Phạm Chí
Dũng *
By ttxviahebs on 24/04/2013
Aung San Suu
Kyi và đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà hiển nhiên là một bài học cận
kề và đắt giá cho những nền dân chủ phôi thai không quá xa về địa lý với
Mianmar.
Chiến lược
khôn ngoan?
Tình hình
chính trị đối lập ở Mianmar đang có những biến chuyển không đơn giản như phong
trào dân chủ và đa số người dân thường hy vọng.
Lần này,
tiêu điểm của khởi đầu gây tranh luận lại là Aung San Suu Kyi – người đoạt giải
Nobel hòa bình và cũng là thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.
Những tuần
lễ qua đã chứng kiến làn sóng bạo động của lực lượng Phật giáo cực đoan đối với
thiểu số người Hồi giáo tại miền trung Mianmar. Cuộc xung đột này mau chóng đã
biến thành bạo động với ít nhất 43 cái chết, kéo theo một làn sóng bài Hồi lan
rộng và sâu sắc. Nhiều nhà cửa, đền thờ của cộng đồng Hồi giáo đã bị phá hủy.
Bối cảnh đó
cũng là một thách thức không chỉ với chính quyền của tổng thống Thein Sein mà
còn với cả đảng đối lập – Liên đoàn quốc gia vì dân chủ.
Nếu như
Thein Sein đã tỏ ra bất lực trước xung đột tôn giáo và sắc tộc, cũng như chỉ
còn phương cách cuối cùng là sử dụng quân đội để can thiệp, thì bà Aung San Suu
Kyi dường như cũng chưa chứng tỏ bản lĩnh hơn ông.
Theo bình
luận của Đài RFI, khi từ chối lên án các vụ bạo động nhắm vào cộng đồng Hồi
giáo, Aung San Suu Kyi đã thực hiện một chiến lược mà có thể giúp cho bà và
đảng đối lập có được sự ủng hộ của đa số cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội nước
này vào năm 2015. Với sự ủng hộ đông đảo như thế, thậm chí bà còn có cơ may trở
thành nữ tổng thống đầu tiên của Mianmar.
Nhưng cũng
với thái độ dường như “trung lập” của mình, hình như Aung San Suu Kyi đã bắt
đầu rút ra kinh nghiệm cần có của một chính trị gia chuyên nghiệp. Tại một quốc
gia mà tuyệt đại đa số dân chúng theo Phật giáo, có lẽ không một chính khách
nào lại mạo hiểm ủng hộ cho một thiểu số tôn giáo nhỏ nhoi nào đó, cho dù tôn
giáo đó đó thật sự bị đối xử bất công đi chăng nữa.
Tuy vậy,
thái độ không rõ ràng trước vấn đề xung đột sắc tộc của Aung San Suu Kyi đã
phần nào làm cho bà bị giảm sút uy tín trong con mắt các tổ chức bảo trợ nhân
quyền quốc tế.
Phil
Robertston – một trong những người phụ trách của Tổ chức theo dõi nhân quyền
quốc tế (Human Right Watch), cho rằng bà Aung San Suu Kyi cần phải “đi xa hơn
là bày tỏ nỗi buồn… Bà không chỉ là một nhà lãnh đạo đối lập thông thường”.
Những tổ
chức bảo trợ nhân quyền cũng là những người đã hăng hái đứng ra vận động cho bà
Aung San Suu Kyi giành được giải Nobel hòa bình trong thời gian bà còn bị chế
độ quân sự quản thúc tại gia.
Vào chuyến
công du Nhật Bản giữa tháng 4/2013, Aung San Suu Kyi đã làm cho báo giới cũng
như giới quan chức Nhật nhuốm thất vọng, khi bà chỉ nêu ra một tuyên bố là
những người Hồi giáo cảm thấy buồn vì họ cảm thấy không phải là người dân
Mianmar.
“Bà Aung San
Suu Kyi thường xuyên nói tới nhà nước pháp quyền, nhưng như vậy chưa đủ” –
Chris Lewa của tổ chức The Arakan Project bức xúc.
