạn được an toàn trước mỗi bài kiểm tra, trước mỗi kỳ thi. Nó khác với sự hưng phấn mà chúng ta có được khi đánh được một bản nhạc yêu thích. Cái sự ấm áp đó như là chỉ là túp lều bé con để bao bọc cho mình trước sự khắc nghiệt trên hòn đảo mà ta ghét cay, ghét đắng. Thế thì đó là gì nếu không là một biểu hiện khác của sự đối phó. Trừ khi môn học đó trở thành niềm đam mê yêu thích của bạn. Có lẽ nhiều người không còn thấy khác biệt giữa điều mình muốn đạt được so với cảm giác làm được điều người ta muốn mình phải làm được.

3) Phần 3: Ôi bằng cấp, điểm số, bệnh thành tích!

Thi cử là cái gì mà con người ta phải đối phó với nó? Trong tình huống buộc phải đối mặt thì chúng ta lại đối phó. Thi cử là bắt buộc, không thi thì làm sao có điểm, làm sao có bằng, không thì thì làm sao vào trường, ra trường, làm sao có thể thi tiếp? Bản chất của cuộc thi là tìm ra ai là người chiến thắng, cuộc tranh đua của những người cùng chung một niềm đam mê, khát khao khẳng định bản thân, khát khao được về đích với vị trí thứ nhất. Còn thi cử trong học hành ngày nay là xem ai có thể vuốt mồ hôi mà thở phào nhẹ nhõm. Một đằng hoàn toàn chủ động, một đằng hoàn toàn bị động.

Vậy ý nghĩa của giáo dục có phải là đẩy con em vào sự căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi kỳ thi, mỗi ngày lên lớp? Thay vì học sinh hào hứng giơ tay đóng góp thì thực tế học sinh chỉ sung sướng khi được thông báo nghỉ học. Người ta chào đón, hào hứng để tham gia các cuộc thi khác bao nhiêu thì học sinh lại phát ớn trước mỗi kỳ thi bắt đầu bấy nhiêu. Tại sao chúng ta lại sợ nó đến vậy? Điểm số là nguyên nhân! Điểm số là khái niệm đầy bất cập. Trước hết ta tạm chấp nhận nó như một chiếc thước minh bạch và sáng suốt để đo trình độ của con người (tạm chấp nhận thôi nhé). Ta chấp nhận nó đại diện cho lý tính, tài giỏi thì điểm cao, dốt nát thì điểm thấp, trắng đen rạch ròi. Nhưng không, để phủ nhận cho chính lý tính đó, thì từ trước đến nay điểm số luôn dính dáng phần nào đến cảm tính, nó có thể được nâng lên nâng xuống, được trừ một, được cộng hai, là công cụ bày để tỏ tình thương hoặc bày tỏ lòng từ bi, hay thậm chí để đem ra dọa nhau. Điểm cao cũng có thể đạt được bằng gian lận mà thôi.
Vậy chiếc thước này đã mất đi tính chất thứ nhất, đó là minh bạch. IQ chỉ là một phần nhỏ để đánh giá cá nhân, bài kiểm tra phụ thuộc vào tâm trạng và vốn hiểu biết tức thời của người chấm. Vậy thì cớ gì mà điểm số giữ được tính sáng suốt của nó? Điểm số bản thân nó đã là công cụ để phân loại con người, hiển nhiên sẽ phát sinh sự bất bình đẳng, sự tự phụ, tự ti, tị nạnh, cạnh khóe. Đó là điều không đáng có ở bất kỳ đâu, đặc biệt là bậc Tiểu học.

Tóm lại là nó không minh bạch, không sáng suốt, không có gì tốt đẹp. Chúng ta cuống cả lên để chạy theo một giá trị hão mà tưởng rằng là đang khẳng định bản thân mình. Nếu lúc nào cũng lăn tăn ba thứ điểm cao thấp thì có lẽ cuộc sống sẽ luẩn quẩn trong những thứ vô vị.

Bệnh thành tích ở đâu mà ra? Sẽ không có bệnh thành tích nếu chúng ta không biến bằng cấp thành tiêu chuẩn của quy chế để xét tuyển. Muốn không như thế ta phải cắt bỏ cái gốc, cái rễ, tức là căn bệnh thành tích. Muốn cai nghiện đương nhiên phải ngừng cung cấp thuốc cho con nghiện, người ta đánh giá nhau chủ yếu qua bằng cấp mà không phải qua năng lực. Đó không chỉ là tâm lý chung mà còn là quy định chính thức ở nhiều nơi.

Xét trong một ngành nghề, một cơ quan, chỉ có những thằng ngu mới không biết thằng nào là thằng giỏi. Một người tài giỏi khi đứng ở vị trí lãnh đạo sẽ biết dùng góc quan sát và năng lực của chính bản thân để đánh giá năng lực của người khác. Còn một thằng ngu sẽ phải dựa dẫm vào địa vị, bằng cấp, học hàm để mà tuyển dụng nhau. Vậy thì chúng ta còn tiếp tay cho những thằng ngu mà làm cái gì? Hay chúng ta lại muốn tiếp tay cho những thằng tham ô, hối lộ?

Không muốn có bệnh thành tích, chúng ta phải cắt bỏ bệnh thành tích, với tư tưởng đó xét trong phạm vi nhà trường thành tích chính là điểm số. Đừng tạo ra những điểm số. Đi học mà không có điểm nghe có vẻ điên rồ, với tôi điểm số có cũng được nhưng đừng quan trọng hóa nó. Điểm số thực chất chỉ là kết quả của một bài kiểm tra mà ở trường, ngoài môn thể dục, bài kiểm tra là tập hợp định nghĩa những câu hỏi có tính hệ thống. Những câu hỏi này đặt ra có sẵn đáp án, câu trả lời cố định để tính điểm.

Như vậy điểm số chỉ thể hiện năng lực ghi nhớ những cái đã được học mà không nói lên được những năng lực khác, thậm chí không kiểm chứng được việc anh có hiểu những gì mà anh nhớ hay không. Vì điểm số người ta sẽ tìm ra nhanh nhất câu trả lời có sẵn vào bài kiểm tra bao gồm các hình thức học tủ, học vẹt, gian lận. Làm như thế này không hề mang tính nghiên cứu và sáng tạo. Nó đã và đang xảy ra ở hầu hết các môn trong trường học. Thậm chí những môn khoa học tự nhiên, tưởng như nó đòi hỏi tư duy logic rất cao nhưng cũng phải thuộc lòng các công thức để áp dụng giải bài tập.

Không muốn làm bài tập cuối cùng lại bị đánh giá là yếu kém về tư duy, thế thì quá mỉa mai và không đời nào tôi ủng hộ. Một khi đã có điểm người ta chỉ học vì điểm. Hãy để cuộc đời cho điểm mỗi cá nhân, nâng tất cả lên cao rồi sẽ biết ai là người có đôi cánh.

Năng lực rất đa dạng, có bao nhiêu hoạt động thì có bấy nhiêu năng lực. Nói chung muốn đánh giá hãy nhìn sự tồn tại của mỗi cá nhân và ảnh hưởng của sự tồn tại ấy đến xã hội và môi trường xung quanh. Ảnh hưởng đó là gì, là công việc, là giá trị sản phẩm họ tạo ra. Sản phẩm có ảnh hưởng lớn là có giá trị cao, không có ảnh hưởng là đồ vô dụng. Những thứ có giá trị ảnh hưởng không bao giờ là những thứ có sẵn bày ra như đáp án trong bài kiểm tra"

4) Phần 4: "Người vô đạo đức thì tạt axit, tấn công bằng bom nguyên tử"

Một con người có thể nói là được cấu thành bởi 2 yếu tố: Tri thức và đạo đức. Nhà trường phải là cái nôi trau dồi cả về tri thức và đạo đức đối với học sinh. Bàn về đạo đức, thực ra không thể đổ lỗi hết cho gia đình khi một đứa trẻ tỏ ra vô lễ. Trẻ em không có quyền chọn cha mẹ, may thì được nhờ, rủi thành chịu, cha mẹ không tốt, không dạy được con, nhà trường phải là nơi làm điều đó. Trong gia đình những thứ tình cảm như tình mẫu tử, tình phụ tử ta đều tìm thấy được ở những động vật bậc thấp. Nhà trường phải là nơi giúp các em thành người. Đạo đức rất quan trọng.

Nếu tri thức là một cỗ xe thì đạo đức là vô-lăng, nếu tri thức là chiến mã thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ hướng thiện. Một người không có tri thức cùng lắm là gây hại một cách vô ý. Một người không có đạo đức thì cố ý hại người khác thì tạt axit, thì tấn công bằng bom nguyên tử.

Nền tảng đạo đức được hình thành rất sớm từ những năm tháng đầu đời, nó có khuynh hướng trở thành bản chất cố định, khó thay đổi. Chính vì vậy, phải giáo dục cho học sinh về đạo đức, số phận con người.

Nhà trường có 1000 học sinh, 1000 số phận khác nhau, số phận cá nhân sẽ quyết định số phận của cả một dân tộc. Một đứa trẻ hư chứng tỏ nhà trường thất bại, nhà trường thất bại chứng tỏ cả dân tộc thất bại.

Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước vô cảm nhất thế giới. Tôi không quan tâm đến những lời ngụy biện để phủ nhận con số đó, một thực tế văn hóa đạo đức xuống cấp đến mức nào cũng chẳng cần kể ra. Chúng ta hô hào báo chí đủ các kiểu nhưng hầu như không có kết quả nào ra hồn. Tất cả đều có nguyên nhân khởi phát từ giáo dục.

Bắt đầu mỗi năm học mới luôn có một cái bản mà giáo viên đọc cho học sinh chép vào vở, đó là nội quy nhà trường. Nội quy nhà trường luôn có mối quan hệ chuẩn mực văn hóa cơ bản, như là giữ gìn vệ sinh chung. Nhưng không nhiều người làm được đó vì mối quan tâm của người đi dạy và đi học vẫn là điểm số. Mặt khác nội quy thuộc về luật pháp, luật pháp đứng đằng sau đạo đức, khi nào đạo đức không thể cứu vớt được nữa thì luật pháp mới can thiệp.

