Thứ
ba, ngày 16 tháng tư năm 2013
Lời giới thiệu : Có một người vừa bước sang tuổi tám mươi. Tuổi của mắt
đã mờ, chân đã chậm. Tuổi phải nhìn quỹ thời gian của mình ngày một teo tóp đi
nhưng vẫn không nguôi niềm trăn trở vận nước. Từ “chú nhóc con Vũ Cao Quận” (*)
của cái ngày mồng 2 tháng 9, đến người lính Vũ Cao Quận của trận thắng được ca
tụng là “chấn động địa cầu”1954. Để sau này ông thốt lên rằng: “Trong những
điều vĩ đại Cuộc lừa này là vĩ đại vô song”. Ông khước từ những lời ca tụng,
những danh hiệu (mà ông rất xứng đáng được nhận) để luôn tự hào với cái tên
thật bình dị: Người lính già Vũ Cao Quận. Và dù trong giai đoạn nào của cuộc
đời, ông cũng đã làm tròn bổn phận đối với Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm ngày ông
tròn tám mươi tuổi (16/4/1933- 16/4/2013), blog thanhnghienpham xin trân trọng
gửi tới quý độc giả bài “ Biểu tình nay… Nhớ lại biểu tình xưa” của tác giả Vũ
Cao Quận được viết ngày 20 tháng 7 năm 2008. Cầu chúc cho ông được mạnh khỏe và
xin được gửi một tấm lòng đến với một tấm lòng. .
Phạm
Thanh Nghiên
-----------------------------
Biểu tình nay… nhớ lại biểu tình xưa
Vũ Cao Quận - Mồng 2-9-1945: Một ngày thu nhưng vẫn nắng hè gay
gắt! Cả nhà con cái ông tài Ban nhà tư sản kiêm địa chủ đang nhộn nhịp chuẩn bị
đi biểu tình đón chào ngày Quốc Khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa. Chị gái lớn thướt tha trong bộ áo dài trắng muốt của đoàn giáo viên Bình
Dân Học Vụ. Anh trai (nay là liệt sĩ với bằng liệt sĩ có chữ ký của Võ Nguyên
Giáp và giấy chứng nhận liệt sĩ của Cục trưởng Cục Quân Giới trực tiếp gửi cho
chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Hà Nội Trần Duy Hưng với dấu son còn đỏ
chói nhưng đến nay không được công nhận?). Trang nghiêm trong bộ "tự vệ
phục" kaki Mỹ vai khoác khẩu các-bin trong đội ngũ của tự vệ Đông Khê khu
11-Hải Phòng dưới sự chỉ huy của anh Nguyễn Sơn Lâm (Con trai trưởng của nhà tư
sản Nguyễn Sơn Hà, đại biểu quốc hội đầu tiên của Nước VNDCCH). Chị gái thứ hai
juýp xanh sơ mi trắng mũ ca-lô đội lệch trong đội ngũ cứu thương của trường con
gái "Ecole jeune fille" là trường Minh Khai ngày nay. (Suốt 9 năm KC
là y tá trưởng của Trung đoàn 42 và từng là phó giám đốc Bệnh viện Quận Hồng
Bàng HP).
Hải Phòng 1945 không phải xin phép biểu tình
Và chú nhóc con Vũ Cao Quận 12 tuổi
lúc bấy giờ "vô đoàn thể" nhi đồng cứu vong cũng không, thiếu niên
tiền phong cũng chẳng đến lượt, cặm cụi đẽo gọt lại cái cán cờ bằng trúc chặt
trộm trong làng Lạc Viên có dãy phố Avenue De Belgique vắt ngang. Lá cờ do nằn
nì xin chị gái mảnh vải đỏ bốn gang tay nhân với sáu gang tay được dán ngôi sao
vàng bằng giấy. Vai cũng đeo khẩu súng gỗ cũng mũ ca-lô bằng giấy gấp, cầm cờ
đi đầu lũ "chíp hôi" học cùng trường Lạc Viên và bạn “thò lò
mũi" cùng phố đi lẫn trong đội ngũ trùng trùng điệp điệp của hàng vạn nhân
dân thành phố Hải Phòng tiến về Nhà hát lớn Hải Phòng (Grande Théatre). Một đội
ngũ tí hon vô đoàn thể, không ai mời cũng không xin phép ai cũng hiên ngang
tiến vào Quảng trường như ai! Buổi đầu Cách mạng tháng 8 những người đi biểu
tình vì yêu Đảng Việt Minh sao mà nó bình đẳng thế! Không ai ra vặn vẹo đi biểu
tình xin phép ai và mặc nhiên đội ngũ tí hon tự chiếm một chỗ đàng hoàng trong
khối biểu tình khổng lồ.... bình đẳng và tự do. Một quảng trường rừng người,
rừng cờ và rừng ca hát cộng với hô khẩu hiệu:
- Việt Minh muôn năm!
- Hồ Chí Minh muôn năm... muôn năm!
- Việt Nam bao năm dòng rên siết
lầm than.
- Dưới ách quân tham tàn đế quốc
sài lang... (“Diệt phát xít” của Nguyễn Đình
Thi)
- Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng
phất phới…
- Dắt giống nòi quê hương qua nơi
lầm than... (“Tiến quân ca” của Văn Cao).
Tiếng ca hát tiếng hô khẩu hiệu như
sấm dậy, liên tu bất tận khản hết cả giọng. Đã có người ngất đi vì say nắng.
Đội cứu thương nhộn nhịp băng ca.
Hàng vạn người: Bộ đội giải phóng
quân từ chiến khu Đông Triều về, tự vệ chiến đấu các khu trong toàn thành phố
cùng khối nam phụ lão ấu kề vai bên nhau nghiêm chỉnh đứng dưới nắng chang
chang suốt 5-6 tiếng đồng hồ để lắng nghe diễn thuyết. Có một hạt cát con bé tí
ti trong cái bãi biển người biểu tình khổng lồ đó cũng cùng mọi người đang như
"phát rồ" trong cơn "nhập đồng bi tráng vĩ đại", đó là chú
bé nhóc con Vũ Cao Quận. Nhân dân đã tự nguyện yêu mến cái chế độ tươi đẹp, cảm
nhận "mơ hồ" của buổi đầu ấy. Nó cho họ hưởng niềm vui kiêu hãnh của
một dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Lúc ấy họ chưa hề được hưởng một chút gì hạnh
phúc no ấm, nhưng cả dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng nhảy vào lửa vì nền độc lập
của Tổ Quốc, vì quí yêu cái nhân danh ban đầu: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa -
Độc lập Tự do Hạnh phúc, và lồng trong đó có cả sự tin yêu kính trọng những
người cộng sản... nấp đằng sau hai chữ Việt Minh!
*
Mồng 9-12-2007, 62 năm sau
Một buổi sáng mát dịu, một ông già
chân chậm mắt mờ sau bao năm chinh chiến lại đứng lẫn vào cuộc biểu tình của
các cháu thanh niên-sinh viên Hà Nội cũng hô khẩu hiệu, cũng hò hét vì Trường
Sa và Hoàng Sa trước sự lấn chiếm bành trướng của bọn Trung Quốc trong nhòe
nhoẹt nước mắt. Có một ông già như tôi là người qua đường không quen biết đến
ôm vai tôi cùng khóc với tôi.., đầu kia có Nguyễn Thượng Long với búi tóc dài,
có luật sư Lê Quốc Quân đang cầm nhịp cho "bài ca phản đối Trung
Quốc" tiếng hô khẩu hiệu của các cháu thanh niên và sinh viên làm chấn
động toàn bộ khu vực trước cổng đại sứ quán Trung Quốc và sau lưng ngôi tượng
đá vô cảm Lê Nin tưởng như cũng rung rinh. Cách đó không xa có vi-la mang số 30
với ngôi biệt thự lạnh lùng, dửng dưng tưởng như hoang vắng!.. Đột nhiên đội cơ
động của cảnh sát Hà Nội mũ sắt giầy đinh bỗng tập trung dàn hàng ngang trước
đội ngũ của các cháu thanh niên và sinh viên đang hô khẩu hiệu như báo trước
một vụ đàn áp. Tôi vội bước xuống lòng đường tiến ra giữa đường và chỉ vào họ,
những cảnh sát cơ động giầy đinh mũ sắt trẻ trung, sự căng thẳng sau nét mặt
hiền lành đang lăm lăm các cây gậy và thét lên:
- Nếu các anh định đàn áp các cháu
sinh viên hãy vụt cái gậy đầu tiên vào lão già này!
Phạm Thanh Nghiên với chiếc máy di
động giơ cao trên đầu để thu tiếng chuyển ra cho bạn bè thế giới nghe nhịp tim
sôi động của các bạn trẻ trong nước vội cùng các cháu sinh viên gái chạy xuống
lòng đường lôi tôi lên hè vừa khóc vừa nói: “Bác ơi, bác lên đi không chúng
đánh bác chết!” Phạm Thanh Nghiên quay lưng che cho tôi đề phòng nếu tôi bị
đánh. Còn Nguyễn Xuân Nghĩa chạy đi, chạy lại hò hét như một "tướng đốc
chiến". Còn nhiều gương mặt: Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ
Bình... nhoáng nhoàng qua mắt tôi như một đoạn phim quay nhanh.
Đây là cuộc đi biểu tình lần thứ
hai trong cuộc đời sau 62 năm (1945-2007).
Từ chú nhóc con Vũ Cao Quận nay đã
là ông già Vũ Cao Quận 75 tuổi.
Vào một buổi tối tháng 6-2008 tôi
chính thức ký tên vào đơn xin biểu tình vào ngày 16/7/2008 cũng với cháu Phạm
Thanh Nghiên và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
Và như hôm nay các bạn đã thấy,
cuộc biểu tình có xin phép của 3 chúng tôi đã "thất bại", cá nhân tôi
không đại diện cho ai cả, thành thực xin lỗi các bạn vốn có tên trong "sổ
đen" ở mọi nơi lại bị "mang vạ" trong cuộc biểu tình bất thành
này. Một lần nữa tôi xin trăm lần xin lỗi.
Qua đọc bản "Tin từ Hà Nội về
tình hình các nhà dân chủ bị bao vây sách nhiễu" của Nhóm phóng viên dân
chủ nhân quyền. Trước hết tôi xin cám ơn các bạn đã đưa tin hỗ trợ cho chúng
tôi và cá nhân tôi cũng xin phép được cải chính một chi tiết: Trong bản tin có
câu: "công an Hải Phòng đã gọi thẩm vấn ông Vũ Cao Quận nhiều lần, do sức
khỏe kém và tuổi cao làm ông ngất xỉu liên tục. Vì thế ông đã phải tự rút tên
ra khỏi đơn xin phép biểu tình mà trước đó đã tham gia ký tên mới được tạm thời
yên ổn với bộ máy đàn áp của Công an CSVN..."
Đột quỵ và ngất mấy lần tại nhà thì
có, nhưng ngất tại cuộc thẩm vấn thì không. Tôi có được UBND phường và CA mời ra
thẩm vấn và họ đối với tôi là phải đạo, nói rõ hơn là hòa nhã. Họ cũng không hề
ép tôi phải rút tên trong đơn. Và để đáp lại, tôi cũng nhẹ nhàng tuyên bố:
"Tôi vì bệnh già rồi không ra khỏi nhà nổi 100m nhưng vẫn đủ sức khỏe ký
10 lần vào đơn xin biểu tình nếu liên quan đến tự do dân chủ và nhân quyền. Rất
tiếc là tôi sẽ không thể có mặt trực tiếp trong các cuộc biểu tình (nếu có)
nhưng lực tàn của tôi còn đủ sức để chống gậy đến hầu tòa về trách nhiệm của cá
nhân mình trước pháp luật!
Tôi có bị quản thúc không? Có lẽ cơ
quan an ninh còn trọng người già nên lặng lẽ theo dõi thì có nhưng chưa thấy
gây khó khăn cho việc đi lại của tôi. Nhưng họ lại ngăn chặn tôi về việc khác
kia?
Số là hồi giữa tháng 5 - 2008, tôi
có dự kiến mời năm, bẩy ông bạn già từng quí mến, kính trọng Tiến sĩ Nguyễn
Thanh Giang vào ngày 6-7-2008 đến Nhà Trắng (La villa blanche), quán bia rất
lớn của quân chủng Hải quân "chạm cốc" để mừng sinh nhật ông Giang.
Rất buồn là đến gần ngày đó thì được tin ông Giang đi cấp cứu. Không sao...
sống chết có mệnh trời cứ "cụng ly" cầu cho ông "tai qua nạn
khỏi"! Nhưng có một nguồn tin rất méo mó "bắn" đến tai tôi:
...sẽ có 10 mâm (khoảng 60 người?) có thể từ Thái Bình kéo ra... từ Hà Nội, Hà
Tây rồi Vĩnh Phúc kéo xuống... lại truyền đơn, lại bóng bay... thực hư ra sao
người yếu bóng vía nghe sợ "vãi hết cả linh hồn"!... Việc gì cần đến
đã đến và cả việc không cần đến... cũng cứ đến! Hai ông trung tá an ninh đến
tận nhà thăm sức khỏe tôi. Và một cuộc trao đổi thân mật nhẹ nhàng nhưng kiên
quyết cũng được diễn ra. Không có văn bản về lệnh cấm nhưng có thể sẽ
"mạnh tay" nếu cuộc "bia bọt mừng sinh nhật" cứ diễn ra.
Tôi cũng khẽ khàng trình bày: cuộc "bia bọt" này chỉ là chuyện ân
tình của tuổi già đối với nhau không hề có "âm mưu" gì cả và tôi cũng
"kiên trì" trình bày thêm cho vui là: việc "bia bọt" không
chỉ là mừng sinh nhật mà năm nay 2008 "mệnh" tôi cũng đã hết, coi như
cuộc gặp mặt "tiền vĩnh biệt" với bạn bè và cho có vẻ "ca cải
lương" coi cuộc chạm cốc cuối cùng của người tử tù trước khi ra trường
bắn! Tất cả cười ồ nhưng yêu cầu của tôi vẫn không được chấp nhận!
Thôi thì trước "cái gậy"
to như thế, tôi đành lỗi hẹn với ông Giang, với bạn bè! Và tôi có cảm tưởng cơ
quan an ninh Hải Phòng quan tâm ngày 6-7-2008 ở HP hơn là ngày 16-7-2008 ở Hà Nội.
Vì hai ngày mồng 5 và mồng 6, một nữ trung tá và một nam đại úy CA với cảnh
phục nghiêm chỉnh xuất hiện trước nhà tôi (và có một nhân vật đáng nể khác mà
tôi không tiện nói ở đây!)
Có lẽ đã khá dài dòng về chuyện
biểu tình, tôi xin ngừng viết với một mơ ước thiết tha mong: Những nhà lãnh đạo
đảng cộng sản Việt Nam bây giờ hãy làm gì để Nhân Dân Việt Nam tin yêu và kính
trọng như đã từng tin yêu và kính trọng những người lãnh đạo Đảng Việt Minh năm
1945, thì việc biểu tình chỉ làm cho đảng cộng sản rạng rỡ và Nhân Dân Việt Nam
tự hào nhìn ra thế giới. Mong lắm thay!
Hải Phòng ngày 20-7-2008
No comments:
Post a Comment