Vào năm
2012, khi xảy ra các vụ xung đột giữa người Hồi giáo Rohingya và các phật tử ở
bang Rakhin, miền Tây Mianmar, khiến cho 180 người chết, Aung San Suu Kyi cũng
chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “nhà nước pháp quyền”, thay vì làm một
động tác có ý nghĩa hơn để giảm bớt xung đột sắc tộc và tôn giáo.
Con đường
trở thành một chính khách chuyên nghiệp của San Suu Kyi bắt đầu nhuốm vết mờ.
Cách đây vài tháng, bà cũng phải đối phó với sự rạn nứt không thể coi thường
ngay trong nội bộ đảng mình.
Thiếu kinh
nghiệm điều hành
Không tránh
khỏi lối mòn phân tán quyền lực và hoang mang về ý thức hệ của đảng cầm quyền
vào thời kỳ cuối cùng, nội bộ của đảng phái đối lập chính ở Mianmar đã có lúc
lâm vào một giai đoạn nguy hiểm: cạnh tranh quyền bính với nhau trong điều kiện
còn chưa tiếp quản được chính quyền.
Đại hội đầu
tiên vào đầu tháng 3/2013 của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ đã bộc lộ cái
yếu điểm chết người như thế. Cũng là lần đầu tiên kể từ khi thoát khỏi chế độ
quản thúc vào cuối năm 2010, Aung San Suu Kyi phải lên tiếng khẩn thiết kêu gọi
sự đoàn kết trong nội bộ của đảng này để tránh tình trạng xâu xé do tranh giành
quyền lực.
“Tinh
thần huynh đệ rất quan trọng, và nếu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã vững mạnh
trong quá khứ, đó là nhờ vào tinh thần đồng chí” – San Suu Kyi tha thiết.
Phát biểu trước cử tọa trong đại hội đảng đối lập, bà cũng công khai thừa nhận
“đã có tranh chấp” nội bộ trong những tháng gần đây, và thành khẩn kêu gọi các
đại biểu “tự kềm chế”, không xâu xé nhau vì chỗ đứng.
Một trong
những nhà quan sát khắt khe trên thế giới – hãng tin AFP của Pháp – cũng lo
ngại một cách chân thành cho phong trào tranh đấu dân chủ còn trong phôi thai ở
Mianmar.
Với tư cách
là một đối trọng lớn nhất đối với đảng cầm quyền của tổng thống Thein Sein, làm
sao những người Liên đoàn quốc gia vì dân chủ có thể nghiễm nhiên tiến tới cuộc
bầu cử quốc hội và cũng là bầu tổng thống vào năm 2015 với hành trang ganh tỵ,
đố kỵ, nói xấu lẫn nhau, kể cả việc bắt đầu dùng đến thủ đoạn chính trị để
triệt hạ nhau như một thứ vũ khí chẳng liên quan gì với mười điều cấm của Đức
Phật?
Liệu những
người có một xác suất nào đó để thay thế đảng cầm quyền vào năm 2015 có thể
chấp chính một cách thuần thục, ít nhất trên phương diện điều hành nền hành
chính quốc gia?
Có quá nhiều
công việc và vấn nạn như y tế, giáo dục, tình trạng kém phát triển, tệ nạn tham
nhũng cần phải giải quyết trong bối cảnh đất nước chịu cảnh ngổn ngang xã hội
và giao thời chính trị. Thế nhưng chắc hẳn một số thành viên của phe đối lập
tại Mianmar sẽ không mấy hài lòng khi chứng kiến một đánh giá từ con mắt chuyên
nghiệp chính trị như AFP: Liên đoàn quốc gia vì dân chủ chưa có đủ khả năng đảm
trách công việc lãnh đạo đất nước.
Tiếp quản
chính quyền mới?
Có lẽ đối
với Aung San Suu Kyi, một lần nữa và trong bài học từ chính giới, không ai có
thể đứng giữ hai dòng nước.
Một nữ đồng
nghiệp ở Pháp cho tôi biết là sau khi nhận giải Nobel hòa bình, Aung San Suu
Kyi đã được nước Pháp kiêu hãnh và tự tôn đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia
trong chuyến viếng thăm của bà tại Paris. Không chỉ là những cuộc hội đàm cấp
cao, mà ấn tượng hơn là đa số các đảng phái và người dân ở Pháp đã dành cho bà
quá nhiều lời nồng nhiệt và hoa tươi.
