Nguyễn Thanh
Giang
Thứ
Ba, 23/04/2013
Tin liên quan:
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa có một bài thơ
có thể xem là hay nhất trong các bài thơ của ông. Bài thơ được đăng trên blog
Quechoa rồi trên nhiều báo mạng: Đối Thoại, Dân Luận.
Nhân dịp này xin mời độc giả đọc lại bức “Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Khoa Điềm” của
tác giả Nguyễn Thanh Giang viết ngày 7 tháng 5 năm 2002, khi ông Nguyễn Khoa
Điềm đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Khoa Giáo của ĐCSVN và là ủy viên Bộ
Chính trị ĐCSVN để thấy được thêm rõ cái bi hài cay nghiệt của thân phận ông và
“Đảng phận” của ông được dẫn ra trong câu kết của bức thư: “Cái tàn bạo mà người ta tự
nguyện làm để cố giữ cho được lòng trung thành với cái mà người ta yêu thích
thực ra không hơn gì sự bất trung”.
*
Thư
ngỏ gửi ông Nguyễn Khoa Điềm
Sau khi đọc "Nghị quyết hội nghị lần
thứ năm ban chấp hành trung ương Ðảng (khóa IX) về nhiệm vụ chủ yếu của công
tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới", tôi có một số nhận xét và ý
kiến muốn được trình bày. Vì không có diễn đàn, tôi đành phát biểu qua văn bản
đến ông - ủy viên Bộ Chính Trị, phụ trách ban Văn Hóa - Tư Tưởng của Ðảng. Vì
những vấn đề trao đổi này không cần bí mật và là những vấn đề liên quan đến mọi
người nên tôi chọn hình thức thư ngỏ.
Ở nghị quyết này, trong các nhiệm vụ chủ
yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, tôi tâm đắc và đặc biệt
lưu ý đến hai nhiệm vụ sau đây:
1/ "Trên cơ sở kết hợp "xây"
với "chống", trong đó lấy "xây" làm chính, cổ vũ mạnh mẽ
các nhân tố tích cực, tạo ra môi trường, nếp sống, lối sống lành mạnh, có văn
hóa; lấy cái tích cực, cái tốt đẩy lùi cái tiêu cực, cái xấu".
2/ "Phát huy vai trò và sức mạnh của
văn hóa, văn nghệ trong công tác tư tưởng, trong việc xây dựng con người Việt
Nam có đủ những đức tính đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa
VIII, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh văn minh".
Những biểu hiện tiến bộ và đúng đắn như thế
trong nghị quyết này đã từng được thể hiện thành phương châm chủ đạo trong "Báo
cáo của Bộ Chính Trị trình Hội nghị Trung ương 3 - khóa VIII": "Trong cuộc đấu tranh này, vấn đề cơ
bản có ý nghĩa quyết định là phải tăng cường sức mạnh mọi mặt của ta, trước hết
là về mặt lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ,
đảng viên. Âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch rất thâm hiểm, nhưng
chúng có làm được hay không là do ta quyết định. Do đó vấn đề quan trọng nhất l
làm sao công cuộc đổi mới thành công..."
Tiếc rằng tư tưởng tiến bộ và tích cực đó
không đóng vai trò chủ đạo và không được cụ thể hóa đủ mức yêu cầu trong nghị
quyết này.
Sau khi kiểm điểm tình hình lý luận và tư
tưởng thời gian qua, mặc dù đã nêu được mấy nhận định đúng đắn: "Mặt yếu
kém của công tác tư tưởng là ... Chưa thường xuyên làm tốt công tác giáo dục
chính trị, chưa phê phán mạnh và đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân,
tư tưởng cơ hội, thực dụng, những quan điểm mơ hồ, sai trái, khuynh hướng
"thương mại hóa", lai căng, chạy theo thị hiếu tầm thường trong hoạt
động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ ... Chưa xây quy chế đảm bảo dân chủ,
phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động lý luận và công tác tư tưởng ...",
nhưng khi vạch phương hướng, nhiệm vụ cho công tác triển khai sắp tới lại không
thấy nhằm chủ yếu chỉnh đốn, sửa chữa những mặt yếu kém đó.
Nghị quyết không quan tâm đưa ra được những
biện pháp "xây" cần thiết một cách thỏa đáng mà nồng nực nộ khí đấu
tranh, ngột ngạt mùi chuyên chính, tua tủa những hô hào "chống" và "chống"!
Dầy đặc đây đó những cảnh báo hốt hoảng, những dung dọa thảng thốt:
"Coi trọng nắm bắt, phân tích, dự báo diễn biến tư
tưởng và có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống tư tưởng, tăng cường kiểm
tra các hoạt động tư tưởng của cấp dưới".
Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể
chính trị - xã hội nắm chắc diễn biến ở từng địa bàn, đối tượng, có phương án
kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; đề phòng nguy cơ "tự
diễn biến từ trong nội bộ". Nhà nước xây dựng, bổ sung hệ thống pháp luật,
cơ chế, chính sách quản lý các hoạt động liên quan tới lĩnh vực tư tưởng, lý
luận; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật trên lĩnh
vực này.
"Hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình cơ sở, tăng
cường củng cố trận địa tư tưởng ở cơ sở, tạo thế đứng chính trị vững chắc trên
từng địa bàn".
Mọi đảng viên phải nói và làm theo nghị
quyết, chỉ thị của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết xử lý những cán
bộ, đảng viên nói và làm trái nguyên tắc Ðảng
"Xử lý kịp thời theo pháp luật và kỷ luật đảng mọi
hoạt động tán phát tài liệu xấu"
"Giữ vững kỷ cương trong việc phổ biến kết quả
nghiên cứu".
"Xử lý nghiêm những hành động vi phạm kỷ luật phát
ngôn... Nghiêm cấm việc xuất bản, lưu hành những sách, báo và những ấn phẩm có
nội dung sai trái"....
- Vì sao nhân dân ta đã một lòng theo Ðảng
hơn nửa thế kỷ rồi?, vì sao cứ nói chủ nghĩa xã hội tốt đẹp gấp triệu lần chủ
nghĩa tư bản và khăng khăng khẳng định đó là con đường toàn thể nhân dân đã
chọn nhưng đến nay công tác tư tưởng vẫn phải xem là một trận địa ngổn ngang mà
ở đấy vẫn còn đòi hỏi phải tạo thế đứng chính trị vững chắc trên từng địa bàn?
- Có bi quan hoảng hốt quá không để đến nỗi
cần lạm dụng quá nhiều tính từ, trạng từ đằng đằng sát khí đến như: "chủ
động tiến công", "xử lý nghiêm", "kiên quyết xử lý",
"kịp thời xử lý", "xử lý kịp thời", (hàng chục lần), "đề
phòng nguy cơ", "kiên quyết bác bỏ" v.v ...?
- Tư tưởng đâu phải là món hàng lậu, là của
quốc cấm. "Tư tưởng tạo nên sự cao cả của con người" (Pascal), nhưng
tại sao người ta lại ghê sợ, thù ghét nó thế? Và, biết đến bao giờ các cơ quan
văn hóa - tư tưởng cấp trên không cần đóng giữ vai trò cảnh sát để hết "nắm
chắc diễn biến tư tưởng ở từng địa bàn" lại "tăng cường kiểm tra các
hoạt động tư tưởng của cấp dưới" ...?
- Kết quả nghiên cứu phải được đem ứng dụng
rộng rãi trong thực tế. Vì sao lại phải nhấn mạnh yêu cầu giữ vững kỷ cương
trong việc phổ biến kết quả nghiên cứu? Thế nào là kỷ cương trong lĩnh vực này?
- Vì sao mọi đảng viên chỉ được nhất nhất
nói và làm theo nghị quyết? Ðành rằng, để bảo đảm tính tổ chức, dẫu còn những
dị biệt, những bất đồng nhưng đã thành nghị quyết thì bất cứ đảng viên nào cũng
ít nhất là tạm thời phải làm theo, nhưng có phải vì vậy mà không ai cần tiếp
tục động não suy xét về các nội dung của những nghị quyết đó và không ai được
nói, được phát biểu tất cả những gì mình thấy cần phải đề nghị bổ sung, chỉnh
sửa? Nghị quyết, nếu hoàn toàn được xây dựng bởi tập thể trên cơ sở dân chủ
thật sự thì nói chung là đúng đắn. Ða số các nghị quyết của Ðảng có thể đúng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có nhiều nghị quyết, nhiều chính sách, kể cả chủ
trương, đường lối từng phạm sai lầm, sai lầm hết sức tai hại! Chẳng nhắc lại
làm gì nữa những khẩu hiệu "Trí,
phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ" đã làm bại hoại nguyên khí
quốc gia; những "cải cách ruộng đất",
"đấu tranh chính trị" đã
sát hại hàng trăm ngàn người, kể cả các đảng viên trung kiên, các trí thức có
công lớn với cách mạng; những chủ trương ưu tiên công nghiệp nặng ấu trĩ và kế
hoạch hóa kinh tế triệt để một cách ngông cuồng, đã dẫn đất nước đến trạng thái
thoi thóp, cùng cực ... Gần đây, khi nghe tin bè lũ Taliban phá tan hai pho
tượng Phật khổng lồ tạc trên triền núi, tôi quá đỗi ngạc nhiên trước hành động
tàn bạo, man rợ, ngu xuẩn đến cùng cực và tỏ ra thực sự không sao hiểu nổi,
không sao tưởng tượng nổi, không sao giải thích nổi. Không ngờ, trong một buổi
trà đàm, một ông bạn khoa học đồng niên đưa ra một câu hỏi còn làm tôi sửng sốt
hơn: Thế
ông nghĩ rằng ở nước ta không từng xảy ra những chuyện tương tự thế sao? Quả
có vậy, đâu phải ở thời thập nhị sứ quân, đâu phải do ngoại bang ép buộc mà
chính chúng ta, ở thế hệ này, đã từng đập nát hết tượng Phật, phá tan tành hết
đình, chùa, miếu mạo!
May
mà Bắc Ninh, Phú Thọ ... thuộc vùng Pháp chiếm đóng nên Chùa Dâu, Ðền Hùng ...
mới còn tồn tại. Ở vùng tự do nói chung và Thanh Hóa quê
tôi nói riêng thì chỉ còn ... "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo"! Cung
điện Nhà Lê uy nghi là vậy, thành Nhà Hồ đồ sộ đến thế ... đều tan hoang cả. Xã
tôi, huyện tôi vốn là đất văn vật nên rất nhiều đình, chùa to đẹp. Vậy mà từ
lâu đã sạch sành sanh!
Trước những chủ trương, những hành động
triệt hạ văn hóa hết sức man dại được chỉ đạo bởi các loại nghị quyết của Ðảng
lúc bấy giờ không phải không từng có các thức giả trong giới học thức cũng như
trong quảng đại quần chúng thấy được, nhưng chỉ vì quy định không ai được nói
khác nghị quyết nên những ai dám phát biểu đều đã bị "cắt luỡi", bị
sát hại. Số còn lại đành nuốt hận mà sống.
Lương tri ngày nay hoặc bị uy hiếp, hoặc
chưa thức tỉnh nhưng chắc chắn con cháu chúng ta rồi sẽ xót xa đau đớn, sẽ căm
phẫn, sẽ nguyền rủa...
Sau 30 tháng 4, vào miền Nam, tôi ngỡ ngàng trước những
bức tượng Trần Hưng Ðạo, Quang Trung ... đường bệ mà tôi không hề được thấy
trên đất Bắc xã hội chủ nghĩa. Lúc ấy tôi lao đao chua chát
trước câu hỏi không thể tự trả lời: Phải chăng nhờ Mỹ - Ngụy mà ông cha ta còn
được tôn thờ? Giật mình nhớ lại, đã có lúc vì ý thức hệ Cộng sản mà ta
từng coi cha ông kiệt xuất đều là kẻ thù chỉ vì các Ngài đều là vua quan phong
kiến.
Quy định đảng viên chỉ được nói theo nghị
quyết của Ðảng trong nghị quyết này không chỉ trái lẽ thường mà còn ngược cả
với tinh thần báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt
Nam tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ sáu của Ðảng do đồng chí Trường
Chinh trình bày ngày 15 tháng 12 năm 1986: "Người lãnh đạo phải bình tĩnh
lắng nghe những ý kiến trái với ý kiến của mình. Ý kiến khác nhau phải được nói
hết, nói thẳng, và phải trải qua thảo luận dân chủ mà đi dến chân lý" ...
"Người cộng sản phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Trong Ðảng không thể
dung thứ thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, lùa dối cấp trên,
thái độ nể nang, hoặc đàn áp, trả thù người phê bình"
- Vì sao lại không được tán phát tài liệu?
Thế nào là tài liệu xấu?
Chắc chắn không thể quy định rõ ràng thế
nào là hành động tán phát tài liệu. Chẳng qua đây chỉ là sự lập lờ tạo kẽ hở để
khống chế, để đàn áp những thông tin, những chính kiến không phù hợp với quyền
lợi của các thế lực cầm quyền. Trong các công ước quốc tế, trong hiến pháp và
bộ luật các nước, kể cả nước ta không hề quy định hành động tán phát tài liệu
là điều cấm kỵ hay tội trạng.
Thế nào là tài liệu xấu? Thế nào là nói xấu
chế độ? Dĩ nhiên, không được tiết lộ bí mật quốc gia, không được nói sai sự
thật để xuyên tạc và vu khống, không được kích động bạo lực, khiêu dâm ...Không
được nói xấu bất kỳ đối tượng nào nhưng hoàn toàn có thể và rất cần nói lên
điều xấu có thật của con người, của lãnh tụ, của đảng, của dân tộc ...để nghiên
cứu, để phân tích, phê phán, để sửa chữa, uốn nắn, giảm thiểu và ngăn chặn cái
xấu cái sai giúp xã hội định chân, con người hướng thiện.
Ðấu tranh lý luận, tư tưởng phải bằng tranh
luận công khai, lý lẽ thuyết phục, song, lợi dụng những nghị quyết kiểu như thế
này người ta bày đặt ra cả một trận địa khốc liệt mà ở đó khuyến khích sử dụng
mọi hình thức: từ mánh lới ti tiện đến thủ đoạn xảo trá; từ răn đe, khống chế
đến khủng bố đàn áp ... để hạ nhục, vây hãm, đọa đày, tù tội những người lương
tri, biết sống có trách nhiệm, vì trăn trở với vận mệnh của quốc gia, của dân
tộc mà phát biểu chính kiến một cách thẳng thắn, bất bạo động, đúng luật pháp.
Họ dày công giăng bẫy tinh vi để đưa người này vào tròng; họ bịa đặt, xuyên tạc
để vu khống những người kia là làm tay sai cho nước ngoài, chống nhà nước,
chống nhân dân vv... một cách hết sức trắng trợn và nhẫn tâm.
Ðáng phàn nàn hơn là từ ngày ông Nguyễn Khoa Ðiềm đảm
trách công tác này, thực tế không chứng minh sự tiến bộ cần thiết theo quy luật
"triều đại" sau phải khá hơn "triều đại" trước mà chỉ thấy
càng tồi tệ hơn. Mở đầu bằng vụ bắt
giam cựu chiến binh Vũ Cao Quận đầu tháng 4/2001. Ngày 5/9 câu lưu hơn 20 người
để khủng bố lá đơn xin thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam Ủng Hộ Nhà Nước Chống Tham
Nhũng. Rồi chặn đường bát cóc và cướp đoạt Hồi ký của tướng Trần Ðộ. Ra lệnh
thu hồi và tiêu hủy sách của các ông, bà Trần Khuê, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Vũ
Cao Quận, Trần Ðộ, Nguyễn Thanh Giang. Tổ chức đấu tố vắng mặt các ông Hoàng
Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang ... để bôi bẩn và
rung dọa. Quản chế nhà văn Bùi Minh Quốc, nhà xã hội học Trần Khuê. Cắt điện
thoại không tuyên bố lý do của hàng loạt người: Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến,
Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, Trần Khuê, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Ðan
Quế, Nguyễn Ðắc Kính, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ Bình... Bắt giam cử nhân
luật Lê Chí Quang, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, kỹ sư hóa công nghiệp Vũ
Ngọc Bình, thạc sỹ - bác sỹ y khoa Phạm Hồng Sơn ...Tất cả những người này nếu
không được xem là những bậc khả kính thì cũng chắc chắc đều vô tội.
Rõ ràng là, cùng với Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại Chống
Ðảng, đây là một trong những thời kỳ tàn tệ nhất của lịch sử đảng Cộng Sản Việt
Nam trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị.
Vì sao phải làm như vậy? Vì khả năng thực
thi công tác lý luận, tư tưởng quá yếu hay vì nhiệm vụ được giao là bất khả thi
do cứ phải gồng lên để bào vệ cái sai, cái lạc hậu, cái lỗi thời?
Nói phải củ cải cũng nghe. Huống chi đã có
đến hơn 600 tờ báo cùng hàng trăm đài phát thanh, truyền hình từ trung ương đến
địa phương mà sao lại phải hoảng hốt sợ hãi một vài cây bút, lưa thưa mấy tờ "tán
phát" đến thế? Chắc chắn rằng, tuy còn lưa thưa, ít ỏi nhưng đấy là lẽ
phải, là cái mới, là đại diện cho xu thế tiên tiến. Cho nên, cần biết phục
thiện, cần bình tâm suy xét để tiếp thu chân thành. Chính văn kiện Ðảng cũng đã
có lúc từng răn dạy: "Mỗi chúng ta, từ nguời lãnh đạo đến đảng viên
thường, dù hoạt động trong lĩnh vực nào cũng cần kiểm tra lại nhận thức của
mình, sớm lĩnh hội những quan niệm mới, kiên quyết gạt bỏ những quan niệm sai
lầm" (Báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương VI). Ðừng ỷ thế quyền
lực, đừng lạm dụng bạo tàn chuyên chính, đừng quá ham mê phấn đấu vì chức tước.
Ở tuổi chúng ta, dẫu nhờ may mắn lắm thì quan lộ cũng không thể kéo dài quá dăm
năm nữa mà tiếng thơm hay lời nguyền rủa thì con cháu của chính mình vẫn còn có
dịp nghe biết. Hãy cảnh giác và luôn biết tự nhắc nhở mình. Tôi nhớ câu của La
Rochefoucauld: "La violence quon se fait pour demeurer fidèle à ce quon
aime ne vaut guère mieux qu une infidélité" (Cái tàn bạo mà người ta tự
nguyện làm để cố giữ cho được lòng trung thành với cái mà người ta yêu thích
thực ra không hơn gì sự bất trung.
Hà Nội, ngày 7/5/2002
Nguyễn Thanh Giang
Bức thư này đăng trong cuốn sách chính luận
“Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam”
do “Tủ sách Tiếng Quê hương” ấn hành ở Hoa Kỳ năm 2007 và còn lưu trong thư
viện online www.nguyenthanhgiang.com
No comments:
Post a Comment