Wed, 04/10/2013 - 15:56 — songchi
Câu chuyện một số em học sinh trường THPT
Nguyễn Hiền, TP.HCM đồng loạt xé đề cương thi môn Sử khi biết lịch thi tốt
nghiệp trung học phổ thông năm nay không có môn này đang gây ra nhiều suy nghĩ
trái chiều trong mọi người.
Có những người không đồng tình với hành
động này của các em, thậm chí phê phán gay gắt. Nào là các em đã hành xử một
cách thiếu suy nghĩ, thiếu văn minh, thiếu giáo dục, không tôn trọng kiến thức
mình đã học, không tôn trọng những thầy cô dạy Sử, không yêu quý môn Sử, mà
không yêu quý môn Sử cũng có nghĩa là không yêu quý lịch sử của dân tộc, không
tự hào về dân tộc, tổ quốc mình v.v…Nhưng nhiều hơn, là những ý kiến cho rằng hành
động này của các em tuy đáng trách nhưng suy cho cùng, vì đâu, lỗi tại ai? Rõ
ràng là do nội dung, phương pháp dạy và học môn Sử lâu nay tại các trường trung
học ở VN quá chán, quá lạc hậu.
Hãy làm một cuộc khảo sát nghiêm túc, phỏng
vấn hàng ngàn hàng vạn học sinh VN đang học trung học, xem các em nghĩ gì về
môn Sử, các em có thấy hứng thú với bộ môn này không, tôi tin chúng ta sẽ nhận
được kết quả trung thực đa số không thích, thậm chí rất chán hay sợ học môn Sử.
Mà thật ra thì cần gì phải khảo sát. Thực tế lâu nay đã chứng tỏ điều đó.
Khi chọn ban, so với các ban A, B, D, thì
ban C-Văn, Sử, Địa luôn luôn có số học sinh ít nhất, thậm chí nhiều trường đã
tìm cách này cách khác khuyến khích học sinh chọn ban C nhưng tình hình vẫn
không khá hơn. Khi thi vào đại học, số học sinh chọn các ngành Văn, Sử, Địa để
theo học hàng năm cũng luôn luôn ít hơn các ngành thuộc loại dễ kiếm việc, dễ
kiếm tiền hoặc có địa vị trong xã hội như y, dược, kinh tế, ngoại thương hay
bách khoa. Mấy năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp trung học hoặc thi đại học có môn
Sử thì kết quả thường rất thấp.
Còn nhớ trong kỳ thi vào đại học năm 2011,
trước sự lo lắng của dư luận xã hội khi kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh bị điểm
kém môn lịch sử quá cao, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã
thản nhiên trả lời: “hàng ngàn điểm O môn Sử là bình thường”, rằng “điểm
lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại,
của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của
thị trường lao động…”. Còn khi phóng viên hỏi có phải nguyên nhân chủ yếu
là do vấn đề dạy và học và làm thế nào để thay đổi thì ông Bộ trưởng cứ trả lời
chung chung, mơ hồ rằng “việc thay đổi cũng không phải đơn giản đâu”,
rằng “Thay đổi như thế nào thì phải bàn.” (“Hàng ngàn điểm 0 môn sử
là bình thường”, báo Pháp luật TP.HCM).
Chắc ông Bộ trưởng chưa bao giờ thử làm một
chuyến đi khảo sát qua một số nước khác xem tình hình học và dạy môn Sử ở bậc
trung học của người ta như thế nào, học sinh có hứng thú học không, có bị điểm
thấp như lời ông đó là “chuyện của thời đại” hay không.
Bản thân người viết bài này từng học trung
học rồi đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa VN, từng là phụ huynh của học
sinh bậc trung học ở VN sau đó con lại học tiếp trung học ở Na Uy. Đồng thời,
người viết bài này cũng có bạn bè người quen họ hàng có con em đang học tiểu
học, trung học ở nhiều quốc gia khác nhau từ Mỹ, Canada, Anh, Úc, Pháp, Đức,
New Zealand, Bỉ, Hà Lan v.v… thì xin nói thẳng là ở các quốc gia kể trên và
nhiều quốc gia khác nữa, môn Sử nhìn chung không bị học sinh chán, sợ, học
không vào như ở VN đâu ạ.
Ở nhiều nước, môn Sử ở bậc trung học có
phần lịch sử trong nước, lịch sử quốc tế, trình bày khách quan mọi sự kiện diễn
ra dưới những góc nhìn khác nhau-góc nhìn của giai đoạn đó, quan điểm lật ngược
lại sau một thời gian và góc nhìn hiện đại, đương thời. Học sinh được tham khảo
ít nhất vài ba cuốn sách giáo khoa khác nhau về cùng một giai đoạn lịch sử,
cùng một vấn đề, được tranh luận thoải mái, tha hồ phát biểu những suy nghĩ của
mình, rồi đi bảo tàng, xem phim, đọc sách tìm hiểu thêm…Môn Sử vì thế trở nên
rất hứng thú. Học sinh nhiều em thích học Sử vì biết được quá khứ và hiện tại,
chuyện gì đã/đang xảy ra trên nước mình và trên thế giới, nhiều em cho rằng học
Sử giúp mình trở nên sâu sắc hơn.
Ở VN, môn Sử chán vì nặng tính chính trị,
tính tuyên truyền, phần lớn dung lượng của môn Sử ở bậc trung học phổ thông là
dành để học về lịch sử đảng cộng sản VN từ lúc thành lập cho đến khi trải qua
hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ. Nội dung thì toàn là ta thắng địch
thua, toàn trận đánh này trận đánh kia, tràn ngập những con số ngày tháng học
rất khô, rất khó nhớ. Toàn bộ sự kiện lịch sử được ghi lại theo quan điểm của
nhà cầm quyền, sách giáo khoa thì lại rất tụt hậu so với chính lịch sử của đất
nước, chậm mất mấy thập niên, chẳng hạn cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc,
cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, sự kiện mất Hoàng Sa Trường Sa…cho đến nay
vẫn chưa được trình bày rõ ràng chi tiết cho học sinh biết. Đã vậy học sinh lại
được dạy theo cách thụ động, nghe giảng, ghi chép, học thuộc lòng, nên đâm ra
chán, ngán, chỉ cố nhồi vào cho xong để thi rồi sau đó quên hết, chữ thầy trả
lại thầy. Cách dạy, cách học ở VN nhìn chung là như vậy, học vì điểm số, học để
đối phó với những kỳ thi là chính.
Thi cử ở VN lại càng là nỗi ám ảnh đối với
học sinh. Ví dụ như thi tốt nghiệp trung học, thi cử mà cứ như đánh đố, trừ 3
môn năm nào cũng có là Toán, Văn, Ngoại ngữ thì còn khoảng chưa tới hai tháng
mới biết được đầy đủ năm nay thi môn gì. Cho nên các em học sinh trường Nguyễn
Hiền reo hò, xé đề cương thi môn Sử vì vừa được biết năm nay không có thi môn
Sử. Chợt nghĩ, nếu Bộ Giáo dục sợ năm nào cũng cho thi 6 môn nào đó thì những
môn khác học sinh không thèm học, vậy sao không cho thi 3 môn bắt buộc là Toán,
Văn, Ngoại ngữ, còn lại 3 môn học sinh được tự chọn trong số những môn còn lại
Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh. Như vậy có phải học sinh và thầy cô khỏi phải hồi hộp
vì không biết năm nay thi môn gì mà lại có tính nhân bản hơn hay không.
Chuyện chương trình, sách giáo khoa, phương
pháp dạy và học các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa ở bậc trung học phổ
thông…đã được dư luận “mổ xẻ” rất nhiều lần, nhưng rồi đâu vẫn vào đó. Tình
trạng học sinh chán ghét các môn khoa học xã hội đã tồn tại từ lâu. Ai cũng
biết, những bộ môn khoa học xã hội mới chính là những môn đào tạo nên phần tâm
hồn, nhân cách của một con người. Đừng hỏi tại sao đạo đức xã hội VN ngày càng
xuống thấp, tại sao tội ác các kiểu ngày càng nhiều, với mức độ tàn bạo, dã
man, vô nhân tính ngày càng tăng.
Dù rất khác nhau, nhưng nghĩ kỹ vẫn có cái
gì đó tương tự giữa hành động nổi dậy bắn vào chính quyền địa phương, chống lại
lệnh cưỡng chế đất của người nông dân Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng, Hải
Phòng, và chuyện các em học sinh trường Nguyễn Hiền, TP.HCM đồng loạt xé đề
cương thi môn Sử. Đều là kết quả đồng thời là tiếng chuông cảnh báo từ những
chính sách sai lầm kéo dài quá lâu trong một mô hình thể chế sai lầm. Hay như
mọi người thường nói, “lỗi hệ thống”!
No comments:
Post a Comment