Tuesday, 2 April 2013

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM : ĐÁNG BÁO ĐỘNG ! (Nguyễn Văn Tuấn / Radio Australia)





Khải Nhân    (ABC  Radio Australia )
Cập nhật lúc 12 November 2012, 8:21 AEST

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Y khoa Quốc gia Australia, GS Đại học New South Wales, trả lời phỏng vấn đài ABC về thực trạng giáo dục đại học ở Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (trái) (Credit: ABC)

GS Nguyễn Văn Tuấn là một tên tuổi quen thuộc, không chỉ với giới y khoa - lĩnh vực chuyên môn của ông - mà cả với những người quan tâm đến thực trạng giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Liên quan đến giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, ông đã viết hàng trăm bài báo đăng trên các báo, tạp chí trong nước và xuất bản hai cuốn sách ‘Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập’ và ‘Đi vào nghiên cứu khoa học’.

Theo kết quả mới công bố của viện SCImago (ở Tây Ban Nha - một tổ chức có uy tín về xếp hạng và đánh giá khoa học), trong Báo cáo xếp hạng 3.290 trường, viện đại học, nghiên cứu thế giới năm 2012, chỉ có 4 tổ chức của Việt Nam lọt vào danh sách được xếp nhưng ở vị trí quá khiêm tốn. Điều này thêm một lần nữa báo động về thực trạng yếu kém của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Radio Australia: Thưa GS, qua các bảng xếp hạng vừa công bố mà mới đây nhất là xếp hạng của Viện SCImago, GS đánh giá như thế nào về chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Dựa vào bất cứ tiêu chí nào và bảng xếp hạng đại học nào, các đại học hàng đầu của Việt Nam vẫn còn ở vị trí rất khiêm tốn. Về đầu ra của nghiên cứu khoa học, 2 đại học hàng đầu của Việt Nam (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ công bố được khoảng 100 công trình nghiên cứu mỗi năm, con số này chỉ bằng 7% của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), 8% của Đại học Mahidol (Thái Lan) và 7% của Đại học Malaya (Malaysia). Trong những bảng xếp hạng đại học toàn cầu, không có một đại học nào của Việt Nam được đứng trong bảng ‘Top 500’ (được xem như là ‘hàng đầu’ thế giới).
Đại học là nơi sản xuất ra tri thức khoa học, thế nhưng các đại học của Việt Nam chưa đóng vai trò chủ đạo này. Đó là một điều đáng quan tâm, nếu không muốn nói là báo động. Tôi nghĩ có thể hiểu và “thông cảm” cho các đại học nhỏ hay đại học vùng còn kém về năng suất khoa học, nhưng đối với các đại học hàng đầu mà năng suất khoa học còn quá kém thì cần phải xem lại đầu tư và chính sách nghiên cứu khoa học.

RA: Hiện nay, việc xây dựng đại học đạt đẳng cấp quốc tế đang được bàn tán sôi nổi. Tuy nhiên, có ý kiến cả ở Úc lẫn Việt Nam cho rằng bảng xếp hạng các trường chưa nói lên chất lượng. Ý kiến GS về vấn đề này?
NVT: Tôi nghĩ không có một bảng xếp hạng đại học nào hoàn chỉnh cả, nhưng những bảng xếp hạng như thế vẫn có thể cung cấp cho chúng ta những tín hiệu quan trọng để biết chúng ta đang ở đâu. Ở mức độ cá thể, có thể một số đại học thay đổi vị trí tùy theo bảng xếp hạng, nhưng điều đó không có nghĩa là các bảng xếp hạng là vô dụng, mà phản ảnh những khác biệt về tiêu chí xếp hạng; nhưng ở mức độ nhóm thì các bảng xếp hạng này khá nhất quán. Chẳng hạn Đại học Cambridge, Massachusetts Institute of Technology (MIT), Harvard có thể đứng vị trí số 1 của bảng xếp hạng này, đứng vị trí 3 ở bảng xếp hạng kia, nhưng tất cả đầu đứng trong nhóm “Top 10”.
Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng các bảng xếp hạng chưa nói lên chất lượng. Tất cả những bảng xếp hạng như Times Higher Education (THE), Quacquarelli Symonds (QS), ARWU (của Đại học Giao thông Thượng Hải), SCImago, Leiden v.v. nghiên cứu khoa học đều là yếu tố số một. Tất cả những bảng xếp hạng này đều xem xét đến chỉ số trích dẫn và chỉ số phản ảnh tầm ảnh hưởng của nghiên cứu, tức là những thước đo mà cộng đồng khoa học công nhận là phản ảnh chất lượng nghiên cứu. Các hội đồng đề bạt chức danh khoa học đều sử dụng những chỉ số đó. Các cơ quan đánh giá khoa học của Liên Hiệp Quốc cũng dùng những chỉ số đó. Cố nhiên, những thước đo này cũng không hoàn hảo cho từng ngành khoa học. Nhưng trong khi chưa có những thước đo nào khách quan hơn và tốt hơn, thì những chỉ số vừa đề cập vẫn được sử dụng để đánh giá một khía cạnh về chất lượng nghiên cứu.

RA: Vậy theo GS., đâu là điều kiện căn bản, đầu tiên để giáo dục đại học Việt Nam vươn lên đạt tầm quốc tế?
NVT: Đây là câu hỏi rất đắt tiền! Theo tôi, điều kiện đầu tiên để các đại học Việt Nam vươn tầm quốc tế là nghiên cứu khoa học. Một đại học mà không có nghiên cứu khoa học, thì đó trường dạy nghề chứ không phải là đại học. Tôi đã bỏ thời gian phân tích những bảng xếp hạng đại học trên thế giới, và thấy rằng yếu tố quyết định vị trí của các đại học là nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như bảng xếp hạng của SCImago, nghiên cứu khoa học chiếm 60% trọng số (quan trọng nhất) trong tất cả các yếu tố; bảng xếp hạng QS cũng cho nghiên cứu khoa học trọng số 60%. Các đại học trên thế giới hơn thua nhau ở nghiên cứu khoa học là chủ yếu. Đại học Mahidol và Chulalongkorn có hạng trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu là do họ có nhiều nghiên cứu khoa học hơn các đại học Việt Nam.
Nhưng để nghiên cứu khoa học có chất lượng đòi hỏi phải có nhà khoa học giỏi và có kinh nghiệm cao. Do đó, yếu tố con người rất quan trọng. Nhưng con người sẽ không làm được gì nếu không có đầu tư tiền bạc và cơ sở vật chất. Thành ra, yếu tố tiền đóng vai trò quan trọng thứ hai. Khoa học cơ bản là nền tảng của khoa học, nhưng ở Việt Nam, ngành này đang gặp nhiều khó khăn vì khó thu hút sinh viên. Do đó, yếu tố thứ ba là phải tăng cường nghiên cứu cơ bản, phải cho phép nhà khoa học hỏi những “câu hỏi trên mây” (blue sky questions).

RA: Như vậy, phải chăng nghiên cứu khoa học chưa được chú trọng ở các đai học Việt Nam? Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, theo GS?
NVT: Theo quan sát của tôi thì đúng như thế: nghiên cứu khoa học chưa được chú trọng ở các đại học Việt Nam. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này, trong đó tôi nghĩ đến hai nguyên nhân chính: giảng dạy quá nhiều, và thiếu động cơ.
Hiện nay, ai cũng biết rằng các giảng viên đại học Việt Nam rất bận rộn với giảng dạy. Họ phải “chạy xô” để một mặt tăng thu nhập, mặt khác đáp ứng nhu cầu của các đại học mới mở mà thiếu giảng viên. Trong tình trạng như thế, giảng viên không thể có thì giờ làm nghiên cứu khoa học được.
Kế đến là các nhà khoa học ở Việt Nam thiếu động cơ để làm nghiên cứu. Trong các đại học và bệnh viện, giảng viên có làm nghiên cứu hay không làm nghiên cứu cũng chẳng ảnh hưởng gì lớn đến sự nghiệp của họ, bởi vì nghiên cứu khoa học không phải là tiêu chuẩn chính cho đề bạt. Do đó, họ chỉ làm “nghiên cứu” cho có, để đăng trong các tập san nội địa, và để đủ điểm cho danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Động cơ làm nghiên cứu khoa học như thế làm cho khoa học nước nhà “lùn” đi, không sánh vai được với đồng nghiệp quốc tế.

RA: Hiện nay, một số đại học trong nước mời GS Việt kiều về giảng dạy hay GS Việt kiều hỗ trợ các đại học trong nước. Chẳng hạn như GS. Trần Thanh Vân đang đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục tại Quy Nhơn và hỗ trợ Trường Đại học Quy Nhơn. Bản thân GS cũng tham gia nhiều hoạt động giảng dạy ở các trường đại học ở Việt Nam. Theo GS, xu hướng này có ý nghĩa như thế nào với giáo dục đại học ở VIệt Nam? Cần làm gì để phát huy chất xám trí thức Việt kiều với giáo dục?
NVT: Tôi thật sự ngưỡng phục những nỗ lực của GS Trần Thanh Vân. Nhưng tôi nghĩ, “một cây làm chẳng nên non”, những nỗ lực của những cá nhân riêng lẻ, dù xuất sắc, vẫn không đủ để vực dậy một nền khoa học vốn đã ở trong tình trạng tụt hậu hơn 30 năm. Chúng ta cần nhiều, thậm chí rất nhiều, GS Trần Thanh Vân.
Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài có nhiều người có tài và có thể đóng góp tích cực cho khoa học nước nhà nhưng trong thực tế thì họ chưa làm được gì đáng kể. Theo báo chí phản ảnh thì số chuyên gia, giáo sư Việt kiều làm việc dài hạn ở Việt Nam còn rất ít (có người nói là chỉ “đếm đầu ngón tay”). Đã có lúc báo chí thảo luận sôi nổi vấn đề này: tại sao các chuyên gia Việt kiều ít về nước tham gia giảng dạy hay nghiên cứu. Có hai lí do được nhắc đến nhiều trong cuộc thảo luận đó là: nhà nước thiếu một chính sách cụ thể, và sự nghi ngờ Việt kiều.
Nhà nước Việt Nam thường hay tuyên bố rằng các chuyên gia Việt kiều là tiềm năng quan trọng, và kêu gọi họ về Việt Nam đóng góp. Nhưng trong thực tế thì nhà nước chỉ kêu gọi thế thôi, chứ không có một hành động cụ thể nào. Nơi nào tiếp nhận, con em sẽ học hành ra sao, nhà cửa, v.v. là những vấn đề rất quan trọng mà bất cứ một Việt kiều nào quyết định bỏ sự nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam phải cân nhắc. Ở Hàn Quốc, tôi được biết nhà nước của họ có hẳn một chính sách cho Hàn kiều (như lương bổng, cấp nhà cửa, lập trường học tiếng Anh cho con em họ, v.v.) nên họ mới có khả năng thu hút hàng ngàn Hàn kiều về đóng góp cho khoa học và công nghệ. Có lẽ Việt Nam nên học kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Đó đây trong chính quyền, vẫn tồn tại những nghi kị Việt kiều. Có đại biểu Quốc hội từng phát biểu rằng Việt kiều là thành phần đáng nghi ngờ. Nếu Việt kiều quá tích cực làm gì đó cho quê nhà, thì người ta nghi ngờ chắc có động cơ gì mờ ám đằng sau. Nếu Việt kiều quá tiêu cực, không đóng góp gì cho quê nhà, thì người ta sẽ nói “vô cảm”. Việt kiều ở một vị thế rất chông chênh. Do đó, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thường nói đùa rằng “Nhà nước nói dzậy mà không phải dzậy.” Tôi nghĩ cần phải tháo gở cái rào cản vô hình nhưng rất quan trọng này thì mới có thể thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài.

RA: Xin cảm ơn GS.



No comments:

Post a Comment

View My Stats