Sunday, 21 April 2013

ĐỌC LẠI TUẦN BÁO PHỤ NỮ TÂN VĂN về "VỤ ÁN ĐƯỜNG BARBIER" Ở TÂN ĐỊNH : HAI CAN PHẠM TÔN ĐỨC THẮNG & PHẠM VĂN ĐỒNG (Nguyễn Văn Trần - Việt Báo)




04/21/2013

Ngày 8 tháng 12 năm 1928, tại số 5, đường Barbier, Tân Định, Quận 1, Sài gòn đã xảy ra một vụ án mạng gây xôn xao dư luận khắp Nam kỳ trong nhiều năm dài. Theo sự giải thích của nhà cầm quyền Pháp và báo chí lúc bấy giờ thì đó là một vụ thanh toán nội bộ của một nhóm người trong hội kín làm cách mạng.

Báo chí mất nhiều ngày giờ tường thuật vụ án mạng nên về sau chỉ cần viết ngắn gọn mà ai cũng hiểu "Vụ án đường Barbier".

Điều lạ là vụ án mạng với một người chết mà gây sôi nổi dư luận khắp xứ Nam kỳ và kéo dài suốt nhiều năm. Vì tính tàn bạo của án mạng hay vì có nhiều người trong hội kín "Thanh Niên Cách mạng Đồng chí hội" liên can?

Ông Nguyễn văn Nguyễn, thành viên của Thanh Niên Cách mạng Đồng chí hội và đảng viên Cộng sản Đông dương, có liên cang tới vụ án, bị Tòa án xử phạt 3 năm tù treo. Năm 1939, ông kể lại vụ án mạng này trong một quyển sách tựa là "Án mạng đường Barbier ".

Vụ án mạng mở đường vào Trung Ương đảng

Đường Barbier, sau 1955, đổi lại tên việt nam là đường Lý Trần Quán. Đó là một con đường nhỏ, hai bên là hai dảy phố ngói trệt, nằm gần chợ Tân định.

Tuần báo Phụ nữ Tân văn theo dỏi nội vụ từ khi vụ án mạng xảy ra ngày 8 tháng 12 năm 1928 cho tới khi Tòa tuyên án kết thúc vụ án mạng tháng 6 năm 1930.

Mời bạn đọc lại một bản tin ngắn đăng trên Tuần báo Phụ nữ Tân văn số 14, xuất bản ngày 1 tháng 8 năm 1929 tại Sài gòn, để thử so sánh với một bản tin ngắn của báo chí ngày nay. Tuy viết cách đây hơn 80 năm mà lời văn ngày nay, đọc lại, chúng ta hiểu được trọn vẹn và dể dàng:

" Đào Xuân Mai là người bị tình nghi trong vụ ám sát ở đường Barbier ngày nọ, nằm trong khám lớn (Khám Chí Hòa) có lẻ tới 10 tháng nay mà chưa thấy Tòa xét hỏi gì tới, thì mấy bửa trước nhịn đói không ăn uống gì hết.

Cứ theo tin các báo Tây ở đây thì quan Bồi thẩm hết sức dụ dổ tra hỏi mà Đào Xuân Mai không nói gì cả, chỉ một mực nói rằng mình không có dính dấp tới việc đó".

Nhưng thực chất vụ giết người này là gì mà có tầm ảnh hưởng lớn như vậy?

Trong đêm mùng 8 rạng ngày 9 tháng 12 năm 1929 xảy ra một vụ giết người quá tàn bạo và dã man tại căn nhà số 5 đường Barbier mà hung thủ là những người trong Phân bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Nam kỳ. Nạn nhơn là Lê văn Phát, bí danh là Mỹ, Lang, bị đồng chí kết án tử hình vì tội phản bội theo điều lệ của đảng "Lê văn Phát ve vảng người chị em của chúng ta là Thị Nhứt". Đó là tội phản bội. Và tội  phản bội, theo điều lệ đảng, được các đồng chí của Phát giải thích: "Phát không gạt bỏ tình riêng để toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng".  Ba đồng chí trẻ tuổi hơn hết trong tổ chức của Phát (23, 24 và 26 tuổi) thi hành bản án đã được Tòa án Cách mạng phán quyết. Tôn Đức Thắng, 40 tuổi, chủ trì Tòa án vì ông là Chủ tịch Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Tôn Đức Thắng, năm 1969 kế nghiệp Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước, liên can vụ án mạng bị 20 năm tù khổ sai. Can phạm kế là Phạm văn Đồng, sau này làm Thủ tướng ở Hà nội suốt 30 năm, lảnh 10 năm cấm cố vì tội "đồng ý bản án tử hình". Còn những người khác trong đó có những tên quen thuộc vì sau này hoặc làm Ủy viên TW đảng cộng sản hà nội và nhơn viên Chánh phủ hoặc lãnh đạo kháng chiến năm 1945 như Trần Huy Liệu, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Bình, Nguyễn văn Nguyễn,.... Riêng 4 tên ra tay giết Lê văn Phát là Trần Trương, Ngô Thiêm, Nguyễn văn Thinh và Cô Nguyễn Trung Nguyệt. Chỉ có Trần Trương, Ngô Thiêm và Nguyễn văn Thinh bị án tử hình về tội giết Lê văn Phát. Những tội nhơn khác, sau khi lảnh án tù, bị đưa ra Côn Đảo. Cô Nguyễn Trung Nguyệt bị giam ở Chí Hòa vì nữ tù nhơn được miển bị đày ra Côn Đảo.

Sau này, Phạm văn Đồng, một hôm nhơn nhắc lại những ngày tù tội dưới chế độ thực dân Pháp, có nói "Nếu tụi Pháp mà đối xử với anh em cách mạng như chế độ tù tội của ta thì chúng ta chắc chẳng còn mấy người được sống sót mà đưa cách mạng tới thành công ngày nay".

Lê văn Phát bị các đồng chí hành quyết, thi thể còn bị đốt, cắt, phá hủy để không thể nhận diện được, đem bỏ ra sau nhà số 5 đường Barbier.

Bản án thi hành xong, Ngô Thiêm đi qua Quảng Châu đem theo đầy đủ biên bản và phán quyết của Tòa án Cách mạng để báo cáo với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Sau vụ án giết Lê văn Phát, Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Nam kỳ bị Tây phá vở nên phải dẹp bỏ luôn. Đảng cộng sản Đông dương ra đời.

Ngay từ thời tiền thân của đảng cộng sản, những nguời sau đó trở thành cộng sản, đều lập thành tích bằng giết người, khủng bố để nhờ đó mà vào Trung ương đảng bằng cửa chánh.

Vài nét về Tuần báo Phụ nữ Tân văn

Phụ nữ Tân văn là Tuần báo do Ông Nguyễn Đức Nhuận làm Chủ nhiệm, đặt trụ sở tại số 42, đường Catinat, sau năm 1955, đồi qua tên việt nam thành đường Tự Do. Địa điểm này là cửa hàng bán tơ lụa của Ông Bà Nguyễn Đức Nhuận. Tòa báo đặt trên lầu. Qua năm sau, năm 1930, Tòa báo chiếm trọn căn phố số 42 vì đang trên đà phát triển mạnh. Cửa hàng tơ lụa được Ông Bà Nguyễn Đức Nhuận dời đi nơi khác.

Ông Nguyễn Đức Nhuận làm Chủ nhiệm nhưng chính Bà Nguyễn Đức Nhuận mới là người sáng lập tờ báo.

