Tuesday, 23 April 2013

NGUYỆN VỌNG VỀ MỘT NỀN DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH (Hoàng Tâm Nguyên - Thông Luận)




Được đăng ngày Chủ nhật, 21 Tháng 4 2013 19:26

Trước một chính trường nhiều bạc nhược và nông nổi như hiện nay, người dân Việt Nam cần tỉnh táo, nếu không chỉ thành các con tốt rẻ rúng. Không thể có kiểu dân chủ nửa vời, một thứ dân chủ bánh vẽ được tạo ra từ kẻ cầm chịch là ĐCS VN và mớ bung xung là những người sẵn sàng thỏa hiệp về quyền lợi sau lưng quần chúng.

Cao trào trên đấu trường hoang dại
Chế độ độc tài VN đang trở nên quá già cỗi, bộ máy này đang trong quá trình tự hủy. Trước tình hình kinh tế ngày càng rơi vào bế tắc, ĐCS VN rất muốn tái khởi sắc các hoạt động nội lực quốc gia, nhằm kêu gọi giới dân doanh đầu tư nhiều hơn; dĩ nhiên dưới sự lãnh đạo của nhà nước đảng trị. Trong thời gian gần đây, quyền của người dân được đề cập nhiều hơn trên hệ thống truyền thông quốc doanh. Tuy nhiên, quyền của người dân cần được định lượng và khẳng định. Những giá trị chân chính này không thể là bức bình phong cho những phe nhóm trong giới cầm quyền Việt Nam hiện nay lợi dụng. Ý thức tôn trọng nhân quyền luôn cần thể hiện qua các hoạt động trung thực và cụ thể, chẳng thể là các khẩu hiệu mới nghĩ ra ngày một ngày hai, để rồi đem hô hào suông nhằm tiếp tục củng cố các âm mưu tham quyền cố vị.

Ngày nay, chẳng được mấy người dân Việt Nam tin rằng kiểu chính trị thủ lĩnh (strong-man politics) mà phe ông Nguyễn Tấn Dũng đang hướng đến có thể tạo ra điều gì tốt đẹp. Dân tộc đang khát vọng về một thể chế dân chủ đại nghị với đại diện từ một ban lãnh đạo tập thể biết lắng nghe ý kiến của dân chúng. Ý thức chính trị dân chủ chỉ lớn mạnh, khả tín một khi được chứng thực qua nhiều nỗ lực an sinh cụ thể. Nhà nước dân chủ thực sự không thể là một hiện tượng bỗng dưng đột phát mà thành.
Nhận xét về thực trạng này, trước đây đã có một nhà chính trị từng viết: “Chế độ này chắc chắn sẽ bị đào thải. Không phải chỉ vì đàn áp và bóc lột tự nhiên làm nảy sinh ra chống đối. Có những chế độ bạo ngược kéo dài rất lâu. Nó sẽ sụp đổ nhanh chóng hơn vì một lý do khác. Đó là vì không một đoàn thể nào có thể tồn tại nếu không có một mục tiêu chung hoặc những giá trị đạo đức chung. Đảng cộng sản không có cả hai. Nó sẽ nhanh chóng trở thành một đấu trường hoang dại. Chính những đảng viên cộng sản sẽ xâu xé nhau” (1). Công luận hiện nay đang chứng kiến những bung vỡ của cao trào này.

Kinh nghiệm Bulgaria
Một ngày sau khi bức tường Berlin đổ (9/11/1989), Bộ Chính trị ĐCS Bulgaria đã truất phế Tổng bí thư Todor Zhivkov, đưa bộ trưởng Ngoại giao là ông Peter Mladenov lên làm chủ tịch đảng và chủ tịch nước. Tự nhận mình là “những người tiên phong trong quá trình dân chủ”, nhóm lãnh đạo mới trong ĐCS bắt đầu chương trình cải tổ chính trị theo ý mình. Ðể hợp thức hóa bộ mặt dân chủ, vào tháng 11/1989, ĐCS Bulgaria mời một nhóm người được coi là “đối lập” tới họp một “Hội nghị Bàn tròn” bàn công việc cải tổ chính trị. Tháng 1/1990, Quốc hội Bulgaria đã biểu quyết xóa bỏ điều số 1 trong hiến pháp giành độc quyền lãnh đạo cho đảng. Ngày 30/1/1990, đảng Cộng sản Bulgaria đổi tên thành đảng Xã hội. ĐCS Bulgaria cũng quyết định tổ chức bầu cử ngay sau đó sáu tháng. Tháng 6/1990, các cuộc bầu cử tự do, đa đảng, được tổ chức lần đầu tiên tại Bulgaria. Ngoại trừ Liên minh Nông dân đã có cơ sở vững chắc ở các tỉnh, các đảng ủng hộ dân chủ vì mới thành lập trong một thời gian quá ngắn: thiếu phương tiện vận động, chỉ tập trung ở thủ đô và một số thành phố lớn, nên đảng Xã hội đã chiếm được nhiều phiếu nhất. Trong suốt nhiều năm sau đó, Bulgaria liên tục bị đắm chìm trong bất ổn chính trị. (2)

Với sự xuất hiện thường xuyên của lực lượng nguyên cộng sản, các chính phủ Bulgaria đã liên tục thất bại trong việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Bulgaria không nằm trong số các nước được mời tham gia Liên minh châu Âu vào năm 2004. Tình hình chẳng có nhiều cải thiện dưới thời cựu hoàng Bulgaria, Simeon II, làm thủ tướng từ năm 2001 đến năm 2005. Trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 6/2005, đảng Xã hội (nguyên là ĐCS) Bulgaria quay trở lại nắm ghế Thủ tướng... (3)

Ảnh hưởng của những người cộng sản trước đây vẫn còn mạnh mẽ. Trong quá trình chuyển đổi dân chủ âm u của Bulgaria, các cựu quan chức cộng sản trở thành những đại gia và bố già. Đây là một nguyên nhân quan trọng để lý giải tình trạng sau 6 năm gia nhập EU; đến nay, Bulgaria vẫn duy trì vị trí là thành viên nghèo nhất khối. Báo cáo mới của Ủy ban châu Âu cho thấy gần 1/2 dân số quốc gia này đối mặt với cuộc sống nghèo đói và phân biệt xã hội. Những sự kiện Bulgaria trải qua trong quá khứ là một kinh nghiệm quan trọng, giúp chúng ta có những đối chiếu cần thiết trước các biến động thời cuộc hiện tại ở Việt Nam. Thực tại Bulgaria (cũng như Nga và nhiều nước thuộc Liên Xô cũ) cho thấy, không thể xây dựng một chế độ mới với những con người cũ. Người ta chỉ có thể thay thế chứ không thể cải tiến một chính quyền tham nhũng. Càng rõ nét hơn, một khi nền tảng xây dựng chính quyền ấy không dựa trên các giá trị phổ quát của nhân loại.

Đấu trường Cộng Sản

Nhu cầu về một chính quyền lương thiện
Người dân không chỉ cần có quyền bầu cử và tự do ngôn luận, mà còn cần các quyền ấy được thể hiện qua một chính quyền trong sáng, hòng bảo vệ một nền dân chủ vững chắc cho quốc gia. Một thể chế dân chủ Việt Nam thực sự cần phải được tiến hành xây dựng và thành lập một cách quang minh và có lộ trình cụ thể. Sinh mệnh đất nước không phải là một món hàng thuộc tài sản tư nhân dùng đổi chác, thỏa hiệp trên đầu quần chúng - dẫu bất kỳ từ một liên minh chính trị nào. Những người dân chủ Việt Nam cần hiểu một chính đảng không thể xây dựng chỉ bằng sự hăng say khai thác một cơ hội lịch sử. Một chính đảng phải là thể hiện của một tư tưởng chính trị. Ủng hộ tự do, dân chủ và nhân quyền chưa phải là có một tư tưởng chính trị.

Quốc gia đại sự không chỉ là chuyện giữa tôi và anh, mà còn liên quan rất nhiều yếu tố. Lộ trình dân chủ Việt Nam dẫu tiến hành bất bạo động nhưng có tính cách mạng. Hệ thống chính trị độc đoán hiện nay muốn chuyển sang dân chủ là phải bầu lại Quốc hội, sửa đổi luật bầu cử và luật thành lập hội đoàn, bảo đảm tính độc lập của hệ thống tòa án và các phương tiện truyền thông… Những người dân chủ chân chính không hề ảo tưởng đây là một công việc dễ dàng, song đó là mục tiêu chung của phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay. Cuộc tranh đấu dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam sẽ vô cùng gian khổ, đòi hỏi những người yêu nước phải kiên trì đến cùng. Nhiều lớp người đã nằm xuống hôm qua, thế hệ hôm nay vẫn thừa can đảm, chúng ta quyết không lùi bước.

