Wednesday, 24 April 2013

QUAN HỆ VIỆT - TRUNG : KHÔNG CÓ GÌ CHUNG (Người Việt)




Wednesday, April 24, 2013 6:29:36 PM

HÀ NỘI (NV) - Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc gượng ép theo tình thế hay thật sự là thắm thiết như những bản tin loan báo về các cuộc họp hay tiếp xúc cấp cao của hai đảng Cộng Sản?

Hoàng Trung Hải – Phó Thủ tướng CSVN, nghiêng mình, kính cẩn bắt tay Ôn Gia Bảo - Thủ tướng Trung Quốc. Tấm ảnh này từng khiến công chúng Việt Nam phẫn nộ và được xem như một trong những bằng chứng về sự khiếp nhược, sẵn sàng tương nhượng mọi thứ của chính quyền CSVN trước Trung Quốc. (Hình từ Internet)

Ngày 24/4/2013, TTXVN có một bải tin dài tường thuật phái đoàn Ngô Văn Dụ cầm đầu sang Bắc Kinh. Ông Dụ là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN “đi hội đàm và làm việc” với phái đoàn do Vương Kỳ Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Trung quốc và cũng là Bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Ương cần đầu.

TTXVN thuật lời ông Vương Kỳ Sơn “vui mừng được đón tiếp” phái đoàn ông Dụ và “tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này của đoàn sẽ có tác dụng thúc đẩy thêm một bước quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và những nhận thức chung mà hai bên đã đạt được”.

Còn ông Dụ thì “nhấn mạnh Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một, coi trọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, mong muốn cùng với phía Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở những nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã đạt được”.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu thiếu tướng quân đội CSVN, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong giai đoạn từ 1974-1987, vừa có một bài phân tích về quan hệ Việt – Trung để khẳng định, giữa Việt Nam và Trung Quốc chẳng có điểm nào chung.

Sau khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được “bình thường hóa” hồi đầu thập niên 1990, Trung Quốc chủ động khái quát hóa một số nguyên tắc là nền tảng cho quan hệ Việt – Trung như: “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”, phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), tinh thần “bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).

Những nguyên tắc này đã chi phối cả thái độ lẫn cách hành xử của chính quyền CSVN trong quan hệ với Trung Quốc, bất kể Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, xâm phạm lãnh hải, rượt đuổi – bắn giết – bắt giữ ngư dân người Việt lúc họ đánh cá trên những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi công chúng tỏ ra phẫn uất, chính quyền CSVN thường trấn an hoặc trấn áp với lý do, cần gìn giữ “truyền thống hữu nghị đã có giữa Việt Nam và Trung Quốc”, cần nhân nhượng bởi “cả hai quốc gia có sự tương đồng về ý thức hệ”...

Đây cũng là lý do để tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết bài: “Giữa Việt Nam và Trung Quốc không có truyền thống hữu nghị, cũng không có tương đồng về ý thức hệ”.

Theo tướng Vĩnh, Trung Quốc đã từng đô hộ Việt Nam hàng ngàn năm. Sau giai đoạn Bắc thuộc, vào các đời: Hán, Tống, Mông, Minh, Thanh, Trung Quốc liên tục xua quân xâm lược Việt Nam. Cái gọi là “tình hữu nghị Việt – Trung” chỉ hình thành trong hai thập niên từ 1950 – 1970, dẫu rằng, Trung Quốc giúp Việt Nam nhiều mặt nhưng sự giúp đỡ đó là vì lợi ích trước mắt và động cơ sâu xa của chính Trung Quốc.

Năm 1974, Trung Quốc điều hải quân chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa. Năm 1979, Trung Quốc xua 60 vạn quân xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc. Năm 1988, điều hải quân chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa. Gần đây, Trung Quốc tạo ra “lưỡi bò”, tuyên bố thành lập cái gọi là huyện Tam Sa, thực hiện mọi thủ đoạn, chuẩn bị điều kiện hòng chiếm trọn biển Đông.

Tướng Vĩnh khẳng định, truyền thống Việt Nam là truyền thống chống xâm lược. Xét về truyền thống, Việt Nam và Trung Quốc đối nghịch nhau suốt chiều dài lịch sử. Không có cái gọi là “truyền thống hữu nghị là tài sản quý báu cần gìn giữ và truyền cho các thế hệ mai sau” như Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư CSTQ, dặn dò Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư CSVN khi ông Trọng đến thăm Trung Quốc hồi cuối năm 2011.

Tàu đánh cá 96382 QNg bị tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy cabin hồi tháng 3. Riêng trong tháng 3, có đến bốn tàu đánh cá của Việt Nam bị hải quân Trung Quốc rượt đuổi, bắn, bắt giữ, tịch thu ngư cụ. Trừ các tuyên bố phản đối, Việt Nam vẫn chưa làm gì cụ thể để bảo vệ ngư dân. (Hình từ Internet)

Cũng theo tướng Vĩnh, Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn không có cái gọi là “tương đồng về ý thực hệ”. Tháng 2 năm 1979, khi xua quân tràn vào Việt Nam, Đặng Tiểu Bình từng nhắn với Hoa Kỳ: “Giữa chúng tôi (Trung Quốc) và Việt Nam không cùng ý thức hệ dù đều là Đảng Công sản”.

Ông tướng này nói thêm rằng, mô hình xã hội chủ nghĩa (XHCN) là không thích hợp, kìm hãm phát triển, ảnh hưởng đến đời sống dân chúng, chỉ có một số lãnh đạo hưởng đặc quyền, đặc lợi sống như đế vương nên đã từng làm cho Liên Xô tan rã, các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Nếu vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cơ sở tư tưởng, vẫn chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì Việt Nam sẽ xây dựng CNXH theo mô hình nào?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh từng là cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc suốt từ năm 1974 đến 1987, cho rằng, “truyền thống hữu nghị Trung – Việt”, sự “tương đồng ý thức hệ” mà Trung Quốc vẫn lặp đi lặp lại chỉ nhằm phỉnh phở, mê hoặc lãnh đạo Việt Nam, biến nó thành sợi dây vô hình cột Việt Nam vào cỗ xe của Trung Quốc, kéo Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc.

Theo ông, sự nguy hiểm cho tương lai của Việt Nam không đến từ “đế quốc Mỹ” mà chính là từ “chủ nghĩa bá quyền bành trướng Đại Hán”. Cho nên cần phải thoát ra khỏi mọi ràng buộc tham lam, ác ý, thực hiện ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, cải cách thể chế, thực hiện dân chủ, trọng dụng hiền tài, xóa bỏ mọi lợi ích nhóm, phe phái quyền lực. (G.Đ)


-----------------------------

Nguyễn Trọng Vĩnh




No comments:

Post a Comment

View My Stats