Tưởng cũng nên lưu ý về tên Nguyễn Đức Nhuận cùng thời, cùng nghề làm báo, viết báo, viết văn ở Sài gòn vào những năm 20, 30 cho tới sau này. Nguyễn Đức Nhuận có bút danh là Phú Đức, tác giả tiểu thuyết «  Châu về Hiệp phố » một thời ăn khách ở Sài gòn. Người thứ hai là Ông Bút Trà của nhựt báo Sài gòn Mới. Kỳ thật, chính Bà Bút Trà mới là người lãnh đạo tờ báo.

Tuần báo Phụ nữ Tân văn xuất bản vào ngày Thứ Năm mỗi tuần, với khổ 0, 24m x 0, 31m, dày 32 trang không kể bìa có in hình 3 Cô Gái Bắc, Trung, Nam với khẩu hiệu « Phấn son tô điểm sơn hà, Làm cho rỏ mặt đàn Bà nước Nam ».

Tuần báo qui tụ được những cây viết tiếng tâm lừng lẫy từ Bắc, Trung, Nam như các ông Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Tản Đà, Hồ Biểu Chánh, Bùi Thế Mỹ, Diệp văn Kỳ, Ls Trịnh Đình Thảo, Phan văn Hùm, Bà Bùi Thế Mỹ, Nữ sĩ Nguyễn thị Manh Manh, …

Phụ nữ Tân văn, số ra mắt là ngày 02 tháng 05 năm 1929, do nhà in Nguyễn văn Viết, số 85 – 87, đường d Ormay, Quận I, Sài gòn, nhận in. Năm 1930, Phụ nữ Tân văn phát hành trên 10 000 bản nên các nhà in việt nam không đảm nhận được nên nhà báo phải giao cho nhà in Albert Portail của người Pháp in. Cùng tên Albert Portail, có nhà sách ở đường Catinat, ngang khách sạn Continental, sau đổi thành Nhà sách Xuân Thu, nghe nói là tài sản của Giám mục Ngô Đình Thục, do một người Pháp lai làm quản lý. Và cũng tại đây đặt 1 Phân khoa của Viện Đại Học Đà lạt (Báo chí hay Bang giao quốc tế).

Tết năm 1930, Phụ nữ Tân văn xuất bản Phụ nữ Tân văn Xuân do sáng kiến của Ông Đào Trinh Nhất làm Chủ bút. Đây là tờ báo Xuân đầu tiên mở đường cho báo Xuân sau này và cho tới ngày nay.

Tuần báo Phụ nữ Tân văn giử các mục thường xuyên: xã thuyết, Vấn đề giải phóng Phụ nữ, Phụ nữ và Gia đình, Vệ sinh khoa học thường thức, Gần đây trong nước có những gì?, Thời sự đoản bình, Tiểu thuyết, phóng sự, Thư cho bạn (bạn gái), Văn uyển, Khảo luận, Nhi đồng, …

Giá bán mỗi tờ báo là 0, 10$. Giá báo trọn năm là 6, 00$, …1 tháng là 0, 50$. Qua năm 1934, giá báo giảm xuống. Một năm báo, giá còn 5$ nhưng giá một số vẫn không thay đổi.

Tiền nhuận bút cho tác giả và lương bổng Ban Biên tập rất hậu hỉnh vì chủ trương «Kính Hiền đải Sĩ». Một bài khảo cứu, bình luận, điều tra dài từ 2 trương được trả 5$ 00. Bài thường dài 1 trang trả nhuận bút 3$ 00. Hình hí họa, mỗi hình được trả 2$ 00.

Đồng thời với Tuần báo Phụ nữ Tân văn ở Sài gòn có tất cả 15 tờ báo ngày, tuần và tháng, bằng tiếng việt và 3 tờ bằng tiếng pháp: La Tribune Indochinoise, Le Phare Indochinois và La Lutte.

Tưởng cũng nên biết Sài gòn năm 1930, không phải như Sài gòn trước năm 1975, chỉ gồm có 4  Quận. Quận Trung ương bao gồm Chợ củ, Chợ Mới Bến thhành và Chợ Đủi. Quận I gồm có vùng Dakao và Tân Định. Quận II gồm Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, Chợ Quán. Quận III gồm Khánh Hội, Xóm Chiếu.

Bên kia Chợ Quán trở đi thuộc Chợ lớn, tức Tỉnh Chợ lớn.

Hoạt động xã hội của Phụ nữ Tân văn

Qua giữa năm sau, Phụ nữ Tân văn tổ chức «Đồng Xu cho học sinh» để giúp học sinh nghèo có tiền đi học. Không chỉ đi học ở Việt nam mà còn đi qua Pháp học nữa.Tiếp theo, Phụ nữ Tân văn tổ chức Hội Dục Anh. Hai cơ sở xã hội này hoạt động mạnh mẻ nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của độc giả và những nhà hảo tâm.

Hội Dục Anh tổ chức thêm chương trình giử trẻ giúp những gia đình đơn chiếc có chổ gởi con em để yên lòng đi làm việc. Để có tiền tài trợ cho chương trình Dục Anh, năm 1932, Hội tổ chức Hội chợ trong khuôn viên Tổng cuộc Thể thao Annam ở góc đường Mayer và Lareynière. Năm ngày Hội chợ có nhiều trò chơi vui nhộn, hòa nhạc, văn nghệ, thể thao phụ nữ, nữ công gia chánh,… Phụ nữ Sài gòn, Chợ lớn, Gia định tới đông đủ, mà còn có cả Phụ nữ ở lục tỉnh cũng kéo về tham dự đông đảo.

Niềm vui chưa trọn thì chuyện bực mình đã xảy ra. Do hiểu lầm chuyện gì đó mà phía Phụ nữ Tân văn không hề biết, hai báo Sài Thành và Trung Lập kêu gọi dân chúng tẩy chay Phụ nữ Tân văn và các tổ chức của Phụ nữ Tân văn luôn. Chẳng những kêu gọi trên báo, họ còn in truyền đơn xúi giục dân chúng tẩy chay Phụ nữ Tân văn.

Nữ lưu học hội

Ông bà Nguyễn Đức Nhuận từ lâu đã tham khảo ý kiến của giới phụ nữ ở Sài gòn về dự tính thành lập « Nữ lưu học hội ». Hội ra đời và đi vào hoạt động thật sự. Để vận động cho Nữ lưu học hội, Tuần báo Phụ nữ Tân văn cho phổ biến một bài xã luận dưới tựa đề «Sáng lập Nữ lưu học hội »:

«Chị em đã từng thảo luận về sự lợi ích, về cách tổ chức một cái học hiệu riêng cho phụ nữ, lấy tên là «Nữ lưu học hội». Hết thảy các bạn đều nhận là một công trình đáng gây dựng lên ở các đô thành mới như Hà nội và Sài gòn.

Thảo luận là một việc rất hay, vì nhờ nó mà các bạn đồng chí trong nước trao đổi tư tưởng và ý kiến vế một vấn đề quan hệ. Nhưng vậy, lời bàn luận không phải là một cái cứu cánh, một cái mục đích.

Nghĩa là: ta không nên tranh biện để mà tranh biện, mà tranh biện để hành động và thiệt hành.

Tuân theo tôn chỉ nói trên đây, bổn báo mời:

Các bạn phụ nữ hoạt động,

Các bạn đàn ông biểu đồng tình với chị em,

Ra công gắng sức để sáng lập «Nữ lưu học hội» ở Sài gòn...".


Nữ lưu học hội từ khi thành lập đã qui tụ được nhiều chị em phụ nữ có tiếng tâm. Mỗi người với lòng nhiệt thành, nhận ngay trách nhiệm phân công.

Hội mở được nhiều lớp nữ công, gia chánh, trao đổi kiến thức khoa học và văn hóa cho chị em trong và ngoài hội.

Một hội viên năng hoạt động là nữ sĩ Nguyễn thị Manh Manh. Bà có lần lên diển đàn phát biểu:

«Tài sơ, trí thiểu và lời ăn nói vụng về như tôi, thiệt lấy làm e lệ mà bước lên diển đàn và cũng lấy làm áy náy, sẽ không khỏi để phụ lòng quí ông, quí bà và hết thảy các chị em.

Nói chuyện về nữ lưu học hội là muốn nói chuyện về phụ nữ với văn chương. Nếu cho Nữ lưu học hội là cần ích thì cũng phải cho đàn bà là có mật thiết có quan hệ đến văn chương nước nhà.

…Phần văn học nước nào cũng đều có thể chia ra làm hai phần, khách quan và chủ quan. Cái văn học khách quan thường thiên về triết lý với khoa học. Cái văn học chủ quan thường trọng về mỹ thuật với thi ca. Một đàng nhờ cái tư tưởng nhơn sanh mà có, một đàng do ở cái tình cảm nhơn loại mà ra.

Theo lẽ sinh lý thì đàn bà thường nặng về phần hồn và nhẹ về phần trí, cảm tình thì sâu mà tư tưởng thì hẹp nên trong văn học thường sở trường về lối tả cảnh, đạo tình mà ít hay về lối khách quan triết lý …

Người đàn bà có cái tinh thần cần phải tự giác để chiếu sáng ra ở chung quanh mình, cho gia đình được êm đềm phong phú, cho xã hội được rực rỡ quang minh.

Cái tinh thần đó ta muốn có thì ta lại càng tha thiết mong cho nữ lưu học hội sớm thành công …"

Phụ nữ Tân văn hoạt động đưọc 6 năm, từ năm 1929 tới năm 1935.

Xứ Nam kỳ không phải là nơi ngàn năm văn vật nhưng báo chí ra đời sớm hơn những nơi khác, truyện quốc ngữ cũng xuất hiện sớm. Nam kỳ là xứ thuộc địa nên được thừa hưởng một số quyền lợi như ở xứ Pháp về mặt báo chí, xuất bản. Ở Bắc, truyện «Tố Tâm» của Hoàng Ngọc Phách xuất hiện vào năm 1925 được cho là tác phẩm văn chương hiện đại đầu tiên của Việt nam trong lúc đó, truyện quốc ngữ « Ai làm được » của Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1916. Ai cũng biết không phải có mặt trước là có giá trị hơn, hay hơn. Điều muốn nói là "có " nhưng bị bỏ quên hay bị phủ nhận tự nhiên.

Sự nghiệp văn chương của Hồ Biểu Chánh thật sự vĩ đại, gồm 64 tiểu thuyết, 12 truyện ngắn và truyện kể, 2 truyện dịch, 12 tập hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu phê bình và nhiều bài diễn thuyết. Nhưng trong nhiều sách phê bình văn học, Hồ Biểu Chánh vẫn còn bị bỏ quên hoặc chê tác phẩm của ông không có giá trị văn chương. Mãi về sau này, ông mới được không còn bị bỏ quên nữa.

Về làm cách mạng chống thực dân, yểm trợ phong trao Đông du và Đông kinh nghĩa thục, Nam kỳ cũng bắt tay trước và nhiệt tình. Đóng góp nhiều hơn vì dân Nam kỳ lúc đó đã có nhiều người mần ăn được và cũng giàu lòng hào hiệp do bản chất nam kỳ.

Nhưng Nam kỳ vẫn chưa có được chổ đứng khiêm tốn cho mình trên đất nước.

Trong gần đây, trong việc đánh Tây, đánh Mỹ giành độc lập dân tộc, Nam kỳ thêm một lần nữa bị cướp công và bức tử. Thế mà dân Nam kỳ lúc nào cũng bằng lòng với số phận của mình.

Thật dễ thương cho dân Nam kỳ!

Nguyễn văn Trần


No comments:

Post a Comment

View My Stats