Monday, 8 April 2013

CÓ TỰ DO BÁO CHÍ ĐÂU MÀ NÓI CHUYỆN "GIỚI HẠN" HẢ QDND.VN ? (Tấn Hà)




Thứ hai, ngày 08 tháng tư năm 2013

Lâu nay trang báo qdnd.vn (Quân đội nhân dân) rất hay có những bài chính luận của những cây bút sừng sỏ khoác áo lính như thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, thiếu tá Nguyễn Văn Minh vv... Rất đáng tiếc, khi những bài báo của những sĩ quan, tướng tá này được đăng trên qdnd.vn thì chúng đều bị dư luận bóc mẽ tơi tả…

Có lẽ vì vậy hôm qua, 07/03/2013 trang qdnd.vn đã chỉ dùng một nick name là Thiện Văn làm bút danh cho bài viết “Không thể có tự do báo chí không giới hạn”. Đây lại là một bài báo thể hiện một nhãn quan và tư duy rất lệch lạc về báo chí tự do.

Tự do nghĩa là gì? Theo nghĩa nguyên thủy, tự do tức là một người có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Nhưng để tránh bị lạm dụng khi một người thực hiện quyền tự do của mình mà làm phương hại đến quyền tự do của người khác, người ta sinh ra pháp luật để điều chỉnh sự tự do trong giới hạn với mục đích là bảo vệ quyền tự do cho các đối tượng khác, chứ không mang mục đích hạn chế quyền tự do chính đáng.

Như vậy thì tự do báo chí thực chất là cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận và quyền được thu thập, phổ biến thông tin, nghĩa là mọi người có quyền tự do dùng báo chí phổ biến mọi tin tức, chính kiến, ý kiến, quan điểm, cảm xúc vv.., trên mặt báo, miễn là thông tin đó phải trung thực và không phương hại đến quyền tự do của các chủ thể khác. Nhưng trước hết, báo chí phải được quyền tự do xuất bản, tức là báo chí tư nhân có quyền hoạt động bình đẳng với báo chí nhà nước.

Trong bài “Không thể có báo chí tự do không giới hạn” tác giả Thiện Văn đưa ra một nhận định hết sức bàng quan và sai sự thật: Trong quá trình góp ý xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đòi hỏi Việt Nam phải có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí “không nhất thiết phải theo quy định của pháp luật” và tư nhân được quyền ra báo, xuất bản. Đây là kiến nghị không những không phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở Việt Nam, mà còn ẩn chứa nhiều mưu toan, ý đồ thiếu thiện chí.” Tuy không đưa ra được dẫn chứng nào, rằng ai đã nói câu “không nhất thiết phải theo quy định của pháp luật”, nhưng rõ ràng đây là một câu nói không ai nghe được vì một khi đã có pháp luật thì cứ theo luật mà làm, nếu ghi thêm “theo quy định của pháp luật” thì đó là một câu hoàn toàn thừa…

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội thuộc ĐCSVN cụm từ “theo quy định của pháp luật” trở nên lạc lõng và mâu thuẫn, vì bản thân hiến pháp đã là đạo luật nền tảng căn bản nhất của hệ thống pháp luật rồi, nhưng chính nó lại còn phải “theo quy định của pháp luật” nữa thì rõ ràng là sự giẫm chân lên nhau. Người ta có quyền hiểu rằng, ngoài hiến pháp còn có một thứ “pháp luật không hiến pháp” khác nữa.

Theo tác giả Thiện Văn, “Đây là kiến nghị không phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở Việt Nam.” Tình hình thực tế ở Việt Nam là gì? Quyền tiếp cận thông tin là mối quan tâm hàng đầu của quốc tế. Tại Liên hợp quốc, trong phiên họp đầu tiên năm 1948, LHQ đã thông qua Nghị quyết số 59, trong đó viết:“tự do thông tin là quyền con người cơ bản và là nền tảng của tất cả các quyền tự do khác…” Trong Hiến pháp 1992 tại Chương V về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cụ thể trong Điều 69 có ghi rõ nội dung: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Như vậy kiến nghị sửa đổi Hiến pháp theo hướng tư nhân có quyền tự do hoạt động báo chí là hoàn toàn phù hợp với chính hiến pháp hiện hành.

Về nội dung tự do báo chí, bản thân tác giả Thiện văn cũng đã từng có bài viết trên trang qdnd.vn: “Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng không phương hại đến lợi ích quốc gia dân tộc trong đó người này nêu dẫn chứng tại Hội nghị của Hội nhà báo Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp:“Báo chí là một bộ phận quan trọng của xã hội, là mũi nhọn trong công tác tuyên truyền và “vũ khí sắc bén” của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa.” Liệu có còn tự do báo chí hay không, khi báo chí chỉ là ‘vũ khí sắc bén” của Đảng và nhà nước? Người ta có thể lấy “vũ khí sắc bén” nào đây cho nhân dân sử dụng, ngoài báo chí tư nhân?

Theo hiến định, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Vì vậy chắc chắn rằng ĐCSVN, nhà nước, nhân dân là ba chủ thể khác nhau. Đảng và nhà nước thì đều là một, vì nhà nước là của đảng (100% là đảng viên ĐCSVN giữ các vị trí lãnh đạo). Người ta chỉ thấy báo đảng, báo nhà nước (quốc doanh), tuyệt nhiên chưa thấy báo tư nhân (nhân dân) được phép hoạt động. Như vậy rõ ràng là Việt Nam chưa có tự do báo chí. Sẽ là kệch cõm và khôi hài nếu như nhắc đến “giới hạn pháp luật” của một hoạt động, khi thực ra vấn đề đó chưa có bất kỳ một hoạt động thực tiễn nào được pháp luật thừa nhận.

Đối với quan điểm “quyền tự do báo chí không phụ thuộc vào báo chí tư nhân” của tác giả Thiện Văn, chúng ta trở lại với vấn đề tự do ngôn luận, giả sử một người hay một nhóm người trong dân chúng muốn đưa tiếng nói của mình ra trước công luận theo quyền tự do ngôn luận đã hiến định, sẽ đảm bảo tính thời sự và trung thực của họ nếu họ có phương tiện trong tay. Theo thực tế đó thì người dân sẽ phải thông qua báo chí nhà nước để phát hành tiếng nói của mình. Nhưng ngay cả nhiều các bài báo của phóng viên ăn lương nhà nước hẳn hoi còn bị gỡ lên gỡ xuống, nếu thông tin của người dân nằm ngoài sự “định hướng” của ĐCSVN thì liệu nó có được đăng tải hay không?

Đối với chuyện “quyền tự do báo chí phải được đảm bảo bằng pháp luật” như Thiện Văn đề cập là thừa, vì một khi pháp luật sinh ra để nhằm bảo vệ nhân dân và tổ quốc thì đương nhiên pháp luật đã tự do hóa các quyền căn bản của con người trên cơ sở luật hóa sự bảo vệ các quyền ấy, trong đó có quyền tự do báo chí. Mọi lý luận xung quanh vấn đề rất giản đơn ấy chắc chắn chỉ là màn hỏa mù làm che mắt nhân dân mà thôi.

Vấn đề là ở chỗ, cần luật hóa các quyền đã được hiến định chứ không phải là bằng trò hề “sửa hiến pháp”. Hiến pháp 1992 đã quy định rất rõ:“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Như vậy chẳng cần phải sửa chữa làm chi cho mất công. Có chăng chỉ cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” là đủ. Hoặc nếu coi hiến pháp không nằm trong hệ thống pháp luật thì trong phần mở đầu của Hiến pháp sửa đổi lần này cần ghi rõ “Hiến pháp này không nằm trong hệ thống pháp luật” cho nó đỡ hài hước…

Nói một cách hơi sâu cay một tý, nếu sửa hiến pháp, thậm chí ghi rõ vào trong đó “nhân dân là cụ nội ĐCSVN” nhưng không được cụ thể hóa bằng các bộ luật như Bộ luật hình sự, Luật dân sự vv.., và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì điều đã ghi trong hiến pháp đó cũng chỉ là giấy lộn. Cả dân tộc Việt Nam đang tiếp tục bị lừa dối bằng trò khỉ “sửa đổi hiến pháp”. Ta hãy thử hình dung xem, nếu như áp dụng nguyên văn hiến pháp của Hoa Kỳ - một bản hiến pháp được coi là văn minh nhất thế giới, vào Việt Nam – nhưng ĐCSVN vẫn độc quyền lãnh đạo đất nước thì có khác chi chuyện hiến pháp quy định quyền biểu tình nhưng hễ biểu tình là bị bắt bớ, đàn áp, tù đày?

Xin nhắc lại: Sẽ là kệch cõm và khôi hài nếu như nhắc đến “giới hạn pháp luật” của một hoạt động, khi thực ra vấn đề đó chưa có bất kỳ một hoạt động thực tiễn nào được pháp luật thừa nhận. Có lẽ nên xếp Báo quân đội nhân dân (www.qdnd.vn) vào top những tờ bào hài hước nhất trong làng báo tiếng Việt vì đã có nhiều bài chính luận hết sức phi chính luận!

Tấn Hà




No comments:

Post a Comment

View My Stats