Saturday 6 April 2013

MỘT QUAN NIỆM NHƯ THẾ . . . (AFR Dân Nguyễn)




AFR Dân Nguyễn
6-4-2013

Hôm nay, ngày thứ hai, người ta đem một Anh Hùng nông dân ra tòa để xử ở Hải Phòng. Vào các báo của đảng coi tin tức. Họ đưa tin rất sơ sài. Điều đó chẳng có gì ngạc nhiên. Lướt sang Báo Nhân Dân (tên một tờ báo lớn của đảng), một vài bài viết về vụ án, với những lời lẽ, đại loại như: Đoàn Văn Vươn và những kẻ đồng phạm; Tội giết người có chủ đích trước sau như một, được lên kế hoạch kỹ lưỡng; Đã có đầy đủ bằng chứng cấu thành tội giết người…vv… Cũng chẳng có gì ngạc nhiên,…vì đó là quan điểm, lập trường cách mạng của đảng. Vẫn thế!

Đọc báo của đảng, không phải để tìm sự thật, mà là để tìm thông tin và đoán xem đảng đang và sẽ xử trí thế nào về một vụ án, về một con người, về một vấn đề đang thu hút sự quan tâm, không phải chỉ của Việt Nam, mà của cả thế giới.

Nhưng cứ như những gì đang diễn ra tại phiên tòa, có vẻ như đảng đang muốn gửi đi một cái thông điệp “đếch sợ bố con thằng nào”.

Lướt qua thế là đủ. Dành thời lượng lớn và sự quan tâm cũng lớn vào các trang báo Của Nhân Dân: Quechoa, Basam, Buivanbong, bauxit… Ở đây ta sẽ tìm thấy những nguồn tin trung thực, tìm được nguồn cảm xúc chân chính với những bình luận của những con người khả kính và uy tín…

Hình ảnh phiên tòa, với ba khuôn mặt rất trẻ mặc đồng phục xanh, đội mũ kepi gắn ngôi sao, đứng kẹp xen kẽ hai “bị cáo”. Đằng sau ba gương mặt trẻ, đẹp đẽ ấy còn rất nhiều những chàng trai trẻ khác đứng những hàng dưới. Họ cũng bận đồng phục xanh, đội mũ kepi gắn ngôi sao.

Đó là những cảnh sát được giao trọng trách giữ an ninh phiên tòa.

Nhìn họ, tôi bất giác nhớ hai gương mặt cũng trẻ như thế, cũng mặc đồng phục xanh như thế, xốc nách ts luật CHHV trong những phiên tòa dành cho ông, mà ở đó tòa kết tội ông cứ như thể ông là một người có tội.

Bức xúc về những gì xảy ra trong và ngoài phiên tòa, dù đây mới chỉ là ngày thứ hai. Đóng mạng, bỏ ra ngoài tìm ly cà phê xả stress. Ở bàn bên có cuộc hội thoại.

-Cháu lớn anh làm gì rồi?

-Cháu học an ninh mới ra trường.

-Thế là thành đạt rồi. Chúc mừng bác…

Tự nhiên tôi nhớ tới những khuôn mặt trẻ đẹp mặc đồng phục cảnh sát trong phiên tòa- những người đứng kẹp anh Vươn vào giữa trong phòng xử án, và những người xốc nách ts luật họ Cù.

Ừ, giữa lúc thất nghiệp tràn lan, kiếm một chân bảo vệ hay nhân viên một cơ quan nhà nước còn khó, thậm chí có bằng cấp hẳn hoi, mà “ đầu ra” muốn suôn sẻ, không có một đôi trăm triệu thì tốt nhất sắm lấy cái xe máy và đôi mũ bảo hiểm mà hành nghề…thì việc cái ông nhà kia chúc ông nhà nọ có con vừa học cảnh sát ra trường là thành đạt, cũng phải lắm thay!

Mỗi cuộc đời là một chuỗi dài phấn đấu không ngừng nghỉ, có thể nói, phấn đấu cho đến chết. Vậy mà có phải ai cũng thành đạt trong cõi đời này. Nhưng ta hãy bàn kỹ một chút về hai chữ “thành đạt”. Tất nhiên “thành đạt” có thể phụ thuộc vào quan niệm sống của mỗi cá nhân; Nhưng chẳng lẽ nó không có giá trị đích thực dựa vào nền tảng xã hội, hay căn cứ vào giá trị đạo lý của một dân tộc?

Một người nhặt ve chai nuôi hai con ăn học, hơn thế các con đều học giỏi, ngoan ngoãn, đỗ vào đại học bằng điểm thi thực lực. Như vậy người nhặt ve chai ấy có thể được coi là người thành đạt không? Một bác chạy xe ôm, dành dụm tiền xây cất được một căn nhà khang trang, nuôi được người vợ không may bị tai nạn giao thông nằm liệt một chỗ, đã được coi là thành đạt chưa? Một sơ cả đời chỉ biết một công việc chăm sóc người mắc bệnh hiểm nghèo trong các bệnh viện, luôn đi tới với các mảnh đời bất hạnh để sẻ chia, giúp đỡ, chiếm được sự kính trọng và yêu mến của mọi người. Một “hiệp sỹ” tự nguyện bắt cướp, giữ yên lành cho cuộc sống nơi khóm phường, dù cả đời chưa có hai bộ quần áo đẹp, chưa một lần dám mơ tới quyền sở hữu một trong những chiếc xe máy mà mình dành lại được cho chủ nhân của nó từ tay bọn cướp… đã được coi là thành đạt trong cuộc đời chưa?

Hay một người phải ngồi sau vô lăng của xế hộp sịn, chủ của một khách sạn, hay một doanh nghiệp lớn mới được coi là người thành đạt?

Một người thăng quan tiến chức nhanh như diều gặp gió, phong bì vào như nước mỗi dịp lễ tết, đi đứng bệ vệ, tiền hô hậu ủng. Một người làm chủ khối tài sản trị giá trăm tỷ, nghìn tỷ, dù đang là chủ nhân của khoản nợ cũng chừng đó, hoặc hơn chừng đó…Một người vừa được bổ nhiệm chức giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước, vừa được đồng nghiệp “nhiệt liệt chúc mừng”. Một người vừa được phong hàm giáo sư. Một người được “cơ cấu” vào ban chấp hành đảng bộ. Một người vừa trở thành đại biểu Quốc hội…Phải chăng đây mới là những người đáng được coi là “thành đạt” trong một đời người?

Thượng Đế cho mỗi con người một khuôn mặt, mỗi người một khả năng, chẳng ai giống ai; huống chi “thành đạt” chỉ là một quan niệm, phụ thuộc rất nhiều vào “sắc thái” riêng của mỗi cá nhân con người ta. Quan niệm về sự “thành đạt” ở những kẻ ích kỷ và ở những con người vị tha bác ái, dấn thân là rất khác nhau. Nói cách khác, quan niệm “thành đạt” là khác nhau cho người tốt và kẻ xấu.

Với những người tốt, thì nhà báo Trần đăng Tuấn chỉ thực sự Thành Đạt, khi “giũ áo từ quan”; là khi anh trở thành một Con Người,(chứ không phải cây cảnh!), là khi anh làm ra “những bữa cơm có thịt” cho những “mầm non của Đất nước” bằng việc từ bỏ nhận phong bì và những chai rượu tây, từ bỏ những lời chúc tụng xun xoe. Nhà báo Minh Diện cũng chỉ thành đạt thực sự vào những ngày này, sau 20 năm bỏ thẻ đỏ và bỏ lương bổng. Nhà báo Huy Đức thực sự thành đạt, sau khi rời “Sài Gòn tiếp thị”. Thực ra anh đã khẳng định giá trị đích thực từ khi có tư tưởng phản biện, qua những bài viết trên Quechoa hay một số trang mạng khác, cũng như trên chính trang blog của mình, mà không chờ đến khi công bố “Bên thắng cuộc”. Nhà báo Nguyễn đức Kiên, chỉ thành đạt (hay bộc lộ) sự thành đạt của mình khi anh quyết định quăng đi cái “cần câu cơm” để quyết gửi vài lời gan ruột tới một cái thủ. Và nghệ sỹ Kim Chi, với những lời khen của đồng nghiệp và bạn bè dành cho chị sau mấy mươi năm vào sinh ra tử giữa khói lửa đạn bom, hay trên sân khấu cũng có thể chỉ đáng coi như những thành công, còn “thành đạt” mà chị dành được cho riêng cuộc đời nghệ sỹ, là một tuyên bố mới đây, khước từ danh vọng và bất chấp hiểm nguy. Nhà văn Nguyễn Quang Lập thành đạt từ khi “trồng cây khế ngọt” Quechoa cho mọi người trèo hái!…

Còn nhiều lắm… Nhà văn nguyễn Quang Vinh đau nỗi đau của gia đình họ Đoàn nơi Cống Rộc. Điếu cày Nguyễn văn Hải, blogger Tạ phong Tần, Bùi Minh Hằng… và biết bao người đã chui ra khỏi “hầm trú ẩn” để dấn thân, đích thị là những người thành đạt. Bs Huỳnh Tấn Mẫm, nếu xưa vì xuống đường cùng sinh viên, nhờ thế mà “thành công” thì nay, nhờ đứng bên Gs Tương Lai và những trí thức chân chính khác, tự xác định vị trí tiên phong trong công cuộc đòi dân chủ, nhân quyền cho VN, đã xứng đáng là người thành đạt trong cuộc đời. Cũng với quan niệm của những người tốt thì nhà văn Nguyên Ngọc xem ra chỉ thành đạt ở cái tuổi “Gần đất xa Trời”, ở cái việc ông đi đầu trong đoàn người “No U” và những tuyên ngôn khẳng khái của mình. Nhạc sỹ Tô Hải thành đạt với việc dũng cảm nhận mình là “thằng hèn” đau đớn trước sự tha hóa của chế độ. Tướng công an Phạm Chuyên khẳng định sự thành đạt mãi lúc về hưu , bằng bài thơ quá hay với “văn bút” Người Hèn, vứt đi cái ác cảm cố hữu của “dân sự” dành cho cá nhân ông và có thể cho cả cái ngành ông vừa bước ra…

Nếu quan niệm về sự “thành đạt” của một cá nhân, thể hiện qua đóng góp công lao của họ cho cộng đồng, cho Đất Nước, (chứ không phải ở cái việc vinh thân phì gia, quyền cao chức trọng), thì những chính khách cũng dự phần. Đó là nguyên TBT ĐCS VN Lê khả Phiêu, với việc chỉ ra sự hư hỏng của cái đảng mà một thời ông trót cầm đầu, với sự thừa nhận sự hư hỏng đó như bệnh ung thư! Đó cho dù không phải là cái giá trị thực trong con người ông, thì ông cũng đã nhanh tay “ghi điểm” giá trị “để đời” ,ghi dấu sự thành đạt duy nhất xứng đáng. Ông Nguyễn Văn An, tuy không đủ can đảm nhận mình là “người hèn” hay “thằng hèn”; nhưng việc chỉ ra được những căn nguyên đích thực dẫn tới sự hủy hoại nền kinh tế, làm băng hoại xã hội ngày nay là bởi từ “lỗi hệ thống”, cũng kịp ghi tên mình vào danh sách những người thành đạt khi chưa quá muộn…

Đất nước Việt Nam đang rên xiết. Dân tộc Việt Nam đang quằn quại bởi “lỗi hệ thống”, bởi “căn bệnh ung thư” do chính “bầy sâu” gây ra. Ai là người khắc phục được “lỗi hệ thống”? Ai là người bắt được cả một bầy sâu? Chính những kẻ gây ra “lỗi hệ thống”, (hay là Nhân Dân) phải sửa “lỗi” đó, là người bắt bầy sâu đang cắn nát cơ thể gầy mòn Dân Tộc!

Với quan niệm của những người tốt, thì chức tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch QH, hay TTCP, cũng chưa phải là sự “thành đạt” của những CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH; nếu có chăng thì chỉ là sự “thành công” cho cá nhân họ, cho gia đình họ, hay cho mục tiêu “hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp” mà họ đặt ra. Cơ hội cho họ “thành đạt” vẫn bỏ ngỏ. Họ có với tới được chiếc cúp “thành đạt” hay không, không phải “Đã hết giờ” đối với họ. Cũng không vì giới hạn ở khả năng, ở tư duy…mà cái chính là cái Tâm của họ. Và đó cũng là cửa ải khó nhất thử thách họ. Chúng ta không kỳ vọng một con người Thein Shein ở họ. Chúng ta chỉ mong họ noi gương đồng chí của họ- những người vừa hôm qua để lại chiếc ghế mà họ đang ngồi hôm nay đó thôi. Chúng ta không kỳ vọng họ là Thein Shein, nhưng chúng ta hy vọng họ tự tuyên bố là “người hèn”, là “những thằng hèn”, thừa nhận có “lỗi hệ thống”. Và chỉ bằng sự thừa nhận thực tế đó, thì họ đã ghi tên mình vào danh sách những người “thành đạt” rồi đó. Trước sau họ cũng có tên trong cuốn sử nước nhà. Nhưng trong cuốn sử vàng dân tộc, có tên của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung; Lại cũng có tên của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc nữa.

Và người THÀNH ĐẠT, chắc chắn không phải cái tên Thống hay Tắc kia.

Kẻ nào đang tước đi cơ hội Thành Đạt của những trai trẻ kia, những người đang bị xui khiến vào cái việc dẹp người đến dự phiên tòa bên ngoài kia, bên trong này. Cả những trai trẻ mặc áo chống đạn, trang bị tận răng, xả súng AK theo lệnh giết chóc gia đình Anh Vươn; những trai trẻ dùng sức trẻ của mình với những xảo thuật hèn hạ được học hòng trấn áp người biểu tình yêu nước. Họ như Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy, như robot được lập trình, chẳng cảm xúc, không tư duy!…

Ở phiên tòa hôm nay, NGƯỜI THÀNH ĐẠT đang mặc áo phạm nhân, chứ không phải kẻ khoác áo quan tòa! Nếu anh ta có tội, thì cũng là có tội với đảng này và luật pháp của đảng này, tuyệt không hề có tội với nước với dân. Liệu trong những khuôn mặt trai trẻ đang mặc đồng phục kia, có ai mơ “thành công”, trở thành đại tá Đỗ Hữu Ca, mà xem nhẹ giá trị lớn lao trở thành người “thành đạt” (nên Người), trở thành Anh Hùng, như người nông dân đang đứng trước vành móng ngựa của bạo quyền mà không hề run sợ!

Tác giả gửi quechoa.vn
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)




No comments:

Post a Comment

View My Stats