Tuesday, 23 April 2013

BIỂN ĐÔNG SÓNG DẬY (Trần Khải - Việt Báo)




04/23/2013

Tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn là nỗi lo lớn cho Việt Nam -- đặc biệt là cho ngư dân, bất kể là đã có thêm những quan hệ quốc tế, kể cả với Hải Quân Hoa Kỳ.

Báo Offshore hôm 22-4-2013 loan tin rằng công ty dầu quốc doanh CNOOC đã bắt đầu múc dầu từ mỏ dầu có tên là “Weizhou 6-12” ở vùng Biển Đông.

Địa chỉ mỏ dầu này nằm trên lòng chảo Beibu Gulf  (Vịnh Bắc Bộ) ở độ sâu khoảng 29.2 mét (96 ft).

Dự án khai thác mỏ dầu này là khoan 10 giếng dầu, trong khi sản lượng vùng bằng phẳng của lòng chảo sẽ khai thác từ cuối năm nay, theo báo chuyên ngành Offshore này.

Điều không rõ là mỏ dầu này có nằm trong lãnh hải Việt Nam hay không... Chưa nghe Hà Nội nói gì.

Trong khi đó, bản tin VOA đưa tin rằng Khu trục hạm USS Chung-Hoon và tàu cứu hộ USNS Salvor của Hải quân Hoa Kỳ đang ghé thăm Đà Nẵng trong 5 ngày.

VOA dẫn theo tin Tân Hoa xã ngày 22/4 dẫn nguồn tin trong nước cho hay trong thời gian lưu lại đây, các thủy thủ, nhân viên hàng hải, nhân viên huấn luyện y tế, một phân đội lặn và cứu hộ di động trên tàu sẽ có các hoạt động giao lưu với Hải quân Việt Nam, tập trung vào công tác phi tác chiến, trao đổi kỹ năng chuyên môn và bảo trì.

Theo kế hoạch, các cuộc giao lưu sẽ được tiến hành trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ thiên tai, và huấn luyện lặn bên cạnh các buổi hòa nhạc, tham quan tàu, các sự kiện về quan hệ cộng đồng và giao lưu thể thao.

Thủy thủ đoàn của Hoa Kỳ cũng sẽ thăm gặp lãnh đạo Đà Nẵng và Hải quân Vùng 3.

Hai tàu Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa hôm chủ nhật và sẽ rời Đà Nẵng vào thứ năm tuần này.

VOA nói thêm, “Đây là lần thứ hai khu trục hạm USS Chung-Hoon cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng sau chuyến thăm vào năm 2011.”

Mặt khác, bản tin từ đài RFA ghi lời “Phó Đô Đốc Mỹ Tom Carney, Tư lệnh lực lượng Hậu cần Tây Thái Bình Dương cho biết Hoa Kỳ muốn hợp tác chặt chẽ hơn với hải quân Việt Nam.”

Bản tin RFI trước đó, vào hôm Chủ Nhật 21-4-2013, đã nói rằng:

“Hải quân Việt Nam có thể mua 6 máy bay tuần tiễu Mỹ để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc.

Đài Tiếng nói Nước Nga trong bản tin hôm 20/04/2013 dẫn bài trả lời phỏng vấn của đại diện tập đoàn Mỹ Lockheed Martin cho biết, Hải quân Việt Nam có thể đặt mua sáu phi cơ tuần tiễu P-3C Orion của Hoa Kỳ, là loại máy bay chống tàu ngầm rất hiệu quả.

Trong giai đoạn đầu, các phi cơ này có thể được giao cho Việt Nam mà không trang bị vũ khí, nhưng với việc tăng cường quan hệ Mỹ-Việt, có thể có thêm vũ khí sau này. Việt Nam sẽ nhận được các máy bay P-3C nằm trong số lượng dự trữ của Hải quân Mỹ. Đây là kiểu máy bay tương đối mới, có thể phục vụ thêm 20 năm sau khi được hiện đại hóa.”

Một bản tin khác của VOA hôm 22-4-2013 cho biết Mỹ đang trấn an Trung Quốc.

Bản tin viết rằng:

“Sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Hoa Kỳ đang tìm cách trấn an Trung Quốc rằng Hoa Kỳ muốn có một “ảnh hưởng ổn định” trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey đưa ra nhận định vừa kể hôm nay tại một cuộc họp báo chung với người tương nhiệm là ông Phòng Phong Huy ở Bắc Kinh.

Tướng Dempsey nói quân đội Hoa Kỳ cam kết xây dựng một mối quan hệ tốt hơn, sâu xa và bền vững hơn với Trung Quốc vào lúc chính quyền Obama chuyển trọng tâm chiến lược từ vùng Trung Động qua vùng châu Á Thái Bình Dương.

Ông Dempsey nói Hoa Kỳ có lẽ đã không quan tâm đúng mức đối với vùng châu Á Thái bình Dương trong thập niên vừa qua, vào lúc quân đội Hoa Kỳ chiến đấu trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Ông nói nay Washington “giao tiếp nhiều hơn” trong vùng để ngăn chặn điều ông nói là sẽ là một sự “vắng mặt” hoạt động của Hoa Kỳ gây ra tình trạng thiếu ổn định.”

Một tin bi quan được RFI ghi về “Bộ luật ứng xử ở Biển Đông: Thượng đỉnh ASEAN ít hy vọng có đột phá...”

Nghĩa là, TQ vẫn ngang như cua. RFI viết:

“Vào thứ Tư tới, 24/04/2013, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN họp Thượng đỉnh trong hai ngày, tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei, với hy vọng tái lập tình đoàn kết, thống nhất nội bộ trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trước những đòi hỏi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Thượng đỉnh ASEAN tại Brunei lần này ít có hy vọng tạo được bước đột phá cho tiến trình xây dựng một bộ luật mang tính ràng buộc, về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (COC).”

Đáng ngại vậy. Bây giờ mới thấy là cần có hợp tác với Hoa Kỳ. Có thể là đã chậm mấy thập niên. Nhưng khi quan hệ bang giao quốc tế chậm mấy thập niên, nền kinh tế đã đi sau quốc tế, kể cả nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Mã Lai.... quá xa vậy.

Bản tin VFPress trong tháng 7-2012 cho biết một so sánh:

“Việt Nam hiện có GDP ở mức 106 tỷ. Tuy nhiên, dẫn đầu là Indonesia lại ở mức 708 tỷ USD...

Đứng thứ 2 là Thái Lan ở mức 319 tỷ USD, Malaysia vươn lên thứ 3 với 238 tỷ, Singapore là 213, và Philippines là 199,5 tỷ USD.

Dù Việt Nam đã có mức phát triển nhanh trong 20 năm qua, nhưng về khoảng cách tuyệt đối vẫn còn thua rất xa với các nước Đông Nam Á, chưa nói đến so với các nước trên thế giới. Khi nền kinh tế có quy mô ngày càng lớn, thì để đạt tăng trưởng cao như quá khứ là một việc rất khó khăn.”

Vậy mà bây giờ doanh nghiệp VN chết như rạ, thì còn sức đâu mà giữ đất, giữ biển nữa.

Biển Đông đáng ngạị vậy.



No comments:

Post a Comment

View My Stats