Từ sau khi
được tổng thống Thein Sein chính thức phóng thích vào đầu năm 2011, Aung San
Suu Kyi đã tiến một bước rất dài trên con dường trở thành một nhân vật xã hội
có đẳng cấp và cả một nhà lãnh đạo chính trị trong cuộc chiến giành niềm tin từ
nhân dân.
Nhưng nữ
đồng nghiệp của tôi lại bắt đầu lo lắng về một San Suu Kyi khác: bản lĩnh chính
khách, nếu thực tâm bà muốn trở thành chính khách.
Bởi hai vế
nhân văn của Nobel hòa bình và thủ đoạn của chính khách chuyên nghiệp dường như
lại chưa thể giao thoa tại một điểm hợp lý, trong phong cách và cả trong não
trạng của Aung San Suu Kyi.
Những mâu
thuẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển. Kinh nghiệm và thực tế của hậu
Cách mạng hoa nhài ở các nước Bắc Phi đều cho thấy luôn tồn tại một tâm thế
lúng túng của đảng phái đối lập trong tâm trạng giành được chính quyền nhưng
không biết làm sao điều hành được chính thể một cách hiệu quả.
Có thể trường
hợp của Aung San Suu Kyi và đảng đối lập của bà cũng không phải là ngoại lệ.
Cho dù một trong những mục tiêu lớn nhất của họ đã đạt được khi thoát khỏi sự
kềm tỏa của chính quyền quân sự thủ cựu, tiếp nhận được sự ủng hộ lớn lao của
cộng đồng dân chủ quốc tế, nhưng từng bước đi để có thể tiếp quản và vận hành
một chính quyền lại là một vấn đề khác biệt khá xa so với bầu nhiệt huyết đòi
hỏi tự do trước đây.
Thế đi dây
chính trị, hay nói chính xác hơn là một tư thế lắt léo cần có của giới chính
khách chuyên nghiệp, đang đặt Aung San Suu Kyi vào khung cảnh lựa chọn ngổn
ngang đối với mối quan hệ với Bắc Kinh – kẻ tham lam và thường muốn đào sâu can
thiệp nội bộ, cũng như làm sao trung hòa được phản ứng hóa học không dễ kết tủa
giữa các tôn giáo và sắc tộc trong cùng một Mianmar.
Chấp nhận
được lưu giữ như một ký ức đẹp đẽ trong tâm trí nhân dân, hay sẽ bị chính nhân
dân phản ứng khi sa lầy vào hiện tồn và tương lai kém cỏi của những thỏa hiệp
chính trị?
Kinh nghiệm
và bài học từ các cuộc cách mạng dân chủ ở Mianmar đã cho thấy phong trào nhân
quyền có thể phải mất đến hai chục năm để tìm kiếm tự do, nhưng nếu không cẩn
thận, chính họ sẽ đánh mất tự do đó chỉ trong vòng hai năm vì không gìn giữ
được sự đoàn kết và đào luyện tinh thần học tập chuyên môn điều hành chính
quyền mới, sa chân vào lối mòn quan liêu và độc đoán của chính quyền cũ.
Hoặc họ sẽ
bị các thế lực tài lực và không thiếu thủ đoạn của chính quyền cũ chia rẽ và
thành công trong việc triệt tiêu động lực đấu tranh của họ, nếu họ không chứng
tỏ được bản lĩnh nhân văn và chính trị.
Dân chủ có
nhiều sắc màu và cũng có thể chứa đựng nhiều bản chất khác biệt. Điều chắc chắn
là ở những quốc gia mà nền dân chủ còn trong trứng nước, thời gian để dân chủ
tự hoàn thiện về nhân cách, trong đó có nhân cách chính trị và quan trọng không
kém là giới hạn của thỏa hiệp chính trị vào từng thời điểm, sẽ không phải là
chuyện sớm chiều.
Aung San Suu
Kyi và đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà hiển nhiên là một bài học cận
kề và đắt giá cho những nền dân chủ phôi thai không quá xa về địa lý với
Mianmar.
P.C.D.
–
* Cùng tác giả:
- Nhãn quan im
lặng; ;
No comments:
Post a Comment