Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-04-06
2013-04-06
Nhà văn Tạ Duy Anh
sinh năm 1959. Quê Hà Đông, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du năm 1992. Từ
1992-2000 làm giảng viên Trường đào tạo đại học Viết Văn Nguyễn Du. Từ năm 2000
đến nay làm Biên tập tại Nhà xuất bản Hội nhà văn.
Ông
là tác giả của khoảng 200 truyện ngắn, 3 truyện vừa, 100 tản văn và 6 tiểu
thuyết. Tiểu thuyết của ông gồm có: Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám
hối, Giã biệt bóng tối, Sinh ra để chết.
Nhà
văn Tạ Duy Anh nổi tiếng bởi gắn bó với người nông dân. Cảm xúc về những con
người chân đất, nắng mưa bươn chải khiến ông có cái nhìn rất chi tiết và tinh
tế về cuộc sống của người dân quê miền Bắc từ thập niên 90 đến nay.
Căn bệnh mất ký ức
Mặc Lâm: Thưa nhà văn, câu
chuyện gia đình anh Đoàn Văn Vươn từ hơn một năm qua đã khiến dư luận theo dõi
trong nhiều trạng thái, từ giận dữ, căm ghét tới chán nản tuyệt vọng. Nhìn toàn
cảnh vụ án Đoàn Văn Vươn thì đây là một bất công lớn cho xã hội nhưng không
thấy nhà văn nào có cảm hứng để viết, dù là một truyện ngắn xuất sắc. Tại sao
vậy?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Theo tôi có thể có
nhiều nguyên nhân nhưng từ tư cách của một người sáng tác tôi cho rằng có hai
lý do chính lý giải cho điều đó. Thứ nhất, các tác phẩm văn học hiện nay trong
bối cảnh công chúng Việt Nam bây giờ tác phẩm đến với số đông bằng một tốc độ
rất chậm, nhất là khi nhằm mục tiêu tố cáo những hiện trạng đen tối của xã hội.
Đặc biệt trong cái xã hội có quá nhiều chuyện động trời khiến người ta chưa kịp
quan tâm đến một sự kiện nào đó thì lại có sự kiện khác đáng quan tâm hơn.
Những
người bên ngoài như anh có thể thấy vụ Đoàn Văn Vươn là rất lớn có tác động lâu
dài cho sự phát triển đất nước, và tôi cũng nhận thức như vậy. Tôi đã từng lên
tiếng bằng những bài viết mang tính cảnh báo tên là “Pháo hiệu Đoàn Văn
Vươn” thế nhưng nhiều người, trong đó có nhiều nhà văn thì họ không thấy
như vậy. Họ không thấy tính cấp bách, nóng bỏng như nhiều người khác thấy. Có
những vụ khác không kém phần nóng bỏng ví dụ như sau Đoàn Văn Vươn là Ecopark,
rồi vụ bà con Dương Nội rồng rắn ra Hà Nội mặc áo cờ đỏ sao vàng xếp hàng trên
phố để khiếu kiện về các vụ mất đất.. trước đó là Vinashin sụp đổ với nhiều tỷ
đô la và mới đây là vụ quan tài diễu phố ở Vĩnh Yên.
Trong
khi tìm cách quen với cuộc sống, rất nhiều thậm chí đầy dẫy sự cố thì nhiều
người trong xã hội đang đồng loạt nhiễm một căn bệnh mà tôi gọi là “căn bệnh
mất ký ức” tức là không có chuyện gì đáng để đi sâu vào trí nhớ!
Nỗi sợ hãi đã đóng
khung
Mặc Lâm: Phần lớn nhà văn VN
hình như chỉ tập trung cho những việc như Hội Nhà văn, ngày Thơ VN, tranh luận
và viết về sex… còn biển Đông, kinh tế, văn hóa sụp đổ thì im hơi lặng tiếng...
“sợ hãi” đã đóng khung họ trong cái chai của ông thần đèn?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Phần lớn nhà văn
đang theo đuổi những cái tầm thường, vô bổ như anh nói thế nhưng tôi khẳng định
không phải là tất cả. Nếu theo dõi trên mạng thì anh thấy vẫn còn nhiều nhà văn
không coi trọng giải thưởng, không coi trọng những danh hão, thậm chí không coi
trọng những khoản tiền kèm theo khá lớn cho họ. Bất chấp nguy hiểm bởi vì trong
xã hội khi mà nói bất cứ sự thật nào đều gắn với sự nguy hiểm nhưng họ vẫn bất
chấp tất cả điều đó để miệt mài theo đuổi những mục tiêu mà tôi gọi là “Mục
tiêu lương tâm”. Thí dụ như cất tiếng nói bênh vực người yếu thế mà chủ yếu là
người nông dân trước nạn bị cướp đất. Thực trạng nạn nông dân bị cướp đất tại
Việt Nam hiện nay là thực trạng phổ biến nhất và nó cũng gây chia rẽ xã hội, nó
cũng gây nên nhiều xáo trộn và tai họa nhất.
Tôi
không nêu tên nhưng anh cũng có thể đọc trên mạng và anh có thể thấy rằng tuy
họ không nhiều nhưng cũng có thể tính là một đội quân nho nhỏ. Một đội ngũ đáng
tin cậy và họ vẫn đang miệt mài làm những việc đó. Họ cũng quan tâm đến những
vấn đề lớn như chủ quyền biển đảo, sửa Hiến pháp, chống lại nạn lạm dụng quyền
lực của cán bộ nhà nước, các cán bộ thi hành công vụ. Nhưng có điều: thứ nhất
là không nhiều, thứ hai, phương tiện mà họ phổ biến không phải số đông. Những
phương tiện như vậy nó bị ngăn chặn bởi nhiều công cụ quyền lực và những công
cụ đó được trang bị rất tốt cho nên nó rất khó tạo sự thu hút và quan tâm của
đám đông.
Tôi
hoàn toàn đồng ý với anh là nỗi sợ hãi chi phối cách hành xử. Nó không hề tương
xứng với xã hội và phẩm giá của người cầm bút. Nỗi sợ hãi đang khiến cho nhiều
nhà văn Việt Nam thành những kẻ tự đóng rọ mình, tôi nói hơi mạnh một chút, tự
trói tay mình biến mình thành người khác, nói những điều mình không nghĩ mà nói
một cách ác khẩu là bồi bút.
Mặc Lâm: Nếu nói về sự sợ
hãi thì có lẽ trong thời gian trước người ta phải sợ hơn chứ? Nhưng tại sao vẫn
xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp với “Tướng về hưu”, rồi Phùng Gia Lộc với “Cái đêm
hôm ấy hôm gì?”
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi cũng nói với
anh rằng không phải tất cả, có một bộ phận họ không sợ hãi hoặc họ ít sợ hãi
hơn. Thời kỳ những năm 90 cũng là thời kỳ bản thân tôi bước vào văn đàn với
những tác phẩm như “Bước qua lời nguyền” cùng một loạt tác phẩm viết về nông
thôn như “Lũ về trời” phơi bày những hiện thực đen tối. Ở thời gian đầu tiên
đổi mới thực ra có rất nhiều gợi mở, rất nhiều những yếu tố để xua đuổi sự sợ
hãi nơi con người và lập tức xuất hiện những cây bút như Nguyễn Huy Thiệp,
Phùng Gia Lộc nhưng cũng không phải là nhiều.
Lúc
đấy có hẳn một trào lưu làm mọi người tưởng rằng sự đổi mới cứ thế mở ra cho
tới khi có những thứ mà người ta mong muốn... nhưng sau đó thì tình hình có
khác, nó khép lại bao trùm lên bởi một không khí đe dọa khiến cho những người
đã dấn thân rồi có thể gặp một số rắc rối mà người ta đã bước vào, đã bày tỏ.
Còn những người có ý định bước theo họ thì đa số sau đó họ làm cách khác, yên
lặng hoặc chờ thời cơ.
Điều
mà anh nói lúc ấy họ sợ hơn thì nó vừa đúng nó vừa không đúng, bởi vì trào lưu
chung quanh cả trong và ngoài nước người ta háo hức tìm ra sự đổi mới, cải tổ.
Mọi người cả chính thức và không chính thức đều cho rằng mô hình XHCN của Đông
Âu mà mọi người đều cho là lý tưởng bây giờ không còn thích hợp. Mô hình cấm kỵ
trước bao năm thì cũng sụp đổ rồi. Nó có một thời đoạn như vậy.
Sau
khi kinh tế phát triển thu nhập tốt lên giới trí thức được trọng dụng nhiều hơn
và họ có nhiều quyền lợi gắn nhiều với cơ chế nhà nước hơn thì đi kèm với nó là
những sự sợ hãi khác. Ví dụ sợ hãi mất quyền lợi. Sợ hãi bị đẩy ra ngoài guồng
máy. Sợ hãi không được tham gia vào những vấn đề mà có thể làm mình hưởng quyền
lợi. Cho nên cuối cùng vẫn phải nói thật là sự sợ hãi là có thực và nhiều khi
người ta không biết mình sợ cái gì . Bây giờ nỗi sợ ấy vẫn còn bám theo một số
rất đông cả người trí thức lẫn bình thường.
Rất khó xảy ra
Mặc Lâm: Ngoài việc sợ
hãi, theo anh còn nguyên nhân nào khác khiến một tác phẩm lớn viết về Đoàn Văn
Vươn cho tới nay vẫn chưa xuất hiện?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Như lúc đầu tôi nói
sự kiện Đoàn Văn Vươn nó quá lớn nhưng có thể đối với giới cầm bút nó không còn
mới mẻ nữa. Ý tôi muốn nói đây là một kiểu chèn ép, bị ăn chặn… nó xảy ra hàng
ngày như cơm bữa ở Việt Nam và tôi nghĩ rằng một sáng tác như anh mong muốn rất
khó xảy ra.
Thứ
nhất, có thể là một người nào đó họ đã sáng tác nhưng chưa công bố. Bởi vì tôi
làm xuất bản nên tôi biết, ngay cái việc công bố một tác phẩm như vậy tại Việt
Nam nó không hề dễ một chút nào cả. Tôi cũng nói thẳng tuy tôi làm xuất bản
nhưng tôi cũng có một hai tác phẩm không in được. Việc xuất bản tại Việt Nam
rất phức tạp và nó khiến cho các nhà xuất bản không chịu trách nhiệm pháp lý
hay bất cứ trách nhiệm lương tâm nào khi một cuốn sách không thể ra đời. Đấy là
lý do thứ nhất để cho thấy có thể có một cuốn sách nào đó viết rồi nhưng chúng
ta chưa được đọc.
Bây
giờ giả thiết rằng nó chưa có thì cũng rất dễ hiểu. Bản thân của tôi cũng thế,
có khi chỉ vài ba tuần thì mình phải đối mặt với một vụ khác rồi thì cái sự
lắng đọng lại, suy nghĩ nghiêm túc về một vấn đề có lẽ nó cũng khó hình thành ngay
trong một giai đoạn. Nó sẽ lẩn vào trong những sáng tác về một giai đoạn chung
nào đó của đất nước chẳng hạn. Một vụ án như Đoàn Văn Vươn có thể trở thành một
tác phẩm thì tôi rất mong nhưng tôi không hy vọng là nó có thể được viết một
cách sâu xa và ra đời trong bối cảnh hiện nay.
Đây
là chúng ta đang nói việc chưa được đọc cuốn sách đó, nhưng có thể rất nhiều
cuốn sách tại Việt Nam hiện nay đã có mặt rồi, đã ra đời rồi nhưng nó chưa thể
đến tay công chúng được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà văn
Tạ Duy Anh về những trao đổi hôm nay.
No comments:
Post a Comment