Manh động khiêu chiến quyền lực độc tài, khi đội ngũ chưa vững mạnh, đều mặc tình bị nghiền ra phấn vụn. Thực lực không thể ngay một lúc mà có, phải tích tụ từng bước. Cơ hội chẳng đến cùng lúc cho mọi người. Cơ hội đến với những ai có đủ thực lực nắm bắt cơ hội. Viễn cảnh về một liên minh giữa ĐCS với thành phần phi đảng phái chỉ là ảo tưởng của những nhà chính trị thiếu thực tế. Bởi trong giả sử mang đầy tính lãng mạn này, thiếu vắng yếu tố cân bằng lực lượng trong mối kết hợp: giữa một bên là ĐCS – một tổ chức chính trị có bề dày hoạt động nhiều năm – với phe còn lại là nhóm người tản mạn, thiếu một dự án chính trị cụ thể nhưng lại hội tụ quá nhiều chính kiến.

Ánh sáng cuối đường hầm
Sự bất ổn trong cách nghĩ về vai trò của các lực lượng chính trị trong xã hội, không chỉ thể hiện trong giới cầm quyền hiện nay, mà còn trong tính toán của nhiều người đang định làm chính khách. Họ tự cho mình cái quyền vẽ ra thế này, định đoạt thế kia và chỉ bảo cho những đối tượng khác phải làm cái gì. Cách suy nghĩ này dung túng cho thói quen độc tài nắm quyền. Trong khi đó, họ không hiểu kỹ nhiệm vụ của họ, với tư cách là những người hoạch định chính sách quốc gia, chỉ được làm những gì và không được làm những gì. Trái với sự lạc quan nông nổi của nhiều người; vấn đề xây dựng một chính đảng đúng nghĩa, có khả năng nắm được chính quyền và cầm quyền một cách lành mạnh, đòi hỏi mất nhiều thập niên. Lịch sử sắp sang trang, giờ này đã quá trễ để thành lập một chính đảng hoàn toàn mới. Đại sự quốc gia phải khởi hành từ những tổ chức dân chủ lương thiện và lành mạnh sẵn có; hiện nay, những tổ chức đáp ứng yêu cầu này là ít nhưng không phải không có…

Vậy trong hoàn cảnh hiện nay, những người ủng hộ dân chủ cần làm gì? Trong bài viết “Thời cơ đang xuất hiện? Đối lập dân chủ phải làm gì?”, tác giả Việt Hoàng đã nêu lên những đề nghị rất thiết thực: “Người dân Việt Nam nói chung và các nhân vật đấu tranh cho dân chủ nói riêng không nên đặt nặng vấn đề về sự dấn thân vào chính trị của người Việt ở trong hay ngoài nước. Cái quan trọng nhất, theo tôi, miễn là người đó, tổ chức đó lương thiện và làm được việc. Dân chủ hóa đất nước là nhiệm vụ của mọi công dân Việt Nam, dù bất cứ họ đang sống nơi đâu trên thế giới. Mạng Internet đã làm cho con người sống trên mọi miền của thế giới xích lại gần nhau. Người Việt cũng không là ngoại lệ.” (4).

Cảnh lầm than của dân đen Việt Nam đã được minh chứng quá nhiều qua lịch sử, họ chẳng thể tiếp tục chết thảm giống như những nạn nhân khác trước đây. Người sinh ra ở đời, dẫu là dân đen thì cũng chẳng phải là heo hay nai. Mọi sự đều cần thực chứng. Khoảng cách giữa lời nói và việc làm của chính quyền hiện nay là quá lớn. Thiện chí xây dựng cần được chứng minh bằng các chính sách kinh tế xã hội cụ thể, tự các lời hứa hão chỉ là trò mị dân rẻ tiền. Cần chấm dứt một sự lẫn lộn gian trá về ổn định. Một chế độ chính trị nghiêm túc phải đáp ứng sáu yêu cầu cơ bản của đất nước.Đồng thời “Mọi chế độ dân chủ đích thực đều phải trân trọng sinh hoạt chính đảng. Không thể có sinh hoạt chính trị đứng đắn nếu không có chính đảng. Trong hoàn cảnh nước ta, sau bao năm dài dưới các chế độ độc tài trong đó mọi sinh hoạt chính trị bị đàn áp, các chính đảng không những cần thiết mà còn cần được khai sinh, khuyến khích và nuôi dưỡng. Các chính đảng là yếu tố không thể thiếu cho đất nước, và vì thế quốc gia không những không được cấm cản mà còn phải sẵn sàng trả giá cho sinh hoạt chính đảng” (5).

Ngày 21/04/2013
Hoàng Tâm Nguyên


Chú thích:





No comments:

Post a Comment

View My Stats