Wednesday, 10 April 2013

HOA KỲ MỞ ĐIỀU TRẦN VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (BBC)




BBC
Cập nhật: 13:27 GMT - thứ hai, 8 tháng 4, 2013

Hạ viện Hoa Kỳ sắp mở phiên điều trần để tham khảo các ý kiến quan sát độc lập về thực trạng và hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 11/4/2013 tại Washington.

Một Bấm thông báo trên trang mạng chính thức của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói phiên điều trần sẽ nhấn mạnh các "vi phạm về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam" trước cuộc đối thoại Mỹ - Việt về nhân quyền thường niên sắp nối lại trong năm nay.

Chủ trì phiên điều trần dự kiến vào thứ Năm tuần này, Chủ tịch tiểu ban Christ Smith nói trên trang mạng Hạ viện:
"Phiên điều trần sẽ xem xét các vi phạm về nhân quyền mà Chính quyền Việt Nam tiến hành đối với chính các công dân của mình, đặc biệt những vi phạm gây rối nhiễu sâu sắc tới các quyền tự do tôn giáo và sắc tộc, nhất là là sự đồng lõa trong nạn buôn bán người."

Nghị sỹ Smith nói thêm trong thông báo: "Những lời chứng của các nhân chứng đặc biệt của chúng tôi sẽ cung cấp bằng chứng thuyết phục để Bộ Ngoại giao đặt vấn đề một cách quyết liệt trong cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ - Việt được dự kiến diễn ra một ngày sau đó.
"Tiểu ban cũng sẽ xem xét một cách có phê phán thông báo của Việt Nam trở thành ứng viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cho nhiệm kỳ 2014-2016," Chủ tịch tiểu ban Smith cho biết.

Cũng theo thông báo của Hạ viện Mỹ, phiên điều trần sẽ nghe các ý kiến quan sát độc lập từ một số các nhà hoạt động, đại diện các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế về Việt Nam, cũng như đại diện nạn nhân.

Sáu đại biểu được mời tham dự trình bày gồm cựu dân biểu liên bang Mỹ, ông Joseph Cao, chủ tịch ủy ban nhân quyền Việt Nam ở hải ngoại Giáo sư Võ Văn Ái, phát ngôn nhân Tổ chức nhân quyền cho sắc dân miền núi Anna Buonya, thân nhân một nạn nhân bị buôn người - bà Bùi Danh, nạn nhân vụ đàn áp tôn giáo ở Giáo xứ Cồn Dầu - ông Trần Tiến và Giám đốc vận động cho Tổ chức Human Rights Watch khu vực Á châu, ông John Sifton.


'Đàn áp mạnh tay'

Hôm thứ Hai, từ Paris, Giáo sư Bấm Võ Văn Ái, người đồng thời giữ cương vị Giám đốc Văn phòng thông tin Phật giáo quốc tế nói với BBC rằng "vấn đề nhân quyền ở Việt Nam càng ngày càng đi xuống" và "sự đàn áp càng ngày càng lớn lao trên khắp mọi phương diện của đời sống xã hội".

Giáo sư Ái cho rằng phiên điều trần sắp tới của Hạ viện Mỹ về nhân quyền ở VN thể hiện sự chú trọng của chính quyền Mỹ, trong bối cảnh ngay trước Đối thoại nhân quyền thường niên Mỹ - Việt sắp tái nhóm và Hà Nội đang đệ đơn trở thành ứng viên cho một ghế tại Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc và tin rằng phiên điều trần "sẽ có những tiếng nói" nhất định tác động vào chính sách của Quốc hội và chính quyền Mỹ với Việt Nam.

Giáo sư Võ Văn Ái nói Việt Nam đang đàn áp nhân quyền càng ngày càng tăng trên mọi khía cạnh đời sống xã hội

Gần đây Việt Nam tiếp tục bị nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích, quan ngại về vi phạm nhân quyền và dân chủ.

Hạ tuần tháng 3/2013, chính quyền ông Obama đã bày tỏ quan ngại về tình trạng "sa sút" của Việt Nam về nhân quyền và khẳng định rằng việc tiến tới tự do cá nhân là "nội dung then chốt" trong chính sách của Hoa Kỳ tại Á châu.

Năm 2012, không hài lòng về việc Việt Nam không cải thiện tình hình nhân quyền, Hoa Kỳ đã hoãn cuộc đối thoại nhân quyền thường niên, lẽ ra được nhóm vào cuối năm ngoái.

Tổ chức Human Rights Watch tiếp tục đánh giá Việt Nam có nhiều vi phạm "thô bạo" và "nghiêm trọng" về nhân quyền, trong đó nhấn mạnh việc chính quyền tiếp tục "đàn áp, bắt bớ có hệ thống" các nhà hoạt động ủng hộ nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, các bloggers, cũng như giới bất đồng chính kiến ôn hòa.

Gần đây, sau vụ kết án nặng với blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) và bloggers khác cùng vụ án, chính quyền cũng bị chỉ trích là "nhắm mục tiêu" vào nhà hoạt động vì nhân quyền, luật sư Lê Quốc Quân thông qua việc bắt bớ đối với bản thân ông và một số người thân trong gia đình.


--------------------------------------








No comments:

Post a Comment

View My Stats