Wednesday 24 April 2013

NHỮNG CÂU THƠ THÁNG TƯ (Viên Linh)




Viên Linh
Wednesday, April 17, 2013 2:13:46 PM

Gọi những câu thơ Tháng Tư để trong bài viết ngắn này, vào Tháng Tư năm thứ 38, chúng ta có thể nhắc đến càng nhiều càng hay tên tuổi của những người đã viết xuống những vần điệu ghi lại một lịch sử thống khổ của dân tộc Việt, khi cuộc chiến 20 năm chấm dứt bằng những kết hợp của phản bội, ngu đần, gian xảo và kỳ thị, kể cả kỳ thị địa phương Trung Nam Bắc, trong các tuyên truyền đảng phái, ý thức hệ, trong các cuộc ám sát thủ tiêu thù địch, để rồi cái xấu toàn thắng vào ngày 30 Tháng Tư 1975, đưa Miền Nam vào nhà tù khổ sai, đưa hơn triệu người yêu nước phải lưu vong, bỏ lại người thân, quê quán, miếu đường, nhà cửa, vào móng vuốt của thù hận.

Hình bìa hai cuốn Tuyển tập Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại do hai nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn và Thái Tú Hạp thực hiện từ ba chục năm nay. Ðây là lần đầu tiên cụm danh từ Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại được dùng để phân biệt các Thời Kỳ Văn Học Việt Nam. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Khi Mỹ chạy, bỏ Miền Nam cho cộng sản
Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than.
1975
(Ngục Sĩ, Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực, tr. 62)

Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan
Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn.
1975
(Ngục Sĩ, Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực, tr.31)

Ta trọn năm dài một Tháng Tư
(Thanh Nam, Ðất Khách, 1985)

Tháng Tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.
(Viên Linh, Thủy Mộ Quan, Thời Tập xb, 1982)

Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng tư máu chảy một trời sương tan.
(Viên Linh, Tuyển tập Thơ Văn VNHN, tr. 274, Sông Thu xb, 1985)

Những câu thơ trên là những lời tổng quan, phát xuất như những lời than, những tiếng kêu, rất ngắn gọn, trích từ những bài thơ dài. Ðoạn dưới đây được viết một cách cụ thể, lược thuật và mô tả, được trích ra từ một truyện thơ:

Lệnh truyền buông súng Nam quân
Mơ màng liên hiệp giải phân một nhà
Cộng đáp ứng chiến xa vụt tốc
Tung cửa dinh Ðộc Lập cán vô
Mượn danh giải phóng treo cờ
Miền Nam thất thủ xanh mồ hờn căm
Ba-chục-Bốn-Bảy-Lăm đen tối
Tay níu tay bộ đội véo von
Chí Minh giải phóng đường mòn
Dép râu nón cối Sài Gòn từ đây.
(Kiệt Tấn, Việt Nam Thương Khúc, trường thi, tr.104-105, An Tiêm xb, Paris 1999)

Ôi lũ bạn thân, tụi mày ở lại
Tháng Tư qua rồi - ai nhớ ai quên?
(Nguyễn Nam An, Tuyển tập Thi ca 75-77, tr.75, nxb Bố Cái, 1978)

Huyệt mộ giữa mưa đang sủi bọt
Bạn ta vừa nhắc lại hương trầm
Tháng tư trời đất đầy mây trắng
Trí lòng như sói tru căm căm
(Hoàng Chính Nghĩa, Tuyển tập Thi ca 75-77, tr. 95)

Từ ngày mất nước ra đi
Người ta thường hỏi mất gì bạn ơi?
Thưa tôi mất
Những người bạn mà tôi thường rất quí
Hăm lăm năm chiến đấu bước chưa chồn
Khi sình lầy, lúc bãi bể, sườn non
Chân đặt khắp mọi nẻo đường đất nước
Trước quân thù chưa run tay lùi bước
Rồi bỗng dưng bị bỏ giữa rừng hoang
Nghe phát thanh phải hạ súng đầu hàng
Họ đã thác, hoặc lần đi cùng cây cỏ
Họ mất núi sông hay núi sông mất họ?
Tôi không sao giải đáp nổi câu này.
(Nhất Sơn Vũ Quang Hân, Thơ Văn 90 Tác Giả VNHN, 1975-1981, tr.110, Văn Hữu xb, 1982)

Bỏ đơn vị gia đình
Thoát thân bố chạy trước
Tên trung tá đào binh
Cắm đầu giông khỏi nước.
(Nhất Tuấn, sách trên, tr. 112)

Lòng như Tháng Tư
Dứt ra từng đoạn.
(Trần Mộng Tú, sách trên)

Vẫn còn đó những con thuyền mục nát
Những con người bầm giập vỡ niềm tin
Vẫn còn đó biển vô tình tàn ác
Nhiều xác người tan tác giữa trời quên.
Vẫn còn đó nụ cười điên hải tặc
Những mũi dao đâm lút thị da tươi
Những thô bạo trên ê chề thể xác
Bao hồn trinh thảm thiết khóc thương đời.
(Hà Huyền Chi, Tuyển tập Thơ Văn VNHN, tr. 56, Sông Thu xb 1985)

Những câu thơ Tháng Tư trình bày hôm nay không một diễn giải, vì không cần diễn giải. Chúng ta đọc và xin đừng quên: ngoài những bài thơ trích từ các thi tập do thi sĩ in ra, bên cạnh là những câu thơ sở dĩ còn lại là nhờ ở các Tuyển Tập Thi Ca. Có vài tuyển tập đáng nói hơn cả, hoặc là sớm nhất hoặc là dầy nhất.

Sớm nhất là “tuyển tập thi ca 75-77,” tựa đề không viết hoa, xuất bản năm 1978, nhưng lại quá mỏng, có 126 trang, và các tác giả được chọn trong đó cho tới mấy chục năm sau, là thời gian viết bài này, không còn mấy người. Ðây là tập sáng tác, và của một nhóm nhỏ thân quen, không phải tập biên khảo mở rộng, và không có tiểu sử tác giả. Chỉ có một người đã qua đời sớm là Giang Hữu Tuyên, những người còn lại thì kẻ về Việt Nam sống, nhiều kẻ không hề thấy xuất hiện nữa.

Tập “Tuyển Tập Thơ Văn 90 Tác Giả Việt Nam Hải Ngoại, 1975-1981” đáng kể vì vừa ra sớm, 1982, vừa dầy, 432 trang, tác giả có tiếng và chuyên nghiệp, hầu như nhiều người vẫn tiếp tục sáng tác. Sách do nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhà xuất bản Văn Hữu ở Houston, chủ trương và ấn hành. Cuốn tuyển tập giá trị nữa là cuốn “Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại” do nhà thơ Thái Tú Hạp ở Los Angeles thực hiện. Sách dầy 562 trang, có hình các tác giả trên giấy láng, kèm theo tiểu sử đầy đủ. Sự chọn lựa, cuốn trên cũng như cuốn này, có giá trị, bởi cả hai thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn và Thái Tú Hạp đều là hai nhà báo quảng giao, lâu năm trong nghề. Những công trình ấy của họ, có vẻ như nằm trong quên lãng, thật sự là sẽ còn giá trị lâu dài. Hơn nữa cả hai cuốn, cách nhau ba năm, đều dùng một cụm danh từ bây giờ đã trở thành danh từ trong văn học sử: Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại.

VL, phạmcongkh@yahoo.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats