Tue, 04/02/2013 - 18:56 — ledienduc
Phiên toà sơ thẩm xét xử Đoàn Văn Vươn và
người thân bắt đầu vào ngày 2/4. Một ngày mệt nhọc và căng thẳng. Từ ngoài vào
trong.
Đúng như tôi dự đoán, khó có thể thay đổi
được ý đồ của nhà cầm quyền với bản cáo trạng đã lật ngược vấn đề. Điều này dễ
thấy từ thái độ của nhà cầm quyền từ bên ngoài và bên trong cũng như định hướng
dư luận.
Bên trong. Từ việc
cướp đất bất hợp pháp chuyển thành "công vụ", khi bản trong bản cáo
trạng đã cố tình ngày 4/01/2013 của Viện kiểm sát Nhân dân Hải Phòng đã cố ý bỏ
quên một chí tiết rất quan trọng mang tính quyết định cho kết luận về vụ án:
cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn là sai trái.
Đúng là "tòa án đã giải quyết và giữ
nguyên quyết định số 461/QĐ-UBND" ngày 7/4/2009, tức quyết định thu hồi
đất, nhưng anh Vươn đã kiện quyết định này lên Toà Phúc thẩm và Tòa Phúc thẩm
đã hoà giải, bằng “Biên bản thỏa thuận” giữa nguyên đơn và bị đơn: nếu nguyên
đơn rút đơn thì UBND huyên Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất. Ngày 19/4/2011
anh Vươn rút đơn, ngày 22/4 Toà án đình chỉ xét phúc thẩm, nhưng ngày
24/11/2011 UBND huyện Tiên Lãng đã lật lọng, vẫn ra quyết định 3307/QĐ-UBND cho
thu hồi.
Vụ án đã bị đảo lộn! Từ truy tố những quan
tham đã tiến hành cưỡng chế cướp đất sai pháp luật thành truy tố những người
nông dân cùng đường, quyết tâm giữ đất, giữ thành quả lao động của mình bằng
mọi giá.
Người ta đã nỗ lực bảo vệ bằng được những
tay cướp đất bằng một phiên toà bất công, trái với luân thường đạo lý. Công lý
thuộc về kẻ mạnh. Người nông dân chân chất, chấn lâm tay bùn, chẳng có gì hơn
ngoài tiêng kêu oán hận và đau thương. Nhà cửa tan tành, cơ ngơi bị tàn phá,
tương lai không biết sẽ ra sao.
Báo chí lề đảng đồng loạt đưa tin về phiên
toà, nhưng rõ ràng theo hướng bất lợi cho những người bị nạn. Chủ yếu thông tin
được dựa trên cáo trạng mà bản thân nó đã sai trái. Việc mớm cung, ép cung kèm
theo đe doạ, đánh đập trong giai đoạn điều tra mà những nạn nhân khai trước toà
đều không được nói tới.
Sự quan tâm và theo dõi của nhiều người
chưa lúc nào như thế. Nó như là sự dồn nén bất công đầy ắp trong xã hội và có
dịp được bộc lộ. Đây là một vụ án lớn. Lần đầu tiên người nông dân đã nổ súng
chống lại lực lượng cưỡng chế của chính quyền. Đã có hơn 800 bài báo và hàng
ngàn bình luận trên báo lề đảng. Đã có cuộc họp chỉ đạo của Thủ tướng. Đã có
tiếng nói của rất nhiều nhân vật từng giữ trọng trách trong chính quyền.
Người ta đã so sánh vụ án với "vụ án
Nọc Nạn" năm 1928, như một phép thử nên công lý xã hội chủ nghĩa với thực
dân, phong kiến. Trong vụ án Nọc Nạn, bốn người nông dân và một lính Pháp chết,
nhưng toà đại hình Cần Thơ đã tha bổng cho những người liên quan. Thắng lợi của
công lý trước hết thuộc về báo chí tự do của Sài Gòn bây giờ. Nhiều nhà báo đã
vào cuộc, xuống tận nơi điều tra và nhờ hai luật sư Pháp biện hộ miễn phí cho
nông dân.
Vụ án Đoàn Văn Vuơn xảy ra trong bối cảnh
khác. Nó đánh vào điểm nóng nhất và phức tạp nhất của chế độ hiện tại: Dân oan.
Đã có hàng triệu lượt người tới các cơ quan công quyền khiếu nại về đất đai.
Lũng đoạn, đầu cơ, và tham nhũng đã đưa đến những thảm kịch bi thảm như bà Đinh
Thị Liêng đã tự thiêu, hay mẹ con bà Phạm Thị Lài ở Cần Thơ, khoả thân phản
đối. Người anh hùng lao động trở thành kẻ bơ vơ không nhà, như vụ án bà Nguyễn
Thị Sương, cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu.
Bên Ngoài. Vụ án
Đoàn Văn Vươn đã cho thấy một không khí khác khác hẳn. Có tới 7, 8 chiêc xe
khách chở bà con nông dân Văn Giang, Dương Nội vào Hải Phòng tham dự phiên toà,
nhưng bị chặn lại ở trạm thu phí Quán Toan, cách trung tâm Hải Phòng 20 km.
Trong số này, nhìn thấy một số khuôn mặt quen thuộc như chị Bùi Thị Minh Hằng,
Trương Văn Dũng, v.v... Những con người hết lòng, không phải chỉ vì anh Vươn,
mà vì công lý, vì cần có sự cảm thông, chia sẻ cùng một nỗi oan ức, đã bất chấp
khó khăn, tìm cách tiếp cận phiên toà.
Họ đã hình thành có tổ chức, ăn mặc đồng
phục áo phông trắng có dòng chữ "Không có đất chúng tôi sống thế
nào", có biểu ngữ cầm tay chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên vẫn còn thụ động, thiếu
vắng chiến thuật và biện pháp, vì đã lường trước sự phong toả như những phiên
toà trước đó xử anh Cù Huy Hà Vũ hay anh Điếu Cày. Mọi con đường vào toà án đều
bị chặn, nhưng một số lọt được, chắc đi bằng phương tiện riêng. Có thể nhìn
thấy một số khuôn mặt quen thuộc Mai Xuân Dũng, Phạm Hồng Sơn, giáo sư Ngô Đức
Thọ, Nguyễn Hoàng Vi... Sẽ hiệu quả biết bao, dù cách vài trăm mét, hàng trăm
người sẽ tạo ra môt khí thế khác, sẽ gây áp lực mạnh mẽ. Họ đã bị phong toả,
đánh đập thô bạo, bắt giữ và số người tới gần nơi có phiên toà chỉ khoảng vài
chục.
Thật là đểu cáng và ô nhục. Một phiên toà được gọi là
công khai mà hèn hạ, thổ tả như vậy!
Người nhà anh Đoàn Văn Vươn cũng không ai được vào, kể cả đã trình hộ khẩu và
chứng minh thư cũng không được. Sau khi kêu gào thảm thiết khản cả giọng, cuối cùng an ninh
mới cho mẹ và chị gái anh Vươn vào dự phiên tòa.
Ủng hộ anh Đoàn Văn Vươn đã không dừng lại
ở gom chữ ký, kiến nghị, đốt nến cầu nguyện ở nhà thờ.
Rất tiếc, không thấy sự có mặt của bà con
giáo dân, trong khi ngày 29/3/2013, Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Giám mục
Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa Bình trực thuộc Hội đồng Giám
mục Việt Nam và Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, đã
đồng ký tên trong một Văn thư gửi tới TAND thành phố Hải Phòng, yêu cầu “làm
việc khách quan theo như tinh thần sửa đổi Hiến Pháp mà Việt Nam đang nỗ lực
thực hiện. Trong mọi trường hợp, chỉ nhân danh công lý để bảo vệ quyền lợi hợp
pháp của người dân”. Văn thư khẳng định: “”Việc cưỡng chế của chính quyền huyện
Tiên Lãng là hành vi vi phạm pháp luật, nên tự bản chất nó không còn là “thi
hành công vụ”… Việc chuẩn bị của anh em Đoàn Văn Vươn trong việc cài chất nổ
đơn giản quanh vườn và việc xử dụng súng hoa cải là một hành động tự vệ chính
đáng… Vì thế, họ phải được trả tự do và được bồi thường thiệt hại thỏa đáng”.
Nếu như có một lời kêu gọi giáo dân xuống
đường tham dự trong buổi đốt nến cầu nguyện... Nếu thôi, bởi vì tôi hiểu rằng,
nhà thờ không muốn đi quá giới hạn.
Dù sao, sự có mặt của bà con nông dân, của
những bloggers can đảm cũng nói lên được một điều gì đó. Nó cho thấy vai trò tổ
chức cần thiết như thế nào. Phải có phương án B. Nếu bị chặn thì hành động phải
ra sao?
Vẫn còn những ngày tới. Đoàn Văn Vươn và
những người thân e rằng khó thoát khỏi âm mưu đã xác định sẵn của bạo quyền:
che giấu sai lầm của các quan chức Hải Phòng trong vụ cưỡng chế sai pháp luật,
dằn mặt dân oan truớc mọi hành động chống đối.
Khó mà có thể có công lý khi phiên toà
"công khai" mà bị phong toả như "một khu tự trị". Dù chưa
kết thúc phiên toà, những bản án nặng nề như định mệnh đã buộc vào cổ người
nông dân chân chất, muôn đời lầm than, "ngẩng đầu lên chẳng thấy mặt
trời".
© Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment