Saturday 6 April 2013

HOA CẢI LÀM QUỐC HOA, SAO KHÔNG? (Cánh Cò)




Sat, 04/06/2013 - 15:43 — canhco

Mấy ngày này, dư luận không mấy để ý tới một đề nghị rất…văn hóa của Thủ tướng, đó là tìm cho Việt Nam một cái tên khả dĩ có thể chấp nhận làm quốc hoa như lúc đầu, kể từ khi vụ án Đoàn Văn Vươn mở ra tại Hải Phòng vào ngày 2 tháng 4 vừa rồi.

Suy ra cũng đúng, hoa có thế nào chăng nữa, kể cả quốc hoa, cũng không bằng sinh mệnh của một gia đình, một giai cấp. Anh Vươn thuộc giai cấp nông dân mới với khả năng tư duy và phấn đấu để lấp cả biển làm nông mà báo chí một thời gọi là anh hùng. Không biết anh có thích thú những mỹ từ có cánh này hay không nhưng rõ ràng hành động đầy cam go của anh đối với thiên nhiên là dũng cảm và đáng được khen ngợi.

Từ sự dũng cảm ấy lần hồi gia đình anh cũng thấy được thành quả do mình tạo ra khi quai đê lấn biển. Nhưng cũng thật không may cho anh, cái thành quả này đã tác động đến lòng tham của bọn cường hào khiến cả nhà lại lâm vào điều khốn quẫn khác qua bản án nặng nề cho cả gia đình. Bản án có tên của một loài hoa, hoa Cải.

Tiếng súng hoa cải của anh Vươn làm người ta liên tưởng tới hoa Cải. Loài hoa này có lẽ nhiều người không biết mặc dù từng thấy. Chúng mọc thành từng khu đan xen nhau dày dặc. Màu vàng hay trắng và nở thành từng chùm, cấu tạo như hoa mai ngày tết nhưng lá và thân khác xa mai. Hoa Cải quần tụ thành cộng đồng và khi nở nó cũng nở hàng loạt. Nó giống như nông dân, trắng tinh khiết với ruộng đồng hay vàng tươm màu nắng, dấu hiệu của một ngày mới bắt đầu.

Hoa Cải của gia đình anh Vươn lại không đẹp như thế. Nó bùng nổ để kêu gào vì bị đàn áp. Tiếng nổ của súng hoa cải đã đánh thức lương tâm cả nước và chấm dứt bởi một phiên tòa mang tên nó. Hoa Cải bắt đầu một chuỗi các sự kiện nhức nhối hàng chục năm đè lên vai người nông dân qua chính sách tịch điền đơn giản với danh xưng đất đai là sở hữu chung do nhà nước quản lý.

Đất hoang khi tưới mồ hôi nước mắt người dân bỗng nghiễm nhiên trở thành của chung nên sự quản lý của nhà nước đối với cái chung đó đã làm nên tiếng súng hoa cải. Có nhiều người nhìn hành động của anh Vươn cho là một sự phản kháng nông nổi, quá sức cần thiết. Cũng có nhà báo tự hỏi nếu để xã hội tự xử hết như anh Vươn thì lấy đâu ra luật pháp. Những ông nhà báo lãnh lương Đảng sẵn sàng tô đen lương tâm vẫn luôn sung sướng đứng trên lập trường bảo vệ luật pháp bất cứ giá nào, vì luật pháp ở xứ này là chính quyền, là Đảng.

Dân tình viết bài, comment hàng ngàn lần vẫn chưa tả hết nỗi uất hận của gia đình này. Nỗi đau đó phần nào được chia sẻ nhưng không ai hiểu nỗi xót xa cô quạnh của gia đình họ trong lúc này. Tiếng súng hoa cải thật ra chỉ làm rơi rớt vài mảnh vỡ của một cơ thể đã quá sơ cứng, nhưng lại tàn phá tới tâm can mọi hy vọng của gia đình nạn nhân. Cơ thể xử án ấy có thể tồn tại bao lâu thì không ai chắc nhưng hình ảnh lụn bại tang thương của cả nhà họ Đoàn thì ai cũng có thể thấy được ngay từ bây giờ.

Vụ án Nọc Nạn kết thúc nhưng có làm cho người nông dân khá lên được chút nào đâu? Họ vẫn thế, đời sau khổ hơn đời trước vì dã tâm khống chế của hết tập đoàn này tới tập đoàn khác. Mảnh đất canh tác làm ra những hạt lúa, con tôm trên những cơ thể dày dạn nắng gió vẫn là mồi ngon cho bất cứ tập đoàn nào nói chi Tiên Lãng. Giải pháp mà xã hội cần tìm để trị dứt căn bệnh mãn tính này là một xã hội dân chủ thật sự chứ không phải thứ dân chủ bị trói gô vào bánh xe độc đảng lăn theo vòng quay không phanh mà chính bản thân nó cũng không hề biết rõ sẽ lăn tới tận nơi nào của trái đất này.

Tiếng súng hoa cải chắc chắn sẽ đi vào lịch sử. Lấy hoa cải làm quốc hoa sẽ nhắc cho thế hệ sau này một điều mà hàng trăm năm nay tổ tiên chúng phải chịu đựng, đó là nỗi lầm than của người nông dân khi mất đất.

Chỉ có điều khi cả đất nước đang có cuộc chiến âm thầm này mà lại cổ vũ chuyện tìm kiếm quốc hoa có phải là hoang đường và vô cảm đến mất trí quá hay không?





No comments:

Post a Comment

View My Stats