Tuesday, 23 April 2013

SỐ BÁO MƯỜI NGÀN (Ngô Nhân Dụng - Người Việt Online)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, April 23, 2013 8:45:12 PM

Vào năm 1978 cộng đồng người Việt ở ngoại quốc đã có gần 100 tờ báo đủ các loại, nhiều nhất là ở Mỹ, kế đó là Pháp, Úc và Canada; nhiều nhất các tờ ra theo là khổ tạp chí, khổ tabloid, khổ nhỏ như cuốn sách và chỉ có vài ba tờ khổ lớn như nhật báo.

Có vài tờ ra vỏn vẹn một số báo rồi vĩnh viễn im hơi lặng tiếng. Trần Công Sung, một người làm báo sống ở Paris, đã nhại câu nói của một viên chức người Pháp thời xưa ở Việt Nam. Ông Tây thuộc địa này nói: “Trong mỗi người An Nam đều có một ông quan.” Anh Trần Công Sung nói: “Trong mỗi người Việt Nam tị nạn đều có một ông chủ báo” đang chờ ra báo. Tất cả là do nhu cầu tìm đọc tin tức của nửa triệu người tị nạn khắp thế giới. Ngoài các báo có ý làm chuyên nghiệp còn các đặc san của sinh viên các trường. Như sinh viên Ðại học Long Beach, đã dịch chữ Long Beach thành “Bãi Dài” dùng làm tên, báo Bãi Dài.

Tờ báo Việt ngữ sớm nhất là tờ Hồn Việt do ký giả Nguyễn Hoàng Ðoan chủ trương, được ra đời ngay trong lúc trong trại tị nạn nhờ được người bảo trợ yêu quý người Việt Nam nên giúp phương tiện ấn loát. Tờ báo này bây giờ vẫn xuất bản hàng tháng. Nhật báo Người Việt khi mới ra cũng được tờ Hồn Việt giúp đỡ tận tình, giống như vậy.

Nhật báo Người Việt Cali xuất bản số đầu tiên vào cuối năm 1978, đáng lý ra số báo thứ 10,000 đã phải được đánh dấu từ dăm bẩy năm trước đây. Nhưng vì ngay lúc sinh ra còn xuất bản hàng tuần, chưa phải là nhật báo, cho nên đến hôm nay mới tới số 10,000.

Trên trang nhất nhật báo Người Việt số 1, 15 Tháng Mười Hai, 1978, bản tin lớn nhất loan báo hàng trăm ngàn người Việt tị nạn ở Ðông Nam Á hy vọng sẽ được không lực Mỹ “bốc” đi. Trong lúc đó, ở Los Angeles, Montréal, cũng như khắp các thành phố khác trên thế giới, đâu đâu bà con tị nạn cũng lo vận động dân địa phương đón tiếp những đồng bào thuyền nhân. Vào thời gian đó, người tị nạn chỉ muốn vượt biển đi bất cứ đâu miễn là có tự do, dù tương lai mờ mịt.

Sau 35 năm, 10,000 số báo, thế giới và nước Việt Nam, người Việt Nam đã thay đổi. Cộng đồng tị nạn cũng thay đổi. Không ai có thể ngờ rằng sau hơn 30 năm khối thuyền nhân ngày một đông đúc này đã tạo thành một lực lượng kinh tế lớn tính ra trị giá hàng trăm tỷ đô la. Cũng không ai tiên đoán được là ở nhiều quốc gia người Việt tị nạn đã trở thành một nhóm áp lực quyết định các cuộc bầu cử địa phương, và họ có thể ảnh hưởng đến chính sách những quốc gia đó trong việc bang giao với Việt Nam, để dùng ảnh hưởng này thúc đẩy dân chủ hoá đất nước. Một người Việt tị nạn đã được bầu làm dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ trong một khóa, hai người gốc Việt khác, một cô đắc cử dân biểu Canada, và một ông đã được cử làm nghị sĩ trong Thượng Viện liên bang Canada. Một thanh niên gốc Việt lớn lên ở Ðức đã làm bộ trưởng và phó thủ tướng trong chính phủ Cộng Hoà Liên Bang Ðức.

Trong hơn 30 năm qua, nhật báo Ngưoi Việt đã chuyển hóa, từ một tờ báo ra hàng tuần, nửa tuần, rồi thành nhật báo xuất hiện bảy ngày một tuần lễ. Từ một tờ báo làm theo lối thủ công, đánh máy chữ Anh rồi bỏ dấu tiếng Việt, cắt, dán; bây giờ là một tờ báo dùng máy điện tử để nhận tin, nhận hình, “xếp chữ,” trình bày, sửa bài trên màn hình; rồi chuyển tất cả tới nhà in qua mạng lưới. Mỗi ngày hàng trăm ngàn độc giả khắp thế giới đọc Người Việt Online, đông nhất ở Los Angeles, thứ nhì ở Sài Gòn, và rải rác trong 40 quốc gia: Phần Lan, Iraq, Brazil, Côte d’Ivoire, vân vân. Nhật báo Người Việt cũng tiến từ tình trạng “sản xuất gia đình,” cả nhà góp công làm việc trong một garage, giờ đã trưởng thành với số nhân viên cũ mới mấy trăm người, số thân hữu cộng tác xa gần trong 35 năm qua phải kể đến hàng ngàn người, ở khắp năm châu.

Ngay từ đầu, những người góp sức xây dựng tờ báo Người Việt, ngoài một số nhà báo chuyên nghiệp, còn quy tụ những người bạn đường đã cùng nhau gây dựng, lãnh đạo và tham dự các phong trào thanh niên trong những năm từ 1964 đến 1975 ở Việt Nam. Ðó là những phong trào học sinh, sinh viên đi làm công tác xã hội, giúp các đồng bào nông thôn cải thiện đời sống, đồng bào nạn nhân chiến tranh. Những phong trào đó cũng nhắm vào việc tác động thanh thiếu niên bằng công tác phục vụ xã hội; trong bản chất, đó chính là những hoạt động giáo dục, rèn luỵên thế hệ trẻ bằng công việc tình nguyện giúp ích. Các hoạt động thanh niên, sinh viên, học sinh tự với mục đích luyện tánh khí và giúp ích đã nở rộ từ năm 1964 đến 1975. Ðó chính là một phong trào xây dựng xã hội công dân gồm các tổ chức tự nguyện, tự do, đứng ngoài và độc lập đối với guồng máy nhà nước. Tác động các thanh niên qua các hoạt động giúp ích là một cách gieo rắc những hạt giống cho một xã hội công dân tương lai, là nền tảng của mọi chế độ tự do dân chủ.

Sống tại California thời 1978, đối với Ðỗ Ngọc Yến và những thanh niên bạn đường này, làm báo Người Việt là một cơ hội phục vụ mới, trong một môi trường mới, với phương tiện mới là công việc truyền thông. Vì vậy, mọi người vẫn chọn mục tiêu của tờ báo là phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, và sau cùng là tranh đấu xây dựng một nước Việt Nam tự do dân chủ.

Khi anh Ðỗ Ngọc Yến chuyển giao quyền sở hữu tờ báo sang cho một công ty, anh đã yêu cầu những cổ đông đã góp vốn và góp công sức xây dựng tờ báo đồng ý giữ riêng một số cổ phần không phát hành, để sau này đem tặng không cho những người bạn đã cùng nhau hoạt động xã hội và thanh niên ở Việt Nam trước năm 1975. Vào lúc mọi người quyết định việc tặng dữ này, những cổ phần của nhật báo Người Việt chưa có giá trị tiền bạc nào đáng chú ý; cho nên số quà tặng này chỉ được coi như những phần thưởng tượng trưng để khích lệ những người đã từng sử dụng thời thanh niên của mình cho lý tưởng phục vụ tuổi trẻ và quê hương Việt Nam. Trong số những “cổ đông” được tặng cổ phần khích lệ đó còn có nhiều anh em còn đang bị đầy ải trong các nhà tù gọi là cải tạo, mà vào lúc đó không ai biết bao giờ họ mới có ngày được tự do.

Từ những năm gian lao đó, nhật báo Người Việt đã vươn lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tị nạn, dần dần trở thành một công ty truyền thông có giá trị và uy tín, có lúc một công ty ngoại quốc đã đề nghị mua với giá vài chục triệu Mỹ kim. Nhưng từ năm 2009, quyền sở hữu của công ty đã được chuyển giao, như ước nguyện ban đầu của người sáng lập. Nay công ty đang thuộc về quỹ hưu bổng của tất cả các nhân viên Người Việt, theo quy chế ESOP, một định chế đặc biệt ở nước Mỹ. Tiền lời của công ty, sau khi trả nợ cho các cổ đông cũ, sẽ được dùng để trả hưu bổng cho các nhân viên Người Việt. Ước nguyện của Ðỗ Ngọc Yến đã được thể hiện: Tờ báo Người Việt thuộc quyền sở hữu của tất cả những người cùng đóng góp vào tờ báo; vì nếu tờ báo thành công thì chính họ sẽ được thụ hưởng. Tương lai tờ báo tùy thuộc vào Người Việt Online, mạng lưới điện tử đang lớn lên nhanh chóng, với hàng trăm ngàn người đọc mỗi ngày. Những độc giả này sống khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là rất đông người đang sống ở Việt Nam vẫn tìm cách vượt tường lửa để vào thăm Người Việt. Trên Người Việt Online, hình thức thông tin không còn bị giới hạn trong chữ viết mà đã phát triển thêm hình ảnh, âm thanh, và phim video. Mạng Người Việt Online đang trở thành mạng được nhiều người vào coi nhất.

Những tiến bộ này thực hiện được là nhờ quí vị độc giả và thân chủ đã đặt niềm tin vào tờ báo, và nhờ các vị nhà báo, nhà văn, thân hữu đã đóng góp, hỗ trợ công tác ích lợi chung này. Làm báo là nhận trách nhiệm thực hiện một công việc mang tính công ích. Một tờ báo, hay bất cứ một cơ sở truyền thông nào, luôn luôn đứng ra chấp nhận thử thách. Thử thách lớn nhất là có được công chúng tin tưởng hay không. Chữ “tín” là sợi dây nối liền mỗi tờ báo và công chúng. Nếu người làm báo xứng đáng với niềm tin đó, thì sẽ tiếp tục được đồng bào tín nhiệm. Ngược lại, thì độc giả và công chúng sẽ bỏ rơi, vì niềm tin đã mất.

Trong một xã hội dân chủ, các định chế xã hội đều bị thử thách như thế. Kinh tế thị trường thành công hay không cũng dựa trên niềm tin. Quốc gia nào cũng có thể tổ chức bầu cử, cũng có quốc hội, có tòa án, có ngân hàng, thị trường chứng khoán, v.v... Nhưng giá trị của một dân tộc hay một quốc gia không phải là do sự hiện hữu của các định chế đó, mà do các định chế đó có thành công trước thử thách về lòng tín nhiệm của mọi người hay không. Niềm tin đó càng cao thì phẩm chất của nền dân chủ, mức độ thịnh vượng về kinh tế, và trình độ văn minh của quốc gia càng cao. Một cơ quan truyền thông cũng là một định chế xã hội, cũng bị thử thách như vậy.

Người Việt quan niệm rằng chế độ tự do dân chủ được thiết lập trên quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu. Làm một tờ báo, hay bất cứ một cơ sở truyền thông nào, một cách đứng đắn, tức lá đang phục vụ cho tương lai tự do dân chủ của nước Việt Nam.

Một dân tộc có giá trị cần phải có những tờ báo, đài truyền thanh, truyền hình, các mạng lưới tự do và độc lập, với nhiều ký giả hay nhà bình luận được mọi người tin tưởng. Người viết báo có trách nhiệm phải bảo vệ niềm tin của cộng đồng và cho cộng đồng. Ý thức vai trò đó, nhật báo Người Việt vẫn tâm niệm phải sử dụng nghề truyền thông bảo vệ niềm tin chung của xã hội. Chúng ta đang muốn xây dựng một nước Việt Nam dân chủ tự do. Nhật báo Người Việt đang cố gắng xây dựng một trong những định chế tương lai, là một nền báo chí độc lập, có tinh thần trách nhiệm, của nước Việt Nam tự do dân chủ. Ghi dấu tờ báo số 10,000 này, Người Việt sẽ còn phải cố gắng, mỗi ngày mỗi cải thiện để xứng đáng với niềm tin mà quý vị độc giả và đồng bào đã trao cho.

CÁC TIN KHÁC :



No comments:

Post a Comment

View My Stats