Wednesday 3 April 2013

NGÀY XỬ THỨ 3: ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN BỊ ĐỀ NGHỊ 5-6 NĂM TÙ (Nguyễn Xuân Diện-Blog)




Thứ năm, ngày 04 tháng tư năm 2013

Hôm nay, 4/4/2013, phiên tòa sơ thẩm xét xử Anh Đoàn Văn Vươn và gia đình họ Đoàn tại Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng bước sang phần tranh tụng.

Ngày này một năm trước, UBND Tp Hải Phòng đã ra Thông cáo báo chí về vụ Tiên Lãng. Trong khi chờ đợi các thông tin từ bên trong và bên ngoài phiên tòa, mời quý vị xem lại: Thông cáo báo chí của UBND thành phố Hải Phòng

Về nghị án, cho đến trưa hôm qua, 3/4/2-2013, theo tin riêng của chúng tôi, giới chức Hải Phòng vẫn chưa có họp bàn đề thay đổi "án bỏ túi" đã định đoạt cách đây khoảng hơn 1 tuần.

*
*

Ông Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5-6 năm tù

Sáng 4/4, xác định việc kế hoạch 'dàn trận' giết người chưa xảy ra, chủ mưu Đoàn Văn Vươn nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, VKS đề nghị phạt ông này 5-6 năm tù, bằng nửa mức thấp nhất của khung hình phạt.

Theo VKS, ông Vươn là người bàn bạc kế hoạch chống đoàn cưỡng chế, mua súng, hướng dẫn các bị cáo "dàn trận". Ông chủ đầm tôm tại Tiên Lãng bị coi là người có vai trò cao nhất trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ.

Cơ quan công tố nhận thấy, ông Vươn thành khẩn khai báo, chưa tiền án tiền sự, từng phục vụ trong quân đội nên đề nghị HĐXX cho hưởng mức án thấp dưới khung hình phạt truy tố của tội Giết người (từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Bị cáo Đoàn Văn Quý bị đánh giá tích cực tham gia chống đối, thực hiện quyết liệt, có vai trò sau anh trai - ông Vươn, Trong quá trình điều tra, ông Quý thành khẩn, chỉ ra nơi cất giấu súng. VKS áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị phạt 54-60 tháng tù.
Bị cáo Đoàn Văn Sịnh được đánh giá là đồng phạm giúp sức, nhân thân tốt, đề nghị phạt 42-48 tháng tù cùng về tội Giết người.
Từng là người giúp sức cho ông Vươn mua súng, Đoàn Văn Vệ bị đánh giá "chuẩn bị phạm tội", có vai trò thấp nhất nên được áp dụng mức phạt thấp nhất của tội Giết người, 20-30 tháng tù treo.
Hai nữ bị cáo Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương được xác định có vai trò như nhau, nhận thức hạn chế, tham gia chống người thi hành công vụ vì người thân trong gia đình nên đề nghị cho tất cả hưởng hình phạt tù treo. Bà Báu bị đề nghị 18-24 tháng, bà Thương 15-18 tháng.

Nhóm phóng viên.

*
*


Báo Người lao động
Ông Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5-6 năm tù giam
Thứ Năm, 04/04/2013 08:59

(NLĐO)- Sáng 4-4, Viện KS đã đưa ra mức án đề nghị cho các bị cáo trong vụ án Đoàn Văn Vươn. Theo đó, nặng nhất là bị cáo Đoàn Văn Vươn với mức án 5-6 năm tù, Đoàn Văn Quý 4,5-5 năm tù… nhẹ nhất là Nguyễn Thị Thương 15-18 tháng tù cho hưởng án treo.

Ngày 4-4, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hải Phòng xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại đầm tôm hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5-1-2012 bước sang ngày xét xử thứ ba.
8 giờ 10 sáng, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, các bị cáo Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5- 6 năm tù; Đoàn Văn Quý: 4 năm 6 tháng - 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng - 4 năm tù; Đoàn Văn Vệ: 20- 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Giết người” theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự.
2 bị cáo Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ Đoàn Văn Quý) bị 18- 24 tháng treo và Nguyễn Thị Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) bị 15 - 18 tháng treo cho thử thách về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo không phải thực hiện trách nhiệm dân sự do bị hại không có yêu cầu.

Các mức án đề nghị đều thấp hơn so với khung hình phạt. Sở dĩ có mức án này là vì Viện kiểm sát đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Đối với các bị cáo phạm tội giết người: với vai trò tổ chức, chủ mưu, trực tiếp mua 1 khẩu súng hoa cải, hướng dẫn Quý làm mìn, chỉ đạo… nên Đoàn Văn Vươn có vai trò cao nhất trong vụ án.
Tình tiết giảm nhẹ cho Đoàn Văn Vươn là quá trình điều tra thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, từng tham gia quân đội. Hậu quả giết người chưa xảy ra. Do vậy, hình phạt áp dụng có thể thấp hơn khởi điểm khung hình phạt.
Bị cáo Quý vừa tham gia bàn bạc vừa thừa hành tích cực, bố trí mìn, sử dụng súng bắn. Thực hiện hành vi rất quyết liệt nên vai trò thứ 2 sau Vươn. Bị cáo Quý sau đó ra đầu thú, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, chưa xảy ra hậu quả chết người.
Bị cáo Sịnh, tham gia bàn bạc, góp tiền mua súng, nắm tình hình… với vai trò giúp sức. Song do từng trong quân đội, nhân thân tốt, phạm tội chưa đạt. Bị cáo Vệ giúp các bị cáo chủ mưu. Vệ tham gia đồng phạm giúp sức ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Trong giai đoạn điều tra thành khẩn khai báo, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Vệ được áp dụng hình phạt thấp nhất, có thể cho cải tạo ở ngoài xã hội.
Với nhóm chống người thi hành công vụ, 2 bị cáo có vai trò gần như nhau. Bị cáo Thương thành khẩn khai báo nên có thể dưới mức khởi điểm. 2 bị cáo đều là phụ nữ nông thôn, nhận thức hạn chế, nơi cư trú rõ ràng, có chồng bị tạm giam trong 1 vụ án, có thể áp dụng cải tạo ngoài xã hội.

Trong bản luận tội, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố nêu rõ: dù các bị cáo tại tòa cho rằng, có một số tình tiết trong cáo trạng không đúng song qua nhiều lời khai có sự tham gia của luật sư, kiểm sát viên. Bên cạnh đó, có nhiều bản tường trình do các bị cáo tự viết đã được thẩm tra, đánh giá tại phiên tòa.
Các lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra đảm bảo tính khách quan, phù hợp với biên bản hiện trường, với vật chứng lưu trữ, đặc biệt phù hợp với bị cáo Vươn, Sịnh tại phiên tòa.
Do không đồng tình với việc thu hồi đất, bị cáo Vươn nhiều lần bàn bạc với các bị cáo khác nhằm chuyển từ tranh chấp hành chính sang hình sự. Các bị cáo đều là người thân, trong gia đình nên mọi việc được bàn bạc, lên kế hoạch.

Tại phiên tòa những người bị hại khẳng định họ làm nhiệm vụ rà phá chất nổ, chất cháy, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
Cũng trong phiên tòa những người làm chứng xác định Đoàn Văn Quý sử dụng đạn hoa cải bắn vào tổ công tác. Hậu quả khiến 7 người bị thương.
Các khám nghiệm hiện trường, vật chứng thu được đã chứng minh cho hành động của các bị cáo.
Do đó có đủ căn cứ kết luận, các bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ đã nhiều lần bàn bạc, thống nhất dựng hàng rào ngăn chặn đoàn cưỡng chế đến các hành động nguy hiểm như dùng súng hoa cải, mìn tự tạo để chống lại đoàn cưỡng chế.
Hiểu rõ tầm nguy hiểm của các loại vật liệu nổ, súng hoa cải, bất chấp hậu quả chết người các bị cáo vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra. Hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của các bị cáo. Trong vụ án này, Vươn là người chủ mưu, Quý là người tích cực, Vệ, Sịnh là giúp sức.

Viện kiểm sát cũng bác bỏ quan điểm cho rằng, do quyết định thu hồi đất không đúng nên thu hồi đất là trái pháp luật nên hành động của các bị cáo là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Theo Viện kiểm sát, có đủ căn cứ để thấy quan điểm này không phù hợp: Đó là các bị cáo đã dùng mìn, súng để tước đoạt sinh mạng của người khác; những người bị hại là chiến sĩ công an, cán bộ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, không có mâu thuẫn với các bị cáo, không biết quyết định đúng cưỡng chế hay sai; những người bị hại không có lỗi với các bị cáo, không có mâu thuẫn; với mục đích chuyển vụ án hành chính dân sự sang hình sự, các bị cáo đã chuẩn bị mìn, súng để tấn công người thi hành công vụ.
Theo Viện kiểm sát đánh giá, hành vi của các bị cáo rất quyết liệt. Đến hàng rào thứ nhất đã cho nổ mìn, hàng rào thứ 2 thì bắn súng hoa cải. Khi người bị hại bị thương, các bị cáo tiếp tục bắn và dùng rơm đốt. Khi sử dụng 2 khẩu súng trên ở khoảng cách 20 mét có thể gây sát thương cao, nguy hiểm tính mạng. Như vậy, với ý thức chủ quan và hành vi khách quan, đã có đủ căn cứ khẳng định các bị cáo vi phạm vào tội Giết người.
“Hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm tới xã hội, xâm hại tới trật tự quản lý, làm tổn hại sức khỏe của 7 người, làm ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị” - bản luận tội viết.

8 giờ 45 phút, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng tại tòa.

Trước đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng: 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957), Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị đề nghị truy tố trước tòa tội danh “ Giết người” được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình.

Hai bị cáo nữ trong vụ án này là Nguyễn Thị Thương (SN 1970, vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, SN 1982, vợ ông Đoàn Văn Quý ) bị đề nghị truy tố ra trước tòa tội danh “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Người Lao Động Online tiếp tục cập nhật…
Nguyễn Quyết - Trọng Đức

*
*

04/04/2013 | 09:02
Bị cáo Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5 - 6 năm tù

Dân Việt - Ngày thứ 3 của phiên tòa xét xử vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm bắt đầu từ 8 giờ 10 sáng nay (4.4) với phần luận tội của Viện KSND TP.Hải Phòng.

Vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị mức án dành cho các bị cáo với tội danh Giết người, cụ thể như sau: Bị cáo Đoàn Văn Vươn từ 5 - 6 năm tù; bị cáo Đoàn Văn Quý từ 4 năm 6 tháng - 5 năm tù; bị cáo Đoàn Văn Sịnh từ 3 năm 6 tháng - 4 năm tù; bị cáo Đoàn Văn Vệ từ 24 - 30 tháng tù treo.
Với tội danh Chống người thi hành công vụ, vị đại diện VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Phạm Thị Báu từ 18 - 24 tháng tù treo, bị cáo Nguyễn Thị Thương từ 15 - 18 tháng tù treo.
Như vậy, các bị cáo đều được đề nghị mức án ở dưới mức khởi điểm của khung hình phạt.
Nhóm PV Pháp luật




No comments:

Post a Comment

View My Stats