Saturday 27 April 2013

LHAKAR, MỘT HÌNH THỨC ĐẤU TRANH MỚI TẠI TÂY TẠNG (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 24 Tháng 4 2013 19:56

Trước sự đàn áp ngày càng gay gắt và tinh vi của Bắc Kinh trên lãnh thổ Tây Tạng, người dân tại đây đã tìm ra một phương thức đấu tranh mới mang tên Lhakar, nghĩa là "Thứ Tư trắng", hay "Hiến dâng trọn vẹn".

Phong trào Lhakar bắt đầu xuất hiện từ năm 2008 sau cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại sự thống trị của người Trung Quốc và đã bị dập tắt trong biển máu. Chiến lược chống đối lúc ban đầu thể hiện qua sự hy sinh để tôn vinh tính bất khuất và tinh thần độc lập của người Tây Tạng. Bốn năm sau, phong trào này đã thay đổi hẳn chiến lược đấu tranh : từ bỏ đường lối đấu tranh tập thể, lấy văn hóa làm vũ khí đấu tranh và áp dụng nguyên tắc bất hợp tác.

Từ bỏ đấu tranh tập thể

Ưu điểm của phương pháp này là sự giản dị dựa trên yếu tố nền tảng của quyền tự do cá nhân. Đó là những sinh hoạt thường ngày của từng người dân, như đi vào đền thờ để cầu nguyện, nghe loại nhạc mình thích, ăn trong nhà hàng nào mình muốn, sử dụng tiếng mẹ đẻ trong nhà, vân vân. Nói chung là rất dễ làm và ai cũng làm được.

Lý do chọn tên Lhakar (Thứ Tư) là trong thập niên 1980, người Tây Tạng thường có thói quen tập trung vào đền Jokhang ở thủ đô Lhassa mỗi Thứ Tư trong tuần để cầu nguyện chung. Họ đốt đèn dầu và thắp nhang cầu nguyện một cách lén lút cho vị Đạt Lai Lạt Mạ (Dalai Lama), lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, lúc đó đang sống ly hương tại Ấn Độ từ năm 1959. Những buổi cầu nguyện này hoàn toàn vì lý do tôn giáo và mang tính biểu tượng, vì Đạt Lai Lạt Ma được sinh ra vào ngày Thứ Tư.
Phong trào Lhakar bắt đầu chuyển hướng từ năm 2008 sau những đợt trấn áp tàn bạo của người Trung Quốc khiến người Tây Tạng chống đối quyết liệt hơn và sự đấu tranh của thế hệ trẻ Tây Tạng thiên về chính trị hơn, không gia đình nào không dính líu ít hay nhiều vào một trong hai khuynh hướng mới này. Cho đến năm 2009, 113 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự thống trị của Bắc Kinh trên toàn lãnh thổ Tây Tạng.

Để tiêu diệt làn sóng đấu tranh mới này, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để triệt hạ bất cứ mầm mống chống đối nào. Để tồn tại, người Tây Tạng đã phát minh ra một hình thức đấu tranh mới : kháng cự lại bằng những biện pháp đấu tranh bất bạo động phi tập thể, nghĩa là bằng những sáng kiến và hành động cá nhân. Cụ thể là mỗi người, mỗi gia đình trở về với nếp sống truyền thống của người Tây Tạng, nghĩa là ăn mặc áo quần cổ truyền, ăn uống theo truyền thống Tây Tạng, nghe những đài phát thanh bằng tiếng tây Tạng từ nước ngoài, truyền bá và sử dụng tiếng mẹ đẻ khi nói chuyện với nhau, tổ chức những buổi hội họp để nhắc nhở người Tây Tạng bị trù dập trong suốt những năm qua…

Với thời gian, những sinh hoạt văn hóa và bất bạo động nói trên chuyển thành những phản ứng mang tính chính trị, theo đó người Tây Tạng không những xác nhận mình là người Tây Tạng mà còn khẳng định mình không phải là người Hán. Khi xác nhận bản thể Tây Tạng, người Tây Tạng khẳng định mình không phải là người Hán. Không ngờ khi chọn phương pháp đấu tranh mới này, phong trào Lhakar đã được tản quyền hóa và tản mác đi khắp nơi, bất cứ nơi nào cũng có thể là địa bàn đấu tranh : nhà ở, nơi làm việc, máy vi tính cá nhân, từ thành thị đến nông thôn. Tùy theo điều kiện sống và khả năng của mỗi người, cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của người Tây Tạng đã gần như chinh phục đại đa số người Tây Tạng trong các lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Phong trào Lhakar không hy vọng gì vào một thay đổi chính trị hay sự cởi mở của chính quyền Bắc Kinh và khuyến khích mỗi người Tây Tạng trong vị thế của mình tiếp tục suy nghĩ về một xã hội tự do cho người Tây Tạng và lấy những quyết định cá nhân để thực hiện nếp sống trong cuộc sống thường ngày, như ăn uống, ăn mâc, nói tiếng mẹ đẻ. Khi cá nhân hóa cuộc dấn thân, phong trào Lahakar tiếp tục sứ mệnh kháng cự sự thống trị của Bắc Kinh và cho phép mỗi cá nhân cơ hội và phương tiện hành động theo ý muốn của mình miễn sao giữ được bản thể.

Lấy văn hóa làm vũ khí đấu tranh

Từ sau 2008, phong trào Lhakar đã làm sống lại nếp sống Tây Tạng và được sự hưởng ứng triệt để của người Tây Tạng cả trong lẫn ngoài nước. Tại hải ngoại, do có tự do và điều kiện sống dễ dãi hơn trong nước, cộng đồng người Tây Tạng di cư tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa Tây Tạng, nhất là phát triển nghệ thuật, văn học, thi ca và âm nhạc Tây Tạng đề cao lòng yêu nước, nỗi khát khao tự do và tôn vinh những ý tưởng cao cả của Đạt Lai Lạt Ma. Trong nước, vì không thể duy trì và phát triển văn hóa một cách tự do, mỗi cá nhân hãy bằng sáng kiến cá nhân tránh không bị đồng hóa bởi văn hóa của những di dân gốc Hán đang phổ biến trên lãnh thổ của họ.

Chính qua những kháng cự bằng văn hóa này, sinh hoạt chính trị của người Tây Tạng đã được hồi sinh. Một không khí phấn khởi, niềm tự hào là người Tây Tạng lan rộng khắp nơi. Bất cứ ở đâu và bất cứ nơi nào, các thế hệ người Tây Tạng, nam phụ lão ấu đều hăng say nói tiếng Tây Tạng và sống với văn hóa Tây Tạng, tránh tối đa sử dụng tiếng Hán trong những trao đổi thường nhật. Những nghệ sĩ trước kia phải sử dụng tiếng Hán để sáng tác, nay quay trở lại với tiếng mẹ để sáng tạo những tác phẩm âm nhạc và thơ văn mới. Tự điển tiếng Tây Tạng được phát không cho người Tây Tạng sinh sống trong các tỉnh Tứ Xuyên và Tân Cương. Trên những trang mạng Weibo, Twitter và Facebook, những blogger Tây Tạng sử dụng tiếng Tây Tạng để trao đổi vào mỗi Thứ Tư trong tuần.

Ngày nay, tinh thần Lhakar tỏa rộng khắp nơi, từ thủ phủ Lhassa đến những vùng thôn quê hẻo lánh, từ trung tâm Litang qua Ngaba, Rebkong, Sertar đến Nangchen. Đi đâu người ta cũng thấy văn hóa Tây Tạng được phát huy một cách triệt để, từ thi ca, văn học đến những sinh hoạt mang tính kinh tế, chính trị và xã hội.

