Chủ
nhật, tháng tư 07, 2013
Người nông dân Đoàn Văn Vươn sẽ không ngờ có ngày bước
vào lịch sử như một người anh hùng áo vải trong mắt người dân, và là kẻ phạm
tội với chính quyền.
Có một điều chắc chắn, Đoàn Văn Vươn không có ý định bước
vào lịch sử để làm anh hùng. Anh đã không chọn là một công chức mẫn cán ăn
lương, có thể sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Cũng có thể quan lộ của anh sẽ sáng
láng, kiếm được một cái ghế, trở thành kẻ tham quyền, tham nhũng như hầu hết
gương mặt nhem nhuốc của quan chức thời nay… Các ngả đường đều có thể đến
với quyền lực và tiền tài nếu người ta chịu gia nhập vào hàng ngũ đảng viên
của đảng cộng sản, trung thành tuyệt đối với lí tưởng XHCN, hoặc ít ra giả
vờ trung thành ngoài mặt, thêm chút mánh khóe vây cánh, lo lót, nịnh hót, giả
dối…
Đoàn văn Vươn chọn làm người nông dân theo đúng nghĩa, và
là một nông dân có chữ nghĩa. Lớn lên ở làng quê, đi học, rồi nhập ngũ. Sau khi
làm xong nghĩa vụ người lính anh quay lại học đại học, cũng chọn đại học Nông
nghiệp. Và đó là sự lựa chọn được xác quyết không đắn đo: sẽ cả đời gắn bó với
đất đai, đồng ruộng.
Anh đã sống theo đúng con đường đã chọn. Dành cả chục năm
để làm một việc mà người ta gọi là “dã trang xe cát”, ngăn đê lấn biển, biến
một vùng đất hoang thành trang trại trù phú. Nếu không có tình yêu và niềm tin
vào đất đai, một nông dân tay trắng khó làm được một thành quả mà một tập thể
người chưa chắc đã làm được. Mồ hôi, tiền bạc và cả nỗi đau đớn anh đổ xuống
vùng đất ngập mặn đó.
Cuộc sống làm nông dân của anh có thể nói như cách nói
thông thường ngày nay, là không dính dáng đến chính trị, xa lánh chính trị.
Nhưng chính trị vẫn chọn anh để làm tấm gương cho tất cả người Việt Nam hôm nay
soi vào: chính trị không chừa một ai, kể cả khi ta xa lánh nó. Vì chính trị
không có gì khác là đời sống thiết thực của mỗi con người.
Chính trị là chính sách về đất đai có tên gọi “sở hữu toàn dân”. Nhưng
không có người dân nào được quyền sở hữu ngoài nhóm người có quyền lực.
Chính trị là các nghị quyết từ trung ương đến cơ sở về
quyền cho thuê, khoán đất đai nằm trong tay một nhóm người có tên gọi là chính
quyền “của dân, do dân và vì dân” nên anh Vươn dù có kiện chính quyền thì kẻ
thua cuộc luôn là anh, nông dân không quyền lực, dù theo lý thuyết vẫn thường
nói, anh thuộc về lực lượng nòng cốt của chuyên chính vô sản.
Chính trị là lệnh cưỡng chế áp đặt lên mảnh đất anh đã
khai phá, tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc, mạng sống của người thân mà anh
đáng lẽ phải ngoan ngoãn chấp hành.
Chính trị là anh phải ra tòa với tội danh giết người,
trong khi những kẻ gây nên sự tang thương, tan nát cả gia đình, sự nghiệp mà
anh đã nhọc công gây dựng thì ngồi ở ghế quan tòa xét xử anh.
Chưa bao giờ đời sống của cá nhân bị đặt trong thử thách
trực diện với bạo lực chính quyền như lúc này – một đời sống với những cá tính
bị đè nén, đến lúc nó phải thể hiện bằng cách khác. Tiếng súng hoa cà hoa cải
của anh Vươn là một ví dụ.
Cuộc sống của hầu hết các cá nhân đầy những lo toan
thường nhật, không có tương lai. Những lo toan hàng ngày ấy luôn bị đặt trước
nguy cơ đụng độ với cả hệ thống chính quyền được luật pháp bảo hộ. Điều đó có
nghĩa, hệ thống pháp luật này luôn sẵn sàng tước bỏ, đè bẹp mọi đường sống, mọi
giá trị cá nhân của người dân. Phẩm giá, cuộc sống của người dân chưa bao giờ
được bảo vệ, tôn trọng khi xã hội thủ tiêu quyền sở hữu tư nhân. Vì ai cũng
hiểu, khi sở hữu tư nhân được thừa nhận, cũng có nghĩa mở đường cho tự do và
dân chủ.
Giả sử, nếu anh Vươn không chống trả những kẻ đến cưỡng
chế thì bây giờ anh không phải là kẻ tội phạm trong mắt chính quyền, nhưng có
lẽ anh sẽ bị buộc tội khi mất khả năng trả món nợ 10 tỷ cho ngân hàng vì cuộc
chinh phục biển – một cuộc chinh phục như một “canh bạc” anh cá cược hết cuộc
mình và người thân. Bất luận ở vị thế nào thì anh cũng bị dồn vào “bước đường
cùng” như anh Pha, chị Dậu thời xưa. Nhưng anh Pha, chị Dậu chưa bị bão táp của
cuộc cách mạng vô sản làm cho lóa mắt với nhiều ảo tưởng về sự công bằng, ấm
no, hạnh phúc…Cái máng lợn của người nông dân bao đời vẫn chưa hề thay đổi với
“tiền đồ tối đen như mực” của anh Pha, chị Dậu.
Nhà nước XHCN tự hào là đã xóa bỏ giai cấp bóc lột, đem
lại sự bình đẳng của con người. Nhưng ảo tưởng về một xã hội không giai cấp là
mơ ước hão huyền của cuộc cách mạng vô sản. Chính khi cố xóa bỏ giai cấp bóc
lột cũ thì nhà nước chuyên chính vô sản đã tạo dựng một nên một “giai cấp mới”
như Milovan Djilas, phó tổng thống Nam Tư dưới thời Joseph Tito đã chỉ ra: “đặc
trưng cơ bản của giai cấp mới chính là quyền sở hữu tập thể”. Và ông nói
thêm: “Quyền sở hữu mới không phải là quyền lực chính trị, nhưng nhờ quyền
lực chính trị mà đảng và bộ phận đầu não của đảng có toàn quyền sở hữu, quyền
sử dụng và quyền quản lý khối tài sản đó”. Và: “Quan hệ sở hữu tư nhân không
những không phù hợp với việc thiết lập quyền thống trị của gai cấp mới, mà việc
bãi bỏ quan hệ sở hữu này còn là điều kiện cần thiết về mặt kinh tế để cải tạo
toàn bộ dân tộc. Giai cấp mới khai thác sức mạnh, đặc quyền, tư tưởng và thói
quen hình thức sở hữu đặc thù. Đấy là sở hữu tập thể, nghĩa là cái sở hữu mà nó
có quyền quản lý và phân phối “nhân danh” dân tộc, “nhân danh” xã hội”.
Trước sức mạnh vô biên của “giai cấp mới” như nói trên
thì phận người dân chỉ là phận con sâu cái kiến như Đoàn Văn Vươn. Quyền lợi
của người dân hoàn toàn bị vô hiệu hóa trước cơn bão sở hữu tập thể, lợi ích
tập thể nhưng chính họ lại bị đẩy ra ngoài.
Chỉ vì miếng cơm manh áo cho gia đình, người nông dân
hiền lành, chăm chỉ, kiên cường, dũng cảm Đoàn Văn Vươn bỗng bị đẩy vào cơn lốc
xoáy mang tên “sở hữu toàn dân” với sự yểm trợ của chuyên chính vô sản.
Lịch sử lựa chọn anh cùng với tấn bi kịch gia đình để lột tả tận cùng sự
bất công của cá nhân với tính tập thể mang danh hiệu XHCN này. Anh đã gánh một trọng trách mà anh không hề mong muốn bằng một cái án tù
đầy phi lý. Nhưng nếu không có phi lý thì không có bi kịch. Và những bi kịch là
kết quả tất yếu trong quá trình hình thành và phát triển “giai cấp mới” đang
ngự trị trong xã hội Việt Nam hôm nay…
Nhưng không có lịch sử đất nước nào chỉ được viết bằng
những tấn bi kịch. Bi kịch có sức phản lực mạnh hơn rất nhiều những anh hùng
ca, nhất là khi anh hùng ca được viết bằng sự giả dối, bất công…
Đoàn Văn Vươn đã
bước vào lịch sử như một người anh hùng áo vải, có sức lay động đến tâm can của
rất nhiều các giai tầng xã hội.
Những người đã buộc anh đi vào lịch sử thì cũng không dễ
gì đưa anh ra khỏi lịch sử đất nước những năm tháng này mà không trả một cái
giá đắt nào?
No comments:
Post a Comment