Nguyễn Quang A
By ttxviahebs in Pháp luật, Sửa đổi Hiến pháp on 24/04/2013
Đôi lời: Đây là bài viết thứ 321 của TS Nguyễn
Quang A cho tờ Lao động Cuối tuần, nhưng lại là bài “giã biệt” khi bị từ
chối khéo cùng lời thông báo chấm dứt chuyên trang dành riêng cho ông trong 6
năm qua.
Nghe nói việc chấm dứt này là
chấp hành một “lệnh miệng” nào đó của ông Đinh Thế Huynh. Từ ngày có bản Kiến nghị 72 tới
nay, những thứ “lệnh miệng”, “truyền miệng” kiểu này xuất phát từ cấp chóp bu
dường như nhiều hơn.
*
*
Trong quá trình góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992 vừa qua có 2 ý kiến về đất đai khác với Dự thảo, và rất đáng chú ý.
Đó là ý kiến của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiến pháp hiện hành (1992)
không có quy định về thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội, còn
Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 lại có quy định như vậy, tức là tồi hơn quy định
của Hiến pháp 1992, cho nên các ý kiến của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam đề xuất bỏ phần này trong Dự thảo là hợp lý.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề
xuất phương án thừa nhận sở hữu tư nhân hạn chế về đất đai bên cạnh đất đai
thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Đấy là một kiến nghi tốt
hơn quy định của Hiến pháp hiện hành và của Dự thảo và như thế đáng được hoan
nghênh. Tuy vậy, kiến nghị này cũng vẫn chưa thật hoàn chỉnh.
Cho đến 1980 tại Việt Nam đã tồn tại đất thuộc sở
hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu cộng đồng và sở hữu khác. Nói cách khác có
đa sở hữu về đất đai. Chỉ từ 18-12-1980 khi
Quốc hội Việt Nam sao chép Hiến pháp Liên Xô, 11 năm trước khi Liên Xô tan rã,
với quy định “đất đai… thuộc sở hữu toàn dân” vào Điều 19 của Hiến pháp 1980,
và Hiến pháp 1992 cùng những lần sửa đổi vẫn giữ nguyên khái niệm vay mượn rất
xa lạ ấy, thì khái niệm “sở hữu toàn dân” về đất đai mới xuất hiện trên toàn
lãnh thổ Việt Nam. Và khái niệm học mót ấy đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho
người Việt Nam nói chung và nhất là cho nông dân Việt Nam.
Đất của nhà nước thì phải gọi
đích danh là đất thuộc sở hữu nhà nước. Nó có thể thuộc sở hữu của chính quyền
trung ương hoặc của các chính quyền địa phương. Đừng bảo nó thuộc sở hữu toàn
dân. Đấy là cách để Nhà nước và các quan chức nhà nước được phân công quản lý
đất đai trốn trách nhiệm của người chủ sở hữu đất và là một nguyên nhân chính
của việc quản lý tồi đất công. Cho nên phải bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất
đai.
Đất của nhà nước cũng phải
được đăng ký như đất của tư nhân. Đất công có thể được bán cho tư nhân và khi
đó đất ấy thuộc sở hữu tư nhân. Nhà nước có thể mua (hay trưng mua) đất của tư
nhân và khi đó đất ấy chuyển từ sở hữu tư nhân sang sở hữu nhà nước. Nhà nước,
với tư cách chủ sở hữu đất, có quyền và nghĩa vụ hệt như các chủ sở hữu đất
khác trước pháp luật. Và Nhà nước có thể bị kiện hệt như các chủ sở hữu khác
khi có tranh chấp về đất đai.
Hiện tại, trên danh nghĩa, tất cả đất đều của Nhà
nước. Việc chấp nhận sở hữu tư nhân về đất cũng
chỉ là trả lại cho người dân đất thực sự thuộc về họ (thí dụ đất ở, đất nông
nghiệp do cha ông họ khai phá hoặc mua lại một cách hợp pháp và để lại cho họ). Như thế phần lớn đất vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
Đất của tư nhân phải thuộc sở
hữu tư nhân và chủ sở hữu phải có toàn quyền của một chủ sở hữu và không có hạn
chế riêng nào cả trừ những hạn chế được luật định (cho tất cả các chủ sở hữu
đất, thí dụ liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng, hạn điền, vân vân).
Có thể hiểu sự “hạn chế” trong
kiến nghị của Mặt trận về sở hữu tư nhân về đất đai theo cách: “hạn chế” ở quy
mô ban đầu, tức là thừa nhận đất ở, đất nông nghiệp dưới một hạn điền nhất định
thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất được thuê, được cấp cho các mục đích khác
vẫn thuộc sở hữu nhà nước và có thể biến thành đất sở hưu tư theo quy định của
luật (qua việc mua khi hết hạn thuê, hoặc đền bù bổ sung cho nhà nước). Nếu
đúng là kiến nghị của Mặt trận cần được hiểu như vậy thì đấy là kiến nghị rất
tốt và nên chấp nhận (với sự thay sở hữu toàn dân bằng sở hữu nhà nước).
Người ta sợ nếu chấp nhận sở
hữu tư nhân sẽ xảy ra chuyện “tư nhân hóa” đất đai. Tư nhân hóa đất đai chỉ có
nghĩa là đất của nhà nước được bán cho tư nhân. Nó hoàn toàn thuộc quyền của
Nhà nước vì vậy nỗi sợ này là giả, là không thể có.
Người ta cũng sợ khi đó người
nông dân sẽ mất đất vào tay địa chủ. Đó là nỗi lo bò trắng răng. Mua bán đất
phải tuân thủ luật do Nhà nước quy định, đất phải được quản lý (thí dụ đăng ký,
nộp thuế đất,…) theo quy định của Nhà nước. Nó giúp cho việc tích tụ đất diễn
ra một cách suôn sẻ, tự nguyện, không gây ra căng thẳng xã hội và góp phần tích
cực vào sự phát triển của đất nước. Chính vì thế cũng chẳng có nỗi sợ này nếu
Nhà nước làm đúng việc của mình.
Chắc chắn có vấn đề lịch sử
liên quan đến sở hữu đất, song đấy là vấn đề cần và có thể giải quyết, chứ
không thể né tránh. Cần có kế hoạch và lộ trình để giải quyết các vấn đề đất
đai do lịch sử để lại.
Theo tôi có thể giải quyết vấn
đề này trong vòng 15-20 năm. Những kinh nghiệm của Nam Phi và các nước khác có
thể rất quý đối với Việt Nam. Đây là vấn đề phức tạp, nhất thiết phải giải
quyết và không thể né tránh. Càng để lâu càng phức tạp và không phải là giải pháp
mà thực sự là đẩy gánh nặng cho các thế hệ mai sau.
Chính vì
thế, chẳng có lý do gì để không thừa nhận đa sở hữu về đất đai trong Hiến pháp
và Luật đất đai.
N.Q.A.
No comments:
Post a Comment