Chúng ta lại cứ thích kỷ luật và cấm đoán nhiều hơn là cảm hóa. Nhìn thẳng mà nói, môn Giáo dục công dân từ lâu đã là môn kém coi trọng nhất trong bảng điểm, việc học nó chỉ mang tính hình thức và đối phó. Tôi nói không phải ủng hộ môn này sẽ thành trọng tâm để mà chúng ta thi đua nhau, như vậy sẽ chỉ khiến cho học sinh khổ thêm. Điều quan trọng cần nhìn rõ là có học chăm như thế nào đi chăng nữa cũng không bao giờ là đủ. Cách học của đạo đức không giống tri thức. Nếu tri thức chỉ đọc hiểu qua lý trí thì đạo đức biểu lộ qua trái tim. Để hình thành một con người đạo đức, không thể việc chỉ bắt người ta đọc ê a những đạo lý, những phần ghi nhớ cuối bài, không thể hiểu qua lý thuyết suông hay 10 phẩy trung bình môn. Tất cả những thứ đó không có liên quan đến tiêu chí đạo đức trong con người ta, mà chỉ có nguy cơ biến họ thành những kẻ đạo đức giả.

Trong suy nghĩ của đại bộ phận hiện nay thì “đầu tiên là tiền đâu”. Sống vì lợi ích bản thân, giữa xã hội sống đầy lý tính này thì đạo đức chỉ là thứ gì đó mơ hồ và xa xỉn. Khi ta cho một thứ, lý chí bảo rằng có nên không? Có nhận lại được điều gì không? Có được trả ơn không? Chúng ta không tin rằng khi làm việc tốt sẽ được trả ơn và có được sự thanh thản trong tâm hồn.

Chỉ có trải nghiệm mới khiến ta thực sự hiểu đạo đức là gì. Vậy trách nhiệm cao cả của giáo viên là tìm ra con đường dẫn đến trái tim của học sinh, khơi gợi tình thương yêu giữa con người với con người, với con người và vạn vật, và thực sự có nhiều hơn một con đường như thế. Các môn văn học, xã hội khác cũng là để nuôi dưỡng tâm hồn. Nhưng chúng ta không làm được, học chỉ là miễn cưỡng, học thuộc lòng cả tiểu sử, cả một bài dài. Các giá trị nhân văn rất khó đi vào lòng người khi chỉ nói suông, tự ca như những con vẹt.

Thế hệ đi sau không thể bồi hổi nhớ lại ký ức của thế hệ đi trước. Trách làm sao được khi giới trẻ chỉ nhìn thấy hàng hiệu, xe tay ga, đâu biết được nước mắt của người mẹ già thời kháng chiến. Tâm hồn sẽ càng mai một đi khi những giá trị rất đẹp lại bị mai một vì học thuộc lòng một cách vô cảm. Bản sắc dân tộc cũng vì đó mà rơi vào hố đen.

Tất cả nguyên nhân cũng chỉ vì cắm đầu vào những kỳ thi. Thầy giáo, cô giáo, những ngày đầu bước chân vào ngành sư phạm ai cũng muốn được cống hiến, được đóng góp, có thiên lương cao đẹp. Nhưng rồi thời gian lại trôi đi, cái lúc mà trời nắng chang chang, mồ hôi nhỏ giọt, lấy cái gì mà làm động lực?

Tất cả sẽ mãi chỉ là viển vông khi lương của giáo viên vẫn còn thấp như vậy. Mà lương lại là vấn đề của kinh tế, kinh tế có vấn đề phần nhiều là do tham nhũng, những kể tham nhũng muốn đứng được ở vị trí có thể tham nhũng ít nhất cũng phải trải qua 12 năm giáo dục. Vòng tuần hoàn này cứ luẩn quẩn một cách thật ảm đạm, thảm hại.

Chúng ta học rất nhiều nhưng học rất ít về con người. Trí thông minh của con người được chia làm 8 phần: ngôn ngữ, cảm nhận không gian, âm nhạc, vận động cơ thể, tương tác giữa các cá nhân, cảm nhận thiên nhiên, nội tâm, logic toán. Trong khi những môn trọng tâm như toán, lý, hóa đều học chuẩn phải có trí thông minh logic toán. Để trở thành một người văn minh, văn hóa phải có trí thông minh nội tâm, con người phải hiểu chính bản thân con người để có sự tự vấn, giằng xé trong tâm can để vạch rõ đúng sai, thiện ác, trụ vững trong một xã hội với phần đông là những kẻ vô văn hóa, vô đạo đức.

Càng hiểu rõ bản thân hơn ta càng có đề kháng với những thói hư tật xấu ở đời mà cái đó ở trường không có ai dạy. SGK chỉ quan tâm đến những con số và những con chữ. Cái khó của giáo dục không phải làm sao để học sinh thi đỗ mà dạy sao cho học sinh nên người mới đúng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats