Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-04-22
2013-04-22
Hiện
tượng doanh nghiệp và chính quyền đứng sau lưng xã hội đen tấn công người dân
ngày càng trở nên công khai, phổ biến khiến xã hội như đang rơi vào sự hổn loạn
có chủ đích của các thế lực lợi ích nhóm được tiếp tay bởi chính quyền các cấp
đang là mồi lửa rất nguy hiểm hiện nay. Mặc Lâm tìm hiểu thêm chi tiết trong vụ
mới nhất này.
Chính quyền làm ngơ
cho xã hội đen lộng hành?
Vào
trưa ngày hôm qua hơn 50 côn đồ đã được công ty Hoa Thành thuê tới khu vực đất
tranh chấp tại xã Đại Thắng huyện Tiên Lãng tấn công người dân đang đấu tranh
đòi đền bồi giải tỏa cho họ. Nói đến côn đồ Hải Phòng người dân nghĩ ngay đến
những đầu gấu nổi tiếng từ những thập niên 80 khi các nhóm này cùng tháp tùng
những người vượt biên tìm tự do sang Hong Kong định cư trong các trại tỵ nạn
lúc bây giờ, đã cấu kết nhau dùng mọi thủ đoạn để tước đoạt vật phầm ít ỏi do
Cao Ủy phân phối cho người tỵ nạn. Những nhóm côn đồ này sau cùng lọt sổ qua
vài nước đa số là Canada một số khác bị cưỡng bức hồi hương về lại Việt Nam và
tiếp tục kiếm sống bằng những hành động phi pháp. Họ được bảo kê vì trong xã
hội Việt Nam không có bất cứ một hành động côn đồ nào có thể qua mắt được công
an khu vực.
Hơn
50 côn đồ vũ trang đã tấn công người dân tại đây gây ra thương tích cho hàng
chục người và cuối cùng thì không một tên lưu manh nào bị bắt mặc dù chính
quyền xã, huyện đã được thông báo và tới hiện trường chỉ để đứng nhìn sự rút
lui của bọn người này
Khi
các vụ tranh chấp đất đai nổ ra tại Văn Giang Dương Nội và những địa phương
khác, xã hội đen lại xuất hiện nhưng lần này với một tư thế khác, họ tập trung
từng nhóm hàng chục người vũ trang bằng dao kiếm cùng những hung khí lạ lùng
khác, kéo nhau tới những nơi có nông dân bám trụ giữ đất và dùng những động thái
khiêu khích, chửi bới người dân rồi sau đó tấn công họ mà không sợ bị bắt bởi
chính quyền sở tại.
Nhiều
câu chuyện tấn công như vậy đã xảy ra và chính quyền vẫn tiếp tục im lặng như
không phải phần việc của mình. Chưa có người dân nào chết nhưng mức độ thương
tật trên cơ thể của họ đã đủ nhiều để đánh động với dư luận quần chúng rằng côn
đồ đang được chính quyền thuê mướn hay chí ít bao che bằng sự im lặng để tấn
công những người không quy phục các hành vi mờ ám toa rập với doanh nghiệp để
lấy đất của người dân.
Câu
chuyện côn đồ tấn công người dân mất đất lại xảy ra vào ngày hôm qua, 21 tháng
Tư tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng Hải Phòng. Hơn 50 côn đồ vũ trang đã tấn
công người dân tại đây gây ra thương tích cho hàng chục người và cuối cùng thì
không một tên lưu manh nào bị bắt mặc dù chính quyền xã, huyện đã được thông
báo và tới hiện trường chỉ để đứng nhìn sự rút lui của bọn người này.
Ông Lương Văn Trinh,
người dân xã Đại Thắng huyện Tiên Lãng Hải Phòng, trực tiếp trong vụ tranh chấp
đất ngay từ đầu giữa người dân và doanh nghiệp cũng như chính quyền cho biết:
Cái
việc này nếu mà nói thì rất dài dòng nhưng từ quyết định sai trái của UBND
thành phố Hải Phòng dẫn đến việc này. Người ta tự ra quyết định thu hồi tự áp
đặt giá cho nhân dân. Khi dân người ta phát hiện và khiếu kiện thì người ta các
cấp chính quyền từ năm 2004 đến bây giờ không cấp chính quyền nào đứng ra giải
quyết việc này. Bây giờ doanh nghiệp thuê xã hội đen về đánh đập đàn áp cả buổi
chiều ngày hôm qua. Tôi là người đứng đầu đơn và khiếu nại đã chứng kiến việc
này từ đầu tới cuối, tất cả vụ việc xã hội đen người ta đàn áp nhân dân.
Bà
Lương Thị Đính bị đập gạch vào đầu. Photo Minh Khang/VTC
Khi chúng tôi hỏi cụ
thể vụ việc xảy ra như thế nào ông Trinh cho biết thêm chi tiết:
Vào
lúc 12 giờ 15 ngày 21 tháng Tư khi người dân phát hiện ra doanh nghiệp về có
thuê một số xã hội đen đang giở lều giở mọi thứ của nhân dân thì nhân dân ra
thì đã có mấy chục tên đầu cạo trọc xăm trổ đầy mình, khi nhân dân vào trong
ruộng của mình để sản xuất thì nó tập trung nó đánh một số người dân bị thương
rất đau. Thế nhưng hôm qua tôi có gọi chính quyền xã người ta đến kịp thời
nhưng nói thật với anh chính quyền xã hay huyện thì người dân chúng tôi rất
thất vọng về chính quyền rồi không nói gì về chính quyền huyện và xã nữa.
Tôi
rất thất vọng vì việc xảy ra như thế, yêu cầu chính quyền huyện và xã đứng ra
giải quyết, lập biên bản thì người ta không ký mà các phóng viên báo chí về thì
người ta bảo không ký cũng được còn quyết thế nào thì hồi sau các ông sẽ chịu
trách nhiệm về vấn đề này.
Theo
ông Trinh số người dân bị tấn công và mang thương tích đa số không nặng lắm chỉ
có hai người là chị Dính và ông Phượng là bị nặng. Chị Dính bị ném gạch vào đầu
hiện vẫn nằm viện, ông Trinh cho biết:
Dạ
mười một mười hai người, có một người hiện nay nằm nhẹp vì bị đánh vào cổ, còn
một chị vỡ đầu thì nằm viện chắc chắn hôm nay về còn một số người bị đánh tím
bầm chân tay vào ngực và mạn sườn rất là nhiều.
Chẳng lẽ quyết định
của chính quyền không giá trị
Công
ty Hoa Thành là chủ đầu tư và là công ty được chính quyền hỗ trợ trong việc
trưng thu đất đai của người dân. Khi vụ việc xảy ra người dân cho biết chính
công ty này thuê một công ty khác mang phương tiện cơ giới đến để san bằng
ruộng đất của bà con đang canh tác và để hỗ trợ việc làm này họ đã thuê côn đồ
không chế và tấn công bà con. Trong khi đó ông Hà Như Nam Tổng giám đốc công ty
Hoa Thành có mặt tại hiện trường nhưng không có một cử chỉ nào đối với côn đồ
hành hung người dân.
Ông Lương Văn Trinh : Dạ không, kể cả
ông Hà Như Nam đứng đấy vẫn không giải quyết vấn đề gì cả mà trước khi xảy ra
vụ đánh đập tôi đã hỏi ai là trưởng đoàn đại diện ở đây, nếu các anh đại diện
cho các người trong công ty về đây làm việc thì các anh có đầy đủ giấy tờ thủ
tục pháp lý hay không thì về ủy ban tỉnh với tôi làm việc nhưng họ không có một
thứ giấy tờ gì. Sau tôi mới áp giải ông Đài Loan thì ông ấy mới về. Về lập biên
bản nhưng ông ta không ký.
Cái
tin này người dân rất bức xúc. Trong xã hội chủ nghĩa mà làm sao chính quyền
lại để xảy ra những việc như thế này, tôi rất bức xúc và thất vọng về chính
quyền. Mình đường đường là xã hội chủ nghĩa, nhà nước mà lại để xã hội đen đánh
dân không tiếc tay giải phóng mặt bằng? Trong khi đó chính thành phố ra quyết
định ngừng đình chỉ thi công việc này. Quyết định ra rồi nhưng công ty Hoa
Thành vẫn cứ tiến hành làm việc không qua chính quyền vậy công ty này có coi
chính quyền coi nhà nước này ra cái gì nữa không?
Khi
chúng tôi hỏi thêm về chi tiết đền bù giải tỏa của chính quyền đối với khu vực
đất này thì được biết khu dất 88.000 m2 đất nông nghiệp của người dân xã Đại
Thắng đã được chính quyền đền bù cho mỗi mét vuông là 20.000 đồng. Sau khi tính
thêm các khoản hoa mầu thì giá tiền vẫn chỉ 23.700 một mét vuông. Tổng số các
hộ dân trong khu dất là 123 hộ và trong đó có 9 hộ không đồng ý với số tiền này
và hiện nay có tới 100 hộ dân không chịu giao đất.
Ông Lương Văn Trinh : Đúng rồi, người
ta áp đặt người ta quy định giá nhà nước đưa ra chỉ có như thế thôi, 23,700
cộng tất cả các khoản vào rồi, còn thực tế đền tiền hoa lợi không được như thế
đâu. Cái giá này anh có cần thì về đây em thông tin có cả giấy viết tay người
ta thông báo bằng giấy viết tay chứ không phải văn bản gì cả. Chủ tịch xã Đào
Văn Thuận bây giờ đã nghĩ rồi ổng ký tay thôi còn giá đất đền bù em có đầy đủ.
Những sai phạm gì anh cần thì về đây em cung cấp.
Điều
đáng nói là thành phố Hải Phòng đã ra lệnh cho doanh nghiệp ngưng không được
tiến hành giải tỏa vì chưa giải quyết dứt điểm nhưng công ty Hoa Thành vẫn tập
trung xã hội đen làm áp lực với người dân. Câu hỏi đặt ra hiện nay ai là người
chống lưng cho Hoa Thành để công ty này coi thường luật pháp Việt Nam như vậy.
Nói với chúng tôi về
việc làm sắp tới của bà con ông Lương Văn Trinh cho biết:
Chúng
em định tối nay họp dân, chính quyền xã và huyện không giải quyết thì sáng mai
chúng em hàng trăm người kéo nhau ra thành phố Hải Phòng. Việc đúng sai về đất
cát em chưa cần nói nhưng giải quyết cái vụ ngày 21 vừa qua thuê xã hội đen
đánh người chính quyền xã huyện không giải quyết thì UBND thành phố Hải Phòng
giải quyết thế nào thì trả lời chúng em. Sáng mai chúng em sẽ đi ra đó
Sự
căm phẫn của người nông dân vẫn có giới hạn. Họ chưa phản ứng mạnh vì còn tin
vào công lý và sự tha hóa chỉ là một hai cá nhân nào đó. Cho đến khi người dân
khẳng định được hầu hết cán bộ đều đứng về phía doanh nghiệp và im lặng cho xã
hội đen trấn áp bà con thì với số đông thầm lặng ấy họ không dễ gì bỏ cuộc.
Không lẽ lúc ấy chính quyền sẽ dùng tới quân đội chăng?
--------------------------------------------
23/04/2013
Vừa
có thêm vụ xô xát vì đất đai ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng hôm 21/4 giữa nông
dân và hàng chục người tự xưng là "bảo vệ" của công ty cổ phần Hoa
Thành.
Nơi
xảy ra xô xát giữa nông dân và nhóm 'bảo vệ' công ty Hoa Thành
Hoa
Thành là công ty được chính quyền Huyện Tiên Lãnh cho thuê lại đất để sản xuất
giày với diện tích khoảng hơn 88.000 mét vuông.
Ông
Lương Văn Chinh, nông dân ở xã Đại Thắng, Tiên Lãng nói với BBC, khoảng 12 giờ
trưa hôm 21/04, ông nghe mọi người báo là có đông người đến đập phá ruộng dưa
của bà con.
Ông
Chinh cho biết khi ông ra đến nơi thì thấy có “hai chục người mặc áo bảo vệ, áo
chống đạn và bốn mươi người xã hội đen, đầu trọc xăm trổ đầy mình, cởi trần,”
đang xô xát với bà con.
“Lúc
đầu chỉ có khoảng một chục nông dân, nhưng sau bà con gõ kẻng thì thêm rất
nhiều người nữa cũng tham gia,” phía nông dân có 11 người bị thương, ông Chinh
nói với BBC.
“Những
người vận áo chống đạn đứng chặn ở cửa công ty, còn bà con xô xát với nhóm côn
đồ, nên phía họ không ai làm sao hết”, ông nói thêm.
‘Chính
quyền làm ngơ’
"Bọn đánh người
dân như thế mà đứng nhìn xong đi ra ngoài thôi, chuồn dần hết thôi. Rất thất
vọng và lại còn nghi ngờ với chính quyền nữa".
Lương Văn Chinh,
nông dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng
Theo
ông Chinh, lúc xảy ra xô xát có mặt Chủ tịch, Phó chủ tịch và Trưởng công an xã
Đại Thắng, và sau đó khoảng ba phút, thì Chủ tịch, Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng
và công an huyện cũng có mặt, “thế mà họ thờ ơ”.
“Bọn
đánh người dân như thế mà đứng nhìn xong đi ra ngoài thôi, chuồn dần hết thôi.
Rất thất vọng và lại còn nghi ngờ với chính quyền nữa,” ông Chinh nói.
“Chủ
tịch có mặt ở đấy mà có giải quyết được vấn đề gì đâu. Mà hôm qua [21/04] về
hội trường dân lập biên bản mà tất cả các cấp lãnh đạo với cả Giám đốc công ty
Hoa Thành cũng không ký, bây giờ muốn gặp tôi tôi không tiếp”.
Khi
BBC liên hệ với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông Tùng cắt máy
sau khi nghe thấy phóng viên muốn hỏi về vụ việc ở xã Đại Thắng.
Trưởng
công an Huyện Tiên Lãng nói nên hỏi người phát ngôn, nhưng không thể cho số
điện thoại vì "đã để quên"; còn Chủ tịch xã Đại Thắng cũng dập máy.
Tuy
nhiên, theo truyền thông trong nước, ông Nguyễn Văn Tùng nói trong buổi họp báo
ngày 22/04, đã chỉ đạo cho công an làm rõ vụ ‘côn đồ’ đánh dân.
Ông
Tùng được báo Dân Trí trích lời xác nhận có vụ việc khoảng 70 người tự xưng là
bảo vệ công ty xô xát với dân, và việc làm của công ty Hoa Thành “không được
báo cáo với Ủy ban Nhân dân huyện,” và “đích thân Chủ tịch huyện đã ra hiện
trường chỉ đạo cơ quan chức năng giải tán đám đông”.
‘Anh
Vươn là anh hùng’
Theo
ông Chinh, các vụ bất đồng giữa người dân với chính quyền liên tục xảy ra gần
đây ở Tiên Lãng là do quyết định thu hồi đất trái luật và giá đền bù.
Riêng
chuyện của xã Đại Thắng, 153 hộ dân đã làm đơn khiếu nại từ tháng 08/2004 đến
nay, “và đã có rất nhiều công văn gửi về kể cả từ thành phố Hải Phòng đến huyện
Tiên Lãng, nhưng không cấp nào đứng ra giải quyết.”
“Giá
đền bù khi ấy người ta tính các khoản hỗ trợ, tất cả là có 20.700 đồng một mét
vuông, tính ra 8,5 triệu trên một sào”, ông Chinh nói.
Phía
các hộ dân khiếu kiện cũng cho rằng, quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng
là sai luật, vì chỉ được tính là thu hồi đất cho nhà nước nếu đó là các công
trình của nhà nước và có Thủ tướng ký.
Trường
hợp thu hồi đất cho công ty Hoa Thành thuê là để làm kinh doanh, thì phải đền
bù theo cơ chế thị trường, có thỏa thuận về giá cả giữa hai bên, huyện Tiên
Lãng và thành phố Hải Phòng không thể áp dụng mức giá đền bù của nhà nước.
Mặt
bằng do chính quyền Tiên Lãng muốn giải phóng để cho thuê vẫn chưa được giải
quyết do người dân không nhận tiền đền bù và không giao đất, mâu thuẫn giữa
phía công ty cổ phần Hoa Thành và nông dân đã căng thẳng từ nhiều năm nay, theo
truyền thông trong nước.
Ông
Nguyễn Văn Tùng, chủ tịch huyện Tiên Lãng cắt máy sau khi BBC nói muốn hỏi về
vụ xô xát
Cách
đây không lâu, phiên tòa xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn và chính quyền huyện
Tiên Lãng trong vụ xô xát do cưỡng chế đất đai cũng mới xảy ra, gặp phải nhiều
phản ứng khác nhau trong dư luận.
Ông
Lương Văn Chinh nói với BBC, ông Đoàn Văn Vươn là "anh hùng của hàng ngàn,
hàng triệu người nông dân Việt Nam, vì anh ấy đã dùng cái sai để chống lại cái
sai".
Báo
Tuổi
Trẻ ngày 22/04 chạy bài 'Côn đồ hành hung dân Tiên Lãng' trong đó mô
tả hơn 50 đối tượng lạ mặt đã dùng gậy gộc đánh đập những người dân không chịu
bàn giao đất cho Công ty TNHH Hoa Thành.
Bình
luận về bài báo này, nhà báo Huy Đức trên Facebook viết
'Nếu không bắt và trị tội những kẻ sử dụng côn đồ thì làm sao chính quyền
tránh khỏi bị mang tiếng côn đồ'.
Báo
Dân
Trí cùng ngày có bài 'Thuê côn đồ “quét” dân, giải phóng mặt bằng' cho
biết mô tả UBND huyện Tiên Lãng thông báo cho Cty CP Hoa Thành ngừng triển khai
xây dựng trên đất tranh chấp.
"Tuy
nhiên đơn vị này vẫn cố tình không chấp hành ý kiến chỉ đạo của TP Hải Phòng,
cố tình dùng sức mạnh cá nhân để thay luật định", bài báo bình luận.
Nguồn:
bbc.co.uk
***
Hải
Phòng:
Thuê côn đồ “quét” dân, giải phóng mặt bằng
Thu
Hằng
(Dân
trí) - Khoảng hơn 12h ngày 21/4, tại khu đất của dự án xây dựng công ty giày
đã xảy ra một vụ “đàn áp” của gần trăm côn đồ với những nông dân mất đất. Hậu
quả khiến 6 người dân bị đánh trọng thương.
Gần
100 côn đồ đánh dân không tiếc tay
Anh
Hoàng Văn Hào, 46 tuổi, trú thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP
Hải Phòng - nơi có dự án kể trên, thuộc Công ty CP Hoa Thành, kể lại:
Khoảng 12h, khi vừa đi làm đồng về, anh có việc đi qua đồng dưa (khu đất dự án)
thấy có rất đông người lạ mặt đáp hàng chục taxi vào ruộng của dân, dỡ lều, phá
bỏ hoa màu. Anh Hào chạy vào thì bị một nhóm người mặc đồng phục vệ sĩ, mặt
bặm trợn, xăm trổ đầy tay ngăn lại, hỏi đi đâu. Anh Hào nói muốn đi xem ruộng
đất sao lại bị phá, liền bị đám người đánh đấm túi bụi. Anh Hảo bỏ chạy về
làng đánh kẻng báo động cho mọi người.
Bà
Đoàn Thị Bé, 58 tuổi, trú đội 11 thôn Trâm Khê, chỉ vào vết bầm tím to ở đùi,
nói: “Tôi nghe kẻng báo động vội chạy ra thì thấy cả đoàn người mặt mũi hung
tợn dàn thành 3 vòng. Vòng trong cùng vây quanh ông Hà Như Nam (Giám đốc công
ty cổ phần Hoa Thành). Chưa kịp định thần thì nhóm côn đồ này lao tới túm tóc,
dùng cuốc xẻng tấn công mọi người. Tôi bị mấy cái cán cuốc vụt tới tấp vào
đùi, bụng,… Bà con ở phía ngoài ức quá cũng hốt cát ném trả nhưng không lại vì
bọn họ đông quá mà lại to khỏe, đầy sát khí”.
Chị
Lương Thị Dích, 47 tuổi, bị những “cơn mưa” gạch xối vào. Những viên gạch này
ngày thường nông dân dùng để chèn ni lông phủ dưa, nay thành vũ khí lợi hại cho
bọn côn đồ. Hậu quả chị Dích bị thủng đầu, mất nhiều máu.
30
phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an có mặt. Lúc này đã có 6
người dân bị trọng thương, được cơ quan an ninh đưa đi viện cấp cứu. Riêng
nhóm côn đồ không hiểu sao bình yên lên taxi rút đi.
Đi
tìm nguyên nhân
Sau
khi vụ việc xảy ra, người dân chia làm 2 nhóm, một ở lại căng cờ giữ đất, giữ
hoa màu; một kéo nhau về UBND xã Đại Thắng. Tại đây đã diễn ra cuộc đối
chất rất căng thẳng giữa Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Thành và 153 hộ dân bị
lấy đất làm dự án. Tuy nhiên cuộc đối chất “vỡ” như chợ khi ông Hà Như Nam,
Giám đốc công ty không trả lời được bà con lý do vì sao lại thuê giang hồ về
đánh dân?
Trao
đổi với phóng viên cuối giờ chiều ngày 21/4, ông Vũ Đức Cảnh - Phó Chủ tịch
UBND huyện Tiên Lãng - nêu quan điểm: Vụ việc cả trăm người lạ với thái độ du
côn về đây phá hoa màu của dân, dùng vũ lực đánh nhiều người dân bị thương sẽ
được điều tra làm rõ. Tuy nhiên mấu chốt của vấn đề là ở việc UBND TP Hải
Phòng đã có văn bản (4/2004) yêu cầu Sở TN-MT, UBND huyện Tiên Lãng thông báo
cho Cty CP Hoa Thành ngừng triển khai xây dựng trên đất đó. Tuy nhiên đơn vị
này vẫn cố tình không chấp hành ý kiến chỉ đạo của TP Hải Phòng, cố tình dùng
sức mạnh cá nhân để thay luật định.
Được
biết năm 2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định thu hồi hơn 88.000 m2
đất tại thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng cho Cty CP Hoa Thành thuê. Tuy nhiên những
hộ dân có đất chưa nhận được quyết định thu đất đến từng cá thể như quy định
của luật pháp. Vì thế trong 153 hộ, có 9 hộ dân không nhận đền bù và không
thuận bàn giao ruộng đất.
Vệ
sĩ trở lại ngay sau vụ đổ máu
Ông
Hoàng Văn Khang, một người dân không đồng tình với quy trình giao đất cũng như
mức giá đền bù, cho biết, dân chưa nhận hết tiền đền bù và chưa bàn giao mặt
bằng mà vẫn giao đất cho doanh nghiệp. Đất bị thu hồi với giá bèo bọt
(hơn 7 triệu đồng/360 m2 đất nông nghiệp).
Ông
Khang cho biết đã khiếu kiện gần chục năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết
theo đúng luật khiếu nại tố cáo. Đất đã được UBND thành phố giao và sau đấy lại
được chính thành phố ra quyết định yêu cầu không xây dựng trên đất này vì đang
có tranh chấp, nhưng doanh nghiệp vẫn cứ tiến hành.
Cụ
thể ngày 26/3/2013, công ty cổ phần Hoa Thành đã ký hợp đồng giao nhận thầu xây
dựng với Cty TNHH Quỳnh Dương. Ngày 10/4 vừa qua, Cty TNHH Quỳnh Dương lại ký
hợp đồng với Cty cổ phần dịch vụ bảo vệ Toàn Cầu thuê 120 người bảo vệ an ninh
cho việc xây dựng trái phép. Hợp đồng nêu rõ: Trong bất cứ tình huống nào, lực
lượng bảo vệ cũng không thể để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái chiếm của nông
dân trong khu đất dự án.
Vì
lẽ đó mà sau ít phút gây ra đổ máu, lực lượng vệ sĩ của công ty bảo vệ trên
lại trở lại khu đất bám trụ cùng nông dân và lực lượng công an địa bàn. Trong
khi đó cách hiện trường khoảng 500 mét, tại Km 40, quốc lộ 10, đoạn dưới chân
cầu Cựu, hàng chục đối tượng lạ mặt vẫn ngồi túc trực, cạnh đó là 11 chiếc ô
tô đang trong tư thế chờ sẵn.
T.H.
Nguồn:
dantri.com.vn
Phụ
lục: Video vụ chính quyền đàn áp nông dân Văn Giang – Hưng Yên ngày 24–4–2012
No comments:
Post a Comment