Bất hợp tác trong mọi lãnh vực

Yếu tố cuối cùng của phong trào Lhakar là bất hợp tác, tẩy chay và không hòa nhập với người Hán. Yếu tố này không những làm vừa lòng người Tây Tạng mà còn giúp người Tây Tạng có mức sống khá hơn. Phương thức đấu tranh này rất giản dị, người Tây Tạng chỉ mua hàng của người Tây Tạng và ăn uống trong những cửa hàng Tây Tạng. Qua những hành động này, lợi tức của giới nông dân và thương nhân Tây Tạng gia tăng và sinh hoạt của họ phát triển trở lại. Hàng hóa điện tử và hàng gia dụng made in China nếu do người Hoa bán thì không ai mua, nhưng nếu do người Tây Tạng kinh doanh thì rất bán chạy. Hậu quả của phương pháp này đã rất tai hại cho doanh nhân gốc Hoa trong các thành phố Tây Tạng, nhiều cửa hàng và tiệm buôn của người Hoa bị khánh tận buộc phải đóng cửa và đi nơi khác vì không có khách hàng.

Triết lý của phương pháp bất hợp tác này có lẽ dựa vào triết lý bất bạo động của Gandhi tại Ấn Độ trong những năm 1940 là không hợp tác về kinh tế với đế quốc Anh. Lần đầu tiên người Tây Tạng khám phá rằng những sinh hoạt đối kháng mang tính bất bạo động đã mang lại những kết quả rất cụ thể và rất khích lệ. Từ chỗ là nạn nhân, người Tây Tạng trở thành tác nhân làm thay đổi xã hội và không chừng có thể giành lại những quyền đã mất như quyền tự trị và tự quản ngay trên quê hương của mình. Tinh thần bất bạo động hiện nay không còn giới hạn trong lãnh vực tôn giáo mà trở thành một vũ khí chiến lược hữu hiệu giải tỏa sự sợ hãi và gây lại niềm tin.

Ước muốn phục hồi quyền tự trị cho Tây Tạng đang phục hồi trong những phòng trà, nhà hàng, hội quán do người Tây Tạng làm chủ. Sự sợ hãi người Trung Hoa đã giảm đi rất nhiều và giới trẻ Tây Tạng được khuyến khích phát huy sáng kiến và ý kiến để duy trì nếp sống cổ truyền và truyền thống dân tộc trong điều kiện chờ đợi giành lại quyền tự trị.

Trước sự lớn mạnh của phong trào Lhakar, Bắc Kinh đã tỏ ra lo ngại và đang tìm biện pháp dập tắt. Khó khăn của Bắc Kinh là không truy tìm người lãnh đạo để tiêu diệt vì nó ở trong lòng mỗi người Tây Tạng. Hơn nữa phong trào này không thể hiện ra ngoài đường phố, do đó rất khó trấn áp vì không có đối tượng. Trước một đối thủ vô hình, chính quyền Trung Quốc không thể dập tắt được cuộc tranh đấu của người Tây Tạng, vì mỗi người Tây Tạng là một chiến sĩ bất bạo động mà vũ khí chống trả là sự bất hợp tác.

Những biện pháp cấm đoán và bắt giam người Tây Tạng mặc áo cổ truyền chuba, cấm nói tiếng Tây Tạng, cấm ăn chay kiểu Tây Tạng ngày Thứ Tư của các cấp chính quyền Trung Quốc địa phương chỉ như nước đổ lá môn không hiệu quả. Không ai có thể tiêu diệt được một sinh hoạt văn hóa cổ truyền, những biện pháp đàn áp chỉ khuyến khích người Tây Tạng oán ghét thêm người Trung Quốc và càng bất hợp tác hơn nữa. Càng cấm đoán, càng trấn áp, chính quyền Trung Quốc tại Tây Tạng chỉ nhận nhận lại những kết quả ngược lại.

Nói tóm lại, tuy phong trào Lhakar chủ trương đấu tranh cá nhân nhưng trong thực tế đó là một cuộc đấu tranh tập thể vì tất cả đều hành động theo một nhận thức chung : phục hồi văn hóa và nếp sống cổ truyền của người Tây Tạng. Với phương pháp đấu tranh mới này, chính quyền Trung Quốc rất khó chiến thắng.

Nguyễn Văn Huy


No comments:

Post a Comment